Nhận thức của người dân về quyền người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội

12/11/2024 16:32

Nghiên cứu tiến hành khảo sát nhận thức của người dân trên địa bàn TP. Hà Nội về quyền của người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trên cơ sở khảo sát nhận thức của người dân về 2 Luật: Luật An toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trịnh Thị Phượng

Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Email: trinhthiphuong1604@gmail.com

Tóm tắt

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) nói chung, và đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm của xã hội cũng như nhiều nhà nghiên cứu. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả tiến hành khảo sát nhận thức của người dân trên địa bàn TP. Hà Nội về quyền của NTD trong lĩnh vực ATTP trên cơ sở khảo sát nhận thức của người dân về 2 Luật: Luật ATTP và Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người dân biết về Luật ATTP và Luật Bảo vệ quyền lợi NTD khá cao, tuy nhiên tỷ lệ này có sự khác biệt giữa các nhóm xã hội khác nhau.

Từ khóa: Quyền người tiêu dùng, nhận thức, thái độ, an toàn thực phẩm

Summary

Protecting consumer rights in general, and especially in food safety, is a critical issue that has received the attention of society and many researchers. Within the framework of the article, the author conducts a survey of people's awareness of consumer rights in Hanoi on food safety based on a survey of people's awareness of two laws: the Law on Food Safety and the Law on Consumer Protection. The research results show that the rate of people knowing about the Law on Food Safety and the Law on Consumer Protection is relatively high. However, this rate is different between different social groups.

Keywords: Consumer rights; awareness; attitude; food safety

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bảo vệ quyền lợi NTD gần đây được đề cập khá nhiều và được coi là một trong những vấn đề quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của Việt Nam. NTD là một bên trong quan hệ thương mại, dân sự, với tính chất là người tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, trong mối quan hệ này, NTD luôn ở vị thế yếu hơn và có nguy cơ gánh chịu rủi ro, thiệt hại.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhận thức của người dân về quyền của NTD và công tác bảo vệ quyền lợi NTD còn bộc lộ nhiều điểm yếu, còn nhiều bất cập, đến từ nhận thức của chính người dân, cũng như công tác bảo vệ quyền lợi NTD cho toàn xã hội.

Một trong các lĩnh vực quan trọng mà NTD bị vi phạm quyền và lợi ích rất đáng quan tâm hiện nay, là ATTP. Được tiếp cận với thực phẩm an toàn là quyền cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc y tế; liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Bảo đảm ATTP góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế. Mặc dù đã có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhưng công tác bảo đảm ATTP ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, ATTP diễn ra khá nhiều, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Nhằm bảo vệ quyền lợi cho NTD, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD số 59/2010/QH12 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010. Trong hơn 10 năm qua (2011-2022), các quy định tại Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam. Đến năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD số 19/2023/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 15 thông qua ngày 20/6/2023, với một số sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của NTD.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Vị trí, vai trò của NTD

NTD có vị trí quyết định trong quan hệ tiêu dùng, nếu không có NTD thì nền sản xuất hàng hóa sẽ không tồn tại. Trong nền kinh thế thị trường, NTD là chủ thể điều tiết quan hệ cung cầu; quyết định chủng loại, chất lượng, số lượng, giá cả của sản phẩm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh. Chính sách tăng trưởng kinh tế vĩ mô của các quốc gia bao giờ cũng bao hàm cả biện pháp kích cầu tiêu dùng. Do đó, việc ghi nhận và bảo vệ các quyền của NTD nhằm bảo đảm lợi ích chung của cả cộng đồng. Vì vậy, NTD phải được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe khi mua và sử dụng hàng hóa của các nhà sản xuất hay kinh doanh, không những thế họ còn có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ trong trường hợp hàng hóa họ mua gây thiệt hại đến tài sản của họ, đến môi trường sống xung quanh. Lý thuyết này có xuất phát điểm từ phát biểu của Tổng thống Mỹ John Kennedy, tại Thượng viện Mỹ ngày 15/3/1962. Theo đó, khẳng định NTD là nhóm người đông đảo nhất, có ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng của hầu hết các quyết định về kinh tế, dù là của nhà nước hay tư nhân. Nhưng NTD lại là nhóm người quan trọng độc nhất mà quan điểm của họ không được chú ý tới. Đây là tư tưởng đầu tiên nhằm cổ vũ cho bảo vệ quyền lợi NTD, phản đối những bất công trong xã hội và lạm dụng trên thị trường làm hại đến NTD. Tiếp đó, lý luận về vị trí quan trọng của NTD trong nền kinh tế được Liên hợp quốc đã khẳng định vị trí, vai trò trung tâm, tối thượng của NTD trong tuyên bố xác định Ngày Quyền của NTD thế giới (ngày 15/3) (Wikipedia, 2006).

Lý thuyết về kiểm soát thực phẩm an toàn, quyền được sử dụng thực phẩm an toàn

Quyền quan trọng nhất của con người là quyền sống. Để bảo đảm quyền sống đó, con người cần phải được bảo đảm an toàn. Nhân tố quan trọng để bảo đảm tính mạng, sức khỏe con người là thực phẩm an toàn. Nhà nước phải có trách nhiệm làm cho yêu cầu đó được triển khai trong thực tế. Lý thuyết này chi phối toàn bộ nội dung lý luận, đánh giá thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng (Rome, 1992) với sự tài trợ bởi WHO và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra Tuyên bố “Tiếp cận với thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng và an toàn là một quyền cá nhân của tất cả NTD”. Đồng thời, Hội nghị cũng kêu gọi các Chính phủ thiết lập các biện pháp để bảo vệ NTD từ thực phẩm không an toàn, chất lượng thấp, pha trộn, ghi nhãn sai, hay thực phẩm bị ô nhiễm. Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn chủ đề cho Ngày sức khỏe thế giới (ngày 7/4/2015) là “An toàn thực phẩm”. Theo đó, mục đích của chủ đề nhằm kêu gọi trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo đảm ATTP, cụ thể: “Các nhà sản xuất, các nhà chế biến và người kinh doanh thực phẩm cần phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh trong khi NTD cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng và tuân thủ các thực hành tốt về ATTP”. Nội dung của WHO không chỉ tập trung vào trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh mà còn nhấn mạnh vào nghĩa vụ của NTD trong việc bảo đảm ATTP. Theo nội dung kêu gọi của Tổ chức này, tất cả các bên đều có vai trò trong việc bảo đảm ATTP (FAO, 2024).

Thông tin bất cân xứng giữa người sản xuất, kinh doanh và NTD

Lý thuyết thông tin bất cân xứng lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970 và đã khẳng định được vị trí của mình trong nền kinh tế học hiện đại bằng sự kiện năm 2001. Các nhà khoa học nghiên cứu lý thuyết này là George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz đã cùng vinh dự nhận giải Nobel kinh tế cho công trình nghiên cứu: “Phân tích các thị trường với tình trạng thông tin bất cân xứng”. Lý thuyết thông tin bất cân xứng xây dựng giả thuyết rằng, các bên tham gia giao dịch, nhà sản xuất và NTD có lượng thông tin không cân xứng nhau. Người bán có lợi thế về thông tin còn NTD không dễ tiếp cận với những thông tin này. Với giả thuyết đó, các nhà kinh tế sẽ xem xét tác động của sự mất cân bằng thông tin tới sự lựa chọn của khách hàng và quyết định đầu tư của các doanh nghiệp; và đã rút ra kết luận thông tin bất cân xứng sẽ gây bất lợi cho cả người mua và người bán và sẽ dẫn đến sự thất bại của thị trường (Dẫn theo Nguyễn Thị Vinh Hương, 2024). Lý thuyết này cũng đề cập đến yêu cầu về sự công bằng xã hội trong mối tương quan giữa NTD và nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ. Trong quan hệ tiêu dùng, NTD luôn ở vị trí bất cân xứng với thương nhân trên cả phương diện thông tin, hiểu biết và khả năng tự bảo vệ. Do đó, bảo đảm công bằng xã hội trong quan hệ tiêu dùng giữa NTD thực phẩm và thương nhân là hạn chế một phần quyền tự do hợp đồng (các điều khoản thỏa thuận hạn chế quyền của NTD); người sản xuất, kinh doanh phải cung cấp thông tin trung thực và đầy đủ cho NTD để giảm bớt sự bất cân xứng trong thông tin. Công bằng về thông tin và quyền lợi của NTD sẽ được bảo đảm thông qua công cụ pháp lý cần thiết của Nhà nước. Lý thuyết này sẽ được sử dụng để nghiên cứu nhằm đề ra các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực ATTP.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với phương pháp khảo sát trực tuyến bằng bảng hỏi qua internet (thông qua các mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Email, Viber…).

