Phân tích thực trạng hành vi chấp nhận dịch vụ Fintech của sinh viên đại học tại Việt Nam

Nghiên cứu này khảo sát sinh viên nhằm phân tích mức độ chấp nhận Fintech theo đặc điểm nhân khẩu học, từ đó đưa ra khuyến nghị chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp và nhà quản lý.

Phạm Thị Trúc Quỳnh, Nguyễn Thị Diệu Vy,

Nguyễn Thị Duyên, Đặng Thị Thùy Nhung, Phạm Tuấn Huy

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Email: Quynhptt@haui.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu này khảo sát 578 sinh viên đại học tại Hà Nội nhằm phân tích hành vi chấp nhận dịch vụ Fintech. Kết quả cho thấy các dịch vụ phổ biến như ví điện tử, Mobile và Internet Banking được sử dụng thường xuyên, trong khi các dịch vụ như đầu tư, tín dụng và bảo hiểm số còn ít được tiếp cận. Sự khác biệt trong ý định và hành vi chấp nhận phụ thuộc vào năm học và mức thu nhập, nhưng không bị ảnh hưởng bởi giới tính hoặc ngành học. Nghiên cứu cung cấp căn cứ thực nghiệm quan trọng cho việc phát triển sản phẩm và chiến lược tiếp cận nhóm người dùng trẻ.

Từ khóa: Fintech, sinh viên đại học, hành vi chấp nhận, ý định sử dụng

Summary

This study surveyed 578 university students in Hanoi to analyze their acceptance behavior toward Fintech. The results indicate that commonly used services include e-wallets, mobile banking, and internet banking, while advanced services such as investment, credit, and digital insurance remain less accessible. Differences in Fintech usage intention and acceptance behavior were found to be associated with academic year and income level, but not significantly influenced by gender or field of study. The study provides empirical evidence to support product development and strategic outreach targeting young users in the digital finance era.

Keywords: Fintech, university students, behavioral acceptance, usage intention

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, Fintech ngày càng đóng vai trò trọng yếu trong đổi mới hệ sinh thái tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán, đầu tư và tín dụng cá nhân. Tại Việt Nam, sinh viên đại học – nhóm người dùng trẻ, am hiểu công nghệ – đang dần trở thành đối tượng chủ lực sử dụng các dịch vụ Fintech như Mobile Banking và ví điện tử (Statista, 2022). Tuy nhiên, các dịch vụ nâng cao như đầu tư hay bảo hiểm vẫn còn ít được tiếp cận. Hành vi chấp nhận Fintech của sinh viên chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tiện ích nhận thức, thói quen công nghệ và thu nhập, trong đó ý định sử dụng được xem là yếu tố dự báo hành vi hiệu quả (Venkatesh và cộng sự, 2012; Khuong và cộng sự, 2022). Nghiên cứu này khảo sát sinh viên nhằm phân tích mức độ chấp nhận Fintech theo đặc điểm nhân khẩu học, từ đó đưa ra khuyến nghị chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp và nhà quản lý.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Ý định sử dụng dịch vụ Fintech của sinh viên đại học được hiểu là mức độ cam kết của sinh viên trong việc sẽ tiếp tục sử dụng hoặc khuyến nghị sử dụng các dịch vụ tài chính số trong tương lai. Ý định hành vi là yếu tố trung gian phản ánh khả năng chuyển đổi nhận thức thành hành động, và là một biến phụ thuộc quan trọng trong nhiều mô hình lý thuyết như TAM (Davis, 1989) hay UTAUT (Venkatesh và cộng sự, 2012).

Mức độ chấp nhận dịch vụ Fintech của sinh viên đại học phản ánh hành vi thực tế trong việc sử dụng các dịch vụ Fintech, như tần suất sử dụng, phạm vi dịch vụ đã dùng và mức độ tích hợp Fintech vào đời sống tài chính hằng ngày. Trong nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, mức độ chấp nhận được xem là giai đoạn sau ý định hành vi, thể hiện kết quả thực tế của quá trình ra quyết định (Ajzen, 1991; Venkatesh và Davis, 2000).

