
Xe tăng Leopard 2 của Ukraine bị Nga phá hủy ở mặt trận Zaporizhia (Ảnh: WM BLOOD).
Báo Spiegel đã xem xét bản ghi chép bài giảng được phó tùy viên quân sự của Đại sứ quán Đức tại Kiev phổ biến vào tháng 1 cho khoảng 200 sĩ quan quân đội Đức (Bundeswehr) tại thành phố Delitzsch.
Theo đó, cuộc chiến ở Ukraine đang cung cấp cho các nhà sản xuất vũ khí Đức và Bundeswehr thông tin quan trọng về mức độ hiệu quả và sự tin cậy của công nghệ quân sự Đức trong điều kiện chiến tranh thực tế.
Trích dẫn một tài liệu nội bộ của quân đội Đức, các báo Süddeutsche Zeitung và WDR cho biết, kinh nghiệm của những người lính Ukraine nhận được trong quá trình khai thác vận hành vũ khí từ Đức có phần đan xen lẫn lộn, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Phó tùy viên quân sự đã mô tả rõ ràng những vấn đề mà binh sĩ Ukraine phải đối mặt khi sử dụng vũ khí Đức trong chiến đấu. Các sĩ quan Bundeswehr đều ghi chép cẩn thận để có thể sử dụng dữ liệu mình được phổ biến cho mục đích huấn luyện đơn vị thuộc quyền.
Các nhận xét của phó tùy viên quân sự chủ yếu là tiêu cực. Trong khi pháo tự hành PzH 2000 vốn được mệnh danh là một "hệ thống vũ khí nổi bật" nhưng lại thể hiện "những điểm hạn chế đáng kể về mặt kỹ thuật đến mức khả năng chiến đấu của nó bị nghi ngờ nghiêm trọng".
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5, mặc dù chứng minh được "sự đáng tin cậy" ở mặt trận, "thường chỉ được sử dụng như pháo binh dã chiến do lớp giáp yếu". Và dòng Leopard 2A6 mới hơn lại tốn kém đến mức việc sửa chữa ở tuyến đầu là không thể.
Phòng không Ukraine khai hỏa đánh chặn UAV Nga ở Odessa
Đánh giá về hệ thống phòng không hiện đại cũng rất trái chiều. Mặc dù hệ thống IRIS-T rất hiệu quả, nhưng giá đạn dược lại quá cao và "không có đủ số lượng". Patriot về cơ bản là một "hệ thống vũ khí tuyệt vời" nhưng "không phù hợp để sử dụng trong chiến đấu" vì các xe chở bệ phóng và khí tài do hãng MAN sản xuất đã quá cũ và không còn phụ tùng thay thế nữa.
Tuy nhiên, một trong những hệ thống vũ khí cũ kỹ nhất, pháo cao xạ tự hành Gepard, dường như đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Theo tài liệu, Gepard là "hệ thống vũ khí phổ biến, hiệu quả và đáng tin cậy nhất ở Ukraine".
Quân đội Đức đã loại biên pháo Gepard từ trước khi chiến sự Ukraine bắt đầu, các hệ thống bị bỏ không đã được khôi phục để chuyển giao và một số hệ thống khác được mua ở nước ngoài.
Binh sĩ Ukraine dường như cũng gặp vấn đề với 5 bệ phóng pháo phản lực Mars do Đức cung cấp. Trong bài thuyết trình, phó tùy viên quân sự cho biết các hệ thống này là "bước ngoặt trên chiến trường" do tầm bắn xa của chúng. Tuy nhiên, các hệ thống của Đức chỉ "phù hợp một phần" để sử dụng ở Ukraine vì chúng không thể bắn các loại đạn chùm do Mỹ cung cấp.
Đức chỉ chuyển cho Ukraine đạn dược thông thường đi kèm các hệ thống này vì họ đã tham gia hiệp ước năm 2010 cấm các loại đạn như vậy. Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia khác đã cung cấp cho Ukraine đạn chùm. Các vấn đề tương tự với đạn dược từ các quốc gia khác cũng phát sinh với các khẩu pháo tự hành của Đức, nhưng dường như đã được giải quyết sau khi lập trình lại.
Nhóm quân nhân Đức tuyên bố rằng bài phát biểu của phó tùy viên ở Kiev chắc chắn phản ánh tình hình thực tế trên chiến trường. Tuy nhiên, vũ khí của Đức đã được triển khai ở Ukraine trong điều kiện khắc nghiệt, dẫn đến hao mòn đáng kể.
Ngoài ra, binh lính Ukraine ở Đức được đào tạo cấp tốc để sử dụng nhiều loại thiết bị khác nhau nhưng lại thường không có đủ thời gian để học về cách bảo dưỡng và chăm sóc chúng.
Các mặt trận ở Ukraine cũng thiếu cơ sở hạ tầng để đảm bảo chuỗi cung ứng vật tư sửa chữa. Mặc dù Đức đã thành lập các trung tâm sửa chữa, nhưng chúng thường nằm xa khu vực chiến sự.
Trước kế hoạch tái vũ trang lớn của chính phủ Đức, Sarah Nanni, phát ngôn viên về chính sách an ninh trong nhóm nghị sĩ đảng Xanh, cho biết: "Chúng ta phải tham gia vào một cuộc đối thoại hợp tác chặt chẽ với Ukraine, giải quyết cụ thể những thiếu sót này và tính đến chúng trong các lần mua sắm trong tương lai".
Vào ngày 17/3, Đức đã cập nhật danh sách viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó bao gồm, đặc biệt là pháo phòng không tự hành Gepard và máy bay không người lái bổ sung.