Số phiếu khảo sát là 200 phiếu. Đối tượng khảo sát là những cá nhân từ 25-60 tuổi sinh sống tại nông thôn và đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội.

THỰC TRẠNG NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN VỀ QUYỀN CỦA NTD TRONG LĨNH VỰC ATTP

Luật An toàn thực phẩm

Luật ATTP số 55/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/07/2011, quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong đảm bảo ATTP, điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm…

Vệ sinh ATTP cũng bao gồm một số thói quen, thao tác trong khâu chế biến cần được thực hiện để tránh các nguy cơ sức khỏe tiềm năng nghiêm trọng. Hiểu theo nghĩa rộng, vệ sinh ATTP là toàn bộ những vấn đề cần xử lý liên quan đến việc đảm bảo vệ sinh đối với thực phẩm nhằm đảm bảo cho sức khỏe của NTD. Vệ sinh thực phẩm là giữ cho thực phẩm không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm được coi là vệ sinh là những thực phẩm được xử lý và bảo quản sạch sẽ trong quá trình sản xuất, chăm sóc và đóng gói, chế biến.

Nhận thức của người dân về Luật ATTP

Nhận thức của người dân về Luật ATTP hiện nay đang được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Kết quả khảo sát cho chỉ số khá tích cực với 86,0% người tham gia khảo sát có biết về Luật ATTP. Tỷ lệ biết về Luật này có khác nhau giữa các nhóm xã hội (Bảng 1).

Theo giới tính, nam có tỷ lệ biết về Luật cao hơn so với nữ.

Về độ tuổi, nhóm tuổi 31-50 có tỷ lệ biết về Luật thấp nhất (79,6%), 2 nhóm tuổi còn lại 25-30 và 51-65 có tỷ lệ biết về Luật cao hơn hẳn so với nhóm 25-30 tuổi, với tỷ lệ tương ứng là 90% và 91,8%.

Trình độ học vấn không có sự chi phối nhiều tới sự hiểu biết về Luật ATTP.

Điều kiện kinh tế có tạo nên sự khác biệt trong nhận biết về Luật ATTP, với tỷ lệ có biết Luật này cao hơn ở nhóm thu nhập từ khá trở lên.

Theo khu vực sinh sống, giữa 2 nhóm nông thôn và đô thị, tỷ lệ biết về Luật ATTP của nhóm nông thôn cao hơn đô thị với khoảng chênh lệch là 9,6%.

Bảng 1: Tỷ lệ người dân biết về Luật ATTP (%)

Biết về Luật ATTP

Giới tính

Nam

87,7

Nữ

84,5

Nhóm tuổi

25 – 30

90

31 – 50

79,6

51 – 65

91,8

Trình độ học vấn

THPT trở xuống

86,2

THPT trở lên

85,9

Mức sống

Khá giả

90,9

Trung bình trở xuống

85,4

Khu vực

Nông thôn

90,4

Thành thị

81

Nguồn: Khảo sát của đề tài

Kênh tiếp nhận thông tin về Luật ATTP

Luật ATTP được người dân biết tới qua nhiều nguồn khác nhau, như: sách báo, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, bạn bè, người thân, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có tính chất tuyên truyền.

