
Binh lính Thái Lan trên xe quân sự ở tỉnh Buriram khi đụng độ biên giới nổ ra vào ngày 25/7 (Ảnh: Reuters).
Thái Lan và Campuchia đang trải qua cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trong hơn một thập niên qua, với các cuộc đấu pháo qua biên giới tranh chấp, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á vào tháng 5, sau vụ một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong một cuộc đấu súng ngắn. Căng thẳng liên tục leo thang kể từ đó, gây ra các cuộc tranh cãi ngoại giao và bây giờ là các cuộc đụng độ vũ trang.
Tình hình hiện tại
Các cuộc đụng độ giữa quân đội Thái Lan và Campuchia đã nổ ra vào sáng sớm ngày 24/7 dọc theo khu vực tranh chấp giáp với một ngôi đền cổ, nhanh chóng lan sang các khu vực khác dọc theo biên giới tranh chấp. Các cuộc đấu pháo hạng nặng tiếp tục nổ ra trong ngày thứ hai, 25/7.
Thái Lan đã triệu hồi đại sứ tại Phnom Penh và trục xuất đại sứ Campuchia vào ngày 24/7. Hai nước cũng hạ cấp quan hệ ngoại giao lẫn nhau. Động thái này nhằm đáp trả việc hai binh sĩ Thái Lan bị thương do trúng mìn mà Bangkok cáo buộc do quân đội Campuchia cài ở khu vực biên giới gần đây. Campuchia bác bỏ cáo buộc này là vô căn cứ.
Cả hai bên đều cáo buộc nhau nổ súng đầu tiên, châm ngòi cho cuộc giao tranh hôm 24/7. Các cuộc đụng độ cho đến nay khiến ít nhất 15 dân thường thiệt mạng, hầu hết bên phía Thái Lan.
Campuchia đã triển khai các bệ phóng pháo gắn trên xe tải, mà Thái Lan cho biết đã được sử dụng để nhắm vào các khu vực dân sự, trong khi lực lượng vũ trang Thái Lan đã điều động máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất để tập kích các mục tiêu quân sự bên kia biên giới.
Theo chính quyền địa phương, khoảng 130.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực biên giới Thái Lan đến những địa điểm an toàn hơn, trong khi khoảng 12.000 gia đình ở phía Campuchia đã được sơ tán khỏi khu vực giao tranh.
Nguồn cơn tranh chấp
Trong hơn một thế kỷ, Thái Lan và Campuchia đã tranh chấp chủ quyền tại nhiều vị trí chưa được phân định dọc theo biên giới đất liền dài 817km, khu vực được Pháp vẽ bản đồ lần đầu tiên vào năm 1907 khi Campuchia còn là thuộc địa của Pháp.
Tấm bản đồ, mà sau này Thái Lan đã phản đối, dựa trên một thỏa thuận rằng biên giới sẽ được phân định dọc theo đường phân thủy tự nhiên giữa hai nước.
Năm 2000, hai nước đã đồng ý thành lập Ủy ban Biên giới Chung để giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn, nhưng vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp.
Các yêu sách về quyền sở hữu các di tích lịch sử đã làm gia tăng căng thẳng về chủ nghĩa dân tộc giữa hai nước. Đáng chú ý là vào năm 2003, khi những người biểu tình đốt phá đại sứ quán Thái Lan và các doanh nghiệp Thái Lan tại Phnom Penh vì một phát ngôn được cho là của một người nổi tiếng Thái Lan. Người này đã đặt câu hỏi về thẩm quyền đối với ngôi đền Angkor Wat được công nhận là Di sản Thế giới của Campuchia.
Ngôi đền gây tranh cãi

Đền Preah Vihear (Ảnh: Xinhua).
Ngôi đền Hindu từ thế kỷ 11 có tên Preah Vihear, hay Khao Phra Viharn theo cách gọi của Thái Lan, đã trở thành tâm điểm tranh chấp trong nhiều thập niên, khi cả Bangkok và Phnom Penh đều tuyên bố chủ quyền lịch sử.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết đền Preah Vihear thuộc về Campuchia vào năm 1962, nhưng Thái Lan vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất xung quanh ngôi đền.