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu tiến hành khảo sát sinh viên đại học tại Việt Nam trong năm 2025, thông qua thang đo Likert 5 điểm nhằm đo lường hành vi và ý định sử dụng Fintech. Số phiếu phát ra là 600 phiếu, thu về 578 phiếu hợp lệ. Các phiếu thu về hợp lệ được mã hóa và nhập vào phần mềm SPSS và SmartPLS để thực hiện phân tích.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tần suất sử dụng các dịch vụ Fintech của sinh viên đại học

Kết quả khảo sát ở Bảng 1 cho thấy hành vi sử dụng dịch vụ Fintech có sự phân hóa rõ rệt theo loại hình dịch vụ. Các dịch vụ cơ bản như Internet Banking và Mobile Banking được sử dụng phổ biến, với lần lượt 63,5% và 53,9% sinh viên lựa chọn mức “thường xuyên” và “rất thường xuyên”. Ví điện tử cũng ghi nhận tỷ lệ sử dụng cao (51,9%), phản ánh xu hướng ưu tiên tiện lợi, nhanh chóng trong thanh toán. Ngược lại, các dịch vụ tài chính nâng cao như tiết kiệm (34,4%), tín dụng (26,5%), đầu tư (23,7%) và bảo hiểm trực tuyến (27,9%) có mức sử dụng thấp hơn đáng kể. Đáng chú ý, trên 48% sinh viên cho biết ít hoặc không sử dụng đầu tư và bảo hiểm trực tuyến, phản ánh sự dè dặt trước các dịch vụ tài chính có tính rủi ro và dài hạn.

Bảng 1: Kết quả khảo sát sinh viên Đại học về tần suất và mức độ sử dụng các dịch vụ Fintech

Phân tích thực trạng hành vi chấp nhận dịch vụ Fintech của sinh viên đại học tại Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Ý định sử dụng các dịch vụ Fintech của sinh viên đại học

Kết quả khảo sát tại Bảng 2 cho thấy sinh viên có ý định sử dụng Fintech khá tích cực, với điểm trung bình từ 3,56 đến 3,61 trên thang đo 5 điểm. Ý định tiếp tục sử dụng Fintech trong tương lai đạt điểm cao nhất (3,61), cho thấy xu hướng duy trì hành vi sử dụng. Các ý định sử dụng cho nhiều loại giao dịch hơn (3,58) và giới thiệu cho người khác (3,56) cũng được đánh giá cao. Tuy nhiên, độ lệch chuẩn quanh mức 1,0 phản ánh sự phân hóa, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng và niềm tin dịch vụ để khai thác hiệu quả nhóm người dùng trẻ.

Bảng 2: Kết quả khảo sát về ý định sử dụng dịch vụ Fintech của sinh viên đại học

Phân tích thực trạng hành vi chấp nhận dịch vụ Fintech của sinh viên đại học tại Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Kết quả kiểm định ở Bảng 3 cho thấy có sự khác biệt ý nghĩa thống kê về ý định sử dụng Fintech theo giới tính (Sig. = 0,020), với nữ (3,63) cao hơn nam (3,42). Theo năm học, sinh viên năm 3 có ý định sử dụng cao nhất (3,86), cho thấy mức độ trưởng thành và trải nghiệm tài chính ảnh hưởng tích cực đến hành vi (Sig. = 0,034). Về thu nhập, nhóm từ 5–10 triệu đồng có ý định sử dụng cao nhất (4,13), trong khi nhóm trên 10 triệu lại thấp nhất (2,94), phản ánh nhu cầu tiết kiệm và linh hoạt của nhóm thu nhập trung bình (Sig. = 0,000). Ngược lại, ngành học không có sự khác biệt đáng kể (Sig. = 0,930), cho thấy Fintech là nhu cầu chung của sinh viên bất kể chuyên ngành.

