
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 24/7 cho biết ông đã liên lạc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Thái Lan và Campuchia, đồng thời kêu gọi cả hai nhà lãnh đạo hạ nhiệt căng thẳng.
“Tối nay, tôi đã nói chuyện với cả Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Malaysia về sự leo thang căng thẳng dọc biên giới của họ”, ông Anwar viết.
“Trong các cuộc trao đổi của chúng tôi, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025 của Malaysia, tôi đã trực tiếp kêu gọi cả hai nhà lãnh đạo ngừng giao tranh ngay lập tức để ngăn chặn các hành động leo thang tiếp theo, đồng thời tạo không gian cho đối thoại hòa bình và giải pháp ngoại giao”, ông Anwar nêu rõ.
Thủ tướng Anwar cho biết cả Campuchia và Thái Lan đều sẵn sàng xem xét ngừng giao tranh.
“Tôi hoan nghênh những tín hiệu tích cực và thiện chí của cả Bangkok và Phnom Penh trong việc xem xét hướng đi này. Malaysia sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này trên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chung của ASEAN”, nhà lãnh đạo Malaysia nhấn mạnh.
Thủ tướng Anwar cho biết, ông tin tưởng chắc chắn rằng sức mạnh của ASEAN nằm ở sự đoàn kết và hòa bình luôn là lựa chọn chung và kiên định của khu vực.
Trước đó, Thủ tướng Malaysia cũng kêu gọi Thái Lan và Campuchia hạ nhiệt căng thẳng và tham gia đàm phán sau các cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á.
“Diễn biến này rất đáng lo ngại. Họ là những thành viên quan trọng của ASEAN. Họ rất gần gũi với Malaysia và tôi đã trao đổi thông điệp với cả hai thủ tướng… Mọi nỗ lực đang được thực hiện, nhưng tôi vẫn tin tưởng chắc chắn rằng hòa bình là lựa chọn duy nhất hiện nay”, ông Anwar nói với các phóng viên trước khi liên lạc với Thủ tướng Campuchia và Quyền Thủ tướng Thái Lan.
Các nước kêu gọi hạ nhiệt tình hình
Bộ Ngoại giao Philippines cũng bày tỏ hy vọng Campuchia và Thái Lan có thể xử lý căng thẳng theo luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
“Chúng tôi kêu gọi cả hai bên dành sự quan tâm và chăm sóc cho những dân thường có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc đụng độ đang diễn ra”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.
“Philippines không đưa ra bất kỳ lập trường nào về tranh chấp này, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở và đảm bảo hạ nhiệt tình hình”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết thêm.
Manila cho biết đang liên tục theo dõi tình hình và sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho người dân Philippines đang sinh sống tại Campuchia và Thái Lan nếu cần thiết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun cho biết Bắc Kinh rất quan ngại về những diễn biến hiện tại và hy vọng cả Thái Lan và Campuchia có thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn.
“Láng giềng tốt đẹp và giải quyết thỏa đáng các bất đồng phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của cả hai bên”, ông Guo nói.
Người phát ngôn cho biết Trung Quốc sẽ giữ “lập trường công bằng và khách quan” trong các cuộc xung đột.
“Bắc Kinh đã và sẽ tiếp tục, theo cách riêng của mình, nỗ lực hết sức để thúc đẩy hòa bình và đối thoại, đồng thời đóng một vai trò xây dựng trong việc xoa dịu và hạ nhiệt tình hình”, ông Guo nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya cũng cho biết Nhật Bản đang nỗ lực khuyến khích cả Campuchia và Thái Lan hạ nhiệt tình hình.
“Một mối quan hệ tốt đẹp giữa Campuchia và Thái Lan là vô cùng quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhật Bản kêu gọi cả Campuchia và Thái Lan kiềm chế tối đa và hy vọng căng thẳng giữa hai nước sẽ được xoa dịu một cách hòa bình thông qua đối thoại”, nhà ngoại giao Nhật Bản tuyên bố.
AFP dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 25/7 sau các cuộc đụng độ biên giới giữa Campuchia và Thái Lan.
Căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia leo thang từ cuối tháng 5 sau vụ đụng độ ngắn ở khu vực biên giới chưa phân định ranh giới rõ ràng, trong đó một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.
Tình hình tiếp tục căng thẳng sau các vụ nổ mìn ở biên giới. Một vụ nổ mìn ở biên giới hôm 23/7 khiến 5 binh sĩ Thái Lan bị thương, trong đó một binh sĩ bị mất chân. Sau vụ việc, hai bên đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với nhau.
Các cuộc đụng độ đã nổ ra ngày 24/7 tại ít nhất 6 vị trí dọc theo khu vực biên giới đang tranh chấp. Phía Thái Lan cho biết ít nhất 11 dân thường và một quân nhân đã thiệt mạng do vụ pháo kích từ Campuchia.
Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai ngày 24/7 tuyên bố, trước tiên các cuộc giao tranh phải chấm dứt, sau đó Thái Lan và Campuchia mới có thể đàm phán giải quyết căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết Bangkok không cắt hoàn toàn quan hệ với Phnom Penh và vẫn duy trì các kênh đối thoại để hạ nhiệt xung đột.