Kinh nghiệm chuyển đổi số của các nước và bài học cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu, vừa mang lại cơ hội đột phá, vừa đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu này phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số từ các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan, từ đó rút ra bài học giá trị áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

PGS.,TS. Nguyễn Hồng Thái

Trường Đại học Giao thông Vận tải

ThS. Nguyễn Văn Thịnh

NCS Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Email: Nguyenthinh.edu@gmail.com

Tóm tắt

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu, vừa mang lại cơ hội đột phá, vừa đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu này phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số từ các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan, từ đó rút ra bài học giá trị áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Trên cơ sở đó, nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Từ khóa: Chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, đổi mới sáng tạo

Summary

Digital transformation is an inevitable global trend that offers breakthrough opportunities while also posing significant challenges for small and medium-sized enterprises. The study analyzes digital transformation experiences from countries such as Germany, Japan, South Korea, China, and Thailand, drawing valuable lessons applicable to Vietnamese small and medium-sized enterprises. Based on these insights, the study proposes solutions to help Vietnamese small and medium-sized enterprises make breakthroughs and improve their competitiveness in the digital era.

Keywords: Digital transformation, small and medium-sized enterprises, Viet Nam, international experience, innovation

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành yếu tố then chốt, quyết định sự tồn tại và khả năng phát triển bền vững của mọi doanh nghiệp. Từ các tập đoàn lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đều đang chịu tác động sâu rộng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế, chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp hơn 40% GDP và tạo ra hàng triệu việc làm (Tổng cục Thống kê, nay là Cục Thống kê - Bộ Tài chính, 2023). Tuy nhiên, quá trình số hóa của các DNNVV Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản đáng kể, bao gồm hạn chế về nhận thức, nguồn lực và kỹ năng.

Để các DNNVV Việt Nam có thể vượt qua những thách thức hiện tại, nắm bắt cơ hội và thực hiện chuyển đổi thành công, thì việc nghiên cứu và học hỏi từ kinh nghiệm từ các quốc gia đã và đang dẫn đầu trong tiến trình số hóa là cần thiết. Nghiên cứu này phân tích chi tiết các mô hình và chiến lược mà Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan áp dụng để hỗ trợ DNNVV, từ đó, rút ra những bài học cốt lõi và đưa ra giải pháp trọng tâm cho DNNVV Việt Nam.

VAI TRÒ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM

Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng các phần mềm hay thiết bị công nghệ hiện đại. Đây là một quá trình thay đổi toàn diện về tư duy lãnh đạo, mô hình kinh doanh, quy trình vận hành và văn hóa doanh nghiệp nhằm khai thác tối đa công nghệ số để kiến tạo giá trị mới, tối ưu hóa hiệu suất và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đối với DNNVV Việt Nam, chuyển đổi số mang lại những lợi ích thiết yếu, không chỉ giúp họ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong môi trường cạnh tranh khốc liệt:

- Tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động: Tự động hóa các tác vụ lặp lại giúp giảm thiểu sai sót, tiết kiệm thời gian và nguồn lực vận hành.

- Cải thiện trải nghiệm khách hàng: Cá nhân hóa dịch vụ, tương tác đa kênh và phản hồi nhanh chóng, từ đó tăng cường sự gắn kết và lòng trung thành của khách hàng.

- Mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu: Tiếp cận tệp khách hàng không giới hạn về địa lý thông qua các kênh trực tuyến, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh: Khả năng thích ứng nhanh với xu hướng thị trường, tạo ra sự khác biệt và linh hoạt hơn trước các biến động.

- Quản trị doanh nghiệp hiệu quả: Dữ liệu được số hóa cung cấp thông tin minh bạch và kịp thời, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra các quyết định chính xác hơn.

MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA Ở MỘT SỐ QUỐC GIA

Đức: Chú trọng tự động hóa và sản xuất thông minh

Đức là quốc gia tiên phong trong việc định hình khái niệm "Công nghiệp 4.0", tập trung vào số hóa và tự động hóa các quy trình sản xuất. Đức đặc biệt chú trọng đến vai trò của DNNVV trong chuỗi giá trị và khả năng tích hợp của họ vào mô hình này.

