ThS. Ngô Bình Thuận
Khoa Lý luận Cơ sở, Trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh
Email: ngobinhthuan@gmail.com
Tóm tắt
Sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính kiểu cũ sang kinh tế tuần hoàn đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, do nhu cầu cấp thiết về sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới bảo vệ môi trường. Nghiên cứu này trình bày khái niệm cơ bản về kinh tế tuần hoàn, nguyên tắc và một số mô hình cơ bản của kinh tế tuần hoàn, nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan, toàn diện nhất cho các nhà nghiên cứu và cộng đồng về mô hình kinh tế này.
Từ khóa: Kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế
Summary
The transition from a traditional linear economic model to a circular economy has been taking place in many countries worldwide, driven by the urgent need to utilize resources efficiently and protect the environment. This study presents the fundamental concept of the circular economy, its core principles, and several basic models to provide researchers and the community with a comprehensive overview of this economic model.
Keywords: Circular economy, circular economy models, economic models
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành một chủ đề nổi bật, khi thế giới đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng, như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên. Thay vì tạo ra chất thải, mô hình này giúp tài nguyên được lưu chuyển lâu hơn trong nền kinh tế, giảm bớt tác động tiêu cực lên môi trường. Với những tiềm năng lớn, KTTH đang là hướng đi được nhiều quốc gia và doanh nghiệp hướng tới để đạt được sự phát triển bền vững. Mô hình KTTH là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình kinh tế tuyến tính, bởi nó khắc phục những hạn chế và hệ quả của kinh tế tuyến tính, đặc biệt là tác động tiêu cực đến môi trường được xem là hậu quả nặng nề, lâu dài và khó khắc phục nhất. KTTH cũng góp phần giải quyết bài toán tài nguyên, nhân công, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH”. Luật Bảo vệ môi trường cũng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực đầu năm 2022. Việc lựa chọn KTTH là yêu cầu tất yếu, nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phát triển KTTH cũng đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe về thể chế, nguồn lực. Vì thế, việc nghiên cứu chỉ ra những nguyên tắc và một số mô hình tiêu biểu để có thể chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH là hết sức cần thiết.
TỔNG QUAN VỀ KINH TẾ TUẦN HOÀN
KTTH (Circular Economy) là một mô hình kinh tế hướng tới việc tái sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường. Thay vì theo mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy) với quy trình "sản xuất - tiêu thụ - thải bỏ" truyền thống, KTTH hướng tới một vòng đời sản phẩm khép kín, nơi mà mọi thứ đều có thể tái sử dụng hoặc tái chế.
Theo nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur, việc chuyển đổi sang mô hình KTTH có thể giúp các nước tiết kiệm khoảng 575 tỷ Euro mỗi năm và thu về hàng trăm tỷ Euro lợi ích kinh tế rộng hơn cho các doanh nghiệp, thành phố và công dân vào năm 2035. Đồng thời, tạo ra 4.500 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu đến năm 2030 và 25.000 tỷ USD vào năm 2050. Về mặt môi trường, mô hình này giúp giảm đến 39% lượng khí thải CO₂ bằng cách giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên và hạn chế phát sinh rác thải. Nhiều quốc gia và ngành công nghiệp đã bắt đầu áp dụng mô hình KTTH để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hà Lan, chiến lược "From Waste to Resource" (VANG) đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang KTTH vào năm 2050, giúp quốc gia này giảm 50% lượng khí thải CO₂ vào năm 2030.
Như vậy có thể hiểu, KTTH là một mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (Reuse), thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling), nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống, nhằm giảm đến mức tối thiểu lượng tài nguyên đầu vào và lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường. Mục đích của KTTH là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang bị và cơ sở hạ tầng, nhằm tăng hiệu quả sử dụng các tài nguyên, nguồn lực này. Cách tiếp cận này tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính, khi các tài nguyên chỉ di chuyển theo một chiều, từ khai thác, sản xuất, đến thải bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ.