Tác giả thực hiện khảo sát trên hình thức khảo sát online, do đó đối tượng tham gia khảo sát là những người có sử dụng mạng xã hội, có hiểu biết về nền tảng số. Bởi vậy, theo kết quả khảo sát, nguồn cung cấp hiểu biết về Luật ATTP có tỷ lệ cao nhất là qua internet/mạng xã hội (82,1%). Trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, đây cũng là kênh truyền thông cần được chú trọng. Vì kênh thông tin trên nền tảng số thu hút người dân do vậy, sách/báo giấy không thể hiện được vai trò của mình, nhưng cũng có tới 58,7% người trả lời cho biết họ biết về Luật ATTP qua kênh này. Tivi/đài vẫn thể hiện được sức mạnh truyền thông của mình trong truyền tải các thông điệp của cuộc sống với tỷ lệ 65,2% biết tới Luật ATTP qua tivi/đài. Hai kênh truyền thông có tỷ lệ thấp nhất là 2 kênh truyền thông trực tiếp gồm: cuộc họp, hội nghị, hội thảo (26,6%) và bạn bè, người thân (31,0%) (Hình 1).

Hình 1: Nguồn nhận biết về Luật ATTP của người dân

Nhận thức của người dân về quyền người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội
Nguồn: Khảo sát của đề tài

Kết quả khảo sát cho thấy, có sự khác biệt về nguồn nhận biết Luật ATTP giữa các nhóm xã hội (Bảng 2).

Nam giới có tỷ lệ cao hơn nữ ở các kênh sách báo; tivi/đài; internet/mạng xã hội; bạn bè, người thân. Điều này cho thấy tính nhạy đối với các thông tin về Luật của nam cao hơn so với nữ. Riêng với kênh truyền thông qua cuộc họp, nhiều cuộc họp tổ dân phố, họp các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương cho thấy, nữ có tỷ lệ tham gia nhiều hơn so với nam. Do đó, ở kênh thông tin này, tỷ lệ nữ cao hơn nam không đáng kể là hợp lý.

Giữa các nhóm tuổi, với kênh sách báo; ti vi/đài, nhóm tuổi cao nhất có tỷ lệ tiếp nhận thông tin cao nhất. Đối với kênh mạng xã hội, nhóm tuổi trẻ nhất có tỷ lệ cao nhất, bởi đây là nhóm tiếp cận với chuyển đổi số mạnh mẽ nhất và tiếp nhận truyền thông số tích cực nhất.

Giữa 2 nhóm trình độ học vấn, khảo sát cho thấy có sự khác biệt đáng kể ở kênh tivi/đài. Theo đó, tỷ lệ nhóm trình độ học vấn từ THPT trở xuống biết về Luật qua kênh này > nhóm trình độ học vấn từ THPT trở lên, với khoảng chênh lệch là 7,6 điểm %. Điều này cũng ngầm ý, để tuyên truyền Luật ATTP tới nhóm có trình độ học vấn từ THPT trở xuống, nên chú trọng kênh tivi/đài.

Đối với khu vực sinh sống, kênh truyền thông sách báo; ti vi/đài có hiệu quả hơn tại khu vực nông thôn; trong khi đó kênh internet/mạng xã hội hiệu quả hơn đối với thành thị. Điều đáng quan tâm về nguồn truyền thông của 2 nhóm này là kênh cuộc họp/hội nghị có tỷ lệ tại nông thôn cao hơn hẳn so với thành thị (13,7% so với 4,3%); và kênh bạn bè, người thân có tỷ lệ tại thành thị cao hơn hẳn so với nông thôn (20,5% so với 6,3%).

Bảng 2: Nguồn nhận biết về Luật ATTP của người dân theo các nhóm xã hội (%)

