Hàng ngoại nhập giá rẻ 'bức tử' hàng Việt

19/11/2024 20:36

Hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam, áp đảo hàng Việt do giá "rẻ như cho", mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh... Số tiểu thương chọn bán hàng Trung Quốc cũng tăng mạnh.

Hàng Trung Quốc giá rẻ 'bức tử' hàng Việt - Ảnh 1.

Hàng thời trang Trung Quốc đã đẩy những chợ bán sỉ quần áo nổi tiếng như chợ Tân Bình (TP.HCM) rơi vào cảnh ế ẩm - Ảnh: N.TRÍ

Để bảo vệ hàng Việt cũng như sản xuất trong nước, ngoài nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần sớm có các giải pháp như xây dựng hàng rào thuế quan đối với hàng nhập giá rẻ và có chính sách hỗ trợ về vốn, hạ tầng, hệ thống logistics... Nếu không, hàng Việt sẽ bị "bức tử" trên sân nhà, sản xuất trong nước cũng ngày càng teo tóp.

Nhiều khi muốn ủng hộ hàng Việt vì tinh thần dân tộc nhưng cũng khó, giờ kinh tế khó khăn nên buộc ưu tiên cái nào có giá tốt, dễ tìm, dễ mua. Hàng Việt ngày càng thất thế với hàng ngoại cũng dễ hiểu.

Chị NGÔ THỊ BẢO (TP Thủ Đức)

Hàng Trung Quốc tràn ngập từ kho đến chợ mạng

Vào trang "Nai...", chuyên livestream bán hàng thời trang - đồ dùng cá nhân có gần 5.000 lượt theo dõi, theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn mặt hàng này nhập khẩu, trong đó

Một cơ sở gia công quần áo lao đao vì hàng hóa Trung Quốc giá rẻ - Ảnh: TỰ TRUNG

Hàng Việt thất thế trên sân nhà

Chị Ngô Thị Bảo (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thời gian qua các trang TMĐT liên tục giảm giá sâu. Tuy nhiên việc tìm mua quần áo, giày dép Việt nằm trong danh mục giảm giá trên các sàn này không dễ do hàng Việt có mức giảm ít hơn hàng nước ngoài, cũng ít mẫu mã để chọn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đặng Hiến, phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho rằng hàng Trung Quốc đi theo chính sách giá rẻ và mẫu mã đa dạng, đánh đúng tâm lý tiêu dùng của những nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn.

Do đó theo ông Hiến, dễ hiểu khi hàng Trung ngày càng lấn át hàng Việt, gần như đi đâu, nhóm hàng nào cũng thấy. Nhưng không chỉ chiếm ưu thế trong lĩnh vực giày da, may mặc, đồ gia dụng, ngành sản xuất thực phẩm của Trung Quốc cũng đang lấn sân sang Việt Nam rất nhanh.

"Các công ty nước giải khát - đồ uống trong nước chỉ chiết khấu cho nhà phân phối cấp 1 từ 12 - 15%, nhưng hàng Trung Quốc có thể đưa ra mức chiết khấu cao hơn nhiều. Điều này dễ khiến nhà phân phối xiêu lòng và lựa chọn "sống chết" với hàng Trung Quốc, ngó lơ sản phẩm khác", ông Hiến nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (TP.HCM), cho biết ngay cả sản phẩm cà phê vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng doanh nghiệp này cũng gặp khó khi cạnh tranh hàng Trung Quốc, chưa nói đến chuyện xâm nhập thị trường này.

Bởi việc bán hàng trên các sàn TMĐT, livestream bán hàng thì không dễ vì vướng nhiều chính sách và mức thuế, phí cao. Trong khi đó, ngoài giá rẻ, hàng Trung Quốc thường được sự đồng hành, hỗ trợ lớn của sàn TMĐT đến từ Trung Quốc như TikTok, Temu... khiến hàng Việt đã khó cạnh tranh càng gặp khó.

"Trung Quốc chọn những người có sức ảnh hưởng trên mạng tại các quốc gia để đào tạo, tài trợ... từ đó tạo ra những "chiến thần livestream" cam kết bán hàng Trung Quốc. Thêm sự hậu thuẫn của các doanh nghiệp, sàn TMĐT Trung Quốc, các cá nhân này kéo theo lượng lớn người bán, thay đổi xu hướng tiêu dùng. Đây là một chính sách góp phần đưa hàng Trung tung hoành nhiều nước, chứ không riêng gì Việt Nam", ông Luận nói.

Hàng Trung Quốc giá rẻ 'bức tử' hàng Việt - Ảnh 3.

Nhiều nhãn hàng may mặc xuất xứ từ Trung Quốc bày bán tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM, chiều 18-11 - Ảnh: TỰ TRUNG

Lo sản xuất trong nước teo tóp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM, cho biết trước dịch COVID-19, thị trường trong nước tiêu thụ đến khoảng 50 - 60% hàng da giày được doanh nghiệp nội sản xuất, nhưng tỉ lệ này đang giảm rất mạnh.

