Khu cộng đồng “xanh” khép kín tuyệt vời ở Dubai
Điểm dừng chân đầu tiên của Bói Cá là Dubai, nơi chú ta đậu trên một tấm pin năng lượng mặt trời tại “Thành phố bền vững” nổi tiếng.
“Thật kỳ lạ”, Bói Cá lẩm bẩm, nhìn cư dân nơi đây phóng vụt qua trên những chiếc xe golf điện. “Con người đã xây dựng cả một ốc đảo xanh giữa sa mạc khô cằn, nào là biệt thự, spa đẳng cấp, khu cưỡi ngựa, thậm chí còn có khu trượt tuyết trong nhà” [2].
Triết gia Bói Cá quyết định khởi hành chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới để khám phá hiện tượng kỳ lạ mang tên “sống xanh” của con người |
Chú nhìn xung quanh rồi tiếp, “Vậy mà tường cao quá, đến nỗi anh bạn sơn ca của tôi, Larky còn không bay nổi qua để thăm tổ tiên của mình!”.
Gần đó, một chú sơn ca bay ngang qua kêu lên: “Nghe nói trong đó con người sống bền vững và là cộng đồng hạnh phúc nhất [3], nhưng tôi phải có ‘thẻ vàng’ mới được bay qua! Tuần trước, họ đuổi tôi đi vì tôi không phải là chim có ‘chứng nhận sinh thái’!”.
Bói Cá bật cười: “À đúng rồi, cái logic của con người lạ lắm–luôn cho rằng ‘xa hoa’ là ‘sinh thái’. Tôi đang tự hỏi ‘thành phố bền vững’ thực sự đang duy trì thứ gì?”.
Copenhagen–Thành phố “tốt” không carbon
Sau chuyến phiêu lưu ở Dubai, triết gia Bói Cá bay đến Copenhagen, một hòn đảo ven biển của Zealand và Amager.
“Mọi người ở đây trông có vẻ hạnh phúc”, chú nghĩ thầm.
Nghỉ ngơi trên một cành cây, chú quan sát: người dân sinh bơi lội ở bến cảng, xa xa là hàng cối xay gió; ăn tối tại các nhà hàng hữu cơ được chứng nhận sinh thái; và thong dong đạp xe điện thư giãn trong khu thích ứng biến đổi khí hậu [4,5]. Chú mỉm cười gật gù, “Có lẽ đây chính là thành phố bền vững mà con người nhắc đến!”.
Đang chuẩn bị cất cánh, Bói Cá chợt thấy một nhóm chim bồ câu đang lúi húi thu dọn hành lý, trông như họ sắp đi dài ngày.
“Sao mọi người lại dọn đi? Cuộc sống ở đây trông tuyệt lắm mà?” - Bói Cá tò mò hỏi.
“Chúng tôi không đủ tiền thuê nhà”, một chú bồ câu thở dài, lắc đầu. “Họ sắp biến nhà của chúng tôi thành căn hộ ‘bền vững’ để xây dựng thành phố không carbon. Giờ thì bồ câu nào cũng phải vay ngân hàng mới có chỗ ở!”.
“Nhưng chắc chắn là tốt hơn cho môi trường chứ?” - Bói Cá trầm ngâm.
“Ồ, đúng rồi”, Bồ câu mỉa mai đáp, “không gì ‘thân thiện với môi trường’ hơn việc bắt lũ chim lao động bay 50 cây số mỗi ngày giữa chỗ làm và tổ giá rẻ. Đúng là trung hòa carbon!”
Paterson Park – Khu phức hợp “an toàn nhất” Johannesburg
Điểm dừng chân cuối cùng của triết gia Bói Cá là Paterson Park – một phần của “Hành lang Tự do” tại Johannesburg. Đang loay hoay tìm chỗ đậu, Bói Cá bắt gặp cảnh tượng kỳ lạ nhất từ trước tới giờ – một đàn chim bản địa đang phải làm “kiểm tra an ninh” để được vào công viên! [5].
