Nước cờ hòa bình của Mỹ: Nga bật đèn xanh, Ukraine khó chấp nhận

25/04/2025 16:14

() - Ukraine và Nga đã đưa ra phản ứng trái chiều về đề xuất hòa bình do Mỹ dàn xếp, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng mất kiên nhẫn.

Nước cờ hòa bình của Mỹ: Nga bật đèn xanh, Ukraine khó chấp nhận - 1

Từ trái qua phải: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Getty).

Triển vọng ngừng bắn trong cuộc xung đột Ukraine đang giảm dần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump "khẩu chiến" với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Trump chỉ trích ông Zelensky từ chối đề xuất ngừng bắn của Mỹ, trong đó Kiev sẽ phải chấp nhận nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Moscow.

"Cơn giận dữ" của ông Trump diễn ra sau thất bại của các cuộc đàm phán ngoại giao dự kiến được tổ chức tại London vào ngày 23/4.

Trong bình luận trên mạng xã hội, ông Trump cáo buộc ông Zelensky đưa ra "những tuyên bố mang tính kích động", "khiến cho việc giải quyết xung đột trở nên khó khăn".

Ông Trump đã công khai chỉ trích ông Zelensky "gây tổn hại" cho các cuộc đàm phán, sau khi nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố Kiev sẽ không bao giờ thảo luận chính thức về việc công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga.

Những lời chỉ trích gay gắt công khai báo hiệu sự suy yếu của quan hệ Mỹ - Ukraine, khi ông Trump liên tục cho rằng Kiev phải chấp nhận hầu hết nhượng bộ.

Lợi thế của Nga có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi ông Steven Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Trump, gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào ngày 25/4. Đây là cuộc gặp cấp cao thứ 4 giữa hai bên trong những tuần qua.

Sự suy yếu đột ngột trong quan hệ Mỹ - Ukraine khiến giới quan sát ngoại giao ngạc nhiên, vì các nhà đàm phán Mỹ gần đây tuyên bố đã quan tâm nhiều hơn đến những lo ngại của Kiev.

Tại các cuộc đàm phán do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì vào ngày 17/4, ông Witkoff đã gặp các nhà đàm phán Ukraine lần đầu tiên.

Phía Mỹ lập luận rằng các đề xuất ngừng bắn mới nhất của nước này được cân nhắc cẩn trọng để xoa dịu Nga và Ukraine.

Theo kế hoạch hiện tại của Mỹ - dù chưa được công bố nhưng đã được một số kênh truyền thông tiết lộ - Mỹ đã cam kết nếu quân đội Nga ngừng chiến, Washington sẽ công nhận tính hợp pháp của việc Nga sở hữu Crimea, một bán đảo ở phía nam Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập từ năm 2014.

Theo một phần của thỏa thuận đình chiến, Ukraine cũng phải chấp nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với 4 khu vực khác, bao gồm các vùng lãnh thổ ở Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia, tổng cộng chiếm khoảng 20% lãnh thổ trước xung đột của Ukraine. Đây là các vùng lãnh thổ Nga đã tuyên bố sáp nhập từ năm 2022.

Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu, khí đốt và các nguyên liệu thô khác của Nga cũng sẽ được dỡ bỏ. Cũng theo thỏa thuận, Ukraine sẽ không trở thành thành viên của NATO - liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở châu Âu - đáp ứng một yêu cầu khác của Điện Kremlin.

Phía Mỹ tuyên bố kế hoạch mới nhất mang lại cho Ukraine một số lợi thế.

Nước cờ hòa bình của Mỹ: Nga bật đèn xanh, Ukraine khó chấp nhận - 2

Vị trí một số khu vực ở Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập (Ảnh: Sky).

Crimea đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga trong hơn một thập niên. Theo các quan chức Mỹ, việc Washington công nhận Crimea thuộc Nga không có ý nghĩa thực tế nào đối với Ukraine.

"Không ai yêu cầu ông Zelensky phải công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga", ông Trump viết trên mạng xã hội.

Mỹ cũng chỉ ra rằng, mặc dù kế hoạch ngừng bắn sẽ để Nga kiểm soát phần lớn lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát ở Ukraine, về phía mình, Nga cũng phải đưa ra cam kết rằng sông Dnieper - một tuyến đường thủy chính giáp ranh với lãnh thổ do Nga kiểm soát - sẽ vẫn cho phép tàu thuyền của Ukraine có thể tiếp cận.

Ngoài ra, Mỹ lập luận rằng Ukraine vẫn được tự do gia nhập Liên minh châu Âu và củng cố quân đội để đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai của Nga.

Kế hoạch này cũng bao gồm cam kết của Mỹ về việc vận hành nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine - một trong 10 cơ sở hạt nhân lớn nhất thế giới và hiện do Nga kiểm soát - và một thỏa thuận khai thác nguyên liệu thô giữa Mỹ và Ukraine.

