Đẩy mạnh chuyển đổi số ở Việt Nam: Thực trạng, thách thức và định hướng phát triển

Chuyển đổi số không đơn thuần là số hóa dữ liệu, mà còn là quá trình thay đổi toàn diện mô hình hoạt động, phương thức tổ chức sản xuất, quản trị và cung cấp dịch vụ, dựa trên nền tảng công nghệ số. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Đinh Thị Thu Hương

Bộ môn Quản lý khoa học và công nghệ, Khoa Cơ khí, Học viện Kỹ thuật quân sự

Email: huongdtt@lqdtu.edu.vn

Tóm tắt

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chất lượng cuộc sống người dân. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được xác định là động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Từ khóa: Chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ số, hạ tầng số, công nghệ số, Việt Nam.

Summary

Digital transformation is an inevitable development trend in the context of the Fourth Industrial Revolution, playing a vital role in enhancing the efficiency of state governance, the competitiveness of enterprises, and the quality of life for citizens. In Vietnam, digital transformation has been identified as a key driver of socio-economic development through the implementation of the National Digital Transformation Program to 2025, with a vision toward 2030. This paper analyzes the current situation and proposes solutions to promote a comprehensive and sustainable digital transformation, thereby contributing to the realization of a digital government, digital economy, and digital society in Vietnam.

Keywords: Digital transformation, digital economy, digital government, digital infrastructure, digital technology, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, có vai trò quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiệu quả quản trị và chất lượng dịch vụ công. Chuyển đổi số không đơn thuần là số hóa dữ liệu, mà còn là quá trình thay đổi toàn diện mô hình hoạt động, phương thức tổ chức sản xuất, quản trị và cung cấp dịch vụ, dựa trên nền tảng công nghệ số. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ, 2020), đặt mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương đã có những bước đi đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số, mang lại những kết quả ban đầu tích cực. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực và nhận thức xã hội. Những thách thức này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và xây dựng chính phủ điện tử.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI VIỆT NAM

Chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến tích cực, được thể hiện qua hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, hạ tầng công nghệ số được mở rộng, cũng như mức độ ứng dụng công nghệ ngày càng lan tỏa trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, quá trình chuyển đổi số vẫn đang đối mặt với không ít rào cản, đòi hỏi phải được nhìn nhận và giải quyết kịp thời.

Kết quả đạt được

Trước hết, về mặt thể chế, Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, xác định rõ 3 trụ cột gồm Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Đây là kim chỉ nam quan trọng cho tiến trình chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng và bền vững tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số riêng, đảm bảo tính đồng bộ nhưng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể trong các bảng xếp hạng toàn cầu liên quan đến chuyển đổi số. Cụ thể, theo Liên Hợp Quốc, năm 2024, Việt Nam đã cải thiện vị trí trong Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI), tăng 15 bậc để đạt vị trí 71 trên tổng số 193 quốc gia, phản ánh nỗ lực nâng cao hiệu quả dịch vụ công và quản trị số. Đồng thời, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam cũng ghi nhận sự tiến bộ khi tăng 2 bậc, đứng ở vị trí 44/133, cho thấy môi trường đổi mới sáng tạo ngày càng được cải thiện. Trong lĩnh vực an ninh mạng, theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam đã tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng (GCI), lên vị trí 17/194, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của quốc gia trong việc bảo vệ không gian số (Minh Hoàng, 2025).

Về cơ sở hạ tầng số, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ vượt bậc. Đến cuối năm 2024, hơn 82,4% hộ gia đình đã sử dụng cáp quang, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025. Việc triển khai thương mại hóa 5G bởi các nhà mạng lớn như Viettel và VNPT đã giúp gia tăng tốc độ kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ứng dụng công nghệ cao như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... Đồng thời, việc tắt sóng 2G cũng cho thấy quyết tâm chuyển mình sang một hạ tầng kết nối thế hệ mới, đồng bộ và hiệu quả hơn.

Trong khu vực công, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã mang lại hiệu quả rõ rệt với hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu và 537 triệu lượt đồng bộ dữ liệu, kết nối liên thông với 18 bộ ngành và toàn bộ 63 địa phương. Ứng dụng định danh điện tử VNeID ngày càng được sử dụng rộng rãi, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục và tài chính – ngân hàng. Tính đến cuối năm 2024, 45,79% dịch vụ công toàn trình được thực hiện trực tuyến, hướng đến mục tiêu 80% vào năm 2025.

