NCS, ThS Nguyễn Văn Vân
Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh
PGS.TS. Nguyễn Duy Thục
Trường Đại học Văn Lang
TS. Nguyễn Xuân Quyết
Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh
E-mail: 6013223002@huit.edu.vn
Tóm tắt
Dựa vào lý thuyết nguồn lực và lý thuyết nguồn tri thức, nghiên cứu này làm rõ tác động của chuyển đổi số tới lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đổi mới và sự tham gia của khách hàng là trung gian tác động của chuyển đổi số đến lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đưa ra một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistcs.
Từ khóa: Chuyển đổi số, lợi thế cạnh tranh, logistics, đổi mới, sự tham gia của khách hàng
Summary
Based on the resource-based view and knowledge-based view, this study clarifies the impact of digital transformation on the competitive advantage of logistics service providers in Ho Chi Minh City. The results indicate that innovation and customer engagement serve as mediators in the relationship between digital transformation and competitive advantage. Based on these findings, the authors propose several managerial implications to enhance the competitive edge of logistics service firms.
Keywords: Digital transformation, competitive advantage, logistics, innovation, customer engagement
GIỚI THIỆU
Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Theo Bộ Công Thương, quy mô của ngành dịch vụ logistics khoảng 42 tỷ USD/năm. Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đề ra mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP năm 2030 đạt 6-8%; đến năm 2050 đạt 12-15%.
TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước, có hệ thống cảng biển, vị trí giao thương thuận lợi, kết nối vùng sâu rộng ở khu vực phía Nam, được xem là một trong những trung tâm logistics lớn của cả nước. Theo Sở Thông Tin và Truyền Thông TP. Hồ Chí Minh, năm 2024, Thành phố có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% số doanh nghiệp logistics cả nước. Thành phố cũng chiếm 54% số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của Việt Nam, với khoảng 2.700 doanh nghiệp.
Mặc dù, thị trường ngành dịch vụ logistics được đánh giá đầy tiềm năng và hấp dẫn, nhưng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi phải có những giải pháp nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để thành công và tránh bị tụt hậu, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Do vậy, duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT, MÔ HÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Nghiên cứu sử dụng lý thuyết (RBV) và lý thuyết nguồn tri thức (KBV) để giải thích chuyển đổi số tác động đến lợi thế cạnh tranh thông qua trung gian đổi mới và sự tham gia của khách hàng.
Tổng quan và giả thuyết nghiên cứu
Barney (1991) cho rằng, lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp là việc doanh nghiệp đó có thể duy trì được một vị thế bền vững đối với các đối thủ trong cùng ngành hoặc là doanh nghiệp đó có thể triển khai một chiến lược tạo lập giá trị mà đối thủ cạnh tranh hiện tại hay trong tương lai gần không thực hiện hay bắt chước được.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là thay đổi tổ chức do việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), công nghệ di động, nhân bản sao kỹ thuật số và nền tảng truyền thông xã hội, để cải thiện hoạt động kinh doanh, các quá trình và các mối quan hệ của các doanh nghiệp (Zhao và cộng sự, 2023).
Đổi mới (Innovation) là một khái niệm khá rộng, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau và tới nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất dù đã được nghiên cứu từ rất sớm, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi số có tác động tích cực đến đổi mới tại các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu Almaazmi và cộng sự (2020) cho rằng chuyển đổi số ảnh hưởng tích cực đến đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nghiên cứu của Susanti và cộng sự (2023) cho thấy, chuyển đổi số có tác động tích cực đến đổi mới của các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành tại Indonesia. Từ đó, giả thuyết H1 được đề xuất như sau:
H1: Chuyển đổi số có ảnh hưởng tích cực đến đổi mới của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh.