Hình 1: Mô hình kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn
![]() |
Nguồn: Nguyễn Đình Đáp (2021)
NGUYÊN TẮC CỦA KINH TẾ TUẦN HOÀN
Nền KTTH hoạt động dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản, hướng đến việc sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu và tiến tới triệt tiêu chất thải. Những nguyên tắc này không chỉ tạo ra một vòng quay bền vững trong sản xuất và tiêu dùng, mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Một là, bảo toàn và cải thiện nguồn lực tự nhiên
Điều này đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn tài nguyên có hạn và tối ưu hóa các dòng tài nguyên tái tạo. Để bảo toàn nguồn lực, doanh nghiệp và xã hội cần đảm bảo rằng, tài nguyên được khai thác và sử dụng một cách hợp lý, giúp cân bằng giữa các yếu tố cung - cầu trong tự nhiên. Việc áp dụng nguyên tắc này không chỉ giúp bảo vệ các tài nguyên quý giá, mà còn cải thiện chất lượng tài nguyên cho các thế hệ tiếp theo, tạo ra lợi ích lâu dài cho môi trường và xã hội.
Hai là, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng sản phẩm, thành phần sản phẩm và nguyên liệu
Nguyên tắc này nhấn mạnh sự hiệu quả trong cả vòng đời kỹ thuật và sinh học của sản phẩm. Thay vì chỉ sử dụng sản phẩm trong một vòng đời ngắn ngủi, KTTH khuyến khích kéo dài vòng đời sản phẩm bằng cách tái chế hoặc chuyển đổi thành các sản phẩm mới, đồng thời giảm thiểu lượng chất thải phát sinh. Các sản phẩm được tái chế và tái sử dụng nhiều lần sẽ giúp giảm thiểu nhu cầu khai thác tài nguyên và tạo ra giá trị kinh tế từ những gì tưởng chừng chỉ là rác thải.
Ba là, thúc đẩy hiệu quả hệ thống, thông qua việc phát hiện và loại bỏ các tác động tiêu cực từ bên ngoài
KTTH khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất và cộng đồng xem xét lại toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu thiết kế đến khâu tiêu dùng và xử lý chất thải. Việc phát hiện ra các lỗ hổng trong hệ thống và loại bỏ các yếu tố gây ô nhiễm hoặc tác động xấu đến môi trường là vấn đề then chốt trong việc tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Ngoài ra, bằng cách giảm thiểu tác động bên ngoài, KTTH giúp tối ưu hóa lợi ích kinh tế và giảm chi phí liên quan đến việc khắc phục ô nhiễm.
MỘT SỐ MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN
Trong nền KTTH, có nhiều mô hình khác nhau để quản lý và tận dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Các mô hình này được xây dựng nhằm giảm thiểu lãng phí và sử dụng tài nguyên lâu dài, giúp duy trì sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động đến môi trường. Trong số các mô hình phổ biến nhất, mô hình 3R và 6R+ là 2 cách tiếp cận được áp dụng rộng rãi, hỗ trợ doanh nghiệp và xã hội chuyển đổi sang nền KTTH.
Mô hình 3R
Mô hình 3R là viết tắt của 3 từ tiếng Anh: Reduce (Giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng) và Recycle (Tái chế). Đây là một trong những mô hình cơ bản và dễ hiểu nhất của KTTH, giúp giảm lượng chất thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Mô hình này được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp cũng như trong đời sống hàng ngày. Trong đó:
Reduce (Giảm thiểu): Giảm lượng tài nguyên sử dụng ngay từ đầu là một bước quan trọng trong mô hình 3R. Bằng cách tiết giảm sử dụng năng lượng và vật liệu, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể giảm tác động đến môi trường. Việc thiết kế các sản phẩm tiết kiệm tài nguyên hoặc sản xuất với mức tiêu thụ thấp hơn giúp giảm chi phí sản xuất và lượng chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất và tiêu dùng.
Reuse (Tái sử dụng): Việc tái sử dụng các sản phẩm và vật liệu là một cách hiệu quả để kéo dài vòng đời của chúng. Ví dụ, chai thủy tinh, hộp nhựa, túi vải có thể tái sử dụng nhiều lần trước khi chúng được tái chế. Tái sử dụng không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, mà còn giảm lượng rác thải, góp phần xây dựng một hệ thống bền vững hơn.
Recycle (Tái chế): Tái chế là quy trình xử lý và biến các sản phẩm đã qua sử dụng thành nguyên liệu mới để sản xuất các sản phẩm khác. Tái chế giúp giảm nhu cầu khai thác tài nguyên mới và giảm lượng chất thải bị thải ra môi trường. Các vật liệu phổ biến như nhựa, kim loại, giấy và thủy tinh đều có thể tái chế để sản xuất các sản phẩm mới, từ đó tạo ra vòng đời mới cho tài nguyên.
