Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình ở các xã nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Tháp vào cuộc với quyết tâm cao, được sự thống nhất, đồng tình ủng hộ của người dân ở các xã.

TS. Hà Văn Sơn

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH)

Email: hason@ueh.edu.vn

ThS. Nguyễn Văn Toàn

Chi cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp

Email: ntoan699@gmail.com

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình ở khu vực nông thôn thuộc các xã tham gia Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (trước khi hợp nhất với tỉnh Tiền Giang). Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố gồm: Số năm đi học của chủ hộ; Số năm kinh nghiệm của chủ hộ; Diện tích đất sản xuất; Số nhân khẩu và Sản xuất nông lâm thuỷ sản ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình ở các xã nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp; trong đó, nhân tố Số năm đi học ảnh hưởng mạnh nhất đến thu nhập của các hộ gia đình. Từ kết quả này, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Từ khoá: Thu nhập hộ gia đình, nông thôn mới, Đồng Tháp

Summary

This study aims to identify the factors affecting household income in rural areas of communes participating in the National Target Program on New-style Rural Development in Dong Thap Province. The research findings indicate that five factors influence household income in these areas: years of schooling of the household head, years of experience of the household head, land area for production, household size, and agricultural-forestry-fishery production. Among these, the number of years of schooling has the strongest impact on household income. Based on these results, the study proposes several solutions to enhance the effectiveness of the new-style rural development program in the locality.

Keywords: Household income, new-style rural development, Dong Thap

GIỚI THIỆU

Chương trình xây dựng và phát triển khu vực nông thôn đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, với quan điểm cho rằng “nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Trên cơ sở nhận định đúng đắn và quyết tâm phát triển khu vực nông thôn, Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Để đưa Nghị quyết và đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bán chấp hành Trung ương, đồng thời, cụ thể hoá bằng một số Chương trình Mục tiêu quốc gia, ban hành “Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới”.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (trước khi thực hiện xắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực ngay từ đầu năm 2011. Trong đó, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị của Tỉnh vào cuộc với quyết tâm cao, được sự thống nhất, đồng tình ủng hộ của người dân ở các xã trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, tình hình triển khai các giải pháp, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân khu vực nông thôn chưa thực sự hiệu quả, một bộ phận hộ gia đình còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tăng năng lực đầu tư, tiếp cận khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất… Đó là những lý do làm cho thu nhập của hộ gia đình khu vực nông thôn chưa có được sự tăng trưởng ổn định và mang tính bền vững, làm cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2026 trên địa bàn Tỉnh gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình ở các xã nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp, trên cơ sở đó kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT, MÔ HÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm nông thôn

Theo Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT, ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị, các thành phố, thị xã, thị trấn và được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND cấp xã. Còn Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn định nghĩa, vùng nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn của phường, quận thuộc thị xã, thành phố

Khái niệm nông thôn mới

Nông thôn mới là tổng thể gồm những đặc điểm, cấu trúc tạo thành một kiểu tổ chức nông thôn theo tiêu chí mới, kiểu tổ chức tiên tiến, hiện đại với 5 nội dung chính, là: (1) Làng xã nông thôn văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; (2) Sản xuất phát triển bền vững theo hướng hàng hoá; (3) Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; (4) Bản sắc văn hoá dân tộc được gìn giữ và phát triển; và (5) xã hội được quản lý tốt, dân chủ ngày càng được phát huy. Để triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nội dung nông thôn mới nêu trên, Chính phủ đã ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí được khái quát thành 5 nhóm nội dung là: Quy hoạch; Hạ tầng kinh tế - xã hội; Kinh tế và tổ chức sản xuất; Văn hoá - xã hội - môi trường; và Hệ thống chính trị.

Một số khái niệm liên quan:

- Chủ hộ: Theo Phương án Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê (2019), chủ hộ là người đứng đầu hộ gia đình có vai trò điều hành, quản lý gia đình, giữ vị trí chủ yếu, quyết định những công việc của hộ và được các thành viên trong hộ thừa nhận. Chủ hộ trong trường hợp này có thể trùng hoặc không trùng với chủ hộ trong sổ hộ khẩu gia đình.

- Hộ gia đình: Theo Phương án Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê (2019), trong tính chỉ tiêu thu nhập hộ gia đình, hộ là một hoặc một nhóm người ăn chung, ở chung trong một chỗ từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng qua và có chung quỹ thu chi.

- Hộ nông dân: Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nông dân gia đình bao gồm những người dân bản địa, cộng đồng truyền thống, ngư dân, nông dân miền núi, người chăn thả gia súc và nhiều nhóm đại diện cho mọi khu vực và các quần xã.

