
Binh sĩ Nga gác bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (Ảnh: AFP).
Mỹ đề xuất lãnh thổ trung lập quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia
Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn thạo tin ngày 20/4 cho hay, Mỹ tin rằng một trong những điều kiện góp phần giải quyết xung đột ở Ukraine có thể là chỉ định một quy chế trung lập cho các vùng lãnh thổ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, miền Nam Ukraine.
Ý tưởng này được cho là nêu trong tài liệu mà phái đoàn Mỹ đưa ra tại cuộc họp với đại diện Ukraine và một số nước châu Âu tại Paris hôm 17/4.
Nguồn tin không nêu rõ những vùng lãnh thổ nào xung quanh nhà máy mà Washington đề xuất chỉ định là trung lập và Mỹ có thể kiểm soát những vùng lãnh thổ này cũng như liệu bên nào sẽ kiểm soát nhà máy điện hạt nhân.
Nga tuyên bố kiểm soát ZNPP, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, không lâu sau khi mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
ZNPP hiện do một công ty con của tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Rosatom kiểm soát. Vào tháng 12/2023, tổng giám đốc điều hành của công ty con này cho biết rằng họ có kế hoạch đưa nhà máy trở lại hoạt động ngay khi an ninh được đảm bảo đầy đủ.
ZNPP nằm ở tỉnh Zaporizhia, một trong 4 tỉnh của Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Mặc dù nhà máy không còn sản xuất điện nữa, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc vẫn duy trì giám sát tại địa điểm này, như mọi cơ sở hạt nhân khác của Ukraine.
Moscow phớt lờ mọi lời kêu gọi từ bỏ quyền kiểm soát nhà máy. Bất chấp điều này, Ukraine tiếp tục đề nghị Nga trả lại nhà máy và bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Moscow đối với ZNPP.
Trong các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã đề xuất Mỹ sở hữu các nhà máy điện của Ukraine nhằm giúp đảm bảo an ninh cho các cơ sở này.
"Tổng thống Trump cũng thảo luận về nguồn cung cấp điện và các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine. Ông cho biết Mỹ có thể rất hữu ích trong việc vận hành các nhà máy đó bằng chuyên môn về điện và tiện ích của mình. Quyền sở hữu của Mỹ đối với các nhà máy sẽ là sự bảo vệ tốt nhất cho cơ sở hạ tầng đó và hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho hay.
Trước đó, ông Trump cũng ám chỉ việc nhượng bộ lãnh thổ của Ukraine và quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhia có thể là yếu tố đưa vào các cuộc đàm phán.
Hiện chưa rõ "số phận" của nhà máy Zaporizhzhia có được thảo luận trong cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ hay không, song cuối tháng trước Nga tuyên bố sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát ZNPP cho Ukraine hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.
Moscow cũng loại trừ khả năng vận hành chung, với lý do việc đảm bảo an toàn vật lý và hạt nhân của nhà máy là điều không thể.
Mỹ có thể công nhận Crimea thuộc Nga
Ngoài vấn đề nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, Mỹ được cho là còn đề xuất ý tưởng liên quan đến bán đảo Crimea và triển vọng gia nhập NATO của Ukraine.
"Tuần này, Ukraine đang chịu áp lực phải phản ứng trước một loạt ý tưởng sâu rộng của chính quyền ông Trump về cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine bằng cách nhượng bộ Nga, bao gồm khả năng Mỹ công nhận việc bán đảo Crimea thuộc Nga và bác khả năng Ukraine gia nhập NATO", Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết.
Mỹ đang chờ phản hồi của Ukraine dự kiến được đưa ra tại cuộc họp vào cuối tuần này. Nếu các bên đạt được đồng thuận, đề xuất có thể được chuyển đến cho Nga.
Việc chấp nhận một số ý tưởng của chính quyền ông Trump có thể gây khó khăn cho Kiev vì Ukraine đã từ chối nhượng bộ bất cứ vùng lãnh thổ nào.