Đổi mới dịch vụ logistics vì sự phát triển bền vững: Nghiên cứu trường hợp Công ty Yusen Logistics Việt Nam

Nghiên cứu phân tích chiến lược phát triển của Yusen Logistics Việt Nam trong bối cảnh ngành logistics thay đổi nhanh, chịu áp lực từ yêu cầu phát triển bền vững, số hóa và đổi mới.

ThS. Nguyễn Thùy Dương

ThS. Trần Thị Thoa

Công ty Yusen Logistics Việt Nam

Tóm tắt

Nghiên cứu phân tích chiến lược phát triển của Yusen Logistics Việt Nam (YLVN) trong bối cảnh ngành logistics thay đổi nhanh, chịu áp lực từ yêu cầu phát triển bền vững, số hóa và đổi mới. Qua phương pháp định tính (phỏng vấn, phân tích nội dung), nghiên cứu xác định các rào cản như hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời, chi phí cao, dịch vụ thiếu linh hoạt. Tuy nhiên, YLVN vẫn có lợi thế về hạ tầng, đội ngũ giàu kinh nghiệm và danh tiếng chất lượng. Nghiên cứu đề xuất YLVN nên phát triển logistics chuỗi lạnh cho ngành dược – một thị trường ngách còn ít khai thác. Việc tích hợp công nghệ như IoT, AI và giải pháp thân thiện môi trường sẽ nâng cao hiệu quả và tạo lợi thế cạnh tranh. Nghiên cứu đưa ra lộ trình chiến lược giúp YLVN tái định vị và đạt tăng trưởng bền vững.

Từ khóa: Logistics, đổi mới, bền vững

Summary

The study analyzes the development strategy of Yusen Logistics Viet Nam (YLVN) in the context of a rapidly changing logistics sector, which is under growing pressure from the requirements of sustainable development, digitalization and innovation. Using qualitative methods, including interviews and content analysis, the study identifies key barriers such as outdated information technology systems, high operational costs, and inflexible service offerings. However, YLVN maintains significant advantages in infrastructure, a highly experienced workforce, and a reputation for service quality. The study proposes that YLVN should expand into cold chain logistics for the pharmaceutical industry-an underexploited niche market. Integrating technologies such as IoT, AI, and environmentally friendly solutions is recommended to improve operational efficiency and build competitive advantages. A strategic roadmap is provided to support YLVN in repositioning its brand and achieving sustainable growth.

Keywords: Logistics, innovation, sustainability

GIỚI THIỆU

Logistics được xem là một trong những ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh tại Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế và nội địa. Với hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực. Tuy nhiên, ngành vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như chi phí logistics cao, hạ tầng chưa đồng bộ, và mức độ ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, YLVN -một công ty con của Tập đoàn Yusen Nhật Bản, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996 - đã và đang tìm kiếm hướng đi mới nhằm thích nghi và tạo sự khác biệt. Trong vài năm gần đây, YLVN phải đối mặt với sự suy giảm doanh thu do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, việc tái cấu trúc chiến lược kinh doanh theo hướng đổi mới và phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết để duy trì vị thế và mở rộng thị trường.

TỔNG QUAN TÀI LIỆU

"Logistics" được hiểu là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát việc di chuyển và lưu trữ hàng hóa, dịch vụ và thông tin một cách hiệu quả từ điểm xuất phát đến điểm tiêu dùng cuối cùng, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Quá trình này bao gồm các hoạt động chính như vận chuyển, lưu kho, quản lý tồn kho, đóng gói và công nghệ thông tin. Các hoạt động này kết hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo dòng chảy trong chuỗi giá trị được diễn ra kịp thời, hiệu quả, đồng thời tối ưu hóa chi phí nhằm giảm thiểu chi tiêu và nâng cao giá trị cùng sự hài lòng của khách hàng.

Ngành logistics phát triển nhờ công nghệ, điều chỉnh pháp lý và kỳ vọng ngày càng cao từ khách hàng. Đổi mới sáng tạo và công nghệ là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả và thích nghi với thay đổi.

