Giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa Trường Cao đẳng kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp cùng địa bàn

Trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, việc thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là yếu tố then chốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo sinh viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

PGS, TS. Phạm Văn Tài

Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh

Trần Thị Thảo Hương

Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, việc thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là yếu tố then chốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo sinh viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp khả thi như: xây dựng chương trình đào tạo tích hợp; đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào giảng dạy; phát triển cơ chế đánh giá hợp tác và chuyển đổi số hoạt động liên kết.

Từ khóa: Doanh nghiệp, hợp tác đào tạo, nguồn nhân lực, Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Summary

In the context of a rapidly changing labor market, establishing a strong linkage between educational institutions and enterprises is a key factor in improving training quality and ensuring that students meet practical requirements. The article assesses the current situation and proposes solutions to enhance cooperation in human resource training between Ho Chi Minh City College of Economics and local enterprises. Based on the analysis, several feasible solutions are proposed, including the building integrated training programs, promoting enterprise participation in teaching, developing a cooperative evaluation mechanism, and accelerating digital transformation in partnership activities.

Keywords: Enterprises, training cooperation, human resources, Ho Chi Minh City College of Economics

GIỚI THIỆU

Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HCE) là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm trên địa bàn. Thời gian qua, mặc dù hoạt động hợp tác với doanh nghiệp đã được Nhà trường quan tâm nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế về chiều sâu và tính hiệu quả. Hiện tại, mối quan hệ này chủ yếu xoay quanh việc bố trí sinh viên đi thực tập, trong khi sự phối hợp trong các khía cạnh quan trọng hơn như đồng thiết kế chương trình đào tạo, tổ chức các chuyên đề giảng dạy thực tiễn, đánh giá năng lực người học và hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn còn chưa được phát huy đầy đủ.

Trong bối cảnh thách thức và thời cơ đang xen như hiện nay, việc xây dựng một nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về tình hình hợp tác đào tạo giữa HCE và các doanh nghiệp trên địa bàn đã trở thành một yêu cầu cần thiết. Mục đích của nghiên cứu là đánh giá toàn diện về các điểm mạnh, điểm yếu, các nguyên nhân chủ quan cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của mối quan hệ này. Đây sẽ là tiền đề quan trọng nhằm xây dựng các giải pháp có tính chiến lược, phù hợp với đặc điểm riêng của doanh nghiệp và đáp ứng được nhu cầu thay đổi không ngừng của thị trường lao động.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp là một trong những xu hướng nổi bật và tất yếu trong giáo dục nghề nghiệp trên toàn cầu. Theo Gibb và Hannon (2006), hình thức hợp tác này bao gồm mọi tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp giữa nhà trường và doanh nghiệp, với mục tiêu hỗ trợ và nâng cao hiệu quả cả trong công tác đào tạo lẫn trong việc tối ưu hóa nguồn nhân lực. Khung lý thuyết cho mối quan hệ này thường được minh họa bằng Mô hình Triple Helix (Etzkowitz và Leydesdorff, 2000), nhấn mạnh vai trò liên kết chặt chẽ giữa 3 chủ thể chính: trường học, doanh nghiệp và nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của hệ sinh thái kinh tế.

Hệ thống Đào tạo kép (Dual System) của Đức là một ví dụ điển hình về sự hợp tác thành công giữa nhà trường và doanh nghiệp, được nhiều quốc gia châu Âu học hỏi. Mô hình này tích hợp chặt chẽ giữa học tập lý thuyết tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thực hành có trả lương ngay tại doanh nghiệp. Trong quá trình này, sinh viên không chỉ tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc thực tế, công nghệ tiên tiến và văn hóa doanh nghiệp, mà còn trau dồi các kỹ năng chuyên môn và khả năng thích ứng cao với thị trường lao động. Nhờ sự phối hợp và cam kết rõ ràng giữa các bên, hệ thống này đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp ở mức cao. Mô hình Đào tạo kép được công nhận là một chiến lược hiệu quả để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý cũng đã xác định rõ vai trò then chốt của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014), Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo đã quy định sự tham gia của doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo thực hành, đánh giá kết quả học tập cho đến tuyển dụng và sử dụng lao động sau đào tạo. Mối quan hệ hợp tác này được xem là yếu tố tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường lao động.