- Thu nhập: Thu nhập là khoản của cải thường được tính thành tiền mà một cá nhân, một doanh nghiệp hoặc một nền kinh tế nhận được trong một khoảng thời gian nhất định từ công việc, dịch vụ hoặc hoạt động nào đó. Thu nhập có thể gồm các khoản như tiền lương, tiền công, tiền cho thuê tài sản, lợi nhuận kinh doanh. Thu nhập có thể có được từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ lao động, từ việc sở hữu những giấy tờ có giá trị, từ thừa kế, được tặng cho...

- Thu nhập hộ gia đình: Theo Niên giám thống kê Việt Nam năm 2020, thu nhập hộ gia đình được định nghĩa là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Như vậy, thu nhập hộ gia đình bao gồm: (1) Thu từ tiền công, tiền lương; (2) Thu từ hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất); (3) Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất); (4) Thu khác được tính vào thu nhập (không tính các khoản thu như: tiền rút tiết kiệm, bán tài sản, vay thuần tuý, thu nợ và các khoản chuyển nhượng vốn nhận được).

- Trình độ học vấn: Theo Nem Nei Lhing và cộng sự (2013), trình độ học vấn có ảnh hưởng tích cực đối với thu nhập hộ gia đình.

- Vay vốn (tín dụng): Theo Gregory (2015), ngoài các yếu tố về đất đai, tài sản thì tín dụng có ảnh hưởng rất tích cực đến việc đảm bảo thu nhập và sinh kế hộ gia đình.

- Số năm đi học của chủ hộ (Trình độ học vấn): Giáo dục, đào tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định đến phát triển kinh tế của hộ gia đình. Thực tiễn cho thấy, một người được đào tạo tốt có khả năng tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập cao hơn người được ít học hành. Theo Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê (2021), thu nhập giữa 2 nhóm hộ nghèo nhất và nhóm hộ giàu nhất thì tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học có khoảng cách chênh lệch lớn (từ 1,0% so với 25,7%). Theo nhiều nghiên cứu thực nghiệm, học vấn của chủ hộ hay số năm thực tế đi học của chủ hộ có tác động cùng chiều với thu nhập của lao động trong hộ và thu nhập chung của hộ.

- Tuổi của chủ hộ: Tuổi của chủ hộ được tính bằng số năm sống của chủ hộ kể từ khi được sinh ra cho đến thời điểm khảo sát. Chủ hộ là người chủ gia đình, nắm quyền điều hành các hoạt động kinh tế, đời sống của hộ. Các nghiên cứu thực nghiệm đều cho rằng, yếu tố tuổi của chủ hộ rất quan trọng; tuổi chủ hộ càng cao thì có rất nhiều kinh nghiệm, có nhiều mối quan hệ nên việc điều hành, tổ chức các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hộ ở khu vực nông thôn sẽ có nhiều thuận lợi và tạo ra thu nhập cao cho hộ và tuổi của chủ hộ có tác động thuận chiều với thu nhập.

- Kinh nghiệm của chủ hộ: Trong lao động sản xuất, một người có nhiều kinh nghiệm (từng trải) sẽ xử lý vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả, khi đối diện với khó khăn thì người có kinh nghiệm dễ dàng ứng phó và giải quyết các khó khăn mà họ gặp phải. Đối với hộ sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn, đa số là sản xuất nông nghiệp sự phụ thuộc vào tự nhiên là rất lớn, nên kinh nghiệm là yếu tố rất quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng thậm chí là giá cả tiêu thụ nông sản hàng hoá mà họ sản xuất ra. Theo các nghiên cứu, kinh nghiệm của chủ hộ có quan hệ, tác động thuận chiều với thu nhập.

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở các nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình:

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình ở các xã nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp

Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Phương pháp nghiên cứu

Mẫu khảo sát được chọn mẫu 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (chọn xã và địa bàn); Giai đoạn 2 (chọn hộ). Có 285 hộ được chọn làm mẫu khảo sát. Dữ liệu được mã hóa và được xử lý thông qua phần mềm SPSS 20.0. Dữ liệu sơ cấp về thu nhập năm 2020 tại các hộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, thời gian thu thập từ tháng 10 đến tháng 11/2021.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu

Bảng 1: Thu nhập theo số năm đi học của chủ hộ

Thu nhập 1 người 1 tháng (triệu đồng)

Số năm đi học của chủ hộ (năm)

Thấp nhất

Cao nhất

Trung bình

Chung

2,0

12,0

4,96

Từ 0 đến 5

2,0

7,0

4,2

Từ 6 đến 9

2,0

8,0

4,5

Từ 10 đến 12

2,0

11,0

5,1

Từ 13 đến 17

2,5

10,0

5,2

Trên 17

5,0

11,0

7,0

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu trên phần mềm SPSS

Kết quả nghiên cứu (Bảng 1) cho thấy, thu nhập bình quân của nhân khẩu trong hộ tỷ lệ thuận theo số năm đi học của chủ hộ.

