ThS. Bùi Quốc Lộc
Giảng viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Email: buiquoclocdt@gmail.com
Tóm tắt
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến đối với người dân vẫn còn nhiều thách thức. Bài viết khái quát thực trạng cung ứng dịch vụ công trực tuyến ở nước ta hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến gắn với phát triển dữ liệu số, góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khóa: Dịch vụ công trực tuyến, công nghệ thông tin, thủ tục hành chính, chính phủ điện tử, dữ liệu số
Summary
Amid the accelerating pace of digital transformation, the provision of online public services has become an urgent requirement to enhance the effectiveness of state governance and facilitate citizen engagement. Nevertheless, various challenges remain in ensuring effective access to these services. This paper provides an overview of the current state of online public service provision in Vietnam and proposes several solutions to promote its advancement in connection with digital data development, thereby contributing to Vietnam’s integration into a new era of national rise.
Keywords: Online public services, information technology, administrative procedures, e-government, digital data
GIỚI THIỆU
Quá trình chuyển đổi số với những bước đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực đã và đang tạo cơ hội cho hàng triệu người dân được kết nối với các thiết bị di động với sức mạnh tốc độ và dung lượng lớn chưa từng có. Điều này tạo cơ hội cho người dân thực hiện các dịch vụ công theo phương thức trực tuyến, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với cơ quan quản lý nhà nước nói chung và hoạt động cung ứng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nói riêng.
THỰC TRẠNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU SỐ
Những kết quả đạt được
Trong những năm qua, Chính phủ đã chú trọng hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, đổi mới và nâng cao chất lượng DVC, hướng đến xây dựng hoàn thiện mô hình chính phủ điện tử, Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), giảm tối đa văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành.
Trong giai đoạn vừa qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy ứng dụng CNTT vào hoạt động cải cách và nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ hành chính công, nhất là Luật Dữ liệu mới được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tập trung vào việc thiết lập cơ sở dữ liệu (CSDL) tổng hợp quốc gia và trung tâm dữ liệu phục vụ mục đích quản lý nhà nước. Trước các mối nguy về an ninh mạng toàn cầu ngày càng gia tăng, Luật Dữ liệu mới được kỳ vọng sẽ củng cố các biện pháp bảo mật và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về an ninh mạng.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 194/2025/NĐ-CP ngày 3/7/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Giao dịch điện tử về CSDL quốc gia, có hiệu lực từ ngày 19/8/2025. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc liên quan đến các hoạt động: Xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; xây dựng và triển khai Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số; cung cấp và khai thác dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước, giúp cho việc cung ứng DVCTT có thể thực hiện hiệu quả và an toàn hơn. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025 vừa qua, cùng với việc triển khai chính quyền 2 cấp, Cổng DVC Quốc gia đã chính thức trở thành “một cửa số” duy nhất, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cung cấp DVCTT thuận tiện, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện các quy định này đã đạt được một số kết quả sau:
Về chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước trong tháng 5/2025, khối Bộ đạt tỷ lệ 52,74%, khối tỉnh đạt 14,68%.
Tỷ lệ DVCTT toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của cả nước đạt 50,4%. Trong đó, các bộ, ngành đạt trung bình 43,09%; các địa phương đạt trung bình 50,6%.
Tỷ lệ DVCTT toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số các TTHC có phát sinh hồ sơ đạt 50,65%. Trong đó, các bộ, ngành đạt trung bình 44,72%; các địa phương đạt trung bình 50,77%.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết TTHC trung bình cả nước đạt 39,46%. Trong đó, các bộ, ngành đạt trung bình 51,82%; các địa phương đạt trung bình 14,58%.
Về cung cấp DVCTT trên Cổng DVC quốc gia: Đến nay, Cổng DVC quốc gia đã cung cấp 3.525 DVCTT; hơn 506 triệu hồ sơ đồng bộ; 75,2 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 30,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến thành công với số tiền hơn 24.052 tỷ đồng; hơn 630.000 cuộc gọi tới tổng đài.
Bộ Công an đã rà soát, đánh giá 495 TTHC của các bộ, ngành, trong đó có 324 TTHC của 13 bộ, ngành có các thành phần hồ sơ đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử (VNeID) để đề xuất cắt giảm (theo quy định tại Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 69/2024/NĐ-CP, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước, tài khoản định VNeID có giá trị tương đương với giấy tờ trong thực hiện TTHC); 200 TTHC của các bộ, ngành có thể khai thác dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai đã số hóa để cắt, giảm thành phần hồ sơ.
Về hạ tầng số
Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,6%; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 134,19 Mbps; tỷ lệ phủ sóng 5G cho người dân đạt đạt 25,5%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 83,3%; tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 163,41 Mbps. Đến nay đã có 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID đã được kích hoạt, đạt gần 73% tổng hồ sơ định danh điện tử.
