
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận lực lượng vũ trang Ukraine không còn đủ khả năng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất. Ông cảnh báo khả năng Ukraine sẽ chịu thêm tổn thất nếu chính quyền Kiev không còn được Washington hậu thuẫn.
"Chúng tôi không đủ sức để giành lại mọi thứ. Đó là thực tế hiện nay. Vì thế, cuộc chiến này sẽ kết thúc bằng con đường ngoại giao", ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với CBS News. Tuy vậy, ông vẫn tái khẳng định Ukraine sẽ không công nhận các vùng lãnh thổ bị mất là của Nga.
"Chắc chắn sẽ có đàm phán. Chắc chắn sẽ có nhiều hình thức khác nhau, song phương, ba bên, nhiều định dạng khác. Chúng tôi sẽ đi đến một giải pháp ngoại giao để kết thúc cuộc chiến này", ông nói về các khả năng giải quyết xung đột.
Đồng thời, ông Zelensky cũng bày tỏ sự thiếu tin tưởng đối với giới lãnh đạo Nga và tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp đảm bảo an ninh, bao gồm việc triển khai binh sĩ tới Ukraine và hỗ trợ hệ thống phòng không.
Theo ông Zelensky, cả binh sĩ Ukraine lẫn các đối tác phương Tây đều đang có dấu hiệu mệt mỏi trong cuộc chiến kéo dài. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ, Ukraine sẽ phải gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng.
"Tôi cho rằng nếu không có Mỹ, chúng tôi sẽ mất rất nhiều, cả về con người lẫn lãnh thổ. Những tổn thất như vậy hoàn toàn có thể xảy ra. Không có Mỹ, chắc chắn sẽ tổn thất nhiều hơn, đó là sự thật", ông Zelensky nhấn mạnh.
Trong một diễn biến khác, ông Rodion Miroshnik, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, cáo buộc các quốc gia châu Âu có quan điểm đối đầu với Moscow đang thúc đẩy việc chia cắt Ukraine.
Tuần trước, báo The Times (Anh) đưa tin về một đề xuất được cho là của Mỹ nhằm "phân chia" Ukraine, gợi nhớ đến kịch bản nước Đức bị chia đôi sau Thế chiến II.
Ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề Ukraine, người được tờ báo dẫn lời, sau đó khẳng định phát biểu của ông đã bị hiểu sai bởi truyền thông Anh.
Ông Miroshnik chỉ trích cách tiếp cận này, cho rằng phương Tây muốn chia cắt Ukraine thành các phần.
Nga phản đối sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nào từ các nước thành viên NATO tại Ukraine, bao gồm cả lực lượng gìn giữ hòa bình sau ngừng bắn do Anh và Pháp đề xuất.
Một số thành viên NATO tại châu Âu đã đề xuất triển khai một "lực lượng cố định" tại Ukraine nhằm mục đích răn đe. Ông Kellogg nói rằng ông không đề xuất chia cắt Ukraine, mà chỉ thảo luận với The Times về ý tưởng "các vùng trách nhiệm", lần lượt nằm dưới quyền kiểm soát của Nga, lực lượng liên quân Anh - Pháp, và chính quyền Kiev.
Theo ý tưởng của ông, quân đội Anh và Pháp có thể đảm nhận các khu vực kiểm soát ở miền Tây Ukraine, tạo thành một "lực lượng đảm bảo" nhằm ngăn chặn việc nối lại các hoạt động chiến đấu, trong khi Nga có thể kiểm soát miền Đông đất nước.
Giữa quân đội châu Âu và Nga sẽ là lực lượng Ukraine, và một khu vực phi quân sự hóa có thể được triển khai dọc theo các đường biên giới kiểm soát hiện tại, ông Kellogg nói thêm.
Nga sau đó đã bác bỏ ý tưởng này.