
Giáo hoàng Francis (Ảnh: WSJ).
Giáo hoàng Francis đã qua đời vào sáng 21/4, vài ngày sau khi ông được xuất viện sau quá trình điều trị nhiễm trùng đường hô hấp phức tạp. Giáo hoàng hưởng thọ 88 tuổi.
Sự ra đi của Giáo hoàng Francis, 12 năm sau khi ông nhận trọng trách này, đã làm dấy lên những câu hỏi mới về việc ai sẽ kế nhiệm ông làm lãnh đạo của Giáo hội Công giáo, một trong những tổ chức tôn giáo lâu đời và lớn nhất với 1,39 tỷ tín đồ.
Ai sẽ trở thành giáo hoàng tiếp theo?
Người kế nhiệm Giáo hoàng Francis vẫn chưa được chọn.
Hội đồng Hồng y, bao gồm các giáo sĩ Công giáo cấp cao, trong đó có nhiều người được chính Giáo hoàng Francis bổ nhiệm, sẽ bầu ra giáo hoàng tiếp theo. Để đủ điều kiện, một ứng cử viên phải là một người Công giáo La Mã đã được rửa tội, mặc dù trong nhiều thế kỷ, các Hồng y đã độc quyền lựa chọn một người trong hàng ngũ của họ.
Hiện tại có hơn 240 Hồng y trên toàn thế giới. Họ thường giữ danh hiệu này suốt đời.
Giáo hoàng mới được bầu như thế nào?
Khi Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức, các Hồng y dưới 80 tuổi, sẽ bỏ phiếu trong một cuộc mật nghị Giáo hoàng. Để ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài, mật nghị sẽ được tổ chức kín trong Nhà nguyện Sistine và các Hồng y sẽ cân nhắc những người kế nhiệm tiềm năng cho vị trí Giáo hoàng.
Mặc dù số lượng ứng cử viên cho vị trí Giáo hoàng thường được giới hạn ở mức 120, nhưng hiện tại có 138 ứng cử viên đủ điều kiện. Các thành viên sẽ bỏ phiếu kín, một quá trình do 9 Hồng y được chọn ngẫu nhiên giám sát. Theo truyền thống, cần phải có đa số 2/3 số phiếu ủng hộ để bầu Giáo hoàng mới và việc bỏ phiếu sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi đạt được tỷ lệ này.
Sau mỗi vòng, các lá phiếu được đốt bằng hóa chất, tạo ra khói đen hoặc khói trắng, báo hiệu cho thế giới biết kết quả. Khói đen báo hiệu chưa có quyết định nào được đưa ra, trong khi khói trắng có nghĩa là đã bầu được Giáo hoàng mới. Khi Giáo hoàng mới được bầu, Hồng y cấp cao sẽ công bố tên Giáo hoàng từ Vương cung thánh đường Saint Peter.
Khi nào mật nghị bầu Giáo hoàng bắt đầu?
Thông thường, mật nghị này diễn ra sau khi Giáo hoàng đương nhiệm qua đời hoặc từ chức 2 hoặc 3 tuần. Điều này cho phép có thời gian để tang Giáo hoàng cũ 9 ngày và các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới có thể đến Vatican.
Mật nghị năm 2013 bầu ra Giáo hoàng Francis, Giáo hoàng đầu tiên gốc Nam Mỹ, bắt đầu chỉ 12 ngày sau khi người tiền nhiệm của ông, Giáo hoàng Benedict XVI từ chức.
Mất bao lâu để bầu Giáo hoàng mới?
Quá trình này có thể mất nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào mức độ thống nhất của các Hồng y.
Mỗi ngày, mật nghị có thể tổ chức tới 4 vòng bỏ phiếu để cố gắng đạt được đa số 2/3 cần thiết. Nếu sau 33 vòng, vẫn không có quyết định nào được đưa ra, hai ứng cử viên hàng đầu sẽ được lựa chọn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai.
Cuộc bầu cử của 3 vị Giáo hoàng gần đây nhất diễn ra tương đối nhanh chóng, mỗi cuộc chỉ kéo dài vài ngày.
Tuy nhiên trong lịch sử, đôi khi các cuộc bầu cử kéo dài hơn nhiều, như mật nghị bầu Giáo hoàng Gregory X vào năm 1271 mất gần 3 năm do tranh chấp chính trị dữ dội.
Các ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm Giáo hoàng Francis là ai?
Trong số 138 Hồng y đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị, tổng cộng có 110 người được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm. Nhóm này đa dạng hơn đáng kể so với các ứng cử viên trước đây, với tỷ lệ đại diện cao hơn từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, phản ánh mục tiêu của Giáo hoàng Francis là mở rộng phạm vi toàn cầu của Giáo hội. Hồng y ứng cử viên trẻ nhất chỉ mới 45 tuổi, một giám mục ở Australia.
Do vậy, có khả năng lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, Giáo hoàng tiếp theo có thể từ châu Phi hoặc châu Á, hoặc một khu vực khác vốn theo truyền thống không được đại diện đầy đủ trong ban lãnh đạo của Giáo hội.
Trong số các ứng cử viên Hồng y châu Phi đang được thảo luận có Peter Turkson của Ghana, cựu chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, và Fridolin Ambongo của Cộng hòa Dân chủ Congo, tổng giám mục của Kinshasa. Cả hai đều là những người tận tụy, những người đã lên tiếng ủng hộ hòa bình ở các quốc gia của họ.
Một ứng cử viên mạnh khác là Hồng y Philippines Luis Tagle, cựu Tổng giám mục Manila. Giống như Giáo hoàng Francis, Hồng y Tagle nhấn mạnh đến công lý xã hội và chăm sóc người nghèo.
Hồng y Peter Erdo người Hungary được coi là ứng cử viên hàng đầu và có thể đóng vai trò là cầu nối với những người theo đạo Thiên chúa ở phương Đông. Tổng giám mục của Esztergom-Budapest, Erdo, là một người theo chủ nghĩa truyền thống, ủng hộ việc tiếp cận với những người theo đạo Thiên chúa Chính thống giáo, nhấn mạnh "nhu cầu cấp thiết" về sự thống nhất giữa các giáo hội.
Cũng nằm trong nhóm ứng cử viên tiềm năng là Hồng y Pietro Parolin, người giữ chức vụ ngoại giao hàng đầu Tòa thánh, đảm bảo rằng ông được tất cả các Hồng y biết đến.
Những ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm Matteo Zuppi người Italy, tổng giám mục Bologna, và Mario Grech người Malta, tổng thư ký Thượng hội đồng giám mục, một vị trí giúp ông giữ liên lạc chặt chẽ với Giáo hoàng Francis.