Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ chức vụ

() - Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra.
Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ chức vụ - 1

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn (Ảnh: Reuters).

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đã ra quyết định đình chỉ công tác Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong lúc chờ xét xử vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm bà, gia tăng thêm áp lực lên chính phủ vốn đang chịu chỉ trích từ nhiều phía.

Trong thông cáo, tòa án cho biết đã chấp nhận đơn kiến nghị của 36 thượng nghị sĩ cáo buộc bà Paetongtarn không trung thực và vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức theo hiến pháp, liên quan đến vụ rò rỉ một cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Chính phủ Thái Lan dự sẽ được lãnh đạo tạm quyền bởi một phó thủ tướng trong thời gian tòa án xem xét vụ kiện chống lại bà Paetongtarn.

Theo trang Nation Thailand, toàn bộ 9 thẩm phán Tòa án Hiến pháp Thái Lan bỏ phiếu nhất trí xem xét đơn kiện chống lại Thủ tướng Paetongtarn. Ngoài ra, 7 thẩm phán bỏ phiếu ủng hộ phương án đình chỉ chức vụ của bà Paetorngtarn, trong khi hai thẩm phán còn lại phản đối.

Tòa yêu cầu bà Paetongtarn phải đệ trình văn bản bào chữa trong vòng 15 ngày. Đồng thời, tòa cũng yêu cầu bà tạm ngừng thực hiện nhiệm vụ thủ tướng từ ngày 1/7, cho đến khi có phán quyết cuối cùng về vụ kiện.

Theo Bangkok Post, trong thời gian bà Paetongtarn bị đình chỉ, Phó Thủ tướng Suriya Jungrungreangkit sẽ trở thành quyền Thủ tướng lãnh đạo chính phủ.

Kịch bản này không chỉ có nguy cơ bộc lộ mâu thuẫn nội bộ, mà còn làm gia tăng sức ép từ phe đối lập cũng như một bộ phận công chúng đang kêu gọi giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử sớm. Dù cuộc chiến pháp lý sẽ chưa thể khép lại ngay vào ngày 1/7, nhưng việc tòa quyết định thụ lý đơn kiện sẽ chính thức khởi động tiến trình xét xử, có khả năng tái định hình toàn cảnh chính trường Thái Lan.

Trong khi đó, bà Paetongtarn vẫn sẽ giữ ghế trong nội các với vai trò tân Bộ trưởng Văn hóa sau đợt cải tổ chính phủ vừa qua.

Chính phủ Thái Lan chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận về việc bà Paetongtarn bị đình chỉ chức vụ.

Đơn kiến nghị do 36 thượng nghị sĩ đệ trình ngày 19/6 đề nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan điều tra đoạn ghi âm bị rò rỉ về cuộc trò chuyện của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Họ cho rằng, đoạn ghi âm cho thấy bà Paetongtarn có thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức. Họ cũng cáo buộc bà đã lạm dụng quyền lực bằng cách trộn lẫn lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia, vi phạm nguyên tắc phụng sự công và quản trị minh bạch.

Họ đề nghị bãi nhiệm bà Paetongtarn khỏi chức vụ thủ tướng. Các thượng nghị sĩ cũng yêu cầu đình chỉ chức vụ của bà trong thời gian tòa xem xét vụ việc.

Trong cuộc điện đàm hôm 15/6 nhằm xoa dịu căng thẳng biên giới với Campuchia, bà Paetongtarn, 38 tuổi, bị cho là đã tỏ thái độ nhún nhường trước ông Hun Sen, trong khi chỉ trích một chỉ huy quân đội Thái Lan. Sau đó, bà đã công khai xin lỗi và nói rằng phát biểu này chỉ là một chiến thuật đàm phán.

Cuộc điện đàm ông Hun Sen bị rò rỉ đã đẩy chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra vào tình thế chông chênh khi liên minh cầm quyền giờ chỉ còn đa số sít sao. Một đảng chủ chốt đã rút khỏi liên minh và dự kiến sớm thúc đẩy bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, trong lúc các nhóm biểu tình kêu gọi bà từ chức.

Chính phủ của bà Paetongtarn đang vật lộn để hồi sinh nền kinh tế, trong khi mức độ ủng hộ dành cho bà giảm. Theo một cuộc khảo sát dư luận diễn ra từ 19/6 đến ngày 25/6, tỷ lệ ủng hộ bà giảm còn 9,2%, so với mức 30,9% hồi tháng 3.

Cha bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cũng đang đối mặt với các vấn đề pháp lý tại hai tòa án trong tháng này. Theo luật sư, ông Thaksin đã xuất hiện tại phiên tòa đầu tiên vào hôm nay tại Tòa Hình sự Bangkok để đối mặt với cáo buộc phỉ báng hoàng gia Thái Lan, một tội danh có thể bị phạt tới 15 năm tù nếu bị kết án. Ông Thaksin phủ nhận cáo buộc và nhiều lần tuyên bố trung thành tuyệt đối với hoàng gia.

Vụ án bắt nguồn từ một cuộc phỏng vấn ông Thaksin thực hiện với truyền thông vào năm 2015 khi đang sống lưu vong. Đến năm 2023, ông trở về Thái Lan sau 15 năm ở nước ngoài để thụ án tù vì xung đột lợi ích và lạm quyền. Ông được ân xá sau đó do vấn đề sức khỏe.