Sát thủ không chiến mới của Nga: Mồi bẫy hay "bộ não của bầy UAV"?

() - Ukraine cảnh báo mối nguy hiểm từ các UAV cỡ nhỏ hình dạng giống Shahed của Nga.
Sát thủ không chiến mới của Nga: Mồi bẫy hay bộ não của bầy UAV? - 1

Nga không ngừng cải tiến công nghệ UAV trong thời gian qua, gây thách thức cho phòng không Ukraine (Ảnh: Defense Express).

Nga gần đây đã triển khai loại UAV có hình dạng giống phiên bản thu nhỏ của Shahed có thể mang tới 15kg thuốc nổ và hoạt động như một vũ khí lảng vảng. Nhiều chuyên gia nhận định, những UAV này có thể đóng vai trò mồi bẫy, để buộc Ukraine kéo căng năng lực phòng không, tốn tên lửa đánh chặn nhằm bào mòn đối phương. 

Tuy nhiên, theo Ukraine, mối đe dọa thực sự nằm ở việc chúng sử dụng công nghệ mạng lưới mesh để điều khiển các chiếc Shahed cỡ lớn, biến các UAV tham gia không chiến thành một "bầy đàn" hỏa lực cỡ lớn.

Khoảng một tuần trước, lực lượng Nga đã bắt đầu triển khai loại UAV Shahed mini có khả năng tấn công mục tiêu di động. Các chuyên gia từ Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine đã kiểm tra một số chiếc UAV loại này để phân tích năng lực và thành phần cấu tạo.

UAV này hiện được gọi là CBTS.611000, dù tên gọi chính thức bằng tiếng Nga vẫn chưa rõ. Biệt danh Shahed mini chỉ xuất phát từ ngoại hình: Nó sử dụng thiết kế cánh bay với đầu cánh cong lên, nhưng thực chất nhỏ hơn nhiều và phục vụ mục đích khác.

Theo Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, “một số báo cáo cho rằng UAV này có thể mang đầu đạn nặng tới 15kg”. Nó cũng được trang bị camera, cho phép hoạt động như một vũ khí lảng vảng tương tự UAV tự sát Lancet.

Tuy nhiên, tính năng then chốt nhất là việc tích hợp modem RFD900x kết hợp với bộ điều khiển bay Pixhawk. Chuyên gia Serhii “Flash” Beskrestnov nhấn mạnh đây là điểm đáng lo ngại. Modem RFD900x với công suất phát 1 watt có thể liên lạc ở khoảng cách tới 40km (và tối đa 80km trong điều kiện lý tưởng), hỗ trợ mã hóa AES.

Cấu hình này cho phép điều khiển UAV từ xa qua liên kết dữ liệu và tạo điều kiện cho các hoạt động kiểu bầy đàn với nhiều UAV được trang bị modem giống nhau, theo chuyên gia Beskrestnov.

Ông cũng cho rằng thiết bị này, cũng được tìm thấy trong các UAV kiểu “Geran”, có thể cho thấy Nga đang chuẩn bị tích hợp khả năng điều khiển bằng sóng radio cho một số chiếc Shahed.

Đáng chú ý là các UAV Geran từng bị phát hiện mang modem mạng mesh XK-F358, cho phép tạo ra mạng lưới liên lạc bền vững. Trong cấu hình này, các UAV hoạt động như nút tiếp sóng động, chia sẻ dữ liệu và mở rộng phạm vi tín hiệu. Mạng mesh có khả năng chống tác chiến điện tử cao và vẫn hoạt động được ngay cả khi một số UAV bị bắn hạ, đặc biệt trong các cuộc tấn công theo bầy đàn.

Công nghệ mạng lưới mesh là một mô hình kết nối trong đó các thiết bị trong mạng đều có thể liên lạc trực tiếp với nhau và tự động định tuyến dữ liệu qua các trung gian để đến đích  không cần phải đi qua một điểm cố định như máy chủ.

“Trên thực tế, điều này sẽ cho phép các chiếc Shahed liên lạc với nhau, đóng vai trò như trạm tiếp sóng tín hiệu và được điều khiển từ xa bằng sóng radio. Khả năng này hỗ trợ các đòn tấn công phối hợp vào mục tiêu di chuyển, giám sát hoạt động phòng không theo thời gian thực và dẫn đường cho các cuộc tấn công ở nơi mà tác chiến điện tử Ukraine đã gây nhiễu GPS”, ông Beskrestnov kết luận.

Điều này sẽ làm gia tăng sự nguy hiểm của các cuộc tấn công theo kiểu "bầy đàn" khi các UAV Shahed cỡ lớn và cỡ nhỏ sẽ cùng liên kết vào một mạng lưới, mỗi mắt xích sẽ đóng vai trò như một phần của "bộ não".

Khi tín hiệu được truyền đi, cả bầy UAV sẽ cùng nhận được và gia tăng hiệu quả tấn công, cũng như tránh né mối đe dọa trên không nhờ khả năng trinh sát bằng camera gắn trên các vũ khí. 

Trong một cuộc tập kích, các UAV sẽ liên tục truyền tin về thực địa thông qua kết nối, đảm nhiệm các nhiệm vụ để đảm bảo đòn tấn công hiệu quả nhất.