Ông Trump có thể bổ sung lệnh trừng phạt với Nga

() - Mỹ có khả năng thông qua một dự luật do thượng nghị sĩ Lindsey Graham soạn thảo nhằm vào Nga nếu Moscow không đồng ý ký thỏa thuận hòa bình với Kiev.
Ông Trump có thể bổ sung lệnh trừng phạt với Nga - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

"Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc một dự luật trừng phạt mới nhắm vào Nga nếu nước này không đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine", Bloomberg dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết.

Dự luật này do thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một nhân vật luôn ủng hộ các chính sách cứng rắn với Moscow, soạn thảo.

Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden sau khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022. Kể từ đó, ông Trump đã ra tín hiệu sẵn sàng khôi phục các mối quan hệ song phương và thậm chí có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt như một phần của thỏa thuận hòa bình đã đàm phán.

Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đã tuyên bố sẽ không theo đuổi giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này vô thời hạn nếu không đạt được tiến triển nào.

Theo Bloomberg, các quan chức Mỹ đã nói riêng với các đối tác châu Âu của họ rằng, ông Trump có thể ký thông qua dự luật của thượng nghị sĩ Graham nếu "Nga không nhúc nhích" và có thể đưa ra cảnh báo này cho Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc điện đàm hôm nay.

Thượng nghị sĩ Graham từng kêu gọi viện trợ quân sự lớn cho Kiev. Ông Graham  cũng ca ngợi Ukraine vì đã chiến đấu trong cuộc chiến mà ông mô tả là cuộc chiến ủy nhiệm thay mặt cho Mỹ.

Vào tháng 4, thượng nghị sĩ này đã đề xuất một gói trừng phạt mà ông cho là sẽ "tàn phá" nền kinh tế Nga, bao gồm thuế quan 500% đối với hàng hóa từ các quốc gia tiếp tục giao dịch với Moscow. Ông tuyên bố, đề xuất này được đa số ủng hộ tại Thượng viện.

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS hôm 18/5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng xác nhận khả năng áp dụng thêm các lệnh trừng phạt đối với Moscow, cho biết ông đã truyền đạt điều này với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov một ngày trước đó, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Nga đã bác bỏ các lời kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày, nói rằng mặc dù rất cởi mở với ý tưởng này, nhưng lo ngại rằng Ukraine sẽ lợi dụng thời gian tạm ngừng bắn để tái vũ trang và tiếp tục các nỗ lực huy động viện trợ. Thay vào đó, Moscow đã nhấn mạnh vào việc đàm phán một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột, giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân.

Trong khi đó, EU cũng vừa phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, cố gắng sử dụng nó như một phương tiện gây sức ép buộc nước này phải nhượng bộ Ukraine.

Điện Kremlin đã mô tả "ngôn ngữ tối hậu thư" của phương Tây là không thể chấp nhận được. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, lời lẽ này có thể dẫn đến "các cuộc đàm phán không thành công", dẫn đến "giai đoạn khủng khiếp hơn của cuộc chiến với vũ khí và những người tham gia mới".