Logistics bền vững mang lại lợi thế cạnh tranh dài hạn, yêu cầu cam kết từ lãnh đạo và tập trung giảm lãng phí, khí thải, sử dụng tài nguyên hiệu quả. Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), phối hợp nhóm và quan hệ chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng (Sandberg & Abrahamsson, 2011; Płaczek, 2015). Mô hình “ba trụ cột” – kinh tế, môi trường, xã hội – là nền tảng phát triển bền vững (Leuschner & Rogers, 2015).

Công nghệ như robot, AI, tự động hóa kho giúp giảm chi phí và tăng độ chính xác (Christopher, 2016). Phương pháp JIT của Toyota từ thập niên 1950 giúp giảm tồn kho và tối ưu dòng chảy vật liệu (Monden, 2012).

Khách hàng hiện đại yêu cầu giao hàng nhanh và theo dõi theo thời gian thực, như Amazon với drone (Jaiswal, 2024). Doanh nghiệp logistics cũng phải đầu tư vào xe điện, bao bì bền vững và tối ưu lộ trình để đáp ứng yêu cầu pháp lý và người tiêu dùng. Đổi mới và bền vững hỗ trợ lẫn nhau: đổi mới giúp giảm phát thải, chi phí; bền vững thúc đẩy đổi mới nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xã hội và pháp lý (McKinnon et al., 2015).

Các công ty lớn như UPS, DHL, Walmart cho thấy hiệu quả của đổi mới gắn với bền vững: tiết kiệm nhiên liệu, giảm CO₂ và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. EU cũng thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện qua các quy định khí thải nghiêm ngặt (Commission, 2024).

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu áp dụng phương pháp định tính để khai thác sâu các yếu tố chiến lược ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của YLVN. Các công cụ nghiên cứu chính bao gồm phỏng vấn bán cấu trúc với các lãnh đạo cấp cao và chuyên gia trong lĩnh vực logistics, kết hợp với phân tích nội dung thông qua phần mềm NVivo. Tổng cộng có 15 cuộc phỏng vấn được thực hiện, trong đó 8 người là nhân sự nội bộ của YLVN và 7 người là chuyên gia ngoài công ty có hiểu biết sâu sắc về ngành. Thông tin thu thập được mã hóa thành các chủ đề chính gồm: phát triển bền vững, đổi mới, quản lý, công nghệ và dịch vụ khách hàng. Đồng thời, nghiên cứu cũng phân tích mô hình kinh doanh của các công ty dẫn đầu như DHL, GHTK, UPS và Viettel Post để so sánh và rút ra bài học. Việc sử dụng phương pháp định tính giúp nắm bắt các yếu tố định hướng chiến lược mà dữ liệu định lượng khó phản ánh đầy đủ. Đặc biệt, các phản hồi từ nhân sự nội bộ giúp phát hiện ra những vấn đề hệ thống, còn chuyên gia bên ngoài cung cấp góc nhìn thị trường và khách hàng.

Hình 1: Khung nghiên cứu

Nguồn: Tác giả đề xuất

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thu thập dữ liệu

Để hiểu rõ hơn về ngành logistics tại Việt Nam và hoạt động của Yusen Logistics Việt Nam (YLVN), nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn các bên liên quan, bao gồm cả nội bộ và bên ngoài công ty. Các cuộc phỏng vấn cung cấp góc nhìn đa chiều về thị trường, vị thế của YLVN và các cơ hội đổi mới.

Dữ liệu định tính được phân tích bằng phần mềm NVivo, giúp mã hóa có hệ thống các chủ đề chính như “Phát triển bền vững”, “Đổi mới”, “Quản lý cấp cao” và “YLVN”. NVivo hỗ trợ phân loại và đánh giá mức độ nổi bật của từng chủ đề dựa trên tần suất và số lần được đề cập.

