Các cuộc xung đột tại Ukraine và dải Gaza có khả năng sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong năm 2025. Dù vậy, viễn cảnh về một nền hòa bình lâu dài vẫn còn tương đối mù mờ do quan điểm của các bên quá khác biệt. Tương lai nội chiến Syria cũng vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Nội chiến Syria
Sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh nội chiến Syria có thể kết thúc sau hơn một thập niên.
Tuy vậy, triển vọng hòa bình tại Syria vẫn còn tương đối mong manh. Trên thực tế, lực lượng chính phủ của Tổng thống Assad chỉ là một trong số nhiều phe phái tham chiến.
Lực lượng chiếm ưu thế hiện nay là Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm vũ trang dẫn đầu cuộc tấn công của phe đối lập vừa qua. Bên cạnh đó, chính trường (và chiến trường) Syria còn có sự tham gia của Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, lực lượng người Kurd kiểm soát Đông Bắc Syria và hàng loạt nhóm vũ trang khác.
Trong những tháng tới, các phe phái đối lập tại Syria sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh quyền lực gay gắt. Thêm vào đó, các lực lượng trung thành với ông Assad vẫn luôn âm ỉ tìm cách quay trở lại bàn cờ chính trị.
Quyền lực chính trị dường như sẽ thuộc về phe phái nào sở hữu nhiều vũ khí nhất và có nguồn tài chính dồi dào nhất.
Đây không phải bài học xa lạ đối với mọi phe phái tại Syria. Trong nhiều năm qua, HTS đã độc quyền kiểm soát các khoản thuế quan đối với người và hàng hóa xuất nhập cảnh qua biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Chính khoản tiền này góp phần giúp HTS duy trì chính quyền ở các khu vực chiếm đóng và chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng tấn công vừa qua.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài đến cục diện chính trị Syria. Nhiều khả năng Iran và Hezbollah sẽ tìm cách lấy lại ảnh hưởng tại Syria, lần này là qua biện pháp chính trị. Sau khi Mỹ lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Saddam Hussein tại Iraq năm 2003, Iran đã bơm tiền tài trợ các đảng phái chính trị tại Iraq, cũng như các nhóm dân quân người Shia.
Trong nhiều năm qua, lực lượng vũ trang Iran (đặc biệt là lực lượng Quds) cũng đã thiết lập quan hệ sâu sắc với giới chính trị - an ninh Syria. Iran cũng vẫn có thể sử dụng con đường qua Iraq để liên lạc với các đồng minh của mình.
Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hỗ trợ lớn nhất cho phe đối lập Syria - cũng là nhân tố cần tính đến. Thổ Nhĩ Kỳ có thể thúc đẩy các đồng minh tấn công vùng lãnh thổ tự trị của người Kurd tại Syria, vốn bị Ankara coi là có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Trên thực tế, đồng thời với cuộc tấn công nhằm vào quân chính phủ Syria, lực lượng đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đánh chiếm thành phố Manbij từ tay người Kurd. Giao tranh giữa hai lực lượng này ở vùng ven Manbij vẫn đang diễn ra, khiến triển vọng hòa bình toàn vẹn tại Syria càng thêm mù mờ.
Xung đột Israel - Hamas - Hezbollah
Cũng tại Trung Đông, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tại Palestine cũng đứng trước khả năng bước sang giai đoạn mới trong năm 2025.
Sau hàng loạt cuộc gặp tại Cairo (Ai Cập) và Doha (Qatar), ngày 16/12/2024, Times of Israel cho biết cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và giới lãnh đạo Hamas đã đạt tới "mức độ sẵn sàng chưa từng có" cho một thỏa thuận đổi các con tin người Israel bị Hamas bắt cóc lấy ngừng bắn ở dải Gaza.
Dù tiềm lực quân sự và năng lực quản trị của Hamas đã chịu tổn hại đáng kể sau các đợt tấn công của Israel, ngày càng rõ ràng rằng Hamas khó có thể bị đánh bại hoàn toàn. Nhiều quan chức an ninh cấp cao Israel - bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant - đã lên tiếng cho rằng quân đội Israel không thể đạt thêm các mục tiêu khác tại Gaza.
