Ấn Độ - Pakistan đều tuyên bố chiến thắng: Đôi bên toan tính gì tiếp theo?

09/05/2025 00:17

() - Các cuộc đụng độ Pakistan- Ấn Độ đánh dