
Ông Rodion Miroshnik (Ảnh: Tass).
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Ukraine, Keith Kellogg, đã đề xuất ý tưởng chia Ukraine thành các khu vực kiểm soát giữa các quốc gia châu Âu và Nga, theo kịch bản Berlin (Đức) sau Thế chiến II.
Đây là một trong những lựa chọn để đóng băng xung đột, nhưng có thể dẫn đến một cuộc leo thang mới, ở một mức độ khác, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga, Rodion Miroshnik, cho biết vào hôm 12/4.
"Việc duy trì một khu vực quân sự hóa và sự xuất hiện của các nhóm cực đoan có thể là một trong những cách để đóng băng tình hình hiện tại. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến một cuộc leo thang mới sau này", ông Miroshnik cho biết trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên kênh Soloviev Live.
"Việc duy trì ảnh hưởng, kể cả về quân sự, mà không tạo ra một khu vực phi quân sự sẽ gây ra những lo ngại nghiêm trọng trong tương lai gần. Thời gian để phía Kiev hồi phục có thể rất ngắn, họ đã tập hợp lại, học hỏi từ những kinh nghiệm trước, chuẩn bị kỹ càng", ông nói.
The Times trước đó đã trích dẫn lời ông Kellogg cho biết Ukraine có thể được chia thành các khu vực kiểm soát giữa các quốc gia châu Âu và Nga như kịch bản Berlin sau Thế chiến II.
Quân đội Anh và Pháp có thể đảm nhận các khu vực kiểm soát ở miền Tây Ukraine, tạo thành một "lực lượng đảm bảo" nhằm ngăn chặn việc nối lại các hoạt động chiến đấu, trong khi Nga có thể kiểm soát miền Đông đất nước.
Giữa quân đội châu Âu và Nga sẽ là lực lượng Ukraine, và một khu vực phi quân sự hóa có thể được triển khai dọc theo các đường biên giới kiểm soát hiện tại, ông Kellogg nói thêm.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X sau đó, ông Kellogg cho rằng lời ông đã bị hiểu sai.
"Tôi đang nói về một lực lượng hỗ trợ sau lệnh ngừng bắn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine. Khi đề cập đến việc phân vùng, ý tôi là nói đến các khu vực trách nhiệm trong một lực lượng đồng minh (không có quân đội Mỹ). Tôi không ám chỉ việc chia cắt lãnh thổ Ukraine", ông nói,
Dù Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ ý tưởng triển khai quân đội châu Âu để giám sát lệnh ngừng bắn ở Ukraine, ông Kellogg cho rằng một lực lượng do Anh và Pháp dẫn đầu đóng ở miền Tây Ukraine "sẽ không mang tính khiêu khích" đối với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói vào ngày 12/3 rằng sự hiện diện của quân đội NATO dưới bất kỳ hình thức nào và với bất kỳ cờ hiệu nào trên lãnh thổ Ukraine là một mối đe dọa đối với Nga, đồng thời cho biết Moscow sẽ không chấp nhận điều này dưới bất kỳ hoàn cảnh nào.
Theo ông Kellogg, Mỹ sẽ không triển khai bất kỳ lực lượng bộ binh nào tới Ukraine trong khuôn khổ lực lượng bảo đảm. Ông cũng cảnh báo Pháp và Anh rằng không nên kỳ vọng vào sự hậu thuẫn từ Mỹ đối với "liên minh tự nguyện", một nhóm các quốc gia châu Âu cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine sau khi đạt được ngừng bắn.
"Hãy luôn chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất", ông Kellogg nhấn mạnh, đồng thời cho rằng lực lượng bảo đảm này vẫn đủ sức gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.