Bảng 3: Kiểm định sự khác biệt về ý định sử dụng các dịch vụ Fintech của các nhóm sinh viên đại học

Phân tích thực trạng hành vi chấp nhận dịch vụ Fintech của sinh viên đại học tại Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Mức độ chấp nhận các dịch vụ Fintech của sinh viên đại học

Kết quả khảo sát ở Bảng 4 cho biết sinh viên có mức độ chấp nhận Fintech khá tích cực với điểm trung bình dao động từ 3,52 đến 3,56 trên thang 5 điểm. Chỉ tiêu sử dụng Fintech nhiều lần/tuần hoặc tháng có điểm cao nhất (3,56), cho thấy Fintech đã trở thành công cụ quen thuộc trong giao dịch hằng ngày. Tuy nhiên, độ lệch chuẩn trên 1 ở cả ba chỉ tiêu cho thấy sự phân hóa trong mức độ sử dụng giữa các cá nhân, đặc biệt về sự đa dạng hóa dịch vụ. Điều này phản ánh tiềm năng phát triển các dịch vụ nâng cao và nhu cầu nâng cao nhận thức tài chính số trong cộng đồng sinh viên.

Bảng 4: Kết quả khảo sát về mức độ chấp nhận các dịch vụ Fintech của sinh viên đại học Việt Nam

Phân tích thực trạng hành vi chấp nhận dịch vụ Fintech của sinh viên đại học tại Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Kết quả kiểm định trong Bảng 5 cho thấy mức độ chấp nhận Fintech giữa các nhóm sinh viên có sự khác biệt theo năm học và thu nhập, nhưng không theo giới tính và ngành học. Cụ thể, sinh viên năm 3 có điểm trung bình cao nhất (3,9237), trong khi sinh viên năm 1 và năm 2 thấp hơn (3,4831 và 3,4503), cho thấy mức độ chấp nhận tăng theo trải nghiệm học tập. Về thu nhập, nhóm từ 5–10 triệu đồng/tháng có mức chấp nhận cao nhất (4,1667), trong khi nhóm trên 10 triệu lại thấp nhất (2,7586), phản ánh vai trò của động lực tài chính trong hành vi sử dụng Fintech. Mặt khác, sự khác biệt giới tính (Sig. = 0,107) và ngành học (Sig. = 0,697) không đủ ý nghĩa thống kê, dù nữ có điểm trung bình cao hơn nam (3,5737 so với 3,4184). Điều này cho thấy Fintech đang dần trở thành một công cụ tài chính phổ quát, vượt qua rào cản nhân khẩu học cơ bản trong cộng đồng sinh viên.

Bảng 5: Kiểm định sự khác biệt về mức độ chấp nhận sử dụng dịch vụ Fintech giữa các nhóm sinh viên khác nhau

Phân tích thực trạng hành vi chấp nhận dịch vụ Fintech của sinh viên đại học tại Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, sinh viên đại học Việt Nam có xu hướng sử dụng Fintech tích cực, đặc biệt là với các dịch vụ thanh toán phổ biến như Internet Banking, Mobile Banking và ví điện tử – trong đó mức sử dụng thường xuyên và rất thường xuyên chiếm trên 50%. Tuy nhiên, các dịch vụ chuyên sâu như tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm vẫn còn hạn chế do sinh viên dè dặt với các cam kết tài chính dài hạn, phù hợp với thực trạng thu nhập và hiểu biết tài chính còn thấp. Mức độ sẵn sàng sử dụng tiếp tục và giới thiệu Fintech cho người khác đạt điểm trung bình từ 3,56 đến 3,61, cho thấy nền tảng hành vi đã tích cực nhưng chưa đồng đều. Độ lệch chuẩn xấp xỉ 1 cho thấy vẫn tồn tại sự phân hóa trong niềm tin và mức độ gắn với thị trường Fintech của sinh viên tại Việt Nam.

