Sáng nay, bầu trời Hà Nội mù mịt. Hệ thống quan trắc không khí của Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra tại điểm đo tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (quận Hai Bà Trưng) và điểm đo tại số 556 đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên). Ở cả hai điểm đo này, chất lượng không khí ở ngưỡng xấu.
Riêng điểm đo tại Công viên Thanh Xuân (Quận Thanh Xuân) chất lượng không khí ghi nhận mức trung bình, ít ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người.
Ứng dụng Air Visual ghi nhận Hà Nội ô nhiễm thứ tư thế giới lúc 7h sáng nay với chỉ số AQI ở ngưỡng đỏ, xếp sau 3 điểm nóng ô nhiễm không khí của thế giới là thành phố Dakar của Senegal, thành phố Dhara của Bangladesh và thành phố Lahore của Pakistan.
Đáng lưu ý, Hà Nội là địa phương duy nhất ở miền Bắc ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí trong sáng nay.

Hà Nội lại ô nhiễm mù mịt trong sáng nay. Ảnh minh hoạ.
Các địa phương khác ở miền Bắc như Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam sáng nay đều ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng trung bình.
Ô nhiễm không khí là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội, kéo dài trong nhiều năm qua. Chất ô nhiễm chính của thành phố chủ yếu là bụi mịn PM 2,5 – loại bụi được coi là tử thần trong không khí, có thể gây ra hàng loạt các căn bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch và ung thư.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh, Hà Nội đang trong một cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi tất cả quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống “giặc ô nhiễm không khí”. Các bài học trên thế giới đã chứng minh càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao.
Các kiểm kê nguồn thải được thực hiện tại Hà Nội cho thấy, ô nhiễm không khí xuất phát từ 4 nhóm nguyên nhân chính gồm giao thông, xây dựng , hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Trong đó, giao thông và bụi đường được đánh giá là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất.
Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu các nguồn ô nhiễm không khí như kiểm soát các nguồn thải công nghiệp lớn của Hà Nội và các địa phương lân cận, áp dụng chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, hạn chế các hoạt động đốt mở như đốt rác, đốt rơm rạ. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nguồn thải từ giao thông.
Các chuyên gia đề xuất áp dụng một số giải pháp kiểm soát ô nhiễm từ nguồn giao thông rất thành công của các thành phố khác trên thế giới như thúc đẩy giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh giao thông xanh, áp dụng hạn chế số lượng xe xăng đăng ký mới.