Phát biểu trên truyền hình ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, quân đội Nga đã tập kích mục tiêu ở Ukraine bằng tên lửa siêu vượt âm tầm trung đời mới có tên gọi Oreshnik và không mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa đã đánh trúng mục tiêu là một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine ở thành phố Dnepropetrovsk (hay Dnipro theo cách gọi của Ukraine).
"Tên lửa đã tấn công một trong những khu công nghiệp lớn nhất, nổi tiếng từ thời Liên Xô và vẫn sản xuất tên lửa cũng như các loại vũ khí khác", ông Putin nói khi dường như đề cập đến nhà sản xuất hàng không vũ trụ Yuzhmash thuộc sở hữu nhà nước của Ukraine, được thừa kế từ Liên Xô.
Chủ nhân Điện Kremlin cho hay, đây là phản ứng của Nga trước các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cơ sở quân sự trong lãnh thổ Nga bằng hệ thống ATACMS và HIMARS của Mỹ cũng như tên lửa Storm Shadow của Anh.
Tổng thống Putin cũng tuyên bố sẽ công khai bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai nhằm vào các mục tiêu của Ukraine liên quan đến tên lửa Oreshnik "vì lý do nhân đạo" để dân thường rời khỏi khu vực nguy hiểm tiềm tàng. Ông nói thêm, điều này sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc tấn công.
Ông nhấn mạnh thêm với tốc độ di chuyển 2,5km-3km/giây, tức nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, tên lửa Oreshnik hiện không thể đánh chặn bởi bất cứ hệ thống phòng không nào.
"Chúng tôi sẽ thông báo trước khi tấn công vì lý do nhân đạo mà không có bất kỳ lo ngại nào về biện pháp đối phó của đối phương, những người cũng sẽ nhận được thông báo. Tại sao không phải lo ngại? Bởi vì hiện tại chưa có biện pháp đối phó nào với loại vũ khí này", Tổng thống Putin cho biết.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận, Nga đã thông báo trước cho Mỹ về vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung đời mới. "Cảnh báo được gửi ở chế độ tự động thường trực 30 phút trước khi phóng", ông Peskov cho hay.
Không quân Ukraine trước đó cáo buộc Nga đã tập kích thành phố Dnipro bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cùng với tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và 7 tên lửa hành trình Kh-101.
Kiev khẳng định đã bắn hạ 6 tên lửa trong số đó. Vụ tấn công khiến ít nhất 2 người bị thương, một số tòa nhà bị phá hủy.
"Đó là một loại tên lửa mới của Nga. Tốc độ và độ cao của nó cho thấy khả năng của ICBM. Các cuộc điều tra đang được tiến hành", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu hôm 21/11.
Ông Zelensky chỉ trích vụ tấn công bằng tên lửa đời mới của Nga, cho rằng đây là hành động leo thang nghiêm trọng. Theo ông, Moscow đang thử thách các đối tác của Kiev, do vậy, ông kêu gọi lãnh đạo thế giới gây sức ép với Nga. "Nga phải buộc thỏa thuận hòa bình thực sự. Điều này chỉ có thể đạt được bằng sức mạnh", ông nói.
Theo giới chức Ukraine, tên lửa này được xác định phóng từ tỉnh Astrakhan ở miền Nam nước Nga, cách Dnipro hơn 700 km về phía Đông.
Ông Zelensky cho rằng, Nga đang tìm cách mua sắm tên lửa mới từ nhiều quốc gia trên thế giới và biến Ukraine thành bãi thử.
CNN dẫn đánh giá của hai quan chức Mỹ cho biết, tên lửa đời mới của Nga có thể mang theo nhiều đầu đạn và đây có vẻ như là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong xung đột Nga - Ukraine.
Thông điệp của Nga
Theo một số nhà phân tích, vụ tấn công có thể là một thông điệp gửi tới phương Tây rằng nước này có khả năng lớn hơn những gì đã thể hiện trước đây.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tuần này có những bước ngoặt đáng kể, bao gồm việc Ukraine bắn tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh sản xuất vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, Nga thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi theo hướng hạ ngưỡng sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân.
Đáng chú ý là, một loạt đại sứ quán nước ngoài, trong đó có Mỹ, Tây Ban Nha và Hy Lạp tại thủ đô Kiev, Ukraine, thông báo đóng cửa ngay trước vụ tấn công. Rất có thể họ đã được thông báo về nguy cơ một cuộc tấn công nghiêm trọng của Nga nhằm vào Ukraine và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn. Một cường quốc hạt nhân, khi sử dụng tên lửa như thế này, có thể chọn cách cảnh báo các cường quốc hạt nhân khác, để họ không nhầm lẫn.
Thiếu tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark MacCarley nhận định, việc Nga lựa chọn tấn công Dnipro có thể là lời cảnh báo rằng nước này cũng có thể nhắm mục tiêu vào thủ đô Kiev.
"Nga bắn vào Dnipro trước như một ám hiệu rằng nếu Ukraine không từ bỏ sử dụng vũ khí tầm xa như tên lửa ATACMS và Storm Shadow do Mỹ, Anh cung cấp, thì Nga sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa tương tự để tấn công Kiev", ông nói.
Ukraine có thể đối phó?
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Ukraine có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ và Đức cung cấp, có khả năng đánh chặn các đầu đạn tên lửa đạn đạo đang bay tới.
Hệ thống Patriot được thiết kế để tấn công các đầu đạn đang bay tới bằng đầu đạn phát nổ của chính chúng hoặc bằng các thiết bị đánh chặn động học.
Các tên lửa đánh chặn Patriot có tầm bắn thẳng đứng khoảng 20km và bảo vệ một khu vực khoảng 15-20km xung quanh khẩu đội.
Quân đội Ukraine cho biết, họ đã sử dụng thành công hệ thống Patriot để đánh chặn tên lửa đạn đạo Kinzhal của Nga vào năm 2023. Tuy nhiên, Kinzhal là tên lửa đạn đạo phóng từ trên không, được bắn từ máy bay chiến đấu MiG và là mục tiêu dễ dàng hơn.
Ukraine chỉ có một số lượng hạn chế các hệ thống và khẩu đội phòng thủ tên lửa Patriot. Một số thành phố, như thủ đô Kiev, được bảo vệ tốt hơn so với những thành phố khác.