Thực hiện chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long

05/01/2025 06:00

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL là có ý nghĩa quan trọng không chỉ nâng cao, cải thiện đời sống cho người dân đồng bào DTTS, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.

TS. Nguyễn Thị Hoa

Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là có ý nghĩa quan trọng không chỉ nâng cao, cải thiện đời sống cho người dân đồng bào DTTS, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Trên cơ sở đánh giá thực trang, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách này ở ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: phát triển kinh tế, dân tộc thiểu số, Đồng bằng Sông Cửu Long, chính sách phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Summary

Implementing the economic development policy for ethnic minorities in the Mekong Delta is of great significance, not only to improve the lives of ethnic minorities but also to contribute to the socio-economic development of localities in the region. Based on the assessment of the current situation, the article proposes several solutions to improve the effectiveness of implementing this policy in the Mekong Delta in the current context.

Keywords: economic development, ethnic minorities, Mekong Delta, economic development policy for ethnic minorities

GIỚI THIỆU

Vùng ĐBSCL là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, với dân số hơn 17,273 triệu người. Trong đó, có 1,310 triệu người DTTS, chiếm 7,58% dân số của vùng và chiếm 9,28% số người dân tộc thiểu số cả nước. Trong vùng có 43 DTTS cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer: 1.141.2414 người, dân tộc Hoa: 149.449 người, dân tộc Chăm: 13.170 người, còn lại là các dân tộc khác: 6.147 người. Đồng bào DTTS ở ĐBSCL hiện nay sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh ở 9 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa, Chăm… Trong đó, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào DTTS (chiếm hơn 35% dân số toàn Tỉnh), nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer (Ủy ban Dân tộc, 2023).

Thời gian qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS được Đảng, Nhà nước ban hành, như: Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025... Nội dung chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là đầu tư cho phát triển, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau". Với mục tiêu: Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn. Quốc hội đã phê duyệt tổng nguồn vốn hơn 137.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình với 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 (Quốc hội, 2020).

Chương trình mục tiêu quốc gia về DTTS có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS ở ĐBSCL đang được các địa phương triển khai kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả tích cực. Nói cách khác, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm; nâng cao khả năng tiếp cận về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin kết hợp với các chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng đồng bào DTTS. Đời sống của đồng bào DTTS trong khu vực có chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, chất lượng đời sống được nâng lên.

THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS Ở ĐBSCL

Kết quả đạt được

Trong những năm qua, các cấp chính quyền ở ĐBSCL đã quan tâm và thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS trên địa bàn. Các chính sách đã giúp đồng bào DTTS có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc. Tính đến hết năm 2023, trên 99% xã vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL đã có đường cho xe ô tô đến trung tâm xã; bình quân 70% đường ấp, liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đã có 25.156 hộ được hỗ trợ đất ở, 120.000 hộ được hỗ trợ nhà ở; 9.728 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 73.107 hộ được hỗ trợ giải quyết việc làm; trên 139.000 lao động được đào tạo nghề và trên 204.319 lao động được hỗ trợ tạo việc làm mới; 105.800 hộ được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3%-4%/năm, đến nay còn 19,93% (cả nước 22,2%); tỷ lệ hộ có phương tiện nghe nhìn trên 98%, hộ có điện sử dụng trên 97%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 93,9%. Trong công tác chăm sóc sức khỏe, 100% xã trong vùng đều có trạm y tế, số lượng cán bộ y tế người DTTS ngày càng tăng (hiện có hơn 2.100 người); 100% hộ nghèo DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ học sinh người DTTS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng không ngừng tăng, việc dạy tiếng DTTS tại các trường vùng đồng bào DTTS được duy trì. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chính sách đối với người có uy tín được quan tâm triển khai thực hiện (Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới Trung ương, 2023).

Khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế cho đồng bào vùng DTTS ở ĐBSCL còn gặp một số khó khăn sau:

- Hệ thống chính sách phát triển kinh tế cho vùng đồng bào DTTS hiện nay ban hành theo hướng tổng thể chung của cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách phải phù hợp với từng địa phương, từng đặc điểm kinh tế vùng của DTTS sinh sống mới mang lại hiệu quả. Đồng bào DTTS ở ĐBSCL mang những nét khác biệt so với đồng bào DTTS ở các khu vực khác, do đó việc thực hiện chính sách cần phải chú trọng tới đặc thù phát triển kinh tế của khu vực, cũng như đặc điểm của đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các đối tượng thụ hưởng chính sách đối với hộ cận nghèo thuộc địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, Nhà nước chưa có quy định quy trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ được hỗ trợ đất ở của chính sách; chưa ban hành cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho các tỉnh có đông đồng bào DTTS, nên quá trình thực hiện chính sách gặp nhiều khó khăn... Nói cách khác, các chính sách ban hành còn nhiều nội dung bị hạn chế, chưa cụ thể dẫn đến quá trình thực hiện chưa phát huy thế mạnh của địa phương.

- Hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chính sách phát triển kinh tế vẫn còn mang nặng tính hình thức, chú trọng số lượng, mà chưa chú trọng đến phương thức thực hiện, cũng như hiệu quả của chính sách.

- Trình độ dân trí của đồng bào DTTS trong khu vực còn thấp nên việc tiếp cận chính sách gặp nhiều khó khăn. Một số người dân còn mang tâm lý “ỷ lại” trông chờ chính sách, không cố gắng thoát nghèo, tạo gánh nặng cho các cấp, các ngành của địa phương trong phân bổ ngân sách thực hiện chính sách.

- Đội ngũ cán bộ, công chức tham gia thực hiện chính sách còn hạn chế về năng lực nên quá trình thực hiện chính sách chưa phát huy hết tính hiệu quả. Ngoài ra, một số địa phương còn thiếu đội ngũ cán bộ, công chức tham gia vào quá trình thực hiện chính sách, nên chính sách ban xuống không được theo dõi, kiểm tra theo đúng lộ trình dẫn đến nhiều người dân tiếp cận chính sách, nhưng hiểu không đúng về chính sách.

- Đồng bào các DTTS sinh sống chủ yếu ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển; quá trình thực hiện chính sách nguồn vốn từ ngân sách địa phương chưa tự cân đối được, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, trong khi đó, ngân sách trung ương chưa bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện một số chính sách, do vậy không đạt được mục tiêu các chính sách đã được phê duyệt.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS Ở ĐBSCL

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL muốn mang lại hiệu quả cần phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội ở ĐBSCL. Từ những phân tích trên, bài viết xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế cho vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL theo hướng phát triển lợi thế vùng sản xuất nông nghiệp của cả nước. Tiếp tục rà soát tính hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế dành cho đồng bào DTTS. Xây dựng hệ thống chính sách phát triển kinh tế dành cho đồng bào DTTS gắn với đặc điểm, điều kiện kinh tế – xã hội, văn hóa của người dân ở ĐBSCL.

ĐBSCL là vùng có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đồng bào DTTS trên địa bàn có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này, do đó chính quyền các cấp cần chú trọng thực hiện chính sách phát triển kinh tế của đồng bào DTTS trên địa bàn gắn với phát triển nông nghiệp. Các địa phương cần chủ động rà soát lợi thế của từng vùng, từng dân tộc để tham mưu, điều chỉnh các chính sách theo hướng phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế của địa phương một cách bền vững (Vuong và Nguyen, 2024).

Hai là, đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện chính sách

- Các cấp, các ngành của địa phương cần quan tâm triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông, vận động đồng bào DTTS trong việc thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế. Hoạt động tuyên truyền chú trọng nâng cao nhận thức làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào vùng DTTS cho phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thực hiện chính sách trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như: thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các ấp, các thôn; phát thanh truyền hình tại các địa phương; cổng thông tin điện tử cấp huyện, cấp xã; phát tờ rơi đến các hộ gia đình... Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động sẽ giúp đồng bào DTTS nhận thức rõ ràng, cụ thể các nội dung, cũng như cách thức thực hiện chính sách.

- Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản/thôn/khóm trong hoạt động tuyên truyền vận động đồng bào DTTS tại các địa phương. Già làng, trưởng bản/thôn/khóm ở các xã đồng bào DTTS sinh sống là những người vô cùng quan trọng không chỉ tuyên truyền, vận động chính sách, mà họ còn cầu nối để kết nối người dân đồng bào DTTS với nhà nước. Vì vậy, vai trò của già làng, trưởng bản/thôn/khóm vô cùng quan trọng trong hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS hiểu và thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển kinh tế của địa phương.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham gia thực hiện chính sách ở các địa phương

Đội ngũ cán bộ, công chức chính là chủ thể tham gia thực hiện chính sách. Vì vậy, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia thực hiện chính sách là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của chính sách. Năng lực chính sách sẽ giúp cho quá trình tuyên truyền chính sách được cụ thể hơn, quá trình giám sát thực hiện chính sách đi đúng mục tiêu.

Năng lực của các chủ thể thực hiện chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL là yếu tố quyết định sự thành công của chính sách. Năng lực của các chủ thể thực hiện chính sách là thước đo hiệu quả nhất của quá trình thực hiện, bởi năng lực đó quyết định và chi phối đến quá trình thực hiện chính sách. Bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia thực hiện chính sách là nhu cầu cấp thiết trong quá trình thực hiện chính sách này tại các địa phương.

Bốn là, đổi mới phương thức theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách tại các địa phương

Để hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL thật sự có hiệu quả rất cần có sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền của các địa phương. Sự quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách cũng như kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện sẽ giúp cho chính sách đi đúng định hướng và đúng mục tiêu đề ra. Vì vậy, hoạt động này cần phải đổi mới phương thức, hướng tới chất lượng thay vì số lượng, không nên thực hiện mang nặng tính hình thức. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các dân tộc; đồng thời, quan tâm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham gia kiểm tra, giám sát, phản biện đối với việc triển khai thực hiện chính sách.

Năm là, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS ở ĐBSCL

Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS; tập trung đầu tư hệ thống đường giao thông đến các xã; đường liên xã, liên xóm và kết nối các xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn với nhau. Ưu tiên cho các tuyến đường kết nối với các khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế để tạo nên sự kết nối thông thương giữa các khu vực. Cở sở hạ tầng phát triển sẽ giúp cho sự trao đổi, giao thương giữa các vùng, các dân tộc trở nên dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế vùng.

Mặt khác, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn đảm bảo tất cả các xã có đường giao thông đi lại thuận lợi, có điện, hệ thống cấp nước, trạm xá, bưu điện, các cơ sở, dịch vụ sản xuất thiết yếu… Đây là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương.

KẾT LUẬN

Thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào trong khu vực. Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL tập trung đông đảo đồng bào DTTS, sống chủ yếu ở các vùng tốc độ phát triển kinh tế chậm, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Giải pháp thực hiện chính sách phải phù hợp với từng đặc điểm của đồng bào DTTS cũng như điều kiện tự nhiên và xã hội của từng địa phương, từ đó phát huy thế mạnh cũng như ngành nghề của địa phương./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2020), Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

2. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 18/10/2021phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

3. Ủy ban Dân tộc (2023), Báo cáo công tác dân tộc ở các địa phương ĐBSCL năm 2023.

4. Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới Trung ương (2023), Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.

5. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.

Ngày nhận bài: 08/12/2024; ngày phản biện: 20/12/2024; Ngày duyệt đăng: 26/12/2024

Bạn đang đọc bài viết "Thực hiện chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long" tại chuyên mục Diễn đàn khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.