Tuy nhiên, một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên không thể bảo đảm về một nền hòa bình lâu dài, nhất là hai bên khó đạt được đồng thuận về tương lai của dải Gaza. Israel tuyên bố muốn lật đổ chính quyền Hamas để lực lượng này không còn là mối đe dọa - điều mà Hamas chắc chắn không thể chấp nhận.
Cả hai bên vẫn đang tố cáo đối phương là nguyên nhân khiến thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa được hiện thực hóa. Hamas cáo buộc Israel đưa ra điều kiện mới, trong khi ông Netanyahu tuyên bố Hamas từ bỏ những thỏa thuận mà hai bên đã đạt được.
Ở phía Bắc, dường như thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah tại Li Băng đang phát huy hiệu quả. Theo thỏa thuận, trong vòng 60 ngày đầu tiên, Israel sẽ rút quân khỏi Li Băng và Hezbollah sẽ đưa các chiến binh về phía Bắc sông Litani.
Tuy nhiên, hai bên vẫn phải đối mặt với những thách thức trong dài hạn. Quân đội Li Băng - lực lượng sẽ đóng ở phía Nam sông Litani để bảo đảm lệnh ngừng bắn - khó có thể so sánh với Hezbollah về khả năng tác chiến. Israel và Li Băng cũng sẽ phải trải qua những vòng đàm phán khó khăn để phân định biên giới.
Xung đột Nga - Ukraine
Ngày càng có nhiều tiếng nói tại Kiev, Moscow và phương Tây về triển vọng ngừng bắn vào năm 2025.
Trong cuộc gặp với các nhà ngoại giao Ukraine tại Kiev cuối tháng 12/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định nước này cần làm mọi cách để có được hòa bình công bằng, hợp lý vào năm tới.
"Chúng ta cần một nền hòa bình công bằng, hợp lý, từng người trong số các bạn phải hướng tới mục đích đó. Năm tới sẽ có ý nghĩa quyết định với nhiệm vụ này", ông Zelensky nói, theo tuyên bố được đăng tải trên trang web của Tổng thống Ukraine.
Bên cạnh đó, giới chức Ukraine cũng đã bắt đầu cẩn trọng nhắc đến khả năng kết thúc chiến sự mà không giành lại được toàn bộ lãnh thổ theo biên giới năm 1991 - bao gồm cả bán đảo Crimea và vùng Donbas.
Với việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, Ukraine càng có lý do để hướng đến hòa bình. Ông Trump đã tuyên bố sẽ cắt giảm các khoản viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine sau khi trở lại Nhà Trắng.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/12 cũng khẳng định Nga sẵn sàng xem xét đề xuất đăng cai các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine của Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
"Chúng tôi không phản đối. Tại sao lại như vậy? Do Slovakia giữ lập trường trung lập", ông Putin nói.
Theo bản đánh giá được đưa ra cuối tháng 12/2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức này đề ra hai kịch bản: Kịch bản đầu tiên cho rằng cuộc xung đột sẽ kết thúc vào cuối năm 2025, trong khi kịch bản xấu hơn cho rằng chiến sự có thể kéo dài tới năm 2026.
Đài RBC-Ukraine nhận định trong thời gian tới, Nga sẽ vẫn tiếp tục tìm cách giành thêm lãnh thổ. Trong khi đó, Ukraine đang ở thế bất lợi và khó có thể giành lại thế chủ động trên chiến trường.
Tuy vậy, nhiều nhân tố quyết định triển vọng hòa bình vẫn chưa rõ ràng. Bất chấp các tuyên bố từ giới chính trị gia, chưa rõ hai bên đã thực sự sẵn sàng đàm phán hay chưa. Cũng chưa rõ liệu Kiev sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh thế nào sau khi chiến sự kết thúc.
"Lệnh ngừng bắn nhiều khả năng có thể đến trong năm 2025 nhưng một thỏa thuận hòa bình chính thức là khả năng khó xảy ra", ông Charles Kupchan, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận xét.
Theo ông Kupchan, hai bên khó có thể đạt được đồng thuận trong các vấn đề như quan hệ đồng minh của Ukraine hay địa vị các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
"Kết quả sẽ là một cuộc xung đột bị đóng băng thay vì hòa bình bền vững - có thể giống như tình hình trên bán đảo Triều Tiên", ông Kupchan nói.