Theo đó, Đức triển khai nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các viện nghiên cứu hàng đầu như Fraunhofer Institute hợp tác chặt chẽ với DNNVV để phát triển và chuyển giao các giải pháp công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất thông minh, robot và trí tuệ nhân tạo (AI).

Cùng với đó, Đức đã thành lập các "Trung tâm đổi mới" và "Nền tảng công nghiệp 4.0" (Platform Industrie 4.0), kết nối các doanh nghiệp, cung cấp kiến thức chuyên sâu và phát triển các tiêu chuẩn chung cho quá trình số hóa ngành sản xuất.

Ngoài ra, quốc gia này tập trung vào giá trị cốt lõi. DNNVV tại Đức thường ưu tiên tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình sản xuất cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng, năng suất và giảm thiểu lãng phí, từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Nhật Bản: Kết hợp truyền thống và công nghệ

Nhật Bản nổi tiếng với khả năng kết hợp hài hòa giữa truyền thống và công nghệ, hướng tới một "Xã hội 5.0" siêu thông minh, nơi công nghệ được thiết kế để phục vụ con người. Đối với DNNVV, Nhật Bản tập trung vào việc nâng cao năng suất và chất lượng thông qua số hóa. DNNVV Nhật Bản thường xuyên áp dụng các giải pháp số để cải thiện quy trình sản xuất, quản lý chất lượng và chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao năng suất lao động và duy trì danh tiếng về sản phẩm chất lượng cao.

Chính phủ Nhật Bản triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính và tư vấn chuyên sâu cho DNNVV theo từng giai đoạn của quá trình chuyển đổi số, đặc biệt khuyến khích ứng dụng AI, Internet vạn vật (IoT) và robot trong sản xuất.

Bên cạnh đó, DNNVV Nhật Bản thừa hưởng sâu sắc văn hóa Kaizen (cải tiến liên tục), khuyến khích toàn bộ nhân viên chủ động tìm kiếm các giải pháp số để tối ưu hóa công việc hàng ngày. Đồng thời, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ tại Nhật Bản thường cung cấp dịch vụ trọn gói và hỗ trợ kỹ thuật tận tình, giúp DNNVV cảm thấy an tâm hơn khi triển khai các dự án số.

Hàn Quốc: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ và khởi nghiệp số

Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ vượt trội, với sự đầu tư mạnh mẽ vào R&D và xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp số năng động. Cụ thể Chính phủ Hàn Quốc và các tập đoàn lớn có chiến lược đầu tư rất mạnh vào R&D, tạo ra nhiều công nghệ tiên tiến mà DNNVV có thể ứng dụng. Trong đó, hạ tầng mạng 5G hàng đầu thế giới cũng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hàn Quốc.

Song song với đó, Hàn Quốc triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ chuyên sâu. Nhiều chương trình ươm tạo, vườn ươm và quỹ đầu tư đã được thành lập nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệ (startup) công nghệ, gián tiếp tạo ra nhiều giải pháp số chất lượng cao cho DNNVV. Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy "Doanh nghiệp số thông minh” thông qua khuyến khích các DNNVV ứng dụng AI và dữ liệu lớn (Big Data) để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành sản xuất và dịch vụ.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn (Chaebol) thường xuyên hỗ trợ các DNNVV trong chuỗi cung ứng của mình thực hiện chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của toàn bộ chuỗi giá trị.

Trung Quốc: Tốc độ áp dụng và sức mạnh của hệ sinh thái siêu ứng dụng

Trung Quốc nổi bật với tốc độ số hóa đáng kinh ngạc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán di động. Tại đây, các siêu ứng dụng đóng vai trò chủ đạo, tạo ra một môi trường cực kỳ thuận lợi cho DNNVV. Các nền tảng như WeChat và Alipay không chỉ là công cụ giao tiếp hay thanh toán mà còn là hệ sinh thái kinh doanh đa dạng. DNNVV Trung Quốc có thể dễ dàng tạo cửa hàng trực tuyến, tiếp cận khách hàng, quảng bá sản phẩm, quản lý đơn hàng và thanh toán một cách liền mạch trên một nền tảng duy nhất.

Các DNNVV và startup tại Trung Quốc được khuyến khích thử nghiệm các mô hình kinh doanh số mới, sẵn sàng học hỏi từ thất bại và nhanh chóng điều chỉnh để phù hợp với thị trường đầy biến động. Cùng với đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp giải pháp công nghệ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV Trung Quốc dễ dàng tiếp cận các công cụ và nền tảng số hóa mà không cần nguồn lực tài chính khổng lồ.

