Nga cảnh báo cứng rắn khi Mỹ nối lại viện trợ vũ khí cho Ukraine

() - Nga tuyên bố việc phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine không ảnh hưởng đến mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Nga cảnh báo cứng rắn khi Mỹ nối lại viện trợ vũ khí cho Ukraine - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: Tass).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 9/7 tuyên bố bất cứ khi nào các nước phương Tây quyết định tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, điều đó càng củng cố quyết tâm của Nga trong việc đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

"Những quyết định như vậy sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, mà sẽ chỉ củng cố thêm mục tiêu phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine của chúng tôi", bà Zakharova tuyên bố.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, các chính phủ phương Tây che đậy việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine bằng cách tuyên bố rằng họ nên "giúp bảo vệ nền độc lập và tự chủ của Ukraine, điều mà họ đã bóp nghẹt".

"Nhưng điều họ không tiết lộ là họ đang phá hủy Ukraine và cướp đi sinh mạng của người Ukraine bằng những biện pháp như vậy", nhà ngoại giao Nga cảnh báo.

Lầu Năm Góc mới đây bất ngờ thông báo tạm ngừng chuyển vũ khí quan trọng cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cho biết Washington tiếp tục viện trợ cho Kiev.

“Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí. Chủ yếu là vũ khí phòng thủ. Chúng tôi buộc phải làm vậy. Họ cần có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất dữ dội”, ông Trump nói.

Theo các nguồn tin, ông Trump được cho là đã phê chuẩn việc nối lại viện trợ cho Ukraine, trong đó có tên lửa phòng không Patriot.

Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa chứng minh hiệu quả giúp Ukraine đánh chặn tên lửa của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh Ukraine cần ít nhất 25 khẩu đội Patriot để bảo vệ bầu trời, trong khi hiện nước này chỉ có 6 khẩu đội, trong đó 2 đang được sửa chữa.

Trong một diễn biến liên quan, hai quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, nước này đang chuyển đạn pháo và tên lửa cho Ukraine, trong đó có đạn pháo 155mm và tên lửa GMLRS.

Các quan chức này không cho biết có bao nhiêu vũ khí được gửi đi cũng như liệu lô hàng đã hoàn tất hay chưa, liệu đợt cung cấp mới này có đại diện cho bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump hay không.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev, dù nhiều đồng minh của ông Trump tỏ ra hoài nghi về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Các nghị sĩ Dân chủ, cùng với một số ít nghị sĩ Cộng hòa và các đồng minh châu Âu, cảnh báo rằng Nga sẽ có lợi thế lớn nếu Mỹ từ bỏ việc viện trợ thêm cho Ukraine.

Quyết định nối lại viện trợ của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào thủ đô Kiev và các thành phố khác của Ukraine.

Giới phân tích cho rằng các cuộc tấn công này thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Moscow cũng như sự tự tin vào ưu thế trên chiến trường của họ.

Các cuộc tấn công kỷ lục của Nga đang đặt ra thách thức lớn cho Ukraine trong bối cảnh nguồn cung vũ khí phòng không bị hạn chế.