
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance (Ảnh: Reuters).
Hôm 2/5, Cơ quan Tình báo Nội địa Đức (BfV) đã xếp AfD vào diện "tổ chức cực đoan", viện dẫn những phát ngôn "bài ngoại, chống thiểu số, bài Hồi giáo và chống người Hồi giáo" của các lãnh đạo đảng này. Việc gán nhãn đó cho phép cảnh sát giám sát chặt chẽ hoạt động của AfD.
"AfD là đảng được lòng dân nhất ở Đức, và cũng là đảng đại diện rõ rệt nhất cho Đông Đức", ông Vance viết, cáo buộc chính phủ Đức đang muốn đảng dừng hoạt động.
"Phương Tây từng cùng nhau phá đổ Bức tường Berlin. Giờ nó lại được dựng lên, không phải bởi Liên Xô hay người Nga, mà bởi giới tinh hoa Đức", ông nói thêm.
Đồng chủ tịch AfD, Alice Weidel, cũng cáo buộc chính phủ tìm cách ngăn cản ý kiến đối lập.
AfD được thành lập năm 2013, ban đầu để phản đối cách Đức xử lý khủng hoảng nợ khu vực đồng euro. Sau đó, đảng này chuyển hướng tập trung vào siết chặt luật nhập cư và tị nạn. AfD cũng chỉ trích NATO và đã tổ chức biểu tình phản đối việc gửi vũ khí cho Ukraine.
AfD về nhì trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 2, giành được 152/630 ghế tại Bundestag. Tháng trước, lần đầu tiên đảng này đứng đầu các cuộc thăm dò dư luận, đạt 26% ủng hộ.
AfD đặc biệt được lòng cử tri ở các vùng Đông Đức cũ, nơi kinh tế kém phát triển hơn. Tuy nhiên, đảng này cũng vướng không ít tai tiếng, khi một số thành viên có liên hệ với các nhóm cực hữu.
Các đảng lớn ở Đức đều từ chối liên minh hay hợp tác với AfD, nhằm xây "bức tường lửa chống cực hữu".
Ông Vance từng chỉ trích nỗ lực cô lập này tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2.
Bức tường Berlin được Đông Đức xây dựng năm 1961 để ngăn công dân trốn sang Tây Berlin. Nó tồn tại suốt thời Chiến tranh Lạnh, cho đến khi bị phá bỏ năm 1989, mở đường cho việc thống nhất nước Đức.
Bình luận về động thái chỉ trích của Mỹ, phía Đức khẳng định quyết định này thể hiện "nền dân chủ" vì là kết quả từ cuộc điều tra độc lập và toàn diện nhằm bảo vệ hiến pháp, để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan cánh hữu.
Đức cũng nhấn mạnh rằng AfD có quyền kháng nghị với quyết định nói trên.