Về phát triển công dân số
Bộ Công an đã thu nhận trên 85,3 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 62 triệu tài khoản; đã triển khai cung cấp trên 40 tiện ích trên VNeID với hơn 500 triệu lượt truy cập (trung bình có 1,5 triệu lượt truy cập vào VNeID/ngày), trong đó có nhiều tiện ích như Sổ sức khỏe điện tử, Phiếu lịch Tư pháp được người dân ủng hộ.
Tính đến tháng 4/2025, đã cấp 16.171.976 chứng thư chữ ký số (tháng 3/2025 là 15,1 triệu chứng thư chữ ký số). Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số đạt 26,08%.
Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08%, vượt mục tiêu 80% của Chiến lược quốc gia. Các cổng DVC, hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã sử dụng số định danh VNeID làm tài khoản để đăng nhập, sử dụng DVCTT.
CSDL quốc gia về Dân cư đã kết nối với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 34 địa phương. Tiếp nhận 1.428.643.166 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin; 594.474.786 yêu cầu đồng bộ thông tin công dân, trong đó đã đồng bộ thành công 266.892.808 thông tin công dân vào CSDL quốc gia về Dân cư. Đến nay, các địa phương đã thực hiện cập nhật hơn 18,6 triệu thông tin người lao động vào CSDL quốc gia về Dân cư.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với CSDL quốc gia về Dân cư. Đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 95,6 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 84,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97,1% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về Dân cư; phối hợp với Bộ Công an chia sẻ thử nghiệm thông tin sổ BHXH, thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để đưa lên ứng dụng VNeID.
Đến tháng 7/2025, 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trực tuyến và kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, giúp dữ liệu được đồng bộ, thống nhất, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.
Hiện tại, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu của gần 1,9 triệu doanh nghiệp (khoảng 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động), bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán. Thông tin trong CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được cập nhật liên tục theo thời gian thực trên cơ sở thông tin doanh nghiệp kê khai và liên thông nghiệp vụ thời gian thực với Hệ thống đăng ký thuế.
Một số tồn tại, hạn chế
Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC vẫn chưa đạt như kỳ vọng, người dân, doanh nghiệp vẫn mong muốn TTHC được đơn giản, thuận tiện hơn; việc cung cấp DVCTT một số nơi còn hình thức, chưa thực chất, hiệu quả chưa cao; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa đạt tỷ lệ số hóa mà Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đề ra, tỷ lệ tái sử dụng kết quả số hóa thấp.
Tình trạng chậm muộn, trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp vẫn xảy xa ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương. Việc đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành phục vụ quản lý điều hành và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự thông suốt, liên tục.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Nhằm đấy mạnh thực hiện DVCTT trong thời gian tới, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cung cấp DVC cần chuyển sang trạng thái “chủ động” để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Theo đó các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng DVCTT trên Cổng DVC quốc gia. Các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tiếp tục sản xuất các sản phẩm truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền. Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng số để hỗ trợ hướng dẫn người dân trong việc sử dụng DVCTT.
Thứ hai, một trong những yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước là phải đảm bảo được tính công khai minh bạch. Riêng hoạt động quản lý nhà nước đối với DVCTT, đây là yêu cầu cốt yếu để đảm bảo chất lượng cung cấp DVCTT. Trên cơ sở thực trạng triển khai, cần thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, bảo đảm 100% TTHC được công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Cổng DVC quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình giải quyết cũng như kết quả thực hiện.
Thứ ba, tập trung rà soát, hoàn thành việc trình công bố quy trình nội bộ, xác định rõ thời hạn, trách nhiệm giải quyết trong từng bước, từng giai đoạn đối với các TTHC liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp. Kịp thời xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành và UBND các cấp về các vấn đề liên quan đến TTHC thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc rà soát để đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ, gắn số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành với Cổng DVC quốc gia; tuân thủ nguyên tắc chỉ yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin một lần trong suốt quá trình giải quyết TTHC và DVCTT, không yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các CSDL quốc gia.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện thanh toán trực tuyến đối với phí và lệ phí, nghĩa vụ tài chính, mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt trong cung cấp DVCTT. Đối với việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử chỉ bằng tài khoản VNeID từ ngày 1/7/2024, cần có biện pháp để tránh một số lỗi kỹ thuật từng gặp phải thời gian qua; bảo đảm để các thủ tục được thực hiện, giải quyết thuận lợi, thông suốt, nhanh chóng. Như bất kỳ hệ thống nào khác, cần có phương án dự phòng để đề phòng trường hợp việc cung cấp DVCTT qua VNeID bị ngừng trệ, gián đoạn.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2025). Báo cáo Chuyển đổi số quốc gia, ngày 1/5/2025.
2. Liên hợp quốc (2024). Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (E-Government Development Index - EGDI).
3. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) (2024). Báo cáo Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI).
4. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (2024). Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024.
Ngày nhận bài: 8/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 10/7/2025; Ngày duyệt đăng: 11/7/2025 |