Thái Lan: Tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa và du lịch số

Thái Lan là một quốc gia trong khu vực ASEAN, cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số với trọng tâm là hỗ trợ DNNVV và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch số và nông nghiệp số. Chính phủ Thái Lan đã ban hành các sáng kiến như "Thailand 4.0" nhằm chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, trong đó DNNVV được ưu tiên hỗ trợ đặc biệt. Đồng thời, chính phủ khuyến khích DNNVV sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các giải pháp đám mây để nâng cao hiệu quả kinh doanh và mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng.

Bên cạnh đó, chính phủ Thái Lan còn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật toàn diện cho DNNVV. Các cơ quan chính phủ và đối tác cung cấp các khoản vay ưu đãi, trợ cấp và chương trình đào tạo kỹ năng số cho DNNVV. Đặc biệt, Thái Lan tập trung số hóa các hoạt động du lịch, từ đặt phòng, vé tham quan đến quản lý trải nghiệm khách hàng, tạo cơ hội mới cho các DNNVV trong ngành này.

Tổng hợp kinh nghiệm chuyển đổi số của DNNVV từ các quốc gia và bài học cho Việt Nam được thể hiện tại Bảng.

Bảng: Kinh nghiệm chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa từ các quốc gia và bài học cho Việt Nam

Quốc gia

Bài học kinh nghiệm

Kết quả đạt được đối với DNNVV

Nhân tố ảnh hưởng đến thành công

Điều kiện triển khai

Bài học cho DNNVV Việt Nam

Đức

Tự động hóa sản xuất và Industry 4.0: Tập trung số hóa quy trình sản xuất cốt lõi, nâng cao năng lực công nghệ nền tảng.

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu chi phí vận hành, tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao.

- Sự gắn kết giữa R&D của viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

- Các nền tảng/trung tâm chia sẻ kiến thức Industry 4.0.

- Chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ sản xuất.

- Hạ tầng công nghiệp và công nghệ phát triển.

- Nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong kỹ thuật.

- Văn hóa đề cao sự chính xác, chất lượng.

Tập trung vào giá trị cốt lõi: Ưu tiên số hóa các quy trình sản xuất/vận hành chính để nâng cao năng lực sản phẩm/dịch vụ. Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học.

Nhật Bản

Kết hợp công nghệ với Kaizen & Chất lượng: Ứng dụng công nghệ để cải tiến liên tục, đảm bảo chất lượng, tối ưu chuỗi cung ứng.

Nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, giảm lãng phí, duy trì danh tiếng chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động.

- Văn hóa Kaizen (cải tiến liên tục) ăn sâu vào DN.

- Sự hỗ trợ theo từng giai đoạn và dịch vụ tư vấn tin cậy.

- Sự chú trọng vào chi tiết và chất lượng trong mọi quy trình.

- Ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao.

- Mạng lưới nhà cung cấp giải pháp công nghệ đáng tin cậy.

- Khả năng tài chính ổn định để đầu tư bền vững.

Đề cao chất lượng và hiệu quả: Số hóa để tinh gọn quy trình, giảm lỗi, nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Nuôi dưỡng văn hóa cải tiến trong nội bộ.

Hàn Quốc

Đổi mới công nghệ & Khởi nghiệp số: Đầu tư mạnh vào R&D, hạ tầng công nghệ cao, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Tạo ra nhiều giải pháp số tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho SMEs, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số.

- Chính sách đầu tư mạnh vào R&D và hạ tầng viễn thông.

- Hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, có nhiều quỹ hỗ trợ.

- Mối liên kết giữa các tập đoàn lớn và DNNVV trong chuỗi giá trị.

- Hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến (5G, IoT, AI).

- Nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin.

- Chính sách ưu đãi cho nghiên cứu và đổi mới.

Sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới: Mạnh dạn nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến (AI, Big Data). Tận dụng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Trung Quốc

Tốc độ áp dụng & Sức mạnh hệ sinh thái nền tảng: Tận dụng siêu ứng dụng và nền tảng số khổng lồ để kinh doanh, thanh toán, tiếp cận thị trường nhanh chóng.