Nghiên cứu của Đinh Văn Toàn (2016) khẳng định, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp theo hướng chiến lược và bền vững sẽ góp phần tối ưu hóa việc khai thác nguồn lực, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn đồng thời nâng cao chất lượng tổng thể của nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu thứ cấp: Được thu thập từ các báo cáo chính thức của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (nay là Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục và Đào tạo), UBND TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, cùng các nghiên cứu học thuật liên quan đến chủ đề hợp tác nhà trường - doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp.

Dữ liệu sơ cấp: Được thu thập thông qua các công cụ sau:

Về phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp: Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát định lượng trên 50 doanh nghiệp hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh (trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15). Đối tượng khảo sát được ưu tiên lựa chọn từ các đơn vị đã và đang có mối quan hệ hợp tác với HCE. Nội dung khảo sát được thiết kế nhằm thu thập thông tin chi tiết về các hình thức hợp tác hiện hành, mức độ tham gia chủ động của doanh nghiệp, đánh giá chất lượng và năng lực của sinh viên sau các kỳ thực tập/kiến tập, cùng với những kỳ vọng của doanh nghiệp đối với HCE trong tương lai

Khảo sát định lượng: Tiến hành khảo sát 20 cán bộ quản lý tại HCE về thực trạng các hoạt động hợp tác, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai và các đề xuất giải pháp từ góc độ quản lý nhà trường.

Phân tích so sánh: Nghiên cứu còn sử dụng phương pháp phân tích so sánh nhằm đối chiếu mô hình hợp tác hiện tại của HCE và doanh nghiệp với các mô hình hợp tác điển hình trong và ngoài nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp phù hợp với bối cảnh đặc thù của Nhà trường.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Kết quả khảo sát thực trạng hợp tác

Nghiên cứu đã ghi nhận các kết quả đáng chú ý về hợp tác đào tạo, được tổng hợp từ dữ liệu khảo sát 50 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và 20 cán bộ quản lý tại HCE. Kết quả như sau:

Về năng lực sinh viên: 84% doanh nghiệp đánh giá sinh viên mới ra trường còn thiếu hụt kỹ năng mềm và chưa thể sẵn sàng làm việc ngay lập tức.

Về sự tham gia của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo: 76% doanh nghiệp chưa từng trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo cùng Nhà trường.

Về cơ chế đánh giá: 58% doanh nghiệp cho biết hiện chưa có cơ chế phối hợp cụ thể để đánh giá kết quả học tập thực tế của sinh viên tại doanh nghiệp.

Về trọng tâm hợp tác từ phía Trường: 90% cán bộ quản lý HCE nhận định rằng các hoạt động hợp tác hiện nay chủ yếu tập trung vào việc đưa sinh viên đi thực tập.

Về các hình thức hợp tác hiện có. Kết quả khảo sát cho thấy, phổ biến nhất là thực tập không lương (chiếm 68%), tiếp theo là tham quan doanh nghiệp (40%) và mời doanh nghiệp tham gia ngày hội việc làm (32%). Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các hoạt động mang tính chuyên sâu hơn như giảng dạy chuyên đề hoặc đồng tổ chức hội thảo học thuật còn rất thấp, tỷ lệ là dưới 20% (Hình 1).

Hình 1: Các hình thức hợp tác đào tạo với HCE

Giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa Trường Cao đẳng kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp cùng địa bàn

Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả

Kết quả khảo sát (Hình 2) cũng cho thấy các nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những bất cập trong hợp tác là: thiếu hụt cơ chế điều phối rõ ràng và hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp; sự hạn chế về đội ngũ nhân sự chuyên trách phụ trách quan hệ đối tác tại các cơ sở giáo dục; tâm lý ngần ngại của doanh nghiệp khi đầu tư thời gian và chi phí vào các chương trình hợp tác chuyên sâu; khả năng đáp ứng chậm của chương trình đào tạo với các xu thế phát triển mới và nhu cầu linh hoạt của thị trường.