Qua bạn bè người thân

Được phổ biến qua cuộc họp

Qua internet, mạng xã hội

Qua tivi, đài

Qua sách báo

Tổng

Khu vực

Thành thị

20,5

4,3

34,6

21,1

19.5

100

Nông thôn

6,3

13,7

29,0

27,0

24,0

100

Mức sống

Trung bình trở xuống

13,3

9,2

31,6

24,6

21,3

100

Khá giả

2,8

15,5

28,2

25,4

28,2

100

Học vấn

THPTtrở lên

12,2

10,8

31,7

22,8

22,5

100

THPT trở xuống

10,4

8,0

29,6

30,4

21,6

100

Nhóm tuổi

51-65 tuổi

10,2

10,8

28,9

26,5

23,5

100

31-50 tuổi

12,9

10,8

29,9

27,4

21,6

100

25-30 tuổi

12,0

8,0

36,0

22,4

21,6

100

Giới tính

Nam

13,1

30,7

23,9

23,9

23,9

100

Nữ

6,8

31,6

20,5

20,5

20,5

100

Nguồn: Khảo sát của đề tài

Mức độ hiểu biết về Luật ATTP

Khi được yêu cầu tự đánh giá về mức độ hiểu biết về Luật ATTP, kết quả khảo sát cho thấy, mức độ hiểu biết của người dân hiện không đầy đủ. Có tới 30,8% tự đánh giá rằng, cho dù họ có biết về Luật nhưng lại chưa hiểu rõ về Luật này. Mức độ biết chỉ dừng lại ở việc có nghe đến, có biết sự hiện diện của Luật này. Tỷ lệ chỉ hiểu biết một số điều của Luật ATTP là 26,2%. Tỷ lệ hiểu sâu sắc hơn như hiểu biết tương đối đầy đủ về các điều luật và hiểu biết đầy đủ về các điều luật là thấp với 13,1% và 15,9%.

Sự hiểu biết về Luật ATTP cũng có khác biệt giữa các nhóm xã hội khác nhau (Bảng 3).

Nữ giới có mức độ hiểu biết tốt hơn so với nam. Tỷ lệ biết đầy đủ các điều luật của nữ cao hơn hẳn so với nam (20,9% so với 10,2%). Tỷ lệ biết nhưng chưa hiểu rõ về Luật của nam cũng cao hơn so với nữ (39,8% so với 31,4%), ngụ ý sự không chắc chắn của nam giới đối với hiểu biết về Luật này.

Bảng 3: Mức độ hiểu biết về Luật ATTP của người dân theo các nhóm xã hội

Hiểu biết đầy đủ các điều luật

Hiểu biết tương đối về các điều luật

Chỉ hiểu biết một số điều luật

Biết nhưng chưa rõ

Tổng

Khu vực

Thành thị

12,3

14,8

35,8

37,0

100

Nông thôn

17,5

21,4

26,2

35,0

100

Mức sống

Trung bình trở xuống

11,0

18,3

33,5

37,2

100

Khá giả

50,0

20,0

5,0

25,0

100

Học vấn

THPT trở lên

19,4

20,1

29,9

30,6

100

THPT trở xuống

4,0

14,0

32,0

50,0

100

Nhóm tuổi

51-65 tuổi

10,7

28,6

33,9

26,8

100

31-50 tuổi

14,9

18,9

25,7

40,5

100

25-30 tuổi

20,4

7,4

33,3

38,9

100

Giới tính

Nam

10,2

19,4

30,6

39,8

100

Nữ

20,9

17,4

30,2

31,4

100

Nguồn: Khảo sát của đề tài

Trong các nhóm tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ hiểu biết đầy đủ các điều luật lại càng thấp (tương ứng theo nhóm tuổi tăng dần: 20,4%; 14,9% và 10,7%).

Trình độ học vấn có ảnh hưởng tới sự hiểu biết về Luật. Theo đó, nhóm có trình độ học vấn từ THPT trở lên có tỷ lệ hiểu biết đầy đủ về các điều luật cao hơn hẳn so với nhóm trình độ từ THPT trở xuống (19,4% so với 4,0%); ở mức độ hiểu biết tương đối đầy đủ các điều luật nhóm trình độ học vấn từ THPT trở lên cũng có tỷ lệ cao hơn (20,1% so với 14,0%).

Thu nhập là yếu tố tạo nên sự khác biệt về hiểu biết đối với Luật ATTP. Nhóm có thu nhập khá có tỷ lệ hiểu biết đầy đủ các điều luật cao vượt trội so với nhóm có thu nhập trung bình với khoảng chênh lệch lên tới gần 40,0%.