Trong lĩnh vực kinh tế số, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nhóm startup và doanh nghiệp lớn, đã đẩy mạnh áp dụng các nền tảng như ERP, CRM, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, giúp nâng cao hiệu quả quản trị và mở rộng quy mô thị trường. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển bộ công cụ đo lường kinh tế số cấp địa phương, từ đó cho phép các tỉnh, thành phố xác định điểm mạnh – yếu và xây dựng lộ trình phát triển kinh tế số phù hợp. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, quy mô nền kinh tế số Việt Nam ước tính đạt khoảng 30 tỷ USD, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á.

Đối với người dân, việc phổ cập điện thoại thông minh (trên 87%) và kết nối Internet tốc độ cao đã tạo nền tảng quan trọng cho việc phổ cập xã hội số. Người dân ngày càng quen thuộc với các ứng dụng học tập trực tuyến, chăm sóc sức khỏe từ xa, ngân hàng số, ví điện tử, giúp nâng cao chất lượng sống, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công.

Thách thức và hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực, tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế và thách thức đáng kể, cả về thể chế, hạ tầng, nhân lực, công nghệ lẫn nhận thức xã hội. Những vấn đề này nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tốc độ và tính bền vững của quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Thứ nhất, hệ thống thể chế và chính sách pháp luật về chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số quốc gia, hay Chiến lược quốc gia về phát triển dữ liệu số, nhưng các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng, định danh điện tử, chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các hệ thống thông tin vẫn chưa đầy đủ và thống nhất. Nhiều cơ quan, tổ chức còn lúng túng trong việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, khiến việc liên thông, tích hợp dữ liệu giữa các nền tảng gặp khó khăn. Theo Phạm Thị Giang (2024), sự chậm trễ trong việc hình thành khung pháp lý nhất quán đã làm giảm hiệu quả vận hành hệ thống thông tin quốc gia và tạo ra “điểm nghẽn” trong chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương.

Thứ hai, sự chênh lệch về hạ tầng số giữa các vùng miền vẫn còn lớn, đặc biệt là giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã đầu tư mạnh mẽ vào mạng 5G, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và các nền tảng dịch vụ số, thì nhiều tỉnh vùng sâu vùng xa vẫn đối mặt với tình trạng kết nối Internet kém ổn định, thiếu thiết bị đầu cuối và hạ tầng viễn thông lạc hậu. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (2024), mặc dù 82,4% hộ gia đình đã được phủ sóng cáp quang, nhưng tỷ lệ này vẫn chưa đồng đều giữa các vùng; một số xã biên giới vẫn chưa có trạm thu phát sóng di động đủ mạnh. Điều này cản trở nghiêm trọng khả năng tiếp cận dịch vụ số, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến, giáo dục từ xa và y tế số ở khu vực nông thôn.

Thứ ba, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Chuyển đổi số không chỉ cần đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin, mà còn đòi hỏi một lực lượng lao động phổ thông có kỹ năng số cơ bản để sử dụng các công cụ số trong sản xuất, dịch vụ và đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ người lao động có kỹ năng số cơ bản tại Việt Nam còn thấp so với mức trung bình khu vực. Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn thông tin mạng, xử lý dữ liệu lớn (Big Data), lập trình viên hệ thống vẫn đang rất khan hiếm. Mặc dù nhiều trường đại học, cao đẳng đã mở ngành đào tạo liên quan đến công nghệ số, nhưng chương trình giảng dạy chậm cập nhật, thiếu thực hành và không sát với yêu cầu của thị trường là những điểm yếu cố hữu. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nguồn lực trong cả khu vực công và khu vực tư.

Thứ tư, nhận thức và tư duy về chuyển đổi số trong doanh nghiệp và người dân vẫn còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – vẫn xem chuyển đổi số là một chi phí tốn kém, thay vì là một khoản đầu tư chiến lược cho tương lai. Theo Bùi Anh Tuấn (2025), tỷ lệ doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi số bài bản tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Các rào cản lớn nhất là thiếu thông tin, thiếu nguồn lực tài chính và thiếu nhân sự có chuyên môn về số hóa. Tâm lý e ngại thay đổi, lo sợ rủi ro khi triển khai công nghệ mới cũng khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội thích ứng với xu hướng kinh tế số.