Kết quả phân tích cho thấy tổ chức đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy đổi mới và tăng cường thực hành bền vững. Bốn chủ đề trọng yếu đã được xác định, phản ánh các ưu tiên chiến lược của YLVN theo quan điểm của người được phỏng vấn.

Bảng 1: Các chủ đề chính được rút ra từ phỏng vấn

Cụm 1: Động lực Thị trường Việt Nam

Cụm 2: Vị thế của Yusen

Cụm 3: Giải pháp cho Tăng trưởng Bền vững

Cụm 4: Khó khăn khi Triển khai Chiến lược

Đang phát triển

Mạng lưới toàn cầu

Hợp tác với bên thứ ba

Chi phí cao

Năng động

Dịch vụ toàn diện

Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI)

Chính sách

Đầu tư FDI

Tập trung vào khách hàng

Chuỗi lạnh

Quy định pháp lý

Cở sở hạ tầng chưa đầy đủ

Chi phí cao

Phát triển bền vững

Sự tham gia của quản lý cấp cao

Thương mại điện tử

Hệ thống CNTT yếu kém

Kho dược phẩm

Sự hài lòng của khách hàng

AI và Robot

Tài sản cố định

Chỉ số tài chính

Tích hợp phát triển bền vững

Chất lượng dịch vụ

Tiến độ thực hiện

Truyền thống

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Thông tin từ các bên liên quan nội bộ và bên ngoài

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản phẩm và thị trường. Tuy nhiên, các bên nội bộ nhấn mạnh nhu cầu cải thiện hạ tầng, đặc biệt là đường bộ và cảng biển, để đáp ứng khối lượng hàng hóa ngày càng tăng và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng (Park, 2020). Một người phỏng vấn chia sẻ: “Việc cải thiện đường sá và cảng biển là rất quan trọng đối với hoạt động của YLVN.”

Các bên ngoài lại tập trung vào tính cạnh tranh cao của ngành logistics, với nhiều đối thủ trong và ngoài nước, đòi hỏi YLVN phải không ngừng đổi mới để giữ vị thế. Họ cũng chỉ ra rào cản từ hệ thống pháp lý phức tạp và thủ tục chậm, khiến tuân thủ quy định trở thành yếu tố then chốt trong hiệu quả vận hành.

Bảng 2: Động lực thị trường và bối cảnh cạnh tranh

Yếu tố chính

Ý kiến từ bên liên quan nội bộ

Ý kiến từ bên liên quan bên ngoài

Tăng trưởng kinh tế

Là động lực chính thúc đẩy nhu cầu logistics

Tạo cơ hội mở rộng dịch vụ

Cơ sở hạ tầng

Cần nâng cấp đường sá và cảng biển

Rất quan trọng để xử lý khối lượng hàng hóa tăng

Cạnh tranh

Thừa nhận sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường

Cạnh tranh mạnh từ các đối thủ nội địa và quốc tế

Môi trường pháp lý

Gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định

Thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn tất

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định trong những năm gần đây về xếp hạng và điểm số trên Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), tuy nhiên chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế, gây cản trở cho sự phát triển của ngành logistics. Theo bảng xếp hạng LPI năm 2023 của Ngân hàng Thế giới, điểm LPI của Việt Nam đã tăng lên 3,3 điểm so với mức 3,27 trước đó – đây là mức điểm cao nhất kể từ khi bảng xếp hạng này được khởi xướng vào năm 2007. Năm 2018, Việt Nam xếp hạng 39 trên tổng số 160 quốc gia và vùng lãnh thổ; tuy nhiên hiện nay đã tụt xuống vị trí thứ 50 (Group, 2023). Chi phí logistics tại Việt Nam ước tính chiếm khoảng 20% GDP, cao hơn đáng kể so với các quốc gia như Hoa Kỳ và Singapore (8%) và Thái Lan (19%).

