Nguyễn Phương Tri
Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Minh Hoàng
Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa
“Sẻ nghe xong, mắt sáng lên. Trông dáng vẻ Chim-Lợn to béo, sung túc, thấy lời nói càng đáng tin.”
Trích “Cái ăn”; Hoang dã, Khôn ngoan, Kỳ lạ (2024)
(Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge)
Hành vi bày đàn (herding behavior)
Hành vi bầy đàn là hiện tượng khi các cá nhân, trong các quyết định tài chính hoặc đầu tư, hành động theo số đông, bất chấp thông tin cá nhân hoặc phân tích riêng biệt của họ. Hiệu ứng này thường thấy trong các thị trường tài chính, nơi các nhà đầu tư quyết định mua hoặc bán dựa trên hành động của những người khác, thay vì dựa vào các thông tin cơ bản hoặc chiến lược đầu tư hợp lý [1].
Hành vi bầy đàn trong đầu tư đã được ghi nhận từ rất sớm, điển hình là cơn sốt hoa Tulip ở Hà Lan là một trong những ví dụ kinh điển về bong bóng tài sản trong lịch sử tài chính, xảy ra vào thế kỷ 17. Sự kiện này đã cho thấy tác động mạnh mẽ của hành vi bầy đàn trong đầu tư, khi nhiều người tham gia thị trường hoa Tulip, đẩy giá lên cao một cách phi lý. Vào thời điểm đó, hoa Tulip đã trở thành một mặt hàng xa xỉ tại Hà Lan và được coi là biểu tượng của sự giàu có và đẳng cấp. Khi nhu cầu về hoa Tulip tăng lên, giá của chúng bắt đầu tăng mạnh. Các nhà đầu tư, từ tầng lớp thượng lưu, cho đến những người dân bình thường đã đổ xô mua hoa Tulip với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Thậm chí, một số người còn bán nhà hoặc vay nợ để đầu tư vào hoa Tulip.
Các hành vi bày đàn thường có các đặc tính sau:
Hành động theo số đông: Nhà đầu tư có xu hướng bắt chước hành vi của phần lớn người khác trong thị trường, tin rằng đám đông đang đưa ra quyết định đúng. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi các phân tích cá nhân của họ chỉ ra kết quả ngược lại.
Bỏ qua thông tin cá nhân: Nhà đầu tư thường bỏ qua các tín hiệu từ các nghiên cứu hoặc thông tin mà họ đã thu thập trước đó, thay vào đó dựa vào hành động của thị trường rộng lớn hơn.
Dễ dẫn đến bong bóng tài sản hoặc sụp đổ thị trường: Khi nhiều người cùng mua vào một loại tài sản nào đó, giá sẽ bị đẩy lên cao hơn giá trị thực của nó (bong bóng tài sản). Ngược lại, khi xảy ra sự bán tháo hàng loạt, giá trị tài sản sẽ sụt giảm mạnh dẫn đến các đợt khủng hoảng tài chính [2].
Thị trường chứng khoán Việt Nam, với nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia, có đặc điểm là dễ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng chung và tin tức. Khi một nhóm nhà đầu tư bắt đầu mua hoặc bán cổ phiếu, nhiều người khác cũng sẽ làm theo, tin rằng đám đông đang phản ánh đúng hướng đi của thị trường. Theo nghiên cứu của Chính và Hoàng [3], việc tồn tại hành vi bầy đàn trên thị trường chứng khoán Việt Nam này rất khó chấm dứt trừ khi có thay đổi từ cấu trúc vi mô của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, nghiên cứu thực nghiệm của Vinh và Dang [4] trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, hành vi bầy đàn diễn ra trong cả thị trường tăng và thị trường giảm. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy rằng, có sự khác biệt về mức độ hành vi bầy đàn giữa thị trường trước và sau khủng hoảng. Mức độ hành vi bầy đàn mạnh hơn trong thị trường giảm trong toàn bộ mẫu vào giai đoạn trước khủng hoảng. Đối với giai đoạn sau khủng hoảng, hiện tượng bầy đàn phát triển theo hướng ngược lại (tức là mạnh hơn trong thị trường tăng).
