Chuyển đổi số ngành Thuế: Thực trạng và một số giải pháp

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ngành Thuế đang đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.

ThS. Đậu Thanh Bảo

Chi cục Thuế khu vực I

Tóm tắt

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ngành Thuế đang đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Bài viết nhằm khái quát thực trạng chuyển đổi số ngành Thuế trong thời gian qua và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.

Từ khóa: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành Thuế

Summary

In the context of rapid digital transformation, the Tax sector is accelerating the restructuring of its information technology systems to enhance management efficiency, reduce administrative procedures, and maximize convenience for taxpayers. This article provides an overview of the recent digital transformation efforts in the Tax sector and proposes several solutions for the future.

Keywords: Digital transformation, information technology application, Tax sector

GIỚI THIỆU

Chuyển đổi số trong quản lý thuế là quá trình chuyển đổi mô hình và cách thức quản lý thuế gắn với ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thuế. Vì vậy, yêu cầu tất yếu đặt ra là ngành Thuế cần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp (DN). Hiện nay, công tác chuyển đổi số của ngành Thuế đang được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đúng định hướng, trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, tạo chuyển biến từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ công chức cũng như những thay đổi trong cách thức làm việc khi toàn bộ các hoạt động của cơ quan Thuế được thực hiện trên môi trường số, nhất là việc cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH THUẾ

Chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành Thuế

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và DN, trong những năm qua, ngành Thuế đã chủ động thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế. Theo đó, ngành Thuế luôn xác định trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học và công nghệ không chỉ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngành Thuế, với vai trò quan trọng trong quản lý ngân sách nhà nước, cần phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Thuế đã được thể hiện trong nhiều văn bản, chính sách, điển hình như Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Theo đó, công tác quản lý thuế được hiện đại hoá toàn diện dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và CNTT, hướng tới xây dựng ngành Thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Để triển khai Chiến lược, Tổng cục Thuế đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể giai đoạn đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 với các giải pháp, lộ trình và phân công các đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện theo các nhiệm vụ Chiến lược đã đề ra.

Trên thực tế, hệ thống ứng dụng CNTT ngành Thuế được phát triển qua hơn 30 năm theo các chương trình cải cách, hiện đại hóa của Chính phủ, phù hợp với giải pháp, công nghệ, hạ tầng, trang thiết bị tại các cơ quan Thuế theo từng giai đoạn. Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020, ngành Thuế đã thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức làm việc, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan Thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số. Trong năm 2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 804/QĐ-TCT ngày 11/6/2024 về Kế hoạch Chuyển đổi số của Tổng cục Thuế năm 2024, với mục tiêu đặt ra là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu tại Quyết định 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đảm bảo: (1) Cung cấp các dịch vụ số trong lĩnh vực thuế có chất lượng phục vụ xã hội; (2) Vận hành tối ưu hoạt động của Tổng cục Thuế; (3) Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội. Tập trung triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số của Tổng cục Thuế đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ năm 2024 - năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Những kết quả đạt được trong chuyển đổi số ngành Thuế

Thực hiện Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có mục tiêu cơ bản đến năm 2025 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, ngành Thuế đang có những bước tiến dài trong quá trình chuyển đổi số. Từ đó, đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Cụ thể, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng các tiến bộ CNTT, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, như: Ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động eTax-Mobile từ năm 2021; triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành để triển khai dịch vụ công trực tuyến và tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Về mức độ điện tử hóa, nghiên cứu của Hương Thủy (2024) dẫn số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, đơn vị này đã triển khai 235 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 122 dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ DN khai thuế điện tử đạt 99,59%, nộp thuế điện tử đạt 99,2%, hoàn thuế điện tử đạt 97,6%. Ngoài ra, cơ quan Thuế đã tiếp nhận và xử lý gần 10,8 tỷ hóa đơn, đây là nguồn dữ liệu lớn quan trọng phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý. Đáng chú ý, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (triển khai từ tháng 3/2022) đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký khai thuế và nộp thuế với số thuế đã kê khai, nộp là 20.174 tỷ đồng (Hương thủy, 2024). Đặc biệt, ngành Thuế tích cực nghiên cứu, triển khai, thử nghiệm ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) vào các khâu trong công tác thuế.

Trong năm 2024, Tổng cục Thuế đã thực hiện thí điểm trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế tại Cục Thuế TP. Hà Nội. Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế trả lời câu hỏi tự động, nhanh chóng, chính xác, tích hợp sẵn các mẫu biểu thủ tục hành chính hiện hành, những clip hướng dẫn trực quan, dễ hiểu. Người dân, DN có thể dễ dàng sử dụng, tương tác với trợ lý ảo 24/24 giờ, mọi lúc, mọi nơi… Đặc biệt, đã triển khai xây dựng trợ lý ảo tự động phân loại nợ, thông báo nợ, thực hiện biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ và đang thực hiện kết nối truyền nhận thông tin tự động với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), các ngân hàng thương mại.

Từ đầu năm 2025, nhằm chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ trong công tác quản lý thuế với mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ”, ngành Thuế đã ứng dụng CNTT, điện tử hóa công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân. Đến nay, thực hiện chương trình cải cách, chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đã xây dựng và hoàn thành quy trình, ứng dụng hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động toàn trình đối với người nộp thuế. Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa cam kết của ngành Thuế về chuyển đổi, cải cách toàn diện trong việc phục vụ, cung cấp dịch vụ số cho người nộp thuế theo hướng tăng cường sử dụng tối đa thông tin có sẵn của người dân hoặc thông tin đã được khai báo trước đó để đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc đối chiếu, kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó cung cấp tiện ích, mang lại sự hài lòng, minh bạch cho người nộp thuế khi sử dụng dịch vụ.