Hiểu biết về Luật của nhóm thành thị thấp hơn so với nhóm nông thôn ở cả 2 chỉ báo hiểu biết đầy đủ các điều luật và hiểu biết tương đối đầy đủ các điều luật. Đây là chỉ báo đáng ngạc nhiên, nó cho thấy sự thiếu quan tâm tới Luật ATTP, 1 Luật gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân thành thị. Mặc dù, thành thị là nơi các dấu hiệu vi phạm, không đảm bảo ATTP xảy ra nhiều hơn so với nông thôn.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD

Nhận thức của người dân về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD

Thực hiện quyền của NTD đối với ATTP có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Quyền của NTD đối với ATTP đảm bảo rằng, họ được sử dụng các sản phẩm an toàn, không gây hại cho sức khỏe. Thực phẩm bẩn, chứa hóa chất hoặc bị nhiễm khuẩn có thể gây ngộ độc, bệnh tật, thậm chí tử vong. Việc thực hiện quyền này giúp ngăn chặn các nguy cơ sức khỏe liên quan đến thực phẩm kém chất lượng. Khi NTD có kiến thức và yêu cầu cao về ATTP, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn và sản xuất sản phẩm đạt chuẩn. Điều này tạo áp lực giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cải thiện uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường. NTD có quyền yêu cầu sản phẩm an toàn, chất lượng, điều này tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định về ATTP sẽ có cơ hội thu hút nhiều khách hàng hơn, trong khi các doanh nghiệp không đạt chuẩn sẽ bị loại khỏi thị trường.

Thực hiện quyền NTD đối với ATTP còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề sức khỏe và ATTP. Khi NTD hiểu rõ quyền lợi của mình, họ sẽ trở nên chủ động hơn trong việc lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm an toàn, có trách nhiệm hơn với sức khỏe cá nhân và gia đình. Quyền này của người dân được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ người dân biết tới Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là cao với 82,7%. Tỷ lệ biết về Luật này có sự khác biệt giữa các nhóm xã hội. Trong đó: (i) Nam và nữ có tỷ lệ biết tương đồng; (ii) Nhóm tuổi 51-60 có tỷ lệ biết cao nhất với 93,4%; (iii) Hai nhóm trình độ học vấn có tỷ lệ biết không quá chênh lệch với tỷ lệ cao hơn thuộc về nhóm có trình độ từ THPT trở xuống; (iv) Nhóm có điều kiện kinh tế khá giả có tỷ lệ biết cao hơn nhóm trung bình trở xuống; (v) Đáng chú ý là nhóm nông thôn có tỷ lệ biết cao hơn hẳn nhóm đô thị (88,6% so với 76,0%) (Hình 3).

Hình 3: Hiểu biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD

Nhận thức của người dân về quyền người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội
Nguồn: Khảo sát của đề tài

Kênh tiếp nhận thông tin về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD

Người dân biết tới Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Cũng như đối với Luật ATTP, tỷ lệ biết tới Luật này của người dân cao nhất từ nguồn internet/mạng xã hội với 79,7% cho thấy sức mạnh của truyền thông số dù là truyền thông chính thức hay phi chính thức; (ii) Tiếp đến là từ kênh truyền thông đại chúng tivi/đài; (iii) Thứ 3 là kênh sách/báo; (iv) Hai kênh truyền thông trực tiếp và phổ biến tại cuộc họp, hội nghị, hội thảo và bạn bè, người thân có tỷ lệ thấp nhất với khoảng cách biệt lớn so với các kênh truyền thông khác (27,1% và 28,2%).

Bảng 4: Nguồn nhận biết Luật Bảo vệ quyền lợi NTD của người dân theo các nhóm xã hội (%)