“Nghe kỹ đây”, chú công kiêu ngạo lớn tiếng, “muốn vào được công viên sinh thái, các ngươi phải bay ba vòng kiểm tra: hai vòng qua camera an ninh, một vòng trước trạm bảo vệ, và tuyệt đối KHÔNG được hót tự do!”
“Thật là vô lý!” - một bác sáo Cape bực bội càu nhàu, “Tôi đã sống ở đây qua bao thế hệ, vậy mà giờ phải cần đến ba lần kiểm tra an ninh chỉ để vào kiếm ăn trong cái khu ‘sinh thái’ này!”.
Từ đâu, một chú diều hâu bóng bẩy xuất hiện, rút ra một tấm thẻ vàng lấp lánh từ dưới cánh, và ung dung lướt qua cổng an ninh. “Chào mừng, thành viên VIP sinh thái!”, đám chim công bảo vệ ríu rít chào đón.
“Thật thú vị”, Bói Cá lẩm bẩm, “hóa ra ‘bền vững’ chỉ cần lấp lánh là đủ!”.
Ghi chú của Triết gia Bói Cá
Sau khi trở về Xóm Chim, Triết gia Bói Cá tập hợp tất cả chim trong vùng để chia sẻ nhận xét của mình [7].
“Các bạn thân mến”, Bói Cá bắt đầu, “tôi đã chứng kiến giấc mơ và sự ám ảnh của con người với cái gọi là “thành phố bền vững” - dù đó là những bức tường cao 10 mét ở Dubai, những con đường không thấm nước ở Copenhagen, hay những cổng gác nghiêm ngặt ở Johannesburg [5]. Họ gọi nó là ‘tốt, an toàn, và xanh’, nhưng lại quên mất một điều quan trọng: Mẹ Thiên Nhiên chưa bao giờ lắp đặt hệ thống an ninh hay kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng của ai trước khi ban phát những món quà của mình” [7,8].
“Vậy giải pháp là gì ạ?” một chú sẻ non líu lo hỏi.
Triết gia Bói Cá mỉm cười đầy thông thái: “Có lẽ con người cần hiểu rằng sự bền vững thực sự giống như bầu trời–hoặc thuộc về tất cả mọi loài, hoặc chẳng thuộc về ai cả. Chúng ta không thể cứu một nửa hành tinh mà lại khóa chặt cửa với nửa còn lại!”./.
Tài liệu tham khảo
[1] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6
[2] Kunzig R. (2017, April 4). The world’s most improbable green city. https://www.nationalgeographic.com/environment/article/dubai-ecological-footprint-sustainable-urban-city
[3] Gulf News. (2017). Sustainable city rated Dubai’s “happiest” community. https://gulfnews.com/business/property/sustainable-city-rated-dubais-happiest-community-1.2013476
[4] Villadsen D. (2021). Denmark shares the secrets of happiness. https://www.visitdenmark.com/press/latest-news/denmark-shares-secrets-happiness
[5] Schoulund DH, Breed CA, Pasgaard JC, Pasgaard M. (2024). Ecological and societal trade-offs of living a good, safe and green life in urban ecological enclaves. Cities, 155, 105454. https://doi.org/10.1016/j.cities.2024.105454
[6] Srivastava S. (2022, August 31). The sustainable city: Learning from Copenhagen’s plan for Zero Carbon. https://www.spur.org/news/2022-08-31/sustainable-city-learning-copenhagens-plan-zero-carbon
[7] Nguyen, M. H. (2024). Natural absurdity: How satirical fables can inform us of a vision for sustainability?. https://books.google.com/books?id=viQtEQAAQBAJ
[8] Nguyen T, Ross A. (2017). Barriers and opportunities for the involvement of indigenous knowledge in water resources management in the Gam River Basin in North-East Vietnam. https://www.water-alternatives.org/index.php/alldoc/articles/vol10/v10issue1/346-a10-1-8/file
Câu truyện ngụ ngôn này được lấy cảm hứng từ Vuong [1], Nguyen [7], và Schoulund et al. [5].