Tiếp cận thị trường rộng lớn, giảm chi phí tiếp thị, tối ưu hóa quy trình bán hàng và thanh toán, thúc đẩy tăng trưởng nhanh.

- Thị trường nội địa rộng lớn và thói quen tiêu dùng số mạnh mẽ.

- Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng giúp giảm chi phí.

- Tinh thần dám thử nghiệm, chấp nhận rủi ro.

- Hạ tầng di động và internet phủ rộng.

- Sự phát triển của các công ty công nghệ lớn với hệ sinh thái mở.

- Chính sách quản lý linh hoạt, khuyến khích đổi mới.

Tận dụng nền tảng có sẵn & Linh hoạt: Tích cực sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, ví điện tử để kinh doanh. Đón nhận tư duy thử nghiệm và điều chỉnh nhanh.

Thái Lan

Tập trung ngành trọng điểm & Khuyến khích ứng dụng nền tảng: Số hóa các ngành kinh tế mũi nhọn (du lịch, nông nghiệp) và thúc đẩy DNNVV sử dụng các nền tảng số phổ biến.

Nâng cao hiệu quả ngành trọng điểm, giúp DNNVV tiếp cận khách hàng du lịch toàn cầu, tăng cường năng lực cạnh tranh trong khu vực.

- Chính sách "Thailand 4.0" với các mục tiêu rõ ràng.

- Sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong các ngành cụ thể.

- Các chương trình hỗ trợ tài chính và đào tạo kỹ năng số.

- Hạ tầng số đang phát triển.

- Nhận thức về lợi ích số hóa trong các ngành mũi nhọn.

- Sự sẵn lòng của DNNVV để thay đổi.

Chọn lọc ngành ưu tiên & Thực dụng: Tập trung số hóa trong các ngành có thế mạnh của Việt Nam. Tìm kiếm các giải pháp số thực dụng, phù hợp với quy mô và khả năng tài chính.

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

BÀI HỌC VÀ GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM

Bài học cho Việt Nam

Từ những phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan, DNNVV Việt Nam có thể đúc rút những bài học quý giá để vững vàng trên hành trình chuyển đổi số, như sau:

Một là, sự gắn kết bền chặt giữa khoa học - công nghệ và doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng.

Hai là, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, DNNVV Việt Nam nên lấy hiệu quả và chất lượng làm trọng tâm khi tiến hành số hóa. Việc cải tiến liên tục (Kaizen) và có sự hỗ trợ đáng tin cậy từ các nhà cung cấp công nghệ là những yếu tố then chốt dẫn đến thành công.

Ba là, Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, DNNVV Việt Nam nên chủ động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới để tạo ra lợi thế cạnh tranh, đồng thời tận dụng cơ hội hợp tác trong chuỗi giá trị.

Bốn là, tận dụng tối đa các nền tảng số hóa có sẵn và phát triển thị trường ngách trên các nền tảng đó có thể là con đường nhanh chóng và hiệu quả cho DNNVV.

Năm là, DNNVV Việt Nam có thể học hỏi cách Thái Lan tập trung số hóa vào các ngành kinh tế mũi nhọn và tận dụng các nền tảng số hóa để phát triển thị trường, đồng thời chủ động tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức liên quan.

Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thời gian tới

Để thúc đẩy chuyển đổi số thành công cho DNNVV Việt Nam, thời gian tới cần thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:

Về phía Chính phủ và các cơ quan quản lý

Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ: Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các chính sách rõ ràng, ưu đãi về thuế, tín dụng và trợ cấp cho các dự án chuyển đổi số của DNNVV. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các công nghệ mới (AI, IoT, Blockchain).

Phát triển hạ tầng số quốc gia: Tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng viễn thông 5G, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu để đảm bảo kết nối ổn định và an toàn.

Xây dựng và phát triển các nền tảng số dùng chung: Chính phủ nên khuyến khích phát triển các nền tảng số quốc gia hoặc khu vực, dễ sử dụng, chi phí thấp cho DNNVV (ví dụ: nền tảng thương mại điện tử, quản lý chuỗi cung ứng, kế toán đám mây).

Thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP): Khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn, các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với DNNVV để chuyển giao công nghệ, cung cấp giải pháp và đào tạo.