Qua bạn bè người thân

Được phổ biến qua cuộc họp

Qua internet, mạng xã hội

Qua tivi, đài

Qua sách báo

Tổng

Khu vực

Thành thị

17,8

22,3

35,0

5,1

19,7

100

Nông thôn

23,6

27,4

29,1

13,5

6,4

100

Mức sống

Trung bình trở xuống

20,6

25,5

31,8

9,9

12,2

100

Khá giả

27,5

26,1

27,5

14,5

4,3

100

Học vấn

THPT trở lên

21,5

23,9

30,9

11,8

11,8

100

THPT trở xuống

22,0

30,1

31,7

7,3

8,9

100

Nhóm tuổi

51-65 tuổi

24,8

26,1

28,5

10,9

9,7

100

31-50 tuổi

21,9

25,7

30,1

9,8

12,6

100

25-30 tuổi

16,2

24,8

37,1

11,4

10,5

100

Giới tính

Nam

23,1

26,1

30,3

14,3

6,3

100

Nữ

20,0

25,1

32,1

6,5

16,3

100

Nguồn: Khảo sát của đề tài

Nguồn nhận biết Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có sự khác biệt giữa các nhóm xã hội (Bảng 4). Nam có tỷ lệ biết tới Luật Bảo vệ quyền lợi NTD qua kênh sách/báo; ti vi/đài và qua cuộc họp/hội nghị/hội thảo cao hơn so với nữ. Nữ có tỷ lệ biết tới Luật này qua kênh internet/mạng xã hội và bạn bè, người thân cao hơn so với nam. Trong các nhóm tuổi, nhận biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD qua kênh sách/báo; tivi/đài có tỷ lệ thuận đối với nhóm tuổi. Ngược lại, đối với kênh internet/mạng nhóm tuổi càng thấp tỷ lệ biết tới qua kênh này càng cao. Kênh truyền thông trên tivi/đài về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu quả đối với nhóm trình độ học vấn từ THPT trở xuống hơn là nhóm THPT trở lên. Kênh sách/báo; tivi/đài thể hiện hiệu quả truyền thông về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tại nông thôn tốt hơn so với thành thị. Ngược lại, kênh internet/mạng xã hội cho hiệu quả truyền thông tốt hơn tại thành thị so với nông thôn.

Mức độ hiểu biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD

Tình trạng hiểu biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD giống với hiểu biết về Luật ATTP. Tỷ lệ người dân có biết Luật này mà chưa hiểu rõ về Luật là cao nhất với 30,4%. Tỷ lệ hiểu biết tương đối đầy đủ và hiểu biết đầy đủ về Luật còn thấp với 14,0% cho cả 2 tiêu chí.

Mức độ hiểu biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có sự khác biệt rõ giữa các nhóm xã hội (Bảng 5).

Bảng 5: Mức độ hiểu biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD theo nhóm xã hội (%)

Hiểu biết đầy đủ các điều luật

Hiểu biết tương đối về các điều luật

Chỉ hiểu biết một số điều luật

Biết nhưng chưa rõ

Tổng

Khu vực

Thành thị

36,8

34,2

14,5

14,5

100

Nông thôn

36,6

25,7

18,8

18,8

100

Mức sống

Trung bình trở xuống

38,6

31,6

13,3

16,5

100

Khá giả

21,1

10,5

47,4

21,1

100

Học vấn

THPT trở lên

30,5

31,3

21,9

16,4

100

THCS trở xuống

53,1

24,5

4,1

18,4

100

Nhóm tuổi

51-65 tuổi

29,8

33,3

14,0

22,8

100

31-50 tuổi

41,4

28,6

15,7

14,3

100

25-30 tuổi

38,0

26,0

22,0

14,0

100

Giới tính

Nam

29,6

32,1

22,2

16,0

100

Nữ

42,7

27,1

12,5

17,7

100

Nguồn: Khảo sát của đề tài

Hiểu biết của nữ tốt hơn hẳn so với nam, thể hiện ở tỷ lệ hiểu biết đầy đủ về Luật của nữ cao hơn nhiều so với nam (42,7% so với 29,6%; tỷ lệ biết, nhưng chưa hiểu rõ vể Luật không có sự khác biệt nhiều giữa nam và nữ (16% so với 17,7%).

Mức độ hiểu biết đầy đủ về Luật cao nhất ở nhóm tuổi 31-50 tuổi với 41,4% và chênh lệch thấp ở 2 nhóm còn lại (29,8% với nhóm 51-65 tuổi và 38% với nhóm 25-30 tuổi).

Không có sự khác biệt nhiều về mức độ hiểu biết đầy đủ các điều Luật ở khu vực nông thôn và thành thị (36,6% và 36,8%).