So với các mô hình hợp tác thành công ở các quốc gia phát triển như: Đức, Nhật Bản hay Singapore, hoạt động hợp tác tại HCE còn mang tính hình thức và chưa tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt, song phương cho cả 2 bên. Chẳng hạn, mô hình “đào tạo kép” tại Đức yêu cầu doanh nghiệp tham gia toàn diện, từ khâu thiết kế chương trình, xây dựng nội dung đến trực tiếp hướng dẫn thực tập và tuyển dụng. Tương tự, tại Nhật Bản, các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ chuyên đề ngay tại trường nhằm cập nhật kiến thức công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn mới nhất cho sinh viên, đảm bảo sự liên tục trong việc chuyển giao tri thức.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, để nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo, HCE cần thay đổi triệt để cách tiếp cận, chuyển dịch từ mô hình “hợp tác thụ động” (chủ yếu qua thực tập) sang mô hình “hợp tác đồng sáng tạo”. Trong mô hình mới này, cả Nhà trường và doanh nghiệp cùng chia sẻ chung mục tiêu, huy động và tối ưu hóa nguồn lực, cũng như cùng chịu trách nhiệm trong toàn bộ quá trình đào tạo, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng trực tiếp và linh hoạt các yêu cầu của thị trường lao động.

Hình 2: Kết quả khảo sát hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và HCE

Giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa Trường Cao đẳng kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp cùng địa bàn

Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, công tác hợp tác đạo tạo giữa HCE và cộng đồng doanh nghiệp tại địa bàn Thành phố mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song trong mối quan hệ này vẫn còn nhiều hạn chế, như: sự thiếu đồng bộ và chiều sâu trong các hoạt động hợp tác; mức độ tham gia chưa đầy đủ của doanh nghiệp vào các chuyên đề giảng dạy và quy trình đánh giá kết quả học tập; cùng với sự vắng mặt của một cơ chế phản hồi song phương hiệu quả. Những yếu tố này đã góp phần hình thành khoảng cách đáng kể giữa năng lực đào tạo hiện tại và yêu cầu thực tiễn từ thị trường lao động.

Một số khuyến nghị

Thông qua kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả xuất một số giải pháp chiến lược nhằm củng cố và tối ưu hóa hiệu quả của mối quan hệ hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực giữa HCE và các doanh nghiệp. Cụ thể:

Một là, thúc đẩy việc phát triển và cập nhật chương trình đào tạo. Cần ưu tiên mô hình đồng thiết kế, với sự hiện diện và đóng góp tích cực của đại diện doanh nghiệp ngay từ đầu. Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo nội dung giảng dạy thực sự phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và định hướng nghề nghiệp.

Hai là, nâng cao năng lực cho bộ phận quan hệ doanh nghiệp. Đầu tư vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về quan hệ doanh nghiệp tại Trường, nhằm xây dựng cầu nối vững chắc và hiệu quả giữa Nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hợp tác. Áp dụng các nền tảng công nghệ số và hệ thống cơ sở dữ liệu hiện đại để quản lý toàn diện các hoạt động hợp tác. Điều này bao gồm việc số hóa thông tin đối tác, theo dõi hiệu quả thực tập, quản lý dự án hợp tác và tối ưu hóa quá trình kết nối giữa sinh viên với cơ hội nghề nghiệp tại doanh nghiệp.

Bốn là, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Phát triển một hệ sinh thái năng động và hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ngay trong khuôn viên trường học, với sự đồng hành và hỗ trợ tích cực từ phía doanh nghiệp về nguồn lực, cố vấn và cơ hội phát triển dự án.

Việc thực thi các giải pháp này một cách nhất quán và có tầm nhìn sẽ tạo ra chuyển biến lớn trong cách thức HCE hợp tác đào tạo. Không chỉ nâng cao hiệu quả đầu ra về nguồn nhân lực, các giải pháp còn đảm bảo người học sau tốt nghiệp sở hữu khả năng thích nghi cao, đáp ứng linh hoạt các đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và cả nước trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2017). Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 15/12/2017 quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

2. Chính phủ (2015). Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

3. Đinh Văn Toàn (2016). Hợp tác đại học - doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, 32(4), 69-80.

4. Etzkowitz, H. and Leydesdorff, L. (2000). The Dynamics of Innovation: From National Systems and “Mode 2” to a Triple Helix of University-Industry-Government Relations. Research Policy, 29, 109-123. http://dx.doi.org/10.1016/S0048-7333(99)00055-4

5. Gibb, A. A. and Hannon P (2006). Towards the Entrepreneurial University. International Journal of Entrepreneurship Education, 4, 73-110.

6. Quốc hội (2014). Luật Giáo dục nghề nghiệp, số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014.

Ngày nhận bài: 25/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 16/7/2025; Ngày duyệt đăng: 21/7/2025