
Lặng ngắm "nhân sinh họa đồ" giữa không gian rộng thoáng của 'Sắc và Không' - Ảnh: H.VY
Trưng bày 20 tranh khổ lớn từ nay đến hết ngày 8-6 tại Chillala - House of Art (75 Xuân Thủy, Thảo Điền, TP.HCM), triển lãm Sắc và Không mang đến một trải nghiệm thị giác đậm tính cá nhân, cũng là hành trình tìm về chính mình của Trần Trung Lĩnh.
Đi qua hai tầng triển lãm, khán giả được dẫn dắt vào một hành trình huyền diệu từ Sắc đến Không, từ hỗn độn sắc màu đến trắng đen tĩnh lặng, từ hữu hình dần tan biến hư vô, từ khởi sinh đến cái vô cùng… Và khi sắc màu tan biến, người xem đối diện với sự lặng yên.
Điều thú vị là ở những khoảng lặng đó, gợi mở từ những trải nghiệm rất riêng của Trần Trung Lĩnh, mỗi người xem đều có thể tìm thấy đâu đó những mẩu cảm xúc nội tâm, suy niệm, hay bản ngã của chính mình.
Tất cả được thể hiện một cách đầy chủ ý, có kế hoạch chi tiết ngay từ phác thảo đầu tiên cho đến trải nghiệm xem tranh sau cùng, có lẽ bởi Trần Trung Lĩnh còn là đạo diễn.
Hiểu rõ mình muốn gì, sắp xếp mọi thứ tỉ mỉ, chỉn chu để kể tốt nhất câu chuyện của mình, đó hẳn là sức hút đặc biệt khiến mỗi triển lãm của “gã” nghệ sĩ đa năng này luôn thu hút đông đảo giới yêu nghệ thuật.

Triển lãm "Sắc và Không" thu hút công chúng đến thưởng lãm
Từ ‘sự cô đơn sáng tạo’ đến ‘Sắc và Không’
* Đang ghi dấu ấn với rực rỡ sắc màu của ‘Hậu Ấn tượng - Van Gogh in Sài Gòn’ và ‘Pop Art - HaHaHa’, sao anh lại chuyển hẳn sang biểu hiện với ‘Sắc và Không’?
- Mọi người thường biết Lĩnh qua tranh Pop Art, nhưng từ khi mới ra trường, con đường tranh pháo của mình đã theo biểu hiện. Nó giống như trồng cây, đến một ngày thấy trái tới lúc chín.
Mình coi Pop Art như cuộc dạo chơi, còn bản chất Trần Trung Lĩnh vẫn là tranh biểu hiện và trừu tượng biểu hiện. Nên ‘Sắc và Không’ là sự trở lại rất tự nhiên, theo kế hoạch của mình.
* Vậy khi trái đã chín, 'Sắc và Không' lần này có gì đặc biệt?
- Loạt tranh này mang đậm tính cá nhân. Có nhiều họa sĩ vẽ biểu hiện về những