KẾT LUẬN

Kết quả khảo sát tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người dân trên địa bàn thành phố hiểu về Luật ATTP và Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nhìn chung tương đối cao. Đối với Luật ATTP, có 86,0% người tham gia khảo sát có biết về Luật ATTP. Tỷ lệ biết về Luật này có khác nhau giữa các nhóm xã hội. Nguồn NTD tìm hiểu về Luật ATTP chủ yếu qua internet/mạng xã hội, thứ 2 là Tivi/đài và cuối cùng là qua sách/báo giấy. Đáng chú ý, mức độ hiểu biết về Luật ATTP của người dân hiện chưa đầy đủ, khi có tới 30,8% tự đánh giá rằng, cho dù họ có biết về Luật nhưng lại chưa hiểu rõ về Luật này. Mức độ biết chỉ dừng lại ở việc có nghe đến, có biết sự hiện diện của Luật.

Tỷ lệ người dân biết tới Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cũng tương đối cao, với 82,7%. Tỷ lệ biết về Luật này cũng có sự khác biệt giữa các nhóm xã hội. Người dân biết tới Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau và mức độ hiểu biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có sự khác biệt rõ giữa các nhóm xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016), Đề án: Tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp.

2. Bộ Y tế (2012), Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.

3. Cục An toàn thực phẩm (2014), Báo cáo tình hình ngộ độc tập thể và vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, khu chế xuất - Hội thảo Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

4. Cục Quản lý cạnh tranh (2009), So sánh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một số nước trên thế giới - Bài học kinh nghiệm và đề xuất một số nội dung cơ bản quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam, Tài liệu phục vụ công tác xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

5. Chính phủ (2012), Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030.

6. FAO (2024), An toàn và chất lượng thực phẩm, truy cập từ https://www.fao.org/food-safety/food-control-systems/official-controls/food-control-management/en/.

7. Nguyễn Văn Cương (2014), Nhận diện thiết chế thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và vai trò của những thiết chế này trong việc bảo vệ người tiêu dùng, Chuyên đề Đề tài cấp Bộ, Viện Khoa học Pháp lý.

8. Nguyễn Văn Thành (2014), Thực trạng năng lực và giải pháp tăng cường năng lực của Bộ Công Thương trong công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chuyên đề Đề tài cấp Bộ, Viện Khoa học Pháp lý.

9. Nguyễn Thị Vinh Hương (2024), Một số lý thuyết tác động đến tư duy lập pháp về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/mot-so-ly-thuyet-nghien-cuu-tac-dong-den-tu-duy-lap-phap-ve-bao-ve-thong-tin-ca-nhan-cua-nguoi-tieu-dung-28760.html.

10. Phạm Duy Tường (2012), An toàn vệ sinh thực phẩm, Nxb. Giáo dục Việt Nam.

11. Phạm Thị Hồng Yến (2011), An toàn thực phẩm và việc thực thi hiệp định SPS/WTO: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp đối với Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông.

12. Quốc hội (2010), Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, ngày 17/6/2010.

13. Stephen Brobeck (1997), Encyclopedia of the Consumer Movement, Oxford: ABC-CLIO.

14. Trần Mai Vân (2013), Thi hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm ở cấp phường trên địa bàn TP. Hà Nội, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

15. Vũ Thị Lan Anh (2014), Thực trạng năng lực và giải pháp tăng cường năng lực của hệ thống Tòa án trong công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chuyên đề Đề tài cấp Bộ, Viện Khoa học Pháp lý.

16. Wikipedia (2006), Consumer Bill of Rights, retrieved from https://en.wikipedia.org/wiki/Consumer_Bill_of_Rights.


Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Cơ sở “Nhận thức, thái độ của người dân về quyền người tiêu dùng: Nghiên cứu trường hợp ở Hà Nội” do Viện Xã hội học chủ trì và thực hiện năm 2024
Ngày nhận bài: 24/10/2024; Ngày phản biện: 5/11/2024; Ngày duyệt đăng: 12/11/2024

Bạn đang đọc bài viết "Nhận thức của người dân về quyền người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội" tại chuyên mục Diễn đàn khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.