
Thống đốc California Gavin Newsom (Ảnh: Getty).
"Thay mặt cho 40 triệu người dân Mỹ đang sống tại tiểu bang California vĩ đại, trung tâm của nền kinh tế Mỹ, tiểu bang sản xuất chủ chốt tại Mỹ, chúng tôi quan tâm đến việc hỗ trợ các mối quan hệ thương mại ổn định trên toàn cầu", Thống đốc California Gavin Newsom viết trên tài khoản X ngày 4/4.
Các nguồn tin trong chính quyền bang California cho hay, thông báo này là phản ứng trực tiếp đối với chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, trong đó áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và mức cao hơn từ 15% đến 50% với hàng chục đối tác thương mại.
Thống đốc Newsom cho biết, ông đã chỉ đạo chính quyền của mình tìm kiếm những cơ hội mới để "mở rộng thương mại" và "nhắc nhở các đối tác thương mại trên toàn thế giới rằng California vẫn là một đối tác ổn định".
Chính quyền của ông Newsom lo ngại rằng ngành công nghiệp hạnh nhân của California, một ngành xuất khẩu nông sản lớn, sẽ mất hàng tỷ USD khi các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu áp dụng thuế quan trả đũa.
Đáp lại kế hoạch này của Thống đốc California, người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai nhấn mạnh: "Ông Gavin Newsom nên tập trung vào tình trạng vô gia cư, tội phạm, quy định và tình trạng đắt đỏ không thể kiểm soát ở California thay vì thử sức mình trong việc đàm phán quốc tế".
Theo Hiến pháp Mỹ, các bang riêng lẻ không có thẩm quyền pháp lý để đàm phán độc lập hoặc thực hiện các thỏa thuận thương mại toàn cầu liên quan đến thuế quan.
Chính sách thương mại, bao gồm thuế quan, là quyền hạn dành riêng cho chính quyền liên bang. Cụ thể, hiến pháp trao cho quốc hội thẩm quyền quản lý thương mại với các quốc gia nước ngoài, và điều này bao gồm quyền áp đặt thuế quan và đàm phán các thỏa thuận thương mại.
Hạnh nhân, mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị nhất của California, chiếm khoảng 20% trong giá trị xuất khẩu nông sản 23,6 tỷ USD của tiểu bang và khoảng 2,5% tổng giá trị xuất khẩu của liên bang.
Tiểu bang này sản xuất 80% nguồn cung của thế giới và xuất khẩu phần lớn sản lượng hạnh nhân của mình. Các mặt hàng xuất khẩu nông sản hàng đầu khác bao gồm các sản phẩm từ sữa, rượu vang và quả óc chó.
Một quan chức California cho hay, chính sách thuế quan mới cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nguồn cung cấp quan trọng, như vật liệu xây dựng cần thiết để tái thiết sau vụ cháy rừng ở Los Angeles. Mỹ hiện áp thuế hơn 14% đối với gỗ xẻ của Canada, và có thể tăng lên gần 27% trong năm nay.
California là tiểu bang nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu lớn thứ hai trong số các tiểu bang của Mỹ, với hơn 675 tỷ USD thương mại 2 chiều, hỗ trợ hàng triệu việc làm.
Mexico, Canada và Trung Quốc là những đối tác quan trọng của California, vì gần một nửa lượng hàng nhập khẩu của California đến từ các quốc gia này, tổng cộng là 203 tỷ USD trong tổng số hơn 491 tỷ USD hàng hóa mà California nhập khẩu vào năm ngoái.