Ảnh minh họa |
Góc nhìn xử lý thông tin về hành vi bày đàn
Theo lý thuyết mindsponge, mỗi cá nhân có một hệ thống giá trị cốt lõi (mindset), mà qua đó họ tiếp nhận, đánh giá thông tin, và đưa ra quyết định. Dựa trên các giá trị cốt lõi này, các nhà đầu tư sẽ có các đánh giá về giá trị cổ phiếu và đầu tư khác nhau [5]. Khi các giá trị này tương tác với các thông tin mới quan sát được từ việc mua bán một loại cổ phiếu của số đông, nó sẽ dẫn đến 3 trường hợp hành vi bày đàn như sau [6,7]:
1) Nhà đầu tư không có phân tích và quyết định cụ thể rõ ràng, do thiếu thông tin, kiến thức, hoặc khả năng phân tích. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ có xu hướng bị tác động bởi các thông tin tiếp nhận được thông qua sự tương tác với số đông (ví dụ: quan sát, trò chuyện, đọc tin tức…). Nếu trong số đông đấy có một số cá nhân mà nhà đầu tư tin tưởng (ví dụ: bạn bè, người thân, bố mẹ, cùng chung hội nhóm...), thì họ sẽ dễ dàng tin tưởng các thông tin từ số đông và dễ dàng tiếp nhận chúng hơn.
2) Phân tích và quyết định của nhà đầu tư đối nghịch với hành vi mua bán của số đông. Thông thường trong trường hợp này, nhà đầu tư ít có xu hướng bị tác động bởi các thông tin mới đối nghịch và sẽ có xu hướng đánh giá các thông tin mới này kỹ lưỡng hơn hoặc thậm chí loại bỏ chúng. Tuy nhiên, khi quan sát thấy được số lượng lớn các nhà đầu tư khác đều hành động, quá trình đánh giá thông tin của nhà đầu tư sẽ trở nên kém hiệu quả hơn do 2 yếu tố chính: áp lực thông tin và áp lực thời gian. Áp lực thông tin được tạo ra khi trong môi trường thông tin xung quanh nhà đầu tư trở nên hỗn loạn hơn và đa phần đều đang trái nghịch với phân tích và quyết định ban đầu của nhà đầu tư. Áp lực thông tin gia tăng cũng tạo ra áp lực về thời gian, khiến cho nhà đầu tư cảm thấy rằng, nếu không nhanh chóng hành động thì cơ hội sẽ mất đi (ví như: nhanh chóng bán tháo để cắt lỗ hoặc mua vào để đạt được tối đa lợi nhuận kỳ vọng…). Với việc bộ lọc và khả năng đánh giá của nhà đầu tư bị giới hạn bởi năng lượng và thời gian xử lý thông tin, các đánh giá của nhà đầu tư sẽ kém nghiêm ngặt và chính xác hơn, khiến cho họ dễ dàng tiếp nhận các thông tin từ bên ngoài và hành động theo số đông hơn, đặc biệt là khi trong số đông tồn tại các cá nhân mà họ tin tưởng.
3) Phân tích và quyết định của nhà đầu tư trùng khớp với hành vi mua bán của số đông. Trong trường hợp này, thông tin quan sát được sẽ tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, khiến cho nhà đầu tư càng tin tưởng vào phân tích và quyết định của mình. Đặc biệt là khi nhiều người cùng nhau mua một loại tài sản, giá của nó thường bị đẩy lên cao hơn giá trị thực (ví dụ như bong bóng tài sản). Ngược lại, khi có hiện tượng bán tháo ồ ạt, giá trị tài sản sẽ giảm mạnh, dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính. Các hiện tượng diễn ra trong ngắn hạn này càng cũng cố thêm các phân tích và đánh giá ban đầu của nhà đầu tư, từ đấy khiến cho họ dễ có những quyết định và hành động đầu tư vượt qua các tiêu chí an toàn khi đầu tư (ví dụ như: đầu tư toàn bộ tài sản vào một hoặc một vài cổ phiếu có vận hành giống nhau).