Bảng 3: So sánh Động lực Thị trường Logistics

Yếu tố chính

Singapore

Việt Nam

Cơ sở hạ tầng

Đẳng cấp thế giới

Đang phát triển

Môi trường pháp lý

Hiệu quả và thân thiện với doanh nghiệp

Phức tạp và mất nhiều thời gian

Cạnh tranh thị trường

Cao, nhưng hiệu quả

Cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp nội địa

Chính sách kinh tế

Hỗ trợ mạnh mẽ

Có hỗ trợ, nhưng cần cải thiện

Tăng trưởng TMĐT

Thị trường trưởng thành

Tăng trưởng nhanh chóng

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Ngành thương mại điện tử dự kiến sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ logistics, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Các khoản đầu tư đang diễn ra vào các dự án cơ sở hạ tầng - chẳng hạn như xây dựng cảng và đường cao tốc mới – sẽ tăng cường năng lực logistics. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với phát triển bền vững sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp logistics áp dụng các công nghệ và thực hành “xanh”.

Vị thế của Yusen Logistics Vietnam

Các bên nội bộ đánh giá YLVN có cơ sở hạ tầng vững mạnh với mạng lưới kho bãi và vận tải rộng khắp – một lợi thế lớn trong việc nâng cao độ tin cậy và hiệu quả dịch vụ. Họ cũng nhấn mạnh đội ngũ nhân lực tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, là yếu tố quan trọng giúp công ty duy trì chất lượng. Việc đầu tư vào đào tạo sẽ tiếp tục củng cố năng lực này.

Từ góc nhìn bên ngoài, YLVN được đánh giá cao về độ tin cậy và chất lượng dịch vụ. Một người phỏng vấn nhận xét rằng danh tiếng của công ty là yếu tố then chốt để giữ chân khách hàng. Ngoài ra, danh mục dịch vụ đa dạng cũng là lợi thế cạnh tranh giúp YLVN đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, để tối ưu hóa chiến lược khách hàng, cần nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi lựa chọn dịch vụ.

Hình 2: Đánh giá tổng thể về YLVN

Nguồn: Báo cáo YLVN năm 2023

Biểu đồ tròn khảo sát cho thấy 63% khách hàng chọn Yusen vì chất lượng dịch vụ vượt trội, nhấn mạnh vai trò then chốt của độ tin cậy và hiệu suất vận hành trong quyết định sử dụng dịch vụ. Đây là lợi thế cạnh tranh cốt lõi giúp Yusen duy trì sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng. 11% khách hàng đánh giá cao uy tín thương hiệu, quy mô hoạt động và danh mục dịch vụ đa dạng - những yếu tố giúp Yusen đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường. Trong khi đó, 20% cho rằng giá cả cạnh tranh là tiêu chí quan trọng, cho thấy doanh nghiệp cần cân bằng giữa chất lượng và chi phí để giữ vững lợi thế. Ngoài ra, 6% khách hàng đến với Yusen thông qua giới thiệu, cho thấy uy tín thương hiệu và sự hài lòng từ khách hàng hiện tại vẫn góp phần thu hút người dùng mới (Hình 2).

Theo MacMillan & McGrath (1997), YLVN hiện có lợi thế về "khác biệt hóa" nhờ tập trung vào năng lực cốt lõi (Snyder & Ebeling, 1992). Tuy nhiên, nhiều ý kiến nội bộ cho thấy YLVN đang tụt hậu về công nghệ so với các đối thủ như DHL, Maersk hay Kuehne + Nagel. Hệ thống hiện tại bị đánh giá là lỗi thời, thiếu tích hợp và không đáp ứng được kỳ vọng về thông tin theo thời gian thực. Ngoài ra, cả bên trong và bên ngoài đều nhận thấy chiến lược giá của YLVN thiếu tính cạnh tranh. Việc định giá cao hơn đối thủ có thể làm giảm sức hấp dẫn với nhóm khách hàng nhạy cảm về chi phí. Do đó, cần điều chỉnh để đạt sự cân bằng giữa chất lượng dịch vụ và mức giá phù hợp trong thị trường đầy cạnh tranh hiện nay.

