
Phái đoàn Mỹ và Ukraine trao đổi ở Paris, Pháp (Ảnh: Kyiv Post).
Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ với New York Post ngày 18/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã thông báo với các đối tác Mỹ rằng Kiev "đã đồng thuận tới 90%" với khung hòa bình do Ngoại trưởng Marco Rubio và hai đặc phái viên Mỹ nêu ra tại Paris, Pháp.
Hiện mọi việc phụ thuộc vào việc Nga có chấp thuận tham gia hay không.
"Tuần tới tại London, Anh, chúng tôi muốn đưa ra quyết định về một lệnh ngừng bắn toàn diện. Sau đó sẽ là cuộc thảo luận với phía Nga, để nói rằng đây là đề nghị cuối cùng và tốt nhất, nhằm xem cả hai bên thực sự đang ở đâu", quan chức Mỹ cho biết, đề cập tới cuộc gặp giữa 2 bên có thể diễn ra ở Anh.
Quan chức này cũng cảnh báo, Tổng thống Donald Trump sẵn sàng rút lui khỏi tiến trình thương lượng nếu Moscow từ chối đàm phán, để lại trách nhiệm cho các đồng minh châu Âu tiếp tục dẫn dắt nỗ lực này.
Mặc dù Ukraine chưa chính thức phê duyệt toàn bộ thỏa thuận, ông Umerov và đội ngũ của ông được cho là đang giải quyết những khúc mắc cuối cùng, trong đó có vấn đề then chốt là cách thức lệnh ngừng bắn sẽ xác định quyền kiểm soát lãnh thổ.
Theo quan chức Mỹ, Washington đang xem xét 2 phương án. Một là Mỹ công nhận Nga đang kiểm soát thực tế các vùng lãnh thổ tranh chấp, nhưng không có nghĩa là Ukraine từ bỏ chúng một cách vĩnh viễn. Hai là, Mỹ thừa nhận Nga đã sáp nhập vùng lãnh thổ đó và Ukraine sẽ không bao giờ lấy lại được.
Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục khẳng định Ukraine sẽ không bao giờ chính thức công nhận quyền kiểm soát của Nga với các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát. Tuy nhiên, Kiev có thể sẵn sàng "đóng băng" chiến tuyến tại ranh giới hiện tại, tức là chấp nhận thực trạng Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.
Để lôi kéo Moscow trở lại bàn đàm phán, đặc phái viên Steve Witkoff có thể đưa ra các biện pháp khuyến khích, bao gồm nới lỏng trừng phạt và khả năng giải phóng 300 tỷ USD tài sản Nga đang bị phong tỏa tại Brussels, Bỉ.
"Cây gậy thì ông Trump đã đưa ra, còn củ cà rốt cho Nga chính là việc xem xét giảm bớt các lệnh trừng phạt hiện có", quan chức Mỹ nói thêm.
Tuy nhiên, chiến lược này đang vấp phải chỉ trích vì đi ngược lại tuyên bố trước đó của ông Trump về việc sẽ gia tăng sức ép lên Điện Kremlin.
Ông Alex Plitsas, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo rằng nếu Mỹ rút viện trợ, không chỉ Ukraine mà cả NATO sẽ chịu tổn thất lớn.
Theo New York Times, hiện không có thảo luận nghiêm túc nào trong Nhà Trắng hay Quốc hội Mỹ về gói viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine, khi các khoản viện trợ từ thời cựu Tổng thống Joe Biden đang cạn dần. Cả chính quyền ông Trump lẫn giới lập pháp đều không có động thái rõ ràng, khiến các đồng minh châu Âu lo ngại.
Giới chức châu Âu cũng cho biết họ chưa nhận được bất kỳ đảm bảo nào từ phía Mỹ về việc tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine nói với Axios rằng Kiev lo ngại nếu Trump quyết định rút khỏi tiến trình đàm phán, điều đó sẽ dẫn đến việc viện trợ quân sự Mỹ bị đình chỉ hoàn toàn.
Axios cũng đưa tin rằng ông Trump đang ngày càng mất kiên nhẫn với tiến trình hòa đàm bế tắc. Dù liên tục gây áp lực lên Ukraine để chấp nhận ngừng bắn, các quan chức Mỹ lại tránh đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Moscow.