Khả năng tiếp cận vốn vay đối với khách hàng cá nhân tại Agribank - Chi nhánh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Nghiên cứu này đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay đối với khách hàng cá nhân tại Agribank - Chi nhánh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, qua đó đề xuất các giải pháp phù hợp. Việc cải thiện khả năng tiếp cận vốn không chỉ giúp khách hàng phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng

PGS., TS. Bùi Văn Trịnh

Trường Đại học Cửu Long

Trương Ngọc Phương Nhi

Ngân hàng Agribank – Chi nhánh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Email: tnpnhi93@gmail.com

Bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu tiếp cận vốn vay ngân hàng của khách hàng cá nhân ngày càng tăng cao, đặc biệt tại khu vực nông thôn như thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận tín dụng còn gặp nhiều rào cản do yếu tố thu nhập, tài sản đảm bảo, thủ tục hành chính... Nghiên cứu này đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay đối với khách hàng cá nhân tại Agribank - Chi nhánh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, qua đó đề xuất các giải pháp phù hợp. Việc cải thiện khả năng tiếp cận vốn không chỉ giúp khách hàng phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Đây là vấn đề mang tính thực tiễn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Từ khóa: Tiếp cận vốn vay, khách hàng cá nhân, ngân hàng thương mại, yếu tố ảnh hưởng, tín dụng nông thôn.

Summary

In a growing economy, the demand for loan access among individual customers is increasing, especially in rural areas such as Cai Lay Town, Tien Giang Province. However, access to credit remains constrained by several barriers, including income levels, collateral requirements, and administrative procedures. This study evaluates the factors affecting loan accessibility and proposes appropriate solutions. Improving access to loans not only supports customers in developing their economic activities but also enhances the operational efficiency of commercial banks. This is a highly practical issue with significant social implications.

Keywords: Loan accessibility, individual customers, commercial banks, influencing factors, rural credit

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Theo Nguyễn Văn Tiến (2020), tiếp cận tín dụng là khả năng của cá nhân hoặc tổ chức vay vốn từ ngân hàng một cách kịp thời, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế. Khả năng này chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như thu nhập, tài sản đảm bảo, mục đích vay, lịch sử tín dụng và các điều kiện kinh tế - xã hội liên quan. Theo Kotler và Keller (2020), khách hàng cá nhân là những người tiêu dùng cuối cùng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng như vay vốn, gửi tiền, thanh toán, đầu tư...

Trong hoạt động tín dụng, tài sản đảm bảo đóng vai trò là công cụ giảm thiểu rủi ro, giúp tăng độ tin cậy cho khoản vay (Nguyễn Văn Tiến, 2020). Ngoài ra, hiệu quả sử dụng vốn vay cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng, phản ánh năng lực tài chính và khả năng sinh lời của khách hàng (Nguyễn Minh Kiều, 2018). Các phương pháp tiếp cận tín dụng thường được phân chia thành: tiếp cận theo cung, theo cầu, thể chế và hành vi, mỗi phương pháp cung cấp một góc nhìn riêng biệt (Trần Huy Hoàng, 2021).

Đồng thời, các tiêu chí đánh giá mức độ tiếp cận vốn vay được chia thành 2 nhóm: định lượng (dư nợ, tỷ lệ phê duyệt, lãi suất, thời gian xử lý hồ sơ…) và định tính (sự hài lòng, rào cản thủ tục, mức độ phù hợp của chính sách tín dụng) theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mô hình nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lý thuyết, kết hợp với các nghiên cứu thực nghiệm, mô hình nghiên cứu khả năng tiếp cận vốn vay đối với khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)- chi nhánh thị xã Cai Lậy được đề xuất như Hình 1.

Khả năng tiếp cận vốn vay đối với khách hàng cá nhân tại Agribank - Chi nhánh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
Nguồn: Mô hình nghiên cứu nhóm tác giả đề xuất

Hình 1 cho thấy, mô hình nghiên cứu được đề xuất có 8 nhân tố độc lập tác động đến nhân tố phụ thuộc là khả năng vay vốn của khách hàng cá nhân.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp thu thập số liệu

Nghiên cứu sử dụng 2 nguồn dữ liệu: dữ liệu sơ cấp được thu thập từ 208 phiếu khảo sát khách hàng cá nhân đang vay vốn tại Agribank chi nhánh thị xã Cai Lậy; dữ liệu thứ cấp được lấy từ báo cáo hoạt động của Ngân hàng giai đoạn 2022–2024 và các tài liệu liên quan. Phương pháp chọn mẫu phân tầng theo xã/phường, đảm bảo tính đại diện và độ tin cậy của dữ liệu khảo sát.

Phương pháp phân tích

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích định lượng như thống kê mô tả, so sánh và hồi quy logistic để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay. Các biến độc lập được kiểm định mức độ ảnh hưởng đến biến phụ thuộc thông qua phần mềm SPSS. Kết quả phân tích là cơ sở để đề xuất các hàm ý chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương.