Bảng 2: Thu nhập theo nghề nghiệp của chủ hộ

Nghề nghiệp của chủ hộ

Số lượng

(người)

Tỷ lệ

(%)

Thu nhập 1 người 1 tháng (triệu đồng)

Thấp nhất

Cao nhất

Trung bình

Nông dân

135

47,4

2

11

4,6

Sản xuất kinh doanh phi nông lâm thủy sản

62

21,8

2

11

5,1

Cán bộ, công chức

58

20,4

3

12

5,8

Khác

30

10,5

2,8

10

4,5

Tổng số

285

100,0

-

-

-

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu trên phần mềm SPSS

Kết quả Bảng 2 cho thấy, 2 nhóm hộ có chủ hộ có nghề nghiệp là cán bộ công chức và nhóm sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức thu nhập trung bình cao là do các nhóm này có việc làm tạo ra thu nhập ổn định và hoạt động thường xuyên trong năm. Kết quả này cũng đã chứng minh cho việc thu nhập hộ gia đình trong địa bàn nghiên cứu đạt khá cao.

Bảng 3: Thu nhập theo tình hình sử dụng đất của hộ

Diện tích đất của hộ

Số hộ

(hộ)

Tỷ lệ

(%)

Thu nhập 1 người 1 tháng (triệu đồng)

Thấp nhất

Cao nhất

Trung bình

Hộ không có đất sản xuất

97

34,0

-

-

-

Hộ có đất sản xuất

188

66,0

-

-

-

Theo quy mô diện tích đất

Dưới 5.000 m2

137

48,1

2

11

4,8

Từ 5.000-10.000 m2

52

18,2

2

8

4,7

Trên 10.000 m2

96

33,7

3

12

5,3

Tổng số

285

100,0

-

-

-

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu trên phần mềm SPSS

Số liệu Bảng 3 cho thấy, hộ có quy mô diện tích đất dưới 5.000 m2 có mức thu nhập trung bình 4,8 triệu đồng một người một tháng, trong khi đó hộ có quy mô diện tích đất sản xuất trên 10.000 m2 có thu nhập trung bình 5,3 triệu đồng một người một tháng (cao hơn 13,67%). Điều này tiếp tục chứng minh cho giả thuyết hộ có quy mô diện tính đất sản xuất càng lớn thì thu nhập bình quân nhân khẩu của hộ càng cao.

Bảng 4: Thu nhập theo tình hình vay vốn của hộ

Thu nhập theo tiếp cận vốn

Số hộ (hộ)

Tỷ lệ

(%)

Thu nhập 1 người 1 tháng (triệu đồng)

Thấp nhất

Cao nhất

Trung bình

Hộ không vay vốn

169

59,3

2

10

4,8

Hộ có vay vốn

116

40,7

2

12

5,2

Tổng số

285

100,0

-

-

-

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu trên phần mềm SPSS

Kết quả phân tích tại Bảng 4 cho thấy, hộ có vay vốn đã đáp ứng được nhu cầu về vốn để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho thu nhập bình quân cao hơn thu nhập của những hộ không vay vốn từ các định chế chính thức.

Kết quả phân tích hồi quy

Bảng 5: Kết quả phân tích hồi quy

Tên biến

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hoá

Hệ số hồi quy chuẩn hoá

t

Sig.

VIF

Hằng số

2,648

7,785

0,000

Số năm đi học chủ hộ (sonamdh)

0,182

0,545

10,743

0,000

1,213

Số năm kinh nghiệm của chủ hộ (kinhnghiem)

0,057

0,292

5,808

0,000

1,192

Diện tích đất sản xuất (dientich)

0,000

0,197

3,541

0,000

1,459

Số nhân khẩu (nhankhau)

-0,157

-0,136

-2,819

0,005

1,097

Sản xuất nông lâm thuỷ (sxnlt)

