Sự kiện chưa được cấp phép
Ngày 31/3, trên nhiều nền tảng mạng xã hội xuất hiện những video, hình ảnh liên quan tới sự kiện quảng bá món nem chua tại Hòa Bình.
Đáng chú ý, khách mời tham dự chương trình có những TikToker như: Hoàng Cửu Bảo, Thông Soái Ca, Dương XL. Những cá nhân này vốn được biết tới trên mạng xã hội nhờ các video giải trí với nội dung ăn chơi, đóng vai đàn anh giang hồ, tạo hình ảnh sành điệu.
Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận bởi chương trình có sự tham gia của rất nhiều trẻ nhỏ.

Trao đổi với phóng viên , ông Bạch Văn Hướng, đại diện Hợp tác xã Chiển Hướng là một trong những đơn vị tham gia tổ chức chương trình, khẳng định đây không phải là sự kiện quảng bá văn hóa du lịch của thành phố Hòa Bình.
Chương trình do các nhà sản xuất tư nhân phối hợp tổ chức, không phải là sự kiện do chính quyền địa phương quảng bá như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Theo ông Hướng, ngày 26/3, đơn vị này đã làm công văn gửi tới chính quyền thành phố và các ban ngành liên quan xin tổ chức chương trình. Tới ngày 30/3, các đơn vị đã tiến hành tổ chức chương trình dù chưa nhận được văn bản trả lời.
Sự kiện diễn ra tại công viên Tuổi Trẻ ở tổ 16 thuộc phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình. Quy mô chương trình thu hút khoảng 300 khách mời, trong đó có nhiều trẻ nhỏ.

Khi được phóng viên đặt câu hỏi về những TikToker chuyên đóng video vào vai đàn anh giang hồ trên mạng xã hội lại xuất hiện ở chương trình có nhiều trẻ em, đại diện hợp tác xã cho biết đó chỉ là bạn bè tới tham gia cùng.
"Chúng tôi không đăng ký kinh doanh tổ chức sự kiện, chỉ đơn thuần quảng bá sản phẩm nên không rõ quy trình cần thực hiện như thế nào. Đây là lần đầu tổ chức sự kiện nên chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm.
Quá trình truyền thông sản phẩm có thể gặp nhiều thiếu sót nên rất mong được mọi người thông cảm", người đại diện nói.
Theo ban tổ chức, sự kiện tổ chức cuộc thi ăn nem. Những người tham gia có thể nhận về giải thưởng như xe máy, máy phát điện và giải nhất là chuyến du lịch Trung Quốc.
Hệ lụy khi tung hô những điều lệch chuẩn
Vài năm trở lại đây, một số nhân vật xây dựng hình tượng "giang hồ mạng", "thánh chửi"… nổi lên trên mạng xã hội.
Những người này xây dựng các video giải trí với nội dung ăn chơi, tạo hình ảnh sành điệu, nhiều video sử dụng ngôn ngữ thô tục tạo sự kịch tính. Đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ tỏ ra rất yêu thích, chờ đón các video và tung hô những nhân vật này.
Việc các TikToker gây tranh cãi xuất hiện trong chương trình quảng bá sản phẩm có quy mô lớn và được chia sẻ hình ảnh rầm rộ trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người lo ngại về tình trạng tôn sùng những hành vi lệch chuẩn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên , chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng, nếu không có quy định cấm các đơn vị, thương hiệu mời các nhân vật này tức là đơn vị không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, bất cứ một chương trình nào cũng phải quan tâm đến nhiều khía cạnh. Nếu là những chương trình mang tính đại chúng, liên quan đến văn hóa thì càng phải quan tâm đến yếu tố tác động xã hội.
"Theo tôi, việc mời những nhân vật ồn ào, sản xuất những nội dung gây tranh cãi trên mạng xã hội là không chấp nhận được. Ban tổ chức chương trình không sâu sát hoặc cũng có khi họ đang cố tình tạo ra cú sốc về mặt truyền thông để tạo sự chú ý. Những việc làm này chẳng khác gì tung hô sự lệch chuẩn, hợp thức hóa cái xấu", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nói.
Theo chuyên gia này, đây không phải là câu chuyện mới khi trước đây những nhân vật như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng từng xuất hiện như những idol (thần tượng) và cuối cùng tạo ra nhiều hệ lụy cho giới trẻ. Nhiều người trẻ để tóc theo Khá Bảnh, học múa quạt như Khá Bảnh, reo hò tại tòa xử Khá Bảnh…
Việc hợp thức hóa cái xấu, hành vi lệch chuẩn tạo ra sự mâu thuẫn giữa con cái và bố mẹ, thầy cô.
Thầy cô, cha mẹ dạy những điều tốt nhưng trẻ con thấy rằng những idol mạng dù gây tranh cãi vẫn được tung hô, được mời trong các sự kiện, làm người cầm cân nảy mực các cuộc thi thì không có lý gì phải chê trách. Điều này sẽ biến thành cái cớ để trẻ phản biện lại rằng "nếu người ta xấu, người ta không được như thế".
Với số đông người trẻ, họ sẽ xem cách mà các idol mạng phát triển là con đường tốt để mình tiến thân, cứ thế làm những điều gây tranh cãi, nội dung nhảm nhí thay vì tập trung học tập, phát triển bản thân.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, với những "giang hồ mạng", việc được tung hô khiến chính họ cũng ảo tưởng rằng những gì mình làm đang là đúng cho đến khi họ trượt những cú dài hơn mới khiến xã hội bàng hoàng.
"Các cơ quan quản lý cần mạnh tay kiểm duyệt, giám sát, xử phạt những chương trình có dấu hiệu vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng. Với cá nhân mỗi người, cần lên án mạnh mẽ những cái xấu, chung tay để loại trừ những hành vi chưa đến mức vi phạm pháp luật nhưng lệch chuẩn.
Cơ quan quản lý làm gì cũng phải có chế tài, nhưng hành lang pháp lý có điểm mờ chưa chạm được đến để xử lý thì cá nhân có văn hóa đạo đức phải lên tiếng, phải phản ứng mạnh", chuyên gia này nói.