Giá trị văn hóa
Do hệ thống đánh giá và lọc thông tin của các cá nhân sẽ bị ảnh hưởng bởi hệ thống giá trị lõi, bao gồm giá trị văn hóa, nhà đầu tư ở các nước có văn hóa đề cao giá trị tập thể sẽ có xu hướng dễ bị tác động bởi các hành vi bày đàn hơn [5,6].
Trong các nền văn hóa như châu Á (ví dụ: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc), hành vi bầy đàn có thể phổ biến hơn do các giá trị văn hóa đề cao tinh thần cộng đồng và sự hòa nhập vào nhóm. Giá trị này có cội rễ sâu xa từ trong phương thức sinh tồn, yêu cầu đoàn kết chống thiên tai, giặc ngoại xâm và từ trong phương thức tổ chức xã hội truyền thống căn bản dựa trên các cộng đồng gia đình, làng xã. Tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng giúp người Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm, đương đầu với thiên tai: “Cả bè hơn cây nứa”, “Bẻ đũa chẳng bẻ được cả nắm”, “Khi đói cùng chung một dạ, khi chết cùng chung một lòng” [8]. Văn hóa tập thể khuyến khích việc ưu tiên các mối quan hệ trong xã hội và sự đồng thuận. Vì thế, các giá trị văn hóa này làm tăng khả năng các cá nhân chấp nhận các thông tin được cung cấp bởi tập thể, đặc biệt là các người thân mà họ tin tưởng, nên họ sẽ dễ có các hành vi thực hiện theo số đông hơn, bao gồm cả trong các tình huống đầu tư [6].
Giải pháp từ lý thuyết Mindsponge
Lý thuyết mindsponge có thể cung cấp cách tiếp cận hữu ích để khắc phục hiệu ứng bầy đàn trong đầu tư chứng khoán, thông qua việc giúp nhà đầu tư quản lý và xử lý thông tin một cách hiệu quả hơn [5-7]. Lý thuyết giải thích rằng con người tiếp nhận thông tin từ môi trường xung quanh như một "miếng bọt biển", nhưng không phải mọi thông tin đều được giữ lại. Nhà đầu tư có cơ chế lọc thông tin, và chỉ những thông tin phù hợp với hệ thống niềm tin, giá trị, và nhận thức của họ mới được tiếp nhận và lưu giữ. Để khắc phục hiệu ứng bầy đàn trong đầu tư, nhà đầu tư có thể áp dụng lý thuyết này theo các bước sau:
Nhận diện và làm chủ hệ thống niềm tin cá nhân
Hành vi bầy đàn thường xảy ra khi nhà đầu tư bị cuốn vào hành động của đám đông, từ bỏ các đánh giá và phân tích cá nhân. Điều này xảy ra do niềm tin cá nhân bị yếu thế trước áp lực từ thị trường. Theo nghiên cứu của Tri và cộng sự [9], những nhà đầu tư cá nhân đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên khả năng tự phân tích hoặc theo tư vấn của các chuyên gia sẽ ít có tâm lý sợ hãi hơn khi thị trường khủng hoảng. Đồng thời, kết quả đầu tư cũng tốt hơn so với nhóm đầu tư dựa trên trực giác hoặc đầu tư theo bạn bè, người thân.
Lý thuyết mindsponge giúp nhà đầu tư nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống niềm tin và văn hóa của mình trong các đánh giá và quyết định đầu tư.
Tăng cường cơ chế lọc thông tin
Nhà đầu tư thường bị ảnh hưởng bởi các luồng thông tin sai lệch hoặc thiếu đầy đủ khi áp lực thông tin và thời gian tăng lên, khiến họ dễ mất đi khả năng phân tích độc lập và chạy theo đám đông. Vì thế, để tăng cường khả năng đánh giá và quyết định độc lập và lý trí khi áp lực thị trường gia tăng, nhà đầu tư cần phát triển các tiêu chí và công cụ đánh giá rõ ràng và cụ thể, có khả năng xác nhận độc lập và kiểm tra chéo. Ngoài ra, nhà đầu tư cần học cách tiếp nhận các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chỉ giữ lại những thông tin có căn cứ vững chắc và phù hợp với chiến lược đầu tư của mình. Việc nâng cao khả năng đánh giá, phân loại, và lọc thông tin giúp nhà đầu tư tự tin hơn vào quyết định của mình, thay vì bị cuốn theo xu hướng chung.
