
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 22/4 (Ảnh: Reuters).
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ngày 23/4 tuyên bố Washington đã đưa ra "một đề xuất rất rõ ràng" để giải quyết xung đột Nga - Ukraine và sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán nếu Moscow và Kiev không đồng ý với kế hoạch này.
"Đã đến lúc họ phải nói đồng ý hoặc Mỹ phải rút khỏi tiến trình này", hãng tin Bloomberg trích lời ông Vance nói với các phóng viên trong chuyến thăm Ấn Độ.
Phó Tổng thống Vance cho rằng cả Nga và Ukraine sẽ phải từ bỏ một số vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát.
"Sẽ phải có một số cuộc trao đổi lãnh thổ", ông Vance nói.
Ông lưu ý rằng đường biên giới cuối cùng có thể không hoàn toàn theo đúng giới tuyến hiện tại, nhưng để chấm dứt tình trạng giết chóc, cả hai bên cần "hạ vũ khí, đóng băng xung đột và tiếp tục công việc xây dựng đất nước Nga cũng như đất nước Ukraine tốt đẹp hơn".
Theo Phó Tổng thống Mỹ, ông "lạc quan" về các cuộc đàm phán và ông nhận thấy tất cả các bên đều đã đàm phán một cách thiện chí cho đến nay.
Bình luận của Phó Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc các bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio cảnh báo, Mỹ sẽ rút nỗ lực trung gian đàm phán hòa bình nếu không nhận thấy dấu hiệu rõ ràng nào về việc các bên đạt được thỏa thuận.
Trang Axios dẫn nguồn thạo tin cho biết, Mỹ đã gửi cho Ukraine một dự thảo thỏa thuận hòa bình với Nga. Tài liệu dài một trang này được cho là phác thảo sau cuộc gặp giữa Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng, và được chuyển cho đại diện của Ukraine tại cuộc họp ở Paris cuối tuần trước.
Theo đề xuất thỏa thuận, Mỹ được cho là đã chuẩn bị công nhận "trên danh nghĩa" bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, và thừa nhận không chính thức quyền kiểm soát "trên thực tế" của Moscow đối với 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia.
Đề xuất cũng bao gồm các điều khoản dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau năm 2014 đối với Nga và tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Ngoài ra, Mỹ sẽ chính thức phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine.
Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được "bảo đảm an ninh mạnh mẽ" từ Liên minh châu Âu (EU) cũng như các quốc gia có cùng quan điểm khác. Tuy nhiên, đề xuất này không nêu chi tiết về cách thức hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình có thể được triển khai đến Ukraine. Nga đã liên tục phản đối việc triển khai lực lượng NATO tới Ukraine dưới bất kỳ lý do nào.
Theo Axios, một điều khoản khác của đề xuất này bao gồm việc chỉ định khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (ZNPP) là lãnh thổ trung lập dưới sự quản lý của Mỹ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, giải quyết xung đột Ukraine là vấn đề phức tạp không thể diễn ra vội vã, chóng vánh ngay cả khi báo Financial Times nói rằng Tổng thống Putin đã sẵn sàng đóng băng xung đột Ukraine theo chiến tuyến hiện tại, thu hẹp yêu sách về lãnh thổ.