Một số nghiên cứu cho rằng, đổi mới là nguồn lợi thế cạnh tranh chính trong kỷ nguyên kinh tế tri thức bởi vì thông qua sự khác biệt, doanh nghiệp có thể duy trì lợi thế cạnh tranh của mình tốt hơn. Trong đó, nghiên cứu của Susanti và cộng sự (2023), chỉ ra đổi mới có tác động tích cực đến lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành tại Indonesia. Từ đó, giả thuyết H2 được đề xuất như sau:
H2: Đổi mới có ảnh hưởng tích cực đến lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh.
Sự tham gia của khách hàng đề cập đến mức độ mà khách hàng tham gia vào việc thiết kế, sản xuất/cung cấp, phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ (Ngo và O'Cass, 2013). Nghiên cứu của Zhao và cộng sự (2023) cho thấy, chuyển đổi số có tác động tích cực đến sự tham gia của khách hàng (người dùng) tại các doanh nghiệp tại Trung Quốc. Khi một doanh nghiệp trải qua quá trình chuyển đổi số, các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, nền tảng truyền thông xã hội, điện toán đám mây và thiết bị di động được sử dụng từ đó tương tác với khách hàng tốt hơn, qua đó cải thiện hoạt động kinh doanh và lợi thế cạnh tranh. Từ đó, giả thuyết H3 được đề xuất như sau:
H3: Chuyển đổi số có ảnh hưởng tích cực đến sự tham gia của khách hàng cung cấp dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu của Zhao và cộng sự (2023), cho rằng sự tham gia của khách hàng/người dùng có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Ngo và O’Cass (2013), sự tham gia của khách hàng có tác động tích cực đến chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ cao điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Nghiên cứu của Feng và cộng sự (2010), cho rằng sự tham gia của khách hàng có tác động đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc thuộc các ngành công nghiệp khác nhau. Từ đó, giả thuyết H4 được đề xuất như sau:
H4: Sự tham gia của khách hàng có ảnh hưởng tích cực đến lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ các giả thuyết trên, mô hình nghiên cứu được đề xuất như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
![]() |
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả |
Phương pháp nghiên cứu
Đo lường
Nghiên cứu kế thừa và điều chỉnh, thang đo chuyển đổi số (Zhao và cộng sự, 2023), thang đo đổi mới (Calantone và cộng sự, 2002), thang đo sự tham gia của khách hàng (Ngo và O'Cass, 2013) và thang đo lơi thế cạnh tranh (Azeem và cộng sự, 2021).
Nghiên cứu sử dụng phương pháp kết hợp giữa nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Đối tượng cho nghiên cứu định lượng là các quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh.
Thu thập và xử lý dữ liệu
Nhóm tác giả thực hiện khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh với 400 bảng câu hỏi (phỏng vấn trực tiếp qua phiếu khảo sát), từ tháng 10 đến tháng 12-2024. Sau khi xử lý dữ liệu, 380 quan sát đáng tin cậy đã được thu thập và sử dụng để phân tích dữ liệu. Vì mô hình lý thuyết có một tập hợp các mối quan hệ đan xen nên mô hình cấu trúc tuyến tính (PLS-SEM) đã được sử dụng để kiểm tra các giả thuyết trên. Phân tích dữ liệu đã được thực hiện trên phần mềm SPSS 26 và AMOS phiên bản 24.0.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Phân tích độ tin cậy của thang đo
Bảng 1: Tổng hợp kiểm định các thang đo và các biến quan sát bị loại
| Yếu tố | Mã hóa | Biến quan sát | Hệ số Alpha | Kết quả |
1 | Chuyển đổi số | DT | Không | 0,847 | Chất lượng tốt |
2 | Đổi mới | INNO | Không | 0,821 | Chất lượng tốt |
3 | Sự tham gia của khách hàng | CP | Không | 0,831 | Chất lượng tốt |
4 | Lợi thế cạnh tranh | CAD | Không | 0,850 | Chất lượng tốt |
Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả
Chỉ số Cronbach’s Alpha của các yếu tố trong Bảng 1 đều từ 0,821 trở lên (> 0,6) và chỉ số tương quan biến tổng > 0,3 nên sẽ được sử dụng để chấp nhận các thang đo và biến quan sát đạt yêu cầu cho các phân tích tiếp theo.
Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA) nghiên cứu chính thức: Hệ số KMO = 0,888 (> 0,5) và kiểm định Bartlett’s có Sig. = 0,000 ( 1) và có tổng phương sai trích bằng 62,512% (> 50%) nên đủ điều kiện phân tích yếu tố.
Phân tích nhân tố khẳng định (CFA)
Kết quả phân tích nhân tố khẳng định (CFA) cho thấy, CMIN/df là 3,105 (> 1) là tốt. TLI = 0,932; CFI = 0,947 và NFI = 0,915 là tốt do lớn hơn 0,90. RMSEA tốt do 0,075
Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM
Hình 2: Kết quả phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM)
![]() |
Nguồn: Phân tích dựa trên mẫu nghiên cứu của nhóm tác giả |
Kết quả trình bày tại Hình 2 cho thấy, mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) có giá trị Cmin/df = 3,070; TLI = 0,933; CFI = 0,946; NFI = 0,923; RMSEA = 0,074. Như vậy, mô hình tích hợp phù hợp với dữ liệu thực tế.
Kiểm định giả thuyết nghiên cứu
Bảng 2: Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu
Giả thuyết | Mối quan hệ | Estimate | S.E. | C.R. | P | Kết luận | ||
H1 | INNO |
| DT | 0,486 | 0,054 | 8,988 | 0,000 | Chấp nhận |
H2 | CAD |
| INNO | 0,805 | 0,054 | 14,779 | 0,000 | Chấp nhận |
H3 | CP |
| DT | 0,255 | 0,055 | 4,671 | 0,000 | Chấp nhận |
H4 | CAD |
| CP | 0,611 | 0,059 | 10,329 | 0,000 | Chấp nhận |
Nguồn: Phân tích dựa trên mẫu nghiên cứu của nhóm tác giả
Kết quả được trình bày trong Bảng 2 cho thấy: các giả thuyết đều được chấp nhận ở mức tin cậy trên 95% hoặc cao hơn (P_value ≤ 0,05).
Kiểm định Bootrapping
Khi phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) thường yêu cầu mẫu lớn, trong khi nghiên cứu học thuật thường bị giới hạn về cỡ mẫu. Trong những trường hợp như vậy, Bootstrap là một giải pháp phù hợp thay thế.
Bảng 3: Kết quả kiểm định Bootrapping (N = 1000)
![]() |
Nguồn: Phân tích dựa trên mẫu nghiên cứu của nhóm tác giả |
Giá trị tuyệt đối của CR nhỏ hơn hoặc bằng 2 nên có thể nói độ lệch rất nhỏ; sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở độ tin cậy 95%. Kết quả hệ số hồi quy trước Bootstrap là đáng tin cậy với độ tin cậy lớn hơn hoặc bằng 95%. Bảng 3 cho thấy kết quả hệ số hồi quy trước Bootstrap là đáng tin cậy.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Nghiên cứu xác định chuyển đổi số có tác động tích cực đến đổi mới (với β = 0,486). Kết quả nghiên cứu phù hợp với nghiên cứu của Almaazmi và cộng sự (2020) cho rằng chuyển đổi số ảnh hưởng tích cực đến đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp tại các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất; nghiên cứu của Susanti và cộng sự (2023), chỉ ra, chuyển đổi số có tác động tích cực đến đổi mới của các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành tại Indonesia.
Đồng thời nghiên cứu xác định đổi mới có tác động tích cực đến lợi thế cạnh tranh (với β = 0,805). Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với các nghiên cứu được nêu tại phần Tổng quan.