Bảng 4: Tóm tắt Điểm mạnh và Điểm yếu của YLVN

Yếu tố chính

Điểm mạnh

Điểm yếu

Cơ sở hạ tầng

Mạng lưới kho bãi rộng khắp

Nhân lực

Nhân viên có kỹ năng và kinh nghiệm

Công nghệ

Hệ thống lỗi thời, thiếu khả năng tích hợp

Tùy biến dịch vụ

Danh mục dịch vụ toàn diện

Hạn chế linh hoạt trong các giải pháp theo yêu cầu

Cạnh tranh về chi phí

Chiến lược định giá cao

Uy tín

Dịch vụ đáng tin cậy và chất lượng cao

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định trong những năm gần đây về xếp hạng và điểm số trên Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), tuy nhiên chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế, gây cản trở cho sự phát triển của ngành logistics. Theo bảng xếp hạng LPI năm 2023 của Ngân hàng Thế giới, điểm LPI của Việt Nam đã tăng lên 3,3 điểm so với mức 3,27 trước đó – đây là mức điểm cao nhất kể từ khi bảng xếp hạng này được khởi xướng vào năm 2007. Năm 2018, Việt Nam xếp hạng 39 trên tổng số 160 quốc gia và vùng lãnh thổ; tuy nhiên hiện nay đã tụt xuống vị trí thứ 50 (Group, 2023). Chi phí logistics tại Việt Nam ước tính chiếm khoảng 20% GDP, cao hơn đáng kể so với các quốc gia như Hoa Kỳ và Singapore (8%) và Thái Lan (19%).

Bảng 5: So sánh Động lực Thị trường Logistics

Yếu tố chính

Singapore

Việt Nam

Cơ sở hạ tầng

Đẳng cấp thế giới

Đang phát triển

Môi trường pháp lý

Hiệu quả và thân thiện với doanh nghiệp

Phức tạp và mất nhiều thời gian

Cạnh tranh thị trường

Cao, nhưng hiệu quả

Cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp nội địa

Chính sách kinh tế

Hỗ trợ mạnh mẽ

Có hỗ trợ, nhưng cần cải thiện

Tăng trưởng TMĐT

Thị trường trưởng thành

Tăng trưởng nhanh chóng

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Ngành thương mại điện tử dự kiến sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ logistics, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Các khoản đầu tư đang diễn ra vào các dự án cơ sở hạ tầng - chẳng hạn như xây dựng cảng và đường cao tốc mới – sẽ tăng cường năng lực logistics. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với phát triển bền vững sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp logistics áp dụng các công nghệ và thực hành “xanh”.

Yusen Logistics Việt Nam sở hữu một số điểm mạnh then chốt giúp nâng cao vị thế của công ty trên thị trường. Tuy nhiên, ngoài cơ sở vật chất của riêng mình, YLVN chủ yếu cung cấp các dịch vụ truyền thống, chưa tạo được sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, công ty đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, đặc biệt là trong các lĩnh vực tích hợp công nghệ, tùy biến dịch vụ, đào tạo và phát triển nhân viên, tuân thủ quy định pháp lý và khả năng cạnh tranh về chi phí.

Chiến lược đổi mới để phát triển bền vững

Các bên liên quan nội bộ nhận thấy YLVN cần đổi mới để đảm bảo tăng trưởng dài hạn. Một ý kiến đề xuất tích hợp công nghệ mới như IoT và AI để nâng cao hiệu suất và minh bạch chuỗi cung ứng (Blichfeldt & Faullant, 2021). Một ý kiến khác nhấn mạnh logistics xanh giúp giảm dấu chân sinh thái và thu hút khách hàng quan tâm đến môi trường, từ đó nâng cao uy tín thương hiệu.

Từ bên ngoài, một bên liên quan nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch vụ cá nhân hóa, cho rằng các giải pháp logistics thiết kế riêng sẽ tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng.