Theo ông Khánh, ngoài lý do kinh tế khó khăn, hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập là lý do chính khiến doanh nghiệp Việt đang sống mòn. Đơn cử, đôi giày thể thao Trung Quốc được bán tại Việt Nam có loại chỉ 60.000 - 70.000 đồng/đôi nhưng nếu doanh nghiệp Việt sản xuất, ít nhất giá vốn phải 100.000 đồng/đôi.

"Trung Quốc tự chủ được nguyên vật liệu, công nghệ, trong khi Việt Nam gần như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, mẫu mã luôn đi sau. Nên so về giá thành, mẫu mã, Trung Quốc đã ăn đứt rồi. Chưa kể Trung Quốc xây dựng các trung tâm thương mại lớn sát biên giới và cho doanh nghiệp vào trưng bày, giới thiệu hàng gần như không tốn phí", ông Khánh nói.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, hàng Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường nào đó thường được "hộ tống" của các trang TMĐT, hệ thống vận tải, kho vận lớn ở dọc biên giới, chưa kể được ưu đãi nhiều về vốn, công nghệ trong quá trình sản xuất giúp tiết giảm giá thành.

Một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cho biết không riêng gì Trung Quốc, Thái Lan cũng đang dần học theo và làm khá tốt chiến thuật này, đặc biệt là xây dựng kho vận dọc biên giới. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt gần như tự bơi.

"Những kho vận, trung tâm thương mại dọc biên giới, cửa khẩu của chúng ta gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay, điều này ảnh hưởng rất lớn đến khâu logistics khi thâm nhập thị trường nước ngoài", vị này nói.

Ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng cần có giải pháp để hàng Việt Nam phủ hết kệ hàng tại các siêu thị, trong sân bay. Chẳng hạn như phải có nhiều những gian hàng OCOP, có không gian để trưng bày.

"Không chỉ xây dựng hàng rào thuế quan với hàng nhập giá rẻ, cần có chính sách hỗ trợ hàng Việt Nam như hỗ trợ xúc tiến, giảm thuế phí cho khâu nguyên liệu...", ông Luận nói.

Tiểu thương đuối dần...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện Ban quản lý chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết ngoài kinh doanh ế ẩm vì chịu sự cạnh tranh lớn từ hàng online, các chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề thuế, phí.

Cụ thể, trong khi hoạt động kinh doanh tại chợ ế ẩm trong thời gian dài vừa qua, Nhà nước yêu cầu tăng thuế, phí đối với các quầy sạp tại chợ. Do đó nhiều tiểu thương tính toán giảm quy mô, thậm chí nghỉ bán.

Theo bà Hà, tình trạng này kéo dài khiến việc tiếp quản công tác quản lý tại chợ của đơn vị đi vào ngõ cụt vì thu không đủ chi.

Mời tham gia hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" vào ngày 20-11 tới

Tiếp nối loạt bài phóng sự "Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam" thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, trong khi hàng ngoại tràn vào Việt Nam ngày càng tăng thông qua các sàn TMĐT, báo Tuổi Trẻ và Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) phối hợp tổ chức hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử".

Sự kiện dự kiến diễn ra từ 13h30 - 17h thứ tư, ngày 20-11-2024 tại khách sạn Majestic Saigon, số 1 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM. Tại hội thảo, đại diện VECOM, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam sẽ cùng phân tích thực trạng, cách hàng ngoại giá rẻ "thần tốc" vào Việt Nam qua sàn TMĐT. Bên cạnh đó là những đánh giá về ảnh hưởng đến sản xuất, thương mại và việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là cách làm, từ vận chuyển đến quảng cáo của doanh nghiệp ngoại.

Nhiều đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện hiệp hội, chuyên gia kinh tế, doanh nhân, tiểu thương bán hàng truyền thống và online... cũng cùng thảo luận để đưa ra những giải pháp thiết thực tiếp sức hàng Việt trên sàn TMĐT. Mời quý doanh nghiệp, bạn đọc quét mã QR bên dưới để đăng ký tham gia hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" hoặc truy cập tuoitre.vn để biết thêm chi tiết.

Hàng Trung Quốc giá rẻ 'bức tử' hàng Việt - Ảnh 4.

Hàng Trung Quốc giá rẻ 'bức tử' hàng Việt - Ảnh 5.

Hàng Trung Quốc lấn át hàng Việt - Ảnh 6.Mời tham gia hội thảo 'Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử' vào 20-11 tới

Hội thảo 'Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử' sẽ diễn ra vào chiều 20-11 sắp tới. Dự kiến thu hút nhiều người làm chính sách, chuyên gia, doanh nhân... cùng chia sẻ, thảo luận và đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt.


Bạn đang đọc bài viết "Hàng ngoại nhập giá rẻ 'bức tử' hàng Việt" tại chuyên mục Kinh tế. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.