Nghiên cứu xác định chuyển đổi số có tác động tích cực đến sự tham gia của khách hàng (β = 0,255), phù hợp với nghiên cứu của Zhao và cộng sự (2023) cho thấy chuyển đổi số có tác động tích cực đến sự tham gia của khách hàng (người dùng) tại các doanh nghiệp tại Trung Quốc và các nghiên cứu khác.
Ngoài ra nghiên cứu xác định sự tham gia của khách hàng có tác động tích cực đến lợi thế cạnh tranh (với β = 0,611), phù hợp với nghiên cứu của Zhao và cộng sự (2023), cho rằng sự tham gia của khách hàng/người dùng có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp tại Trung Quốc; nghiên cứu của Ngo và O’Cass (2013), cho rằng sự tham gia của khách hàng có tác động tích cực đến chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ cao điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh...
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistcs cần thực hiện chuyển đổi số. Khi thực hiện chuyển đổi số, cần tập trung đến thu thập dữ liệu, vì chuyển đổi số mang lại cơ hội thu thập và phân tích dữ liệu lớn một cách hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường, khách hàng, người tiêu dùng. Dữ liệu này có thể được sử dụng để đưa ra quyết định kinh doanh chiến lược, dự đoán xu hướng thị trường và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị. Để nắm bắt được xu hướng của thị trường, các doanh nghiệp nên tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tạo ra những dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Hạn chế của nghiên cứu này và hướng nghiên cứu trong tương lai: Khi đánh giá lợi thế cạnh tranh, nghiên cứu này chỉ tập trung đo lường lợi thế cạnh tranh thông qua thành quả của lợi thế cạnh tranh, chưa sử dụng tập trung vào chiến lược cạnh tranh như chiến lược dẫn đầu chi phí hay chiến lược khác biệt hóa. Nghiên cứu trong tương lai cần đo lường lợi thế cạnh tranh ở các khía cạnh chiến lược cạnh tranh như dẫn đầu về chi phí hay chiến lược khác biệt.
Tài liệu tham khảo:
1. Adisaksana, H. (2022). The Effect of Digital Transformation, Business Innovation Models, and Creativity on MSME Performance with Competitive Advantage as Intervening Variable. Indonesian Interdisciplinary Journal of Sharia Economics (IIJSE), 5(2), 608-629.
2. Almaazmi, J., Alshurideh, M., Al Kurdi, B., & Salloum, S. A. (2020, September). The effect of digital transformation on product innovation: a critical review. In International conference on advanced intelligent systems and informatics (pp. 731-741). Cham: Springer International Publishing.
3. Azeem, M., Ahmed, M., Haider, S., & Sajjad, M. (2021). Expanding competitive advantage through organizational culture, knowledge sharing and organizational innovation. Technology in Society, 66, 101635.
4. Barney, J. (1991). Firm resources and sustained competitive advantage. Journal of management, 17(1), 99-120.
5. Calantone, R. J., Cavusgil, S. T., & Zhao, Y. (2002). Learning orientation, firm innovation capability, and firm performance. Industrial marketing management, 31(6), 515-524.
6. Li, S., Gao, L., Han, C., Gupta, B., Alhalabi, W., & Almakdi, S. (2023). Exploring the effect of digital transformation on Firms’ innovation performance. Journal of Innovation & Knowledge, 8(1), 100317.
7. Ngo L. V. O’Cass A. (2013). Innovation and business success: The mediating role of customer participation. Journal of Business Research, 66(8), 1134-1142.
8. Susanti, E., Mulyanti, R. Y., & Wati, L. N. (2023). MSMEs performance and competitive advantage: Evidence from women’s MSMEs in Indonesia. Cogent Business & Management, 10(2), 2239423.
9. Zhao, F., Meng, T., Wang, W., Alam, F., & Zhang, B. (2023). Digital Transformation and Firm Performance: Benefit From Letting Users Participate. Journal of Global Information Management (JGIM), 31(1), 1-23.
Ngày nhận bài: 25/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 30/6/2025; Ngày duyệt đăng: 1/7/2025 |