Bảng 6: Tóm tắt các Chiến lược Đổi mới

Chiến lược

Ý kiến từ các bên liên quan nội bộ

Ý kiến từ các bên liên quan bên ngoài

Tích hợp công nghệ

Triển khai IoT và AI để nâng cao hoạt động

Tầm quan trọng của đổi mới liên tục

Phát triển bền vững

Áp dụng các phương pháp logistics xanh

Thu hút khách hàng quan tâm đến môi trường

Tùy chỉnh dịch vụ

Tăng cường chương trình đào tạo và phát triển nhân sự

Nhu cầu về các giải pháp logistics phù hợp theo từng khách hàng

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Trong các cuộc trao đổi với chuyên gia, GHTK (Giao hàng tiết kiệm) thường được nhắc đến như một điển hình thành công trong ngành logistics Việt Nam. Thành lập năm 2013, GHTK nhanh chóng khẳng định vị thế trong giao hàng chặng cuối và logistics thương mại điện tử – lĩnh vực tăng trưởng nhanh.

Thành công của GHTK đến từ việc đầu tư mạnh vào công nghệ như theo dõi thời gian thực và tối ưu tuyến đường, cùng với cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm, mang lại sự linh hoạt và hài lòng cao. Công ty cũng mở rộng mạng lưới giao hàng toàn quốc, kể cả vùng xa, giúp xử lý hiệu quả khối lượng lớn đơn hàng.

Ngoài ra, GHTK xây dựng liên minh chiến lược với các sàn thương mại điện tử và nhà bán lẻ lớn, đảm bảo nguồn đơn ổn định. Nhờ tối ưu vận hành và kiểm soát chi phí, GHTK có thể cung cấp dịch vụ chất lượng với giá cạnh tranh. Những chiến lược này là gợi ý hữu ích để YLVN nâng cao vị thế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Khó khăn trong việc triển khai chiến lược

Các bên nội bộ xác định một thách thức lớn trong triển khai chiến lược mới là sự ngần ngại thay đổi của nhân viên, có thể cản trở việc áp dụng công nghệ và quy trình mới. Để khắc phục, cần giao tiếp rõ ràng, khuyến khích nhân viên tham gia và cung cấp đào tạo toàn diện.

Khó khăn khác là việc tích hợp công nghệ mới vào hệ thống cũ, do không tương thích, dễ gây gián đoạn vận hành. Do đó, cần triển khai từng bước và nâng cấp hệ thống lỗi thời để đảm bảo tương thích. Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam phải đối mặt với hệ thống pháp lý phức tạp, đòi hỏi theo dõi chặt chẽ các thay đổi và duy trì quan hệ tốt với cơ quan quản lý để đảm bảo tuân thủ.

Một chuyên gia bên ngoài nhấn mạnh: “Chỉ triển khai chiến lược là chưa đủ; cải tiến liên tục mới đảm bảo thành công.” Điều này cho thấy YLVN cần thiết lập các chỉ số đánh giá hiệu quả và hệ thống phản hồi để theo dõi và điều chỉnh kịp thời.

Các bên liên quan bên ngoài nhấn mạnh tầm quan trọng của giao tiếp hiệu quả với đối tác trong quá trình triển khai chiến lược: “Vượt qua các thách thức trong triển khai đòi hỏi sự giao tiếp hiệu quả với các đối tác.”

DHL eCommerce, thuộc Tập đoàn Deutsche Post DHL, đã ngừng hoạt động giao hàng nội địa tại Việt Nam cuối năm 2018 như một phần của chiến lược tái cấu trúc. Dù đầu tư lớn vào thương mại điện tử toàn cầu, bao gồm 300 triệu USD tại Mỹ, thị trường Việt Nam cạnh tranh cao và hiệu quả thấp khiến DHL khó đạt lợi nhuận kỳ vọng.

Tại Việt Nam, DHL đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ GHTK, GHN, Viettel Post và VNPost. Ngoài ra, chi phí logistics cao, hạ tầng hạn chế và phụ thuộc vào hình thức thanh toán COD cũng làm tăng chi phí vận hành và ảnh hưởng đến lợi nhuận (Whelan, 2018; Institute, 2020; DUBLIN, 2018).