Căng thẳng leo thang vào năm 2008 sau khi Campuchia cố gắng đưa đền Preah Vihear vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, dẫn đến các cuộc giao tranh kéo dài nhiều năm và khiến hơn 10 người thiệt mạng, bao gồm cả cuộc đấu pháo kéo dài một tuần vào năm 2011.
Hai năm sau, Campuchia tìm cách diễn giải phán quyết năm 1962 và Tòa án Công lý Quốc tế một lần nữa ra phán quyết có lợi cho Campuchia, tuyên bố vùng đất xung quanh ngôi đền cũng là một phần của Campuchia và yêu cầu quân đội Thái Lan rút lui.
Tranh chấp gần đây

Đụng độ xảy ra gần đền Ta Moan Thom tại khu vực tranh chấp ở biên giới Campuchia - Thái Lan (Ảnh: Nikkei).
Bất chấp tranh chấp lịch sử, chính phủ hiện tại của Thái Lan và Campuchia vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm, một phần nhờ mối quan hệ thân thiết giữa các cựu lãnh đạo có ảnh hưởng của hai nước, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc đã trỗi dậy ở Thái Lan sau khi phe bảo thủ năm ngoái đặt câu hỏi về kế hoạch đàm phán với Campuchia để cùng khai thác tài nguyên năng lượng tại các vùng biển chưa được phân định, cảnh báo động thái này có thể khiến Thái Lan mất đảo Koh Kood ở Vịnh Thái Lan.
Căng thẳng cũng gia tăng vào tháng 2 khi một nhóm người Campuchia được quân đội hộ tống đã hát quốc ca tại một ngôi đền Hindu cổ khác mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, Ta Moan Thom, trước khi bị quân đội Thái Lan ngăn chặn.
Nỗ lực của Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của ông Thaksin, nhằm xoa dịu tình hình trong một cuộc điện đàm vào tháng trước với ông Hun Sen đã bất ngờ phản tác dụng, sau khi bản ghi âm cuộc điện đàm ban đầu bị rò rỉ và sau đó được nhà lãnh đạo Campuchia công bố đầy đủ.
Trong cuộc điện đàm, nữ thủ tướng 38 tuổi dường như đã chỉ trích một chỉ huy quân đội Thái Lan và có phần nhún nhường trước ông Hun Sen, gây ra sự phẫn nộ của công chúng và khiếu nại từ một nhóm thượng nghị sĩ Thái Lan, dẫn đến việc bà bị đình chỉ chức vụ theo lệnh của tòa án vào ngày 1/7.
Nỗ lực giải quyết căng thẳng
Sau vụ đụng độ vào ngày 28/5, cả Thái Lan và Campuchia đã nhanh chóng cam kết giảm căng thẳng, ngăn chặn xung đột gia tăng và tìm kiếm đối thoại thông qua ủy ban biên giới chung trong cuộc họp vào ngày 14/6.
Hai nước láng giềng đã ra các tuyên bố ngoại giao, cam kết hòa bình và bảo vệ chủ quyền, nhưng quân đội của hai bên vẫn được huy động gần biên giới.
Trong khi đó, Campuchia cho biết các cơ chế hiện có không hiệu quả và dự định đưa các tranh chấp ở 4 khu vực biên giới lên Tòa án Công lý Quốc tế để giải quyết các vấn đề "chưa được giải quyết và nhạy cảm" mà họ cho rằng có thể làm gia tăng căng thẳng.
Thái Lan chưa công nhận phán quyết của ICJ về vụ tranh chấp này và muốn giải quyết song phương.
Sau các cuộc đụng độ hôm 24/7, Campuchia đã gửi thư lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để ngăn chặn hành động quân sự của Thái Lan.
Trong khi đó, Thái Lan tuyên bố các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra sau khi Campuchia chấm dứt giao tranh.