Nâng cao nhận thức và năng lực số cho cộng đồng: Tổ chức các chương trình tuyên truyền, hội thảo, khóa đào tạo về chuyển đổi số cho lãnh đạo và nhân viên DNNVV trên cả nước.

Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Thứ nhất, không vội vàng đầu tư công nghệ nếu chưa xác định rõ mục tiêu và lộ trình cụ thể. Trước khi đầu tư công nghệ, DNNVV cần xác định chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề gì, tối ưu hóa quy trình nào và đạt được mục tiêu kinh doanh gì? Một chiến lược rõ ràng sẽ giúp lựa chọn công nghệ phù hợp và tránh lãng phí.

Thứ hai, con người là yếu tố trung tâm. Thực tế cho thấy công nghệ chỉ là công cụ, con người mới là yếu tố quyết định thành công. Để chuyển đổi số thành công, cần có sự thay đổi tư duy và nâng cao kỹ năng của toàn bộ đội ngũ nhân lực. Lãnh đạo cần tiên phong, tạo động lực và đầu tư vào đào tạo, giúp nhân viên sẵn sàng học hỏi và thích nghi với các công cụ, quy trình mới.

Thứ ba, với nguồn lực hạn chế, DNNVV không nên số hóa toàn bộ hệ thống cùng lúc. Các DNNVV nên tập trung vào những quy trình cấp bách hoặc mang lại hiệu quả rõ rệt nhất (ví dụ: quản lý bán hàng, chăm sóc khách hàng, quản lý kho, marketing). Tận dụng các giải pháp SaaS (phần mềm dịch vụ) hoặc nền tảng đám mây để tiết kiệm chi phí ban đầu và dễ dàng triển khai.

Thứ tư, tận dụng các nền tảng và hệ sinh thái số sẵn có. Thay vì tự xây dựng mọi thứ từ đầu, các DNNVV nên khám phá và tích hợp các nền tảng số phổ biến tại Việt Nam như các ứng dụng quản lý khách hàng (CRM), phần mềm kế toán, nền tảng bán hàng trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki), các ứng dụng thanh toán điện tử (Momo, ZaloPay, VNPay). Điều này giúp DNNVV nhanh chóng tiếp cận công nghệ với chi phí hợp lý.

Thứ năm, đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Khi dữ liệu trở thành tài sản quý giá, việc bảo mật là rất quan trọng. DNNVV cần chú trọng bảo mật dữ liệu khách hàng và nội bộ, từ việc sử dụng mật khẩu, sao lưu định kỳ đến việc lựa chọn đối tác công nghệ uy tín có giải pháp bảo mật rõ ràng.

Thứ sáu, chuyển đổi số là một hành trình dài với nhiều thử thách và đôi khi có những thất bại. Các DNNVV cần sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp mới, đo lường hiệu quả và điều chỉnh khi cần thiết. Tham gia các cộng đồng doanh nghiệp, hội thảo, tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia để cập nhật kiến thức và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024). Báo cáo hiện trạng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

2.Fraunhofer-Gesellschaft (2024). Digital Transformation for SMEs. https://www.fraunhofer.de/en/press/research-news/2024/digital-transformation-smes.html.

3. G. Westerman, D. Bonnet, and A. McAfee (2014). Leading Digital: Turning Technology into Business Transformation. Boston, MA: Harvard Business Review Press.

4. K. L. Chien and S. T. Wang (2023). Lessons Learned from Digital Transformation in Advanced Economies for Developing Countries, International Journal of Digital Economy, vol. 5, no. 1, pp. 25-40.

5. K. Schwab (2016). The Fourth Industrial Revolution. Geneva: World Economic Forum.

6. Plattform Industrie 4.0 (2024). Overview of Industry 4.0 in Germany, https://www.plattform-i40.de/I40/EN/Home/home_node.html.

7. P. C. Palvia, S. S. Palvia, and A. C. Palvia (2023). Digital Business and Digital Transformation: A Comprehensive Literature Review, Journal of Global Information Technology Management, vol. 26, no. 4, pp. 219-247.

8. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (2024). Khảo sát về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.

9. Tổng cục Thống kê (2024). Niên giám thống kê 2023.

10. World Bank (2023). Digital Transformation for SMEs: A Global Perspective.

Ngày nhận bài: 18/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 18/7/2025; Ngày duyệt đăng: 24/7/2025