DHL sau đó chuyển hướng tập trung vào logistics quốc tế và thương mại điện tử xuyên biên giới - lĩnh vực có thế mạnh và tiềm năng sinh lợi cao hơn. Dù không tuyên bố lý do cụ thể, có thể suy ra rằng chi phí cao, cạnh tranh khốc liệt và chuẩn bị chưa đầy đủ là các yếu tố chính dẫn đến quyết định rút lui khỏi thị trường nội địa Việt Nam.

KHUYẾN NGHỊ

Nghiên cứu đề xuất chiến lược rõ ràng cho Yusen Logistics Vietnam (YLVN) thâm nhập vào logistics chuỗi lạnh dược phẩm - một thị trường ngách còn ít cạnh tranh, phù hợp với chiến lược đại dương xanh (Kim & Mauborgne, 2005).

YLVN sở hữu lợi thế cung cấp dịch vụ tích hợp toàn chuỗi (Snyder & Ebeling, 1992), giúp đơn giản hóa cho khách hàng. Theo quan điểm nguồn lực (Barney, 1991), công ty nên tận dụng hạ tầng sẵn có và đầu tư nâng cấp kho lạnh, phương tiện chuyên dụng để đáp ứng yêu cầu ngành dược.

Triển khai công nghệ như IoT, RFID, giám sát thời gian thực (Blichfeldt & Faullant, 2021) sẽ nâng cao chất lượng và tính minh bạch chuỗi cung ứng. Việc tuân thủ quy định GDP, GSP là yếu tố cốt lõi để đảm bảo an toàn sản phẩm và xây dựng lòng tin.

YLVN cũng cần thiết lập hợp tác chiến lược với các công ty dược, công nghệ sinh học và y tế (Išoraitė, 2009) để hiểu rõ nhu cầu và phát triển quan hệ bền vững. Theo chỉ đạo từ trụ sở chính, Việt Nam được ưu tiên mở rộng đầu tư vào chuỗi lạnh và chăm sóc sức khỏe trong năm 2024 - đồng thuận với các ý kiến phỏng vấn đề xuất tập trung vào ngành dược.

Chuỗi lạnh dược phẩm là cơ hội đại dương xanh đầy tiềm năng cho YLVN, phù hợp với các lý thuyết về năng lực cốt lõi, đổi mới và quản trị logistics hiện đại.

YLVN có thể tận dụng mạng lưới và kiến thức từ các chi nhánh toàn cầu của Yusen để triển khai chiến lược logistics dược phẩm tại Việt Nam một cách hiệu quả.

Triển khai chiến lược

YLVN hướng tới tạo sự khác biệt bằng cách thâm nhập vào phân khúc logistics chuỗi lạnh cho ngành dược phẩm - một thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Chiến lược này phù hợp với mô hình “Đại dương xanh” của Kim & Mauborgne (2005), nhằm tạo ra nhu cầu mới trong môi trường cạnh tranh thấp.

Công ty sẽ tích hợp công nghệ IoT, RFID và giám sát thời gian thực để tăng tính minh bạch và đảm bảo vận chuyển an toàn, ổn định, đúng theo nguyên lý của Christopher (2016). Đồng thời, YLVN xây dựng khung pháp lý toàn diện kèm đào tạo định kỳ để duy trì chất lượng, phản ánh quan điểm tài nguyên - tận dụng năng lực nội tại để tạo lợi thế cạnh tranh.

YLVN cũng cam kết thực hiện các sáng kiến bền vững như hệ thống làm lạnh tiết kiệm năng lượng và bao bì thân thiện môi trường, nhằm giảm tác động sinh thái và đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Cách tiếp cận này giúp thu hút khách hàng có ý thức môi trường và phù hợp với xu hướng logistics xanh hiện đại.

Tránh hỗn loạn nội bộ trong quá trình triển khai chiến lược

Việc triển khai chiến lược logistics chuỗi lạnh dược phẩm tại YLVN đòi hỏi truyền thông rõ ràng, lãnh đạo vững và đào tạo liên tục để tránh xáo trộn nội bộ. Cần xây dựng tầm nhìn chiến lược rõ ràng, truyền đạt mục tiêu và lợi ích đến toàn thể nhân viên nhằm tạo sự đồng thuận.

