
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi đang cung cấp vũ khí, chúng tôi đã cung cấp rất nhiều. Chúng tôi đang cung cấp vũ khí và chúng tôi đang hợp tác với họ để cố gắng giúp họ. Chúng tôi không ngại làm cạn kiệt (kho vũ khí) đất nước chúng tôi, cung cấp vũ khí cho họ. Nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo rằng chúng tôi có đủ (vũ khí) cho chính mình", Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên tại Căn cứ chung Andrews gần Washington hôm 3/7.
Mỹ ngày 2/7 xác nhận cắt giảm viện trợ quân sự quan trọng cho Kiev, bao gồm dừng việc cung cấp đạn dược phòng không, tên lửa và đạn pháo. Đây được xem là một phần trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Một số kênh truyền thông phương Tây, bao gồm Politico và NBC News, liệt kê tên lửa Patriot vào danh sách các loại vũ khí sẽ không còn được gửi đến Kiev. Danh sách này cũng bao gồm tên lửa không đối không Stinger và AIM, hàng trăm hệ thống Hellfire và GMLRS và hàng nghìn đạn pháo 155mm.
Mặc dù danh sách chính xác các loại vũ khí bị tạm dừng cung cấp cho Ukraine vẫn chưa được chính quyền Mỹ công bố, nhưng đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker cho biết động thái này là một phần trong nỗ lực thay đổi chính sách của Washington, trong đó tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước.
Đại sứ Whitaker cho biết Lầu Năm Góc cần "đảm bảo rằng Mỹ có năng lực phòng thủ chiến lược cần thiết để thể hiện sức mạnh", đồng thời nói thêm rằng đây là điều mà Washington và các đồng minh NATO mong muốn.
Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Anna Kelly cho biết quyết định được đưa ra "nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu", sau khi Bộ Quốc phòng xem xét lại việc hỗ trợ quân sự trên toàn thế giới.
Các nguồn tin của Wall Street Journal tại Nhà Trắng và quốc hội Mỹ cho biết quyết định đình chỉ viện trợ này cũng áp dụng đối với các loại vũ khí đã có trong kho trung chuyển ở Ba Lan.
Các lô hàng viện trợ bị tạm ngừng ở Ba Lan bao gồm hơn 20 tên lửa Patriot PAC-3, hơn 20 tổ hợp phòng không Stinger, tên lửa không đối đất Hellfire và hơn 90 tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM.
Lầu Năm Góc nêu rõ, điều này không có nghĩa là hoàn toàn dừng viện trợ cho Ukraine. Thay vào đó, họ đã đưa ra các phương án tiếp tục hỗ trợ quân sự phù hợp với mục tiêu của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt cuộc chiến.
Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với các đợt tấn công bằng tên lửa và UAV lớn nhất từ trước tới nay trong cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm, đặc biệt là các đợt không kích làm dấy lên lo ngại về lỗ hổng phòng không của Kiev.
Dưới thời tổng thống tiền nhiệm Joe Biden, Washington đã cam kết cung cấp hơn 65 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ năm 2022, thời điểm chiến sự bùng phát.
Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, ông Trump, vốn từ lâu vẫn hoài nghi về việc viện trợ cho Ukraine, chưa công bố bất kỳ gói viện trợ quân sự mới nào cho Kiev.