
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu ung thư ở Bearsden, Glasgow, Scotland, Anh (Ảnh: Reuters).
Nhà nghiên cứu khoa học Ed Roberts đã mất hơn một năm để tìm được một nhà khoa học cấp cao làm việc tại Viện Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh tại Scotland. Ông cho rằng sự chậm trễ này là do chi phí visa (thị thực) của Anh đang ở ngưỡng cao, khiến việc thu hút lao động quốc tế trở nên khó khăn.
"Nếu chúng ta không thể thuyết phục họ đến đây, họ sẽ chọn nơi khác", ông Roberts cho biết sau khi phỏng vấn cả ứng viên trong nước và quốc tế cho vị trí đặc thù này, đồng thời nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu chắc chắn bị chậm lại.
Theo chia sẻ của ông Roberts, một nhà nghiên cứu miễn dịch học đến từ Hong Kong (Trung Quốc) đã từ chối lời mời làm việc tại viện nghiên cứu ung thư của ông sau khi biết sẽ phải trả khoảng 15.000 bảng Anh để chuyển đến quốc gia này cùng vợ và con.
Giống nhiều đơn vị tuyển dụng khác, phòng thí nghiệm của ông Roberts sẽ hoàn trả chi phí visa cho nhân viên, nhưng không hỗ trợ chi phí cho người thân đi kèm.
Trường hợp khác, một nhà nghiên cứu người Pháp được hoàn trả khoản phí visa trị giá 4.400 bảng Anh khi nhận công việc với ông Roberts. Dù vậy, nhà nghiên cứu 28 tuổi thừa nhận rằng việc phải bỏ ra một khoản tiền lớn từ khoản tiết kiệm cá nhân ban đầu là điều "đáng sợ".
Phí dịch vụ y tế cho người nhập cư (IHS) tại Anh đã tăng 66% trong năm 2024, hiện ở mức 1.035 bảng Anh/năm/người trưởng thành.
"Ngay khi những chính sách đó được đưa ra, số lượng ứng viên của chúng tôi giảm hẳn. Thật khó để thuyết phục họ rằng đây là một nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc", ông Roberts nói.
Dữ liệu của Bộ Nội vụ Anh cho thấy số visa được cấp cho các vị trí trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu và kỹ thuật tại quốc gia này đã giảm tới 1/3 trong nửa cuối năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Đà sụt giảm này, diễn ra sau các lần tăng ngưỡng lương tối thiểu và IHS, theo đúng xu hướng giảm chung của tổng số visa lao động.
Ông Matt Clifford, cố vấn trí tuệ nhân tạo của Thủ tướng Keir Starmer, cũng cảnh báo trong Kế hoạch hành động về cơ hội trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ rằng "chi phí và sự phức tạp của visa" đang tạo rào cản cho các công ty khởi nghiệp, đồng thời ngăn cản nhân tài quốc tế đến Anh làm việc.
Dù sở hữu các trường đại học danh tiếng như Cambridge, Oxford và Imperial College London, nước Anh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (gọi tắt là STEM).
Bà Louise Haycock, đối tác tại công ty dịch vụ di trú Fragomen, cho biết Anh đang tính phí 12.120 bảng Anh đối với một visa lao động tay nghề cao có thời hạn 5 năm - tăng gần 60% so với năm 2021. Nếu người lao động muốn đưa theo vợ/chồng và hai con, chi phí trả trước có thể lên tới 30.000 bảng Anh.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Anh, các khoản phí nhập cư tại Anh dành cho lao động nước ngoài cao gấp 17 lần so với mức trung bình của các quốc gia dẫn đầu về khoa học, một phần do khoản phí trả trước để tiếp cận dịch vụ y tế công.
Ngay cả thị thực dành riêng cho giới nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (global talent visa) cũng là loại đắt nhất trong số 18 quốc gia dẫn đầu về khoa học, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Đức.
Viện Hàn lâm Khoa học Anh cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia tư vấn và một nghị sĩ nhận định, mức phí này đang gây khó khăn cho việc tuyển dụng nhân tài toàn cầu, một yếu tố quan trọng để lấp đầy khoảng trống kỹ năng của Anh, đồng thời làm suy yếu "sứ mệnh" của Thủ tướng Starmer trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mức phí này cũng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực thu hút các nhà khoa học đang cân nhắc rời Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump cắt giảm ngân sách nghiên cứu.
Chính phủ của Thủ tướng Starmer, hiện tiến hành rà soát tình trạng thiếu hụt lao động ở các ngành như công nghệ thông tin và kỹ thuật, cho biết không dễ để so sánh chi phí visa giữa các quốc gia.
Chính phủ cho hay một văn bản chính sách sẽ sớm đưa ra kế hoạch "khôi phục trật tự cho hệ thống nhập cư đang rối loạn, kết nối giữa nhập cư, kỹ năng và hệ thống thị thực để phát triển lực lượng lao động trong nước, chấm dứt sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Trước đó, chính phủ Bảo thủ tiền nhiệm đã tăng mức lương tối thiểu gần 50% đối với lao động nhập cư, với hy vọng ngăn chặn tình trạng mà họ mô tả là "lao động nước ngoài giá rẻ".