-0,394

-0,125

-2,215

0,029

1,517

Nguồn: Kết quả hồi quy trên phần mềm SPSS

Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 5) cho thấy, mặc dù việc xây dựng mô hình đề xuất ban đầu có 17 biến độc lập, tuy nhiên kết quả chỉ có 5 biến có ý nghĩa thống kê gồm: Số năm đi học của chủ hộ; Số năm kinh nghiệm của chủ hộ; Diện tích đất sản xuất; Số nhân khẩu và Sản xuất nông lâm thuỷ. Trong đó, biến Số năm đi học của chủ hộ ảnh hưởng mạnh nhất đến thu nhập của hộ gia đình và tiếp theo là biến Số năm kinh nghiệm của chủ hộ. Bên cạnh đó, kiểm định Durbin-Watson = 1,676 nằm trong khoảng từ 1 đến 3, cho thấy không có sự tương quan giữa các phần dư. Phần dư chuẩn hóa có trung bình bằng 0 và độ lệch chuẩn bằng 0,999 (gần bằng 1). Như vậy, có thể kết luận rằng, giả định về phân phối chuẩn của phần dư không bị vi phạm. Kết quả cũng cho thấy, các hệ số phóng đại phương sai VIF

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố gồm: Số năm đi học của chủ hộ; Số năm kinh nghiệm của chủ hộ; Diện tích đất sản xuất; Số nhân khẩu và Sản xuất nông lâm thuỷ ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình ở các xã nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, nhân tố Số năm đi học ảnh hưởng mạnh nhất đến thu nhập của các hộ gia đình. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Tuyên truyền, vận động

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nội dung cốt lõi là phải phát huy và nâng cao vai trò chủ thể của người dân, bởi không phải ai khác mà chính người dân là người thực hiện và là người thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới. Do đó, để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh đoàn kết để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, làm cho khu vực nông thôn có sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập và đời sống người dân được nâng cao, thì chính quyền địa phương phải tổ chức tuyên truyền với phương châm nhiều về hình thức, phong phú về nội dung và thực hiện một cách thường xuyên, liên tục.

Nâng cao trình độ học vấn (hay tăng số năm đi học của chủ hộ)

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, điều kiện sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản phẩm hàng hoá, nông sản đòi hỏi tiêu chuẩn về chất lượng ngày càng cao, máy móc và công nghệ phục vụ sản xuất ngày càng hiện đại… đòi hỏi người dân phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ cho người dân không chỉ dừng lại ở việc đào tạo kiến thức chuyên môn, mà còn phải làm cho người nông dân hiểu rõ về ngành nghề mà bản thân họ đang thực hiện, có cách nhìn tích cực hơn về các ngành nghề khác, để giúp họ biết được phương pháp thực hiện mang lại hiệu quả cao, biết tận dụng lợi thế, điểm mạnh mà tiềm năng họ đang nắm giữ, phải nâng cao chất lượng sản phẩm mà họ sản xuất ra góp phần quan trọng làm tăng thu nhập cho hộ.

Về chính sách đất đai

Đồng Tháp cần ban hành nghị quyết về thực hiện chủ trương “Dồn điền đổi thửa” trong nội bộ người dân nông thôn, nhằm góp phần làm tăng diện tích đất cho một đơn vị sản xuất, tăng quy mô diện tích đất trên đơn vị hộ gia đình. Với quy mô diện tích đất lớn, hộ gia đình có điều kiện để áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, có điều kiện tăng cường đầu tư cho sản xuất, sản xuất ra nông sản hàng hoá số lượng lớn, sẽ giảm chi phí sản xuất và làm cho thu nhập của hộ gia đình sẽ tăng lên.

Tài liệu tham khảo:

1. Aikacli (2010). Determinants of rural income in Tanzania: an empirical approach. Rescearch on Poverty Alleviation.

2. Ellis, F. (1998). Household Strategies and Rural liverlihood Diversification in Developing Countries. Journal of Agricultural Economics, 51(2), 289-301.

3. Gregory, P.A (2005). Factors affecting income generation and livelihood diversification strategies of the very poor. Annex G of the Final Technical Report of project R8084. Bangor: School of Agricultural and Forest Sciences, University of Wales. 45 pp.

4. George A. Morgan (2007). SPSS for introduetory Statistics, Use and interpretation - Third Edition. Colorado state University, Lawrence Erlbaum Associates Publishers Mahwah, New Jersey, London.

5. Nem Nei Lhing, Teruaki Nanseki., and Shigeyoshi Takeuchi (2013). An Analyis of Factors Influencing Housechold Income: A case study of PACT microfinance in Kyaukpadaung Township of Myanma. Amercan Jouranal of human ecology, 2(2), 94-102.

6. Schwarze, S. (2004). Determinants of income generating hctivivities of Rural Households: A Quantitative Study ib the Vicinity of the Lore-lindu National Park in central Sulawesi, Indonesia. Institute of Rural Development, 10(1), 27-42.

Ngày nhận bài: 24/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 9/7/2025; Ngày duyệt đăng: 10/7/2025