KẾT QUẢ PHÂN TÍCH VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Đặc điểm của khách hàng qua khảo sát

Kết quả khảo sát từ 208 khách hàng cá nhân cho thấy, phần lớn khách hàng có độ tuổi từ 30 đến 50, trình độ học vấn phổ biến là trung học phổ thông, thu nhập chủ yếu đến từ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nhỏ. Đa số khách hàng có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất hoặc tiêu dùng gia đình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp khó khăn về tài sản đảm bảo và thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay. Những đặc điểm này phản ánh rõ đặc thù kinh tế - xã hội tại thị xã Cai Lậy.

Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến khả năng tiếp cận vốn của khách hàng cá nhân

Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố độc lập đến nhân tố khả năng vay vốn của khách hàng cụ thể được thể hiện qua bảng 1.

Bảng 1: Ảnh hưởng của các nhân tố đến khả năng tiếp cận vốn của khách hàng cá nhân

Biến

B

Sig.

Exp(B)

Nhận xét

Gioitinh

-0.400

0.313

0.670

Không có ý nghĩa thống kê (p > 0.05).

Tuoi

0.435

0.038

1.544

Có ý nghĩa thống kê, tuổi càng cao khả năng vay càng lớn.

Hocvan

0.444

0.031

1.559

Có ý nghĩa, học vấn càng cao khả năng vay càng lớn.

QHXH

1.439

0.006

4.216

Có ý nghĩa, quan hệ xã hội ảnh hưởng mạnh đến quyết định vay.

PA

2.039

0.000

7.686

Rất có ý nghĩa, có kế hoạch sử dụng vốn rõ ràng làm tăng khả năng vay.

Thunhap

1.052

0.000

2.862

Thu nhập cao làm tăng khả năng vay.

TSDB

0.731

0.011

2.077

Có tài sản đảm bảo làm tăng khả năng vay.

NQH

-1.254

0.002

0.285

Nợ quá hạn làm giảm khả năng vay.

Nguồn: Kết quả chạy mô hình của tác giả, 2025

Biến không có ý nghĩa thống kê

Biến Giới tính (Gioitinh) có hệ số hồi quy B = -0.400 với giá trị p = 0.313 (> 0.05), cho thấy biến này không có ý nghĩa thống kê trong mô hình. Điều này đồng nghĩa với việc giới tính không có tác động đáng kể đến khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng cá nhân tại ngân hàng. Nói cách khác, việc khách hàng là nam hay nữ không tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa trong khả năng được phê duyệt khoản vay.

Các biến có ý nghĩa thống kê và ảnh hưởng tích cực đến khả năng vay

Tuổi (Tuoi) có B = 0.435, p = 0.038, Exp(B) = 1.544. Kết quả này cho thấy tuổi có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê đến khả năng vay vốn. Cụ thể, khi tuổi tăng lên, khả năng tiếp cận vốn vay cũng tăng theo. Nguyên nhân có thể là do khách hàng lớn tuổi thường có công việc ổn định hơn, thu nhập cao hơn và lịch sử tín dụng minh bạch hơn, từ đó làm tăng mức độ tin cậy trong mắt ngân hàng.

Học vấn (Hocvan) có B = 0.444, p = 0.031, Exp(B) = 1.559, biến này có ý nghĩa thống kê và ảnh hưởng tích cực đến khả năng vay vốn. Khách hàng có trình độ học vấn cao thường có kiến thức tài chính tốt hơn, khả năng quản lý vốn hiệu quả hơn và hiểu rõ hơn về các sản phẩm tín dụng, từ đó nâng cao khả năng được chấp thuận vay.

Quan hệ xã hội (QHXH) có B = 1.439, p = 0.006, Exp(B) = 4.216, cho thấy yếu tố này có tác động mạnh đến quyết định vay vốn. Những khách hàng có mạng lưới quan hệ xã hội rộng thường dễ dàng tiếp cận thông tin tín dụng, nhận được sự giới thiệu hoặc bảo lãnh từ người quen, hoặc có mối liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, qua đó nâng cao khả năng được cấp vốn.

Phương án sản xuất (PA) có B = 2.039, p = 0.000, Exp(B) = 7.686. Đây là biến có tác động mạnh nhất trong mô hình. Một phương án sử dụng vốn rõ ràng, khả thi và có khả năng sinh lời cao sẽ tạo niềm tin cho ngân hàng về mục đích vay vốn cũng như khả năng hoàn trả, từ đó làm tăng tỷ lệ phê duyệt khoản vay.

Thu nhập (Thunhap) có B = 1.052, p = 0.000, Exp(B) = 2.862, chứng tỏ thu nhập cao có ảnh hưởng tích cực đến quyết định vay vốn. Ngân hàng thường đánh giá cao khách hàng có thu nhập ổn định và cao vì họ có khả năng trả nợ tốt hơn, từ đó giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Tài sản đảm bảo (TSDB) có B = 0.731, p = 0.011, Exp(B) = 2.077, cho thấy khách hàng có tài sản đảm bảo sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn. Sở hữu tài sản đảm bảo là yếu tố có tác động tích cực đến khả năng được cấp vốn. Tài sản đảm bảo giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro khi cho vay và nâng cao độ tin cậy của khách hàng, từ đó tăng khả năng phê duyệt hồ sơ vay.