Thúc đẩy tư duy phản biện và độc lập
Hành vi bầy đàn thường xuất phát từ việc nhà đầu tư thiếu tư duy phản biện và nghi ngờ về quyết định cá nhân. Họ dễ bị ảnh hưởng bởi các quyết định đầu tư của người khác, dù thông tin có thể mâu thuẫn với nhận thức của chính họ. Vì thế, nhà đầu tư cần rèn luyện tư duy phản biện và tính độc lập. Lý thuyết Mindsponge đề xuất rằng, thay vì bị cuốn theo đám đông, nhà đầu tư nên liên tục đánh giá lại các niềm tin của mình thông qua việc kiểm tra thông tin thực tế và đối chiếu với dữ liệu khách quan. Việc tư duy độc lập và chủ động trong phân tích giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định hợp lý hơn.
Tạo môi trường tiếp nhận thông tin đa chiều
Nhà đầu tư thường bị giới hạn trong việc tiếp cận các thông tin đa chiều khi họ chỉ tập trung vào các nguồn thông tin phổ biến, mà không phân tích thêm các góc nhìn khác nhau, nên hệ thống đánh giá và lọc thông tin của họ sẽ trở nên kém hiệu quả khi các thông tin trái chiều xuất hiện và thời gian phân tích bị giới hạn. Điều này có thể làm tăng khả năng nhà đầu tư bị cuốn vào hiệu ứng bầy đàn. Việc chủ động tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác nhau, để tạo ra một môi trường thông tin đa chiều trong thời gian thị trường không có nhiều biến động sẽ giúp nhà đầu tư thích nghi tốt hơn khi áp lực thông tin và thời gian gia tăng từ hành vi của số đông gia tăng. Ví dụ, họ có thể tham khảo thêm các nguồn phân tích chuyên sâu hoặc các quan điểm trái chiều để mở rộng góc nhìn, từ đó không bị cuốn theo thông tin sai lệch từ đám đông.
Tài liệu tham khảo
[1] Banerjee AV. (1992). A simple model of herd behavior. The Quarterly Journal of Economics, 107(3), 797-817. https://doi.org/10.2307/2118364
[2] Hirshleifer D, Teoh SH. (2012). Herd behavior and cascading in capital markets: A review and synthesis. Dice Center Working Paper, No. 2001-20. https://doi.org/10.1111/1468-036X.00207
[3] Chính PM, Hoàng VQ. (2009). Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá. Nxb Chính trị Quốc gia.
[4] Xuan VV, Dang BAP. (2016). Herd behavior in emerging equity markets: Evidence from Vietnam. Asian Journal of Law and Economics, 7(3), 369–383. https://doi.org/10.1515/ajle-2016-0020
[5] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3
[6] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461
[7] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Exploring the role of rejection in scholarly knowledge production: Insights from granular interaction thinking and information theory. Learned Publishing. https://doi.org/10.1002/leap.1636
[8] Phương ĐT. (2015). Tính tập thể và tính cá nhân trong giao tiếp liên văn hóa. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, 7, 46-52. http://vci.vnu.edu.vn/upload/15022/pdf/57639f867f8b9aa7b58b4582.pdf
[9] Tri NP và cộng sự (2024). Tác động của yếu tố xã hội đến phản ứng của nhà đấu tư chứng khoán cá nhân trong khủng hoảng: bằng chứng từ Trung Quốc và Việt Nam. Tạp Chí Kinh Tế Và Dự Báo, 864 (1), 55-63. https://kinhtevadubao.vn/tac-dong-cua-yeu-to-xa-hoi-den-phan-ung-cua-nha-dau-tu-chung-khoan-ca-nhan-trong-khung-hoang-bang-chung-tu-trung-quoc-va-viet-nam-28212.html
[10] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6