YLVN nên cập nhật thông tin thường xuyên, tổ chức diễn đàn trao đổi và phân công lãnh đạo chuyên trách với sự ủng hộ từ ban quản lý cấp cao. Các chương trình đào tạo toàn diện và định kỳ sẽ giúp nhân viên làm quen với quy trình, công nghệ mới.

Chiến lược nên được triển khai từng bước, bắt đầu từ thí điểm và điều chỉnh dựa trên phản hồi. Phản hồi có thể thu thập qua khảo sát, thảo luận, và hiệu suất cần được theo dõi bằng các chỉ số liên quan đến hiệu quả, sự hài lòng, tuân thủ và tài chính.

Tài liệu tham khảo

1. Barney, J. (1991). Firm Resources and Sustained Competitive Advantage. Journal of Management, 17, 120 - 99..

2. Blichfeldt, H., & Faullant, R. (2021). Performance effects of digital technology adoption and product & service innovation – A process-industry perspective. Technovation.

3. Christopher, M. (2016). Logistics & supply chain management. Pearson UK.

4. Commission, E. (2024). European Commission. Retrieved from European Commission Website:

https://climate.ec.europa.eu/eu-action/transport/road-transport-reducing-co2-emissionsvehicles/reducing-co2-emissions-heavy-duty-vehicles_en

5. DHL. (2024). DHL. Retrieved from DHL Website: https://www.dhl.com/vn-en/home/globalforwarding/products-and-solutions/gogreen-solutions.html

6. DUBLIN. (2018, Sept 18). https://markets.businessinsider.com/. Retrieved from https://markets.businessinsider.com/news/stocks/vietnam-express-and-e-commerce-logisticsmarket-2018-2022-market-dominated-by-3pl-providers-such-as-ghn-viettel-post-vn-post-and-dhlecommerce-1027545450

7. E. Sandberg, Mats Abrahamsson. (2011). Logistics capabilities for sustainable competitive advantage. International Journal of Logistics Research and Applications, 14, 61-75.

8. Išoraitė, M. (2009). Importance of strategic alliances in company’s activity. Intellectual economics, 1, 39-46.

9. Institute, I. -Y. (2020, Jan 30). https://www.eurasiareview.com. Retrieved from https://www.eurasiareview.com/30012020-vietnams-booming-e-commerce-marketanalysis/#google_vignette

10. Jaiswal, S. (2024, 4 2). The Global Trade. Retrieved from Global Trade website: https://www.globaltrademag.com/drones-droids-and-delivery-bots-the-future-of-last-mile-logistics/

11. Kim, W. C., & Mauborgne, R. (2005). Blue ocean strategy: How to create uncontested market space and make the competition irrelevant. Harvard business review Press.

12. MacMillan, I., & McGrath, R. (1997). Discovering new points of differentiation. Harvard business review, 75 4, 133-8, 143-5

13. McKinnon, A., Browne, M., Whiteing, A., & Piecyk, M. . (2015). Green Logistics: Improving the

Environmental Sustainability of Logistics. Kogan Page Publishers.

14. Monden, Y. (2012). Toyota Production System: An Integrated Approach to Just-In-Time. Springer New York, NY.

15. Płaczek, E. (2015). Sustainable development in business models of logistics providers. The Central European Review of Economics and Management, 15, 87-98.

16. R. Leuschner, D. Rogers. (2015). Sustainable Logistics in Brazil and the United States: An Exploratory Study. Unknown, 375-377.

17. Snyder, A., & Ebeling, H. (1992). Targeting a company's real core competencies. The Journal of business strategy, 13 6, 26-32

18. Şükrü Ünar, Senem K. (2021). Social and Humanities Science Research, Theory.

Ngày nhận bài: 25/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 16/7/2025; Ngày duyệt đăng: 21/7/2025