Thứ năm, chênh lệch về khả năng tiếp cận công nghệ giữa các nhóm dân cư dẫn đến nguy cơ gia tăng khoảng cách số (digital divide). Người cao tuổi, người thu nhập thấp, người dân ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hay các ứng dụng số do thiếu thiết bị, thiếu kỹ năng và thiếu hỗ trợ kỹ thuật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình số hóa xã hội mà còn có thể làm sâu sắc thêm bất bình đẳng xã hội nếu không có các chính sách can thiệp kịp thời và hợp lý.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI VIỆT NAM

Để đẩy mạnh chuyển đổi số một cách toàn diện và bền vững, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với tầm nhìn chiến lược dài hạn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, công nghệ làm động lực, và thể chế làm nền tảng.

Thứ nhất, hoàn thiện khung thể chế và pháp lý cho chuyển đổi số.

Một trong những rào cản lớn hiện nay là sự thiếu đồng bộ và chậm hoàn thiện của hệ thống pháp luật liên quan đến công nghệ số. Do đó, cần đẩy nhanh quá trình ban hành các văn bản pháp quy như: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, các nghị định về định danh và xác thực điện tử, hướng dẫn chia sẻ dữ liệu mở, an toàn thông tin mạng. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các nền tảng số, bảo đảm tính tương thích và khả năng tích hợp trong hệ sinh thái số quốc gia.

Thứ hai, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số đồng bộ và hiện đại.

Việc đầu tư cho hạ tầng số là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy mọi hoạt động chuyển đổi số. Cần mở rộng mạng băng rộng, nâng cấp hệ thống truyền dẫn cáp quang, phổ cập 4G và thương mại hóa 5G trên toàn quốc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu (data center) trong nước, bảo đảm chủ quyền dữ liệu và an ninh mạng quốc gia. Nền tảng định danh điện tử (VNeID) cần được mở rộng ứng dụng thực tế trong y tế, giáo dục, ngân hàng và dịch vụ công.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực số cả về chất và lượng.

Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Do đó, cần có chính sách đào tạo bài bản từ phổ thông đến đại học về kỹ năng số cơ bản và nâng cao. Cần phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), an toàn thông tin mạng, blockchain. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa nhà nước – doanh nghiệp – cơ sở đào tạo để tạo hệ sinh thái nhân lực số linh hoạt, thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Cần triển khai các chương trình hỗ trợ SMEs tiếp cận nền tảng số chi phí thấp, nhận tư vấn chuyển đổi số phù hợp với quy mô và năng lực thực tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các mô hình kinh doanh số, thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt và quản trị số (ERP, CRM...) thông qua cơ chế ưu đãi thuế, tín dụng và hỗ trợ đào tạo.

Thứ năm, nâng cao nhận thức và năng lực số cho toàn dân.

Tổ chức các chiến dịch truyền thông quy mô lớn nhằm nâng cao hiểu biết về lợi ích của chuyển đổi số, giúp người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng hơn với các nền tảng số phục vụ đời sống, như học tập trực tuyến, y tế số, thủ tục hành chính trực tuyến. Cần phát triển các mô hình “thôn bản số”, “xã số” để rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng miền.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số.

Việt Nam cần chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn số toàn cầu để tiếp cận công nghệ mới, học hỏi mô hình quản trị số tiên tiến. Đồng thời, cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước đầu tư, chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như AI, bán dẫn, điện toán lượng tử.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Anh Tuấn (2025). Chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên mới. https://kinhtevadubao.vn/chuyen-doi-so-cua-doanh-nghiep-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-trong-ky-nguyen-moi-30865.html.

2. Minh Hoàng (2025). Bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. https://thitruongtaichinhtiente.vn/buoc-tien-manh-me-cua-viet-nam-trong-xep-hang-ve-chuyen-doi-so-quoc-te-66353.html#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20c%C3%B3%20b%C6%B0%E1%BB%9Bc%20ti%E1%BA%BFn,%2C%20x%E1%BA%BFp%20h%E1%BA%A1ng%2017%2F194.

3. Phạm Thị Giang (2024). Thách thức của chuyển đổi số với quản trị nhà nước hiện đại. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/30/thach-thuc-cua-chuyen-doi-so-voi-quan-tri-nha-nuoc-hien-dai.

4. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày nhận bài: 26/04/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 7/5/2025; Ngày duyệt đăng: 12/5/2025