Biến có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vay vốn

Nợ quá hạn (NQH) có B = -1.254, p = 0.002, Exp(B) = 0.285, kết quả này cho thấy nợ quá hạn có ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt và có ý nghĩa thống kê đến khả năng vay vốn. Những khách hàng từng có lịch sử nợ quá hạn thường bị ngân hàng xem là nhóm có rủi ro tín dụng cao, dẫn đến xác suất bị từ chối vay vốn cao hơn đáng kể.

Nhìn chung, các yếu tố như tuổi, học vấn, thu nhập, tài sản đảm bảo, quan hệ xã hội và kế hoạch sử dụng vốn đều có ảnh hưởng tích cực đến quyết định vay vốn. Trong đó, kế hoạch sử dụng vốn có tác động mạnh nhất. Ngược lại, nợ quá hạn có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể, làm giảm khả năng vay vốn của khách hàng. Trong khi đó, giới tính không có tác động đáng kể đến quyết định vay vốn.

HÀM Ý CHÍNH SÁCH VỀ KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VỐN VAY CỦA KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN

Căn cứ vào các yếu tố có ảnh hưởng trong mô hình hồi quy, ngân hàng có thể đề xuất một số chính sách cải thiện như sau:

Tăng cường hỗ trợ khách hàng có thu nhập thấp: Vì thu nhập là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng vay vốn (β = 2.13), ngân hàng cần có chính sách ưu đãi dành cho hộ có thu nhập không ổn định, thông qua các khoản vay nhỏ, lãi suất phù hợp và linh hoạt thời hạn trả nợ.

Đơn giản hóa điều kiện về tài sản đảm bảo: Với tác động lớn thứ hai (β = 1.78), ngân hàng nên xem xét mở rộng hình thức tài sản đảm bảo, hoặc áp dụng các hình thức tín chấp dựa trên uy tín hoặc lịch sử giao dịch thay cho thế chấp truyền thống.

Tư vấn rõ ràng về phương án sử dụng vốn: Vì yếu tố này có hệ số ảnh hưởng cao (β = 1.45), ngân hàng nên hướng dẫn khách hàng lập phương án kinh doanh cụ thể, khả thi, từ đó tăng khả năng được phê duyệt vay vốn.

Khai thác sức mạnh từ mối quan hệ xã hội: Nhân tố “quan hệ xã hội” cũng cho thấy ảnh hưởng tích cực (β = 1.32), ngân hàng có thể tận dụng các kênh truyền thông cộng đồng, tổ chức hội thảo, kết nối qua hội nông dân để xây dựng niềm tin và mở rộng khách hàng.

Nâng cao nhận thức tài chính qua đào tạo ngắn hạn: Trình độ học vấn có ảnh hưởng đáng kể (β = 1.09), vì vậy ngân hàng có thể tổ chức các chương trình phổ cập kiến thức tài chính – tín dụng cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Định hướng vay vốn phù hợp theo độ tuổi: Vì tuổi cũng ảnh hưởng đến khả năng vay (β = 0.84), ngân hàng có thể thiết kế sản phẩm tín dụng phù hợp theo từng nhóm tuổi, ưu tiên độ tuổi lao động ổn định và có khả năng trả nợ lâu dài.

Kiểm soát và cảnh báo rủi ro nợ quá hạn: Yếu tố nợ quá hạn có ảnh hưởng tiêu cực mạnh (β = -1.96), do đó ngân hàng cần có hệ thống cảnh báo sớm, linh hoạt trong cơ cấu lại nợ, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ khách hàng phục hồi tín dụng.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng cá nhân tại Agribank Cai Lậy, bao gồm thu nhập, học vấn, quan hệ xã hội, phương án sử dụng vốn, tài sản đảm bảo và nợ quá hạn. Trong đó, phương án sử dụng vốn và thu nhập là 2 nhân tố có tác động mạnh nhất. Ngược lại, giới tính không có ảnh hưởng rõ rệt.

Từ kết quả phân tích, nghiên cứu đề xuất các hàm ý chính sách hỗ trợ khách hàng và cải tiến quy trình xét duyệt tín dụng. Những đề xuất này, góp phần giúp Ngân hàng mở rộng khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Agribank – Chi nhánh Thị xã Cai Lậy (2022–2024). Báo cáo hoạt động giai đoạn 2022–2024. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

2. Kotler, P., & Keller, K. L (2020), Marketing management (15th ed.), Pearson Education.

3. Nguyễn Minh Kiều (2018). Tài chính doanh nghiệp và cá nhân, Nxb. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Văn Tiến (2020). Tín dụng ngân hàng – Lý thuyết và thực tiễn. Nhà xuất bản Tài chính,

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (2021). Thông tư số 11/2021/TT-NHNN: Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Hà Nội.

6. Trần Huy Hoàng. (2021). Tiếp cận tín dụng ở Việt Nam – Các phương pháp và đánh giá thực tiễn. Tạp chí Kinh tế Phát triển, số 280, 34–40.

Ngày nhận bài: 28/04/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 10/5/2025; Ngày duyệt đăng: 13/5/2025