Phân tích theo đặc điểm cá nhân cho thấy sinh viên nữ, năm học cao và nhóm thu nhập trung bình (3–10 triệu đồng) là những nhóm có mức độ chấp nhận cao nhất. Trong khi đó, giới tính và ngành học không tạo ra sự khác biệt thống kê rõ rệt. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các dịch vụ cơ bản và nâng cao phản ánh sự thiếu hụt kiến thức và rào cản tài chính.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm thúc đẩy hành vi chấp nhập Fintech của sinh viên đại học trong thời gian tới:

- Tập trung vào sinh viên năm ba và năm tư: Các doanh nghiệp Fintech nên ưu tiên tiếp cận nhóm sinh viên năm cuối – những người có nhu cầu tài chính cao và mức độ chấp nhận Fintech tích cực nhất. Việc triển khai chương trình ưu đãi theo năm học hoặc hợp tác với trường đại học sẽ giúp gia tăng hiệu quả tiếp thị. Đồng thời, sản phẩm cần được tùy biến để phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của nhóm này.

- Đẩy mạnh giáo dục tài chính cho sinh viên năm đầu: Cần triển khai các chương trình truyền thông và đào tạo tài chính sớm cho sinh viên năm nhất, năm hai – nhóm còn thận trọng với Fintech. Nội dung nên nhấn mạnh đến lợi ích về tiết kiệm, an toàn và tiện lợi của dịch vụ. Việc giáo dục tài chính từ đầu sẽ giúp hình thành thói quen sử dụng Fintech bền vững.

- Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng: Fintech cần cải thiện giao diện ứng dụng theo hướng thân thiện, dễ thao tác và rõ ràng về thông tin. Thiết kế cần phù hợp với hành vi số của sinh viên, giảm rào cản tiếp cận và nâng cao mức độ tin cậy. Hệ thống hỗ trợ, phản hồi và bảo mật cũng phải được tích hợp đầy đủ để duy trì niềm tin.

- Phát triển sản phẩm phù hợp với thu nhập sinh viên: Doanh nghiệp nên thiết kế các gói dịch vụ chi phí thấp như miễn phí giao dịch, hoàn tiền hoặc tiết kiệm linh hoạt cho nhóm thu nhập trung bình – nhóm sử dụng Fintech tích cực nhất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các giải pháp như tín dụng vi mô hoặc bảo hiểm nhỏ lẻ. Điều này giúp mở rộng thị phần và thúc đẩy tài chính toàn diện trong giới trẻ./.

Tài liệu tham khảo

1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179–211.

2. Davis, F. D. (1989). Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology, MIS Quarterly, 13(3), 319–340.

3. Hu, X., Dai, H., & Yao, L. (2019). Exploring the intention to adopt Fintech services: The perspective of university students in China, Sustainability, 11(18).

4. Khuong, N. V., Phuong, N. T. T., Liem, N. T., Thuy, C. T. M., Son, T. H. (2022). Factors affecting the intention to use financial technology among Vietnamese youth: Research in the time of COVID-19 and beyond, Economies, 10(3).

5. Statista (2022). Fintech user penetration in Vietnam, retrieved from https://www.statista.com/statistics/1227335/vietnam-Fintech-user-penetration/.

6. Venkatesh, V., Davis, F. D. (2000). A theoretical extension of the technology acceptance model: Four longitudinal field studies, Management Science, 46(2), 186–204.

7. Venkatesh, V., Thong, J. Y. L., Xu, X. (2012). Consumer acceptance and use of information technology: Extending the unified theory of acceptance and use of technology, MIS Quarterly, 36(1), 157–178.

Ngày nhận bài: 14/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 10/5/2025; Ngày duyệt đăng: 19/5/2025