Cảnh "màn trời chiếu đất" của người Myanmar sau thảm họa động đất

05/04/2025 16:03

() - Giữa đống đổ nát sau thảm họa động đất, thi thể chưa kịp chôn, người sống lay lắt trong đói khát và bệnh tật, Myanmar đang chìm trong cảnh đau thương chưa từng có.

Cảnh màn trời chiếu đất của người Myanmar sau thảm họa động đất - 1

Người dân Myanmar xếp hàng chờ viện trợ (Ảnh: Reuters).

Khi mặt đất rung chuyển dưới chân, Ko Zeyer lao qua những tòa nhà đổ nát, những con đường nứt gãy và hố sụt sâu để trở về quê nhà ở Sagaing, tâm chấn của trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Myanmar trong một thế kỷ qua.

Chuyến đi từ Mandalay bình thường chỉ mất 45 phút lái xe qua sông Irrawaddy, nhưng sau trận động đất vào ngày 28/3 vừa qua, Ko Zeyer mất tới 24 tiếng để vượt qua những cây cầu bị gãy và các tòa nhà sụp đổ.

Anh may mắn tìm thấy gia đình mình vẫn an toàn, nhưng nhiều bạn bè của anh đã không qua khỏi, phần lớn thị trấn giờ chỉ còn là đống đổ nát. Các đội cứu hộ địa phương đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ người dân trong điều kiện thiếu thốn nghiêm trọng về nguồn lực.

Khắp nơi, vẫn còn nhiều người mắc kẹt dưới các đống đổ nát, chưa được thống kê trong con số hơn 3.300 người thiệt mạng được xác nhận sau hơn một tuần xảy ra thảm họa.

"Mùi tử khí bao trùm cả thị trấn", Ko Zeyer, một nhân viên xã hội chia sẻ. Những người dân khác cũng kể về việc phải chôn cất thi thể vội vã trong các khu mộ tập thể.

Cảnh màn trời chiếu đất của người Myanmar sau thảm họa động đất - 2

Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng vì trận động đất (Ảnh: Reuters).

Những người dân sống sót phải xếp hàng nhận thực phẩm và nước sạch, nhiều người phải ngủ ngoài trời giữa cái nóng hơn 37 độ C với đầy muỗi và côn trùng. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, các dư chấn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. 

"Gần như cả thị trấn phải ngủ ngoài đường, trên sân bóng, trên nền bê tông, kể cả tôi vì quá sợ hãi. Tôi chỉ dám nằm gần cửa để nếu có chuyện gì thì còn dễ để chạy ra ngoài", Ko Zeyer nói. 

Quy mô thảm họa quá lớn đã đẩy đất nước vốn đã khó khăn vào một cuộc khủng hoảng mới, với gần 20 triệu người cần viện trợ nhân đạo. Hệ thống y tế và cứu hộ đã suy yếu nghiêm trọng sau nhiều năm thiếu đầu tư, khiến công tác ứng phó sau động đất gặp rất nhiều khó khăn.

Tình nguyện viên cứu hộ Kyaw Min mô tả mọi nơi đều bị tàn phá, từ nhà cửa, trường học, chùa chiền, đền thờ cho đến cửa hàng. Anh cho biết, hiện trường "giống như một nơi chết chóc, như thể thị trấn đã bị ném bom hạt nhân".

Trận động đất gây thiệt hại nghiêm trọng tại Naypyidaw và Mandalay, với khoảng 1,5 triệu dân đang sinh sống. Cơn rung chấn còn lan tới cả Thái Lan và Trung Quốc.

Nhiều ngày qua, Kyaw Min và các tình nguyện viên đã đào bới bằng tay trần hoặc dụng cụ thô sơ để tìm kiếm người sống sót. 

"Chúng tôi đã cố gắng cứu càng nhiều người càng tốt với số thiết bị ít ỏi hiện có. Nhiều thi thể, cả trẻ em lẫn người già đã được tìm thấy, có những thi thể không còn đầu, tay hoặc chân - đó là một trải nghiệm kinh hoàng", anh chia sẻ. 

Cảnh màn trời chiếu đất của người Myanmar sau thảm họa động đất - 3

Người dân tắm trên sông sau khi nhà cửa bị phá hủy (Ảnh: AFP).

Khoảng 80% thị trấn Sagaing bị hư hại nặng, các vùng nông thôn lân cận cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đường sá bị phá hủy hoặc biến dạng, khiến việc đưa máy móc cứu hộ hạng nặng vào khu vực gặp nhiều khó khăn.

"Đội cứu hộ không thể đến Sagaing ngay lập tức. Các cây cầu bị hư hỏng nặng. Vì thế, nhiều người đã chết. Khi cứu trợ đến thì đã quá muộn", Ko Zeyer cho biết. 

Trước tình hình trong nước phức tạp, các nỗ lực cứu trợ từ quốc tế và trong nước vẫn đang được triển khai khẩn trương. Quân đội đã tuyên bố tạm ngừng các hoạt động quân sự để tập trung cho công tác cứu trợ cho đến ngày 22/4.

Các đội cứu hộ quốc tế từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Pakistan... đã có mặt hỗ trợ Myanmar. Những đoạn video xúc động quay lại cảnh người sống sót được kéo ra từ đống đổ nát nhờ nỗ lực của các đội cứu hộ phối hợp giữa quốc tế và địa phương. 

Myanmar trước và sau thảm kịch động đất 7,7 độ (Video: Guardian).

Tuy vậy, theo người dân địa phương, mức độ hỗ trợ vẫn chưa tương xứng với quy mô thảm họa, đặc biệt tại một số khu vực xa xôi vẫn chưa nhận được hỗ trợ quốc tế. 

Các chuyên gia khuyến nghị cộng đồng quốc tế nên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội dân sự và các mạng lưới cứu trợ địa phương để đảm bảo viện trợ đến đúng nơi cần thiết.

Ở Sagaing, nhu cầu cấp thiết của người dân hiện nay bao gồm thực phẩm, nước sạch, lều bạt, màn chống muỗi, thuốc men, dụng cụ nấu ăn và bộ dụng cụ vệ sinh cơ bản.

"Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh người dân chìm trong nỗi đau và mất mát. Chúng tôi không dám hỏi có bao nhiêu người đã chết, vì gần như gia đình nào cũng có người thân ra đi", Ko Zeyer nghẹn ngào. 

                                                 Huyền Mai

Bạn đang đọc bài viết "Cảnh "màn trời chiếu đất" của người Myanmar sau thảm họa động đất" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.