
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun (Ảnh: Xinhua).
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 23/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun cho biết, "nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, thì họ nên ngừng dọa dẫm, đồng thời bắt đầu đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và có đi có lại".
Ông Guo nói thêm rằng mặc dù Mỹ nói rằng muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng Washington vẫn liên tục gây sức ép cực độ, đây không phải là cách đúng đắn hoặc khả thi.
"Trung Quốc từ lâu đã chỉ ra rằng không có người chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan và chiến tranh thương mại. Tách rời và phá vỡ chuỗi sẽ chỉ tự cô lập mình. Đối với cuộc chiến thuế quan, quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng: Chúng tôi không muốn căng thẳng, nhưng cũng không sợ chiến đấu", ông Guo nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng cánh cửa của Trung Quốc luôn rộng mở nếu Mỹ muốn đàm phán, nhưng nếu Mỹ muốn chiến đấu, Trung Quốc sẽ "chiến đấu đến cùng".
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 145% với hàng hóa Trung Quốc, thậm chí có mặt hàng lên tới 245%. Bắc Kinh đáp trả bằng việc đánh thuế 125% với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Trong một động thái được cho là dấu hiệu xuống thang căng thẳng, Tổng thống Trump hôm 22/4 cho biết, Mỹ có thể giảm đáng kể thuế quan cho Trung Quốc.
"145% là rất cao, và nó sẽ không cao đến thế, cũng không gần mức đó. Chúng tôi sẽ giảm đáng kể (thuế quan cho Trung Quốc), nhưng sẽ không về 0%", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 22/4.
"Chúng ta sẽ rất tử tế, họ cũng sẽ rất tử tế, rồi chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra", ông Trump trả lời câu hỏi liệu ông có ý định cứng rắn với Trung Quốc hay không.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: "Nhưng cuối cùng họ bắt buộc phải đạt được một thỏa thuận vì nếu không, họ sẽ không thể làm ăn tại Mỹ. Chúng ta muốn họ tham gia. Họ và cả các quốc gia khác đều phải đạt được thỏa thuận, nếu không, chúng ta sẽ tự đặt ra thỏa thuận".
Các nhà quan sát cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Trump đã giảm bớt lập trường về chính sách thuế quan với Bắc Kinh, đặc biệt sau những tác động đến nền kinh tế.
Trong một diễn biến khác, Xinhua ngày 23/4 đưa tin, tại cuộc gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đang ở thăm Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, cuộc chiến thuế quan và thương mại chỉ làm suy yếu quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia, gây tổn hại đến hệ thống thương mại đa phương và tác động đến trật tự kinh tế thế giới.
Ông Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Azerbaijan và các nước để bảo vệ hệ thống quốc tế, cũng như thực hiện sâu rộng hoạt động thực thi pháp luật và hợp tác an ninh với phía Azerbaijan.
Hai nhà lãnh đạo đã công bố "việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Azerbaijan", bao gồm việc ký kết 20 văn kiện hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trong các lĩnh vực bao gồm pháp lý, phát triển xanh, kinh tế số, quyền sở hữu trí tuệ và hàng không vũ trụ.
Cả hai nước đều cam kết mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, chất lượng cao và năng lượng tái tạo.
Theo tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Azerbaijan và các nước khác dọc theo BRI để cải thiện hiệu quả vận chuyển hàng hóa và hải quan, đồng thời xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Caspi trực tiếp Trung Quốc - châu Âu an toàn và ổn định.