Hình 2: Mô hình kinh tế tuần hoàn 3R
![]() |
Nguồn: https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/kinh-te-tuan-hoan
Mô hình 6R+
Mô hình 6R+ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tối đa hóa vòng đời sản phẩm một cách toàn diện. Đồng thời, cung cấp một cách tiếp cận toàn diện, tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên và nâng cao chất lượng vòng đời sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất một cách bền vững hơn. Mô hình này yêu cầu:
R - Rethink and Redesign: Đối với mỗi sản phẩm mới, nhà sản xuất phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận về trách nhiệm với sản phẩm sau khi hết vòng đời. Quá trình này bao gồm việc thiết kế sản phẩm và lựa chọn nguyên liệu, bao bì một cách tối ưu, phù hợp cho việc thu hồi, tái sử dụng và tái chế sau này. Sản phẩm hiện tại cũng cần được cải tiến, điều chỉnh thiết kế để đáp ứng các yêu cầu về tính bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả và trách nhiệm môi trường.
R - Refuse (Từ chối): Đây là hành động của người tiêu dùng, thể hiện việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng nhiều lần, có nguồn gốc từ nền KTTH. Người tiêu dùng có thể từ chối các sản phẩm không thân thiện với môi trường, gây tốn kém tài nguyên hoặc không thể tái chế. Thái độ từ chối các sản phẩm gây hại cho môi trường góp phần quan trọng trong việc tạo nên một thị trường tiêu dùng xanh.
R - Reduce (Giảm thiểu): Thúc đẩy thói quen tiêu dùng tiết kiệm, tránh sử dụng quá mức tài nguyên. Mô hình này được hỗ trợ qua các hoạt động như kinh tế chia sẻ - nơi mọi người dùng chung tài nguyên, đồ gia dụng, phương tiện giao thông, giúp giảm nhu cầu sở hữu cá nhân và giảm gánh nặng lên tài nguyên thiên nhiên.
R - Reuse (Tái sử dụng): Tái sử dụng là thói quen tiêu dùng cần thiết để kéo dài vòng đời của sản phẩm. Người tiêu dùng có thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm cho nhiều mục đích khác nhau hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thay vì vứt bỏ. Để tối ưu hóa tái sử dụng, các doanh nghiệp cần cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế linh kiện, giúp sản phẩm kéo dài tuổi thọ, giữ được giá trị sử dụng.
R - Recycle (Tái chế): Tái chế là hoạt động phục hồi tài nguyên từ sản phẩm đã qua sử dụng và chất thải. Quá trình này bao gồm: thu gom, phân loại và xử lý sản phẩm để thu hồi nguyên liệu và chế biến thành sản phẩm mới. Nguyên liệu tái chế quay lại chu trình sản xuất, giúp tiết kiệm tài nguyên và giảm ô nhiễm môi trường.
KẾT LUẬN
Có thể thấy, KTTH là mô hình phát triển dựa trên nguyên tắc tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời sản phẩm, nhằm giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa tài nguyên. Đây được xem là giải pháp hiệu quả thay thế mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và áp lực phát triển bền vững ngày càng gia tăng, việc chuyển đổi sang mô hình KTTH không còn là lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu. Việc thúc đẩy chuyển đổi sang KTTH không chỉ góp phần hiện thực hóa các cam kết phát triển bền vững của các quốc gia, mà sẽ còn mở ra cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an ninh tài nguyên trong dài hạn.
Tài liệu tham khảo:
1. Ellen MacArthur Foundation (2013). Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition, https://www.ellenmacarthurfoundation.org/assets/downloads/publications/Ellen-MacArthur-Foundation-Towardsthe-Circular-Economy-vol.1.pdf
2. European Environment Agency (2017). Circular by design: Products in the circular economy.
3. Kiều Linh (2019). Kinh tế tuần hoàn: “Cánh cửa thần kỳ” đưa Việt Nam phát triển bền vững”, http://vneconomy.vn/kinh-te-tuan-hoan-canh-cua-than-ky-dua-viet-nam-phat-trien-ben-vung-20190912174728576.htm
4. Nguyễn Đình Đáp (2021). Kinh tế tuần hoàn: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-te-tuan-hoan-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-11137.html.
5. Thu Hường (2019). Việt Nam hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, http://consosukien.vn/viet-nam-huong-toi-nen-kinh-te-tuan-hoan.htm
Ngày nhận bài: 30/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 7/7/2025; Ngày duyệt đăng: 10/7/2025 |