Đồ thừa ngày Tết thành món Âu, Hàn khi 3 ngày chưa 'vét' xong tủ lạnh

07/02/2025 12:14

Tống Mỹ Linh biến bánh chưng thừa thành waffle và hotdog giòn để ăn sáng. Trong khi đó, Ngọc Linh lại chế biến nhiều món ăn Hàn Quốc từ những nguyên liệu chất đầy tủ lạnh.

Những nguyên liệu còn thừa sau Tết được nhiều bạn trẻ biến tấu món ăn mới. Ảnh: Tống Mỹ Linh.

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kết thúc 3 ngày qua, nhưng gia đình Tống Mỹ Linh (24 tuổi, sống tại Hà Nội) vẫn còn 4 chiếc bánh chưng gói từ đêm Giao thừa. Tránh nạp thêm dầu mỡ, cô dùng máy nướng để ép bánh chưng thành waffle (bánh dạng tổ ong) và hotdog giòn.

"Cách làm này đỡ mất thời gian chuẩn bị bữa sáng, lại không phí phạm thức ăn. Tôi đã ăn bánh chưng trong 3-4 ngày Tết, giờ ăn tiếp cũng hơi 'sợ' nên dùng vỏ nếp của bánh chưng làm waffle, còn lại ép thành hotdog nhân thịt. Bánh nướng giòn tan ăn cũng đỡ ngấy hơn", Mỹ Linh chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Trước đó, để chuẩn bị cho dịp Tết, nhiều gia đình thường mua thực phẩm dự trữ. Bánh chưng, gà luộc, giò chả, rau củ... là những loại thực phẩm thừa nhiều nhất. Thay vì nấu lại, nhiều bạn trẻ chọn biến tấu thành những món mang hương vị mới với phần nhìn bắt mắt.

"Đại hội" sáng tạo bánh chưng thừa

Trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết dài, 4 kg rau củ, 2 kg kim chi, 2 kg trái cây, 2 đòn bánh tét, 1 chiếc bánh chưng... là số thực phẩm được bố mẹ Phương Hạnh (26 tuổi, quê ở Bến Tre) đóng gói cẩn thận trong túi, buộc chặt sau xe. Rau củ và trái cây khiến tủ lạnh chật kín, riêng bánh chưng và bánh tét được cô áp chảo thành món cơm cháy.

"Năm trước, tôi mang bánh tét đi chiên, nhưng hơi ngấm dầu. Năm nay, tôi lấy phần vỏ nếp, ép mỏng trong chảo và chiên đến khi nghe tiếng lách tách và vàng đều. Khi ăn có thể cắt thành từng miếng, cho kim chi và chả cá hấp lên trên. Chiếc bánh chưng còn lại tôi sẽ ép mỏng hơn, sấy trong nồi chiên không dầu, sau đó quét thêm sốt và rắc chà bông, mỡ hành", cô nói.

Theo Phương Hạnh, bánh chưng và bánh tét dễ dàng biến tấu thành món ăn vặt để nhâm nhi khi buồn miệng. Tuy nhiên, hai loại bánh này nhanh hỏng và giảm độ ngon nếu để quá lâu, nên cô tranh thủ chế biến trong vài ngày.

mon an sau Tet anh 3

Gen Z này dùng lớp vỏ của bánh chưng thay cho phần xôi dẻo của món chuối nướng. Ảnh: Ngọc Anh.

Tương tự, Ngọc Anh (27 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng tìm cách giải quyết lượng bánh chưng thừa trên ngăn đông của tủ lạnh. Trước Tết, cô đi siêu thị mua về 3 chiếc vì tò mò về hương vị, rốt cuộc ăn không hết, đành quấn màng bọc thực phẩm để bảo quản.

Nhân viên văn phòng này cho biết mình đã tách lớp vỏ nếp của bánh chưng, cán mỏng và bọc quanh quả chuối chín, nắn thành hình vuông, sau đó nướng vàng. Đây là món ăn cô tự nghĩ ra từ những lần nhìn thấy người bán chuối nướng chế biến, không ngờ hương vị lại khá giống với món gốc.

"Sực nhớ nhà vẫn còn nải chuối chín, tôi chiêu đãi gia đình bằng chuối nướng từ bánh chưng. Hương vị ngọt nhẹ của món ăn này thích hợp để làm món tráng miệng, kích thích lại khẩu vị sau nhiều ngày ăn toàn món mặn và đậm vị béo", Ngọc Anh bày tỏ.

Một tủ lạnh, chục món mới

Dù những ngày Tết đi qua, lượng thực phẩm trong tủ lạnh của Ngọc Linh (23 tuổi, sống tại TP.HCM) vẫn đầy ắp. Vốn là tín đồ của ẩm thực Hàn Quốc, cô tận dụng những nguyên liệu có sẵn để chế biến bánh xèo rau củ và cơm trộn giò chả.

Cô cho biết: "Rau củ và giò chả còn nhiều nhất, tôi xử lý trước để trống tủ lạnh. Cà rốt, hành lá, bắp, hành tây… thái nhỏ, trộn cùng bột mì và nước, tráng đều trên chảo là thành bánh xèo Hàn Quốc, khi ăn chấm cùng nước tương pha giấm. Còn giò chả tôi thái hạt lựu, thêm dưa leo, cà rốt, rong biển thái sợi và trộn cùng cơm trắng. Chỉ cần đứng bếp vài phút đã có món ăn hoàn toàn mới".

Số nguyên liệu này có thể đủ cho Ngọc Linh ăn trong 1-2 tuần, giảm bớt tần suất ăn ngoài hàng và tiết kiệm được một khoản kha khá tiền đi chợ. Thời gian nấu nướng cũng nhanh hơn vì mọi thứ đều được sơ chế và đóng gói cẩn thận.

mon an sau Tet anh 6

Giò lụa và nem chua được Huyền Anh chế biến thành mâm cuốn thịnh soạn. Ảnh: Huyền Anh.

Trong khi đó, Huyền Anh (26 tuổi, sống tại Hà Nội) lại "dọn tủ lạnh" bằng món cuốn ngũ sắc. Phần vì không khéo léo trong việc nấu nướng, phần khác là bánh tráng còn tồn đọng khá nhiều sau khi mẹ cô chế biến nem rán trong dịp Tết.

"Tôi mang 2 đòn giò lụa và 3 đòn nem chua thái sợi, thêm thịt lợn, tôm luộc và trứng tráng mỏng. Riêng bún và rau sống mua ở chợ, pha thêm nước mắm là hoàn thành mâm cuốn thanh nhẹ sau Tết. Trong tủ lạnh vẫn còn đòn giò thủ, nếu ăn không rất ngấy, tôi sẽ thái miếng và mang đi nhúng lẩu hoặc trộn với xoài để làm nộm chua ngọt, chắc chắn ăn lạ miệng hơn", Huyền Anh chia sẻ.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.

> Xem thêm: Sách cho những tâm hồn ăn uống

Bạn đang đọc bài viết "Đồ thừa ngày Tết thành món Âu, Hàn khi 3 ngày chưa 'vét' xong tủ lạnh" tại chuyên mục Ẩm thực. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.