Các đề xuất của Mỹ được công bố tại Paris vào ngày 17/4 và dự kiến được ký kết với Ukraine trong một cuộc họp ở London vào ngày 23/4.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã lên kế hoạch đi cùng Đặc phái viên Witkoff đến các cuộc đàm phán ở London, nơi Tổng thống Zelensky dự kiến sẽ ký vào thỏa thuận.

Nhưng vào phút cuối, ông Rubio và ông Witkoff đã hủy kế hoạch tham dự cuộc họp.

Các nhà ngoại giao Mỹ đổ lỗi cho "lý do hậu cần" khiến chuyến thăm London của các quan chức cấp cao bị hủy đột ngột. Nhưng đây được xem là một cái cớ. Các đặc phái viên của ông Trump không muốn đến London để nhận được sự từ chối của Ukraine đối với các đề xuất của họ.

Phản ứng của Ukraine

Tổng thống Zelensky đã bác bỏ lập luận của Mỹ rằng kế hoạch do Washington đưa ra đòi hỏi cả Nga và Ukraine cùng nhượng bộ như nhau.

Ông Zelensky chỉ ra rằng Nga hầu như không cần thỏa hiệp, đặc biệt là về các vấn đề liên quan tới lãnh thổ.

Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố ông không thể ký một thỏa thuận mà cho phép Crimea được công nhận là lãnh thổ Nga.

"Không có gì để thảo luận ở đây. Điều này vi phạm Hiến pháp của chúng tôi", ông Zelensky nói vào ngày 23/4.

Về vấn đề này, Ukraine được sự ủng hộ hoàn toàn của châu Âu. Bà Kaja Kallas, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, tuyên bố khối này "sẽ không bao giờ công nhận" bán đảo Crimea là một phần của Nga.

Nhưng có lẽ điều khiến Ukraine khó chấp nhận nhất là việc Mỹ tiếp tục từ chối cung cấp cho Ukraine bất kỳ bảo đảm an ninh nào để đối phó với nguy cơ tấn công của Nga trong tương lai. Đồng thời, ông Trump liên tục đổ lỗi cho Ukraine về việc xảy ra xung đột với Nga.

Nhà Trắng cảnh báo Tổng thống Trump sẽ từ bỏ bất kỳ nỗ lực hòa đàm nào với Ukraine nếu đề xuất mới nhất của Mỹ không được chấp nhận.

"Tổng thống đang thất vọng. Sự kiên nhẫn của Tổng thống đang cạn kiệt", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với các phóng viên sau thất bại của các cuộc đàm phán tại London vào ngày 23/4.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không loại trừ khả năng ông có thể trao đổi với người đồng cấp Ukraine bên lề lễ tang của Giáo hoàng Francis, dự kiến sẽ được tổ chức tại Italy vào ngày 26/4.

Phản ứng của Nga

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS hôm 24/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow và Washington đang "đi đúng hướng" trong việc hoàn tất một thỏa thuận chấm dứt xung đột Ukraine.

"Tổng thống Mỹ tin tưởng, và tôi nghĩ là đúng, rằng chúng ta đang đi đúng hướng. Tuyên bố của Tổng thống đề cập đến một thỏa thuận, và chúng tôi đã sẵn sàng đạt được thỏa thuận. Nhưng vẫn còn một số điểm cụ thể, các yếu tố của thỏa thuận này cần được điều chỉnh, và chúng tôi đang bận rộn với quá trình này", ông Lavrov chia sẻ.

Nga từ lâu vẫn tuyên bố thiện chí đàm phán, nhưng các quan chức Nga liên tục nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình khả thi nào cũng phải bao gồm sự công nhận chính thức về lãnh thổ trên thực địa và giải quyết các mối quan ngại cốt lõi về an ninh, bao gồm sự trung lập của Ukraine và lệnh cấm duy trì các lực lượng và cơ sở hạ tầng của NATO trên lãnh thổ Ukraine.

Ông Lavrov cho biết Tổng thống Trump "có lẽ là nhà lãnh đạo duy nhất trên Trái đất nhận ra sự cần thiết của việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột, gọi đó là một trong những "dấu hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng".

Nhà Trắng tuần này cho biết Tổng thống Trump "mất kiên nhẫn" với tiến trình giải quyết xung đột. Cả Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio đều cảnh báo Mỹ có thể xem xét lại vai trò trung gian trong tiến trình hòa đàm và chuyển trọng tâm sang các "ưu tiên" toàn cầu khác nếu không sớm đạt được tiến triển. Theo báo Bild (Đức), điều này được cho là đã thúc đẩy Kiev chuẩn bị cho "kịch bản xấu nhất" trong đó Mỹ cắt đứt mọi sự hỗ trợ dành cho Ukraine.

Bạn đang đọc bài viết "Nước cờ hòa bình của Mỹ: Nga bật đèn xanh, Ukraine khó chấp nhận" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.