Theo quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động, người nộp thuế có thể thực hiện toàn bộ thủ tục hồ sơ đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân thông qua thiết bị di động có cài đặt ứng dụng eTax Mobile. Người nộp thuế chỉ cần thực hiện các thao tác hết sức đơn giản với chức năng “Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân gợi ý” được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu của các tổ chức trả thu nhập và dữ liệu kê khai trong năm của cá nhân; người nộp thuế kiểm tra thông tin trên tờ khai, xác nhận để gửi đến cơ quan Thuế. Toàn bộ quy trình giải quyết hoàn thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế sẽ thực hiện tự động và truyền thông tin sang Kho bạc Nhà nước để thực hiện chi hoàn cho người nộp thuế trong thời gian nhanh chóng nhất. Để phục vụ, hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế trong kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2024, Tổng Cục Thuế (nay là Cục Thuế) đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan Thuế các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế sử dụng ứng dụng thuế điện tử để kê khai, quyết toán thuế; đồng thời tổ chức tập huấn đến toàn bộ công chức ngành Thuế.

Cùng với đó, Cục Thuế đã xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đăng ký, kê khai, nộp thuế. Hiện nay, các chức năng của cổng thông tin đã cơ bản hoàn thành và sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới. Ngành Thuế cũng sử dụng AI trong phân tích thông tin hóa đơn điện tử để xác định các giá trị mua bán, kinh doanh bất thường, lập các chuỗi mua - bán từ người mua - bán thứ nhất cho đến thứ N xoay quanh việc cung cấp hàng hóa của chuỗi mua bán nhằm xác định các rủi ro về việc lập hóa đơn giả hoặc có hành vi mua bán hóa đơn cũng như áp dụng trong công tác xét hoàn thuế giá trị gia tăng. Ứng dụng AI trong việc phân tích dữ liệu lớn được thu thập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để xác định các hành vi không kê khai, nộp thuế, trốn thuế; ứng dụng AI trong công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế.

Đặc biệt, hiện nay việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đối với các hộ kinh doanh khoán theo quy định tại Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/3/3025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ là một trong nhiều bước trong lộ trình xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, minh bạch, vì người nộp thuế và vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội. Đây là một bước chuyển lớn, có tính chất nền tảng trong lộ trình thực hiện xóa bỏ hình thức thuế khoán từ năm 2026, chuyển sang cơ chế tự khai, tự nộp, theo đúng định hướng tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức đối với cơ quan Thuế. Đó là, sự thiếu hụt lực lượng cán bộ CNTT có kỹ năng thực hiện tiến trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, quy trình đầu tư, mua sắm và triển khai hạ tầng CNTT của cơ quan Thuế chưa phù hợp với tiến trình chuyển đổi số, cần phải thay đổi để phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Cần loại bỏ, thay thế các quy định thiếu linh hoạt, chưa phù hợp để có thể tiếp cận, triển khai nhanh chóng và đưa vào ứng dụng kịp thời những công nghệ mới trong cơ quan Thuế.

Cùng với đó, trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh còn chưa quen với các thao tác kỹ thuật hay quy trình đăng ký, nên quá trình chuyển đổi của ngành Thuế cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Thời gian tới, trên cơ sở định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đặt mục tiêu phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, DN làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước. Theo đó, ngành Thuế cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách. Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Hệ thống CNTT của ngành Thuế cần tiếp tục được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

- Xây dựng hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu xử lý, cung cấp thông tin cho quản lý thuế và chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế, cung cấp dịch vụ điện tử cho người nộp thuế. Cụ thể, phát triển hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, DN làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT, giảm chi phí hoạt động cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước theo định hướng của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Cùng với đó, ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế.

- Xây dựng hệ thống ứng dụng quản lý rủi ro trên cơ sở thu thập dữ liệu từ các ứng dụng tác nghiệp và từ các bên thứ ba (ngân hàng, cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan công an…) hoặc dữ liệu thu thập từ mạng xã hội, internet, từ đó phân tích theo các tiêu chí hoặc áp dụng AI (phân tích dữ liệu lớn, sử dụng phương pháp máy học) phục vụ quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, chống chuyển giá, giao dịch liên kết, quản lý thuế đối với bất động sản...

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2022). Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Hương Thủy (2024). Bước tiến lớn trong chuyển đổi số ngành Thuế. https://hanoimoi.vn/buoc-tien-lon-trong-chuyen-doi-so-nganh-thue-686112.html

3. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 508/QĐ-TTg, ngày 23/4/2022 ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

4. Tổng cục Thuế (2024). Quyết định 804/QĐ-TCT, ngày 11/6/2024 về Kế hoạch Chuyển đổi số của Tổng cục Thuế năm 2024.

5. Trung Kiên (2025). Ngành Thuế sẽ cắt giảm thêm 97 thủ tục hành chính. https://haiquanonline.com.vn/nganh-thue-se-cat-giam-them-97-thu-tuc-hanh-chinh-195769.html&link=autochanger

Ngày nhận bài: 3/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 9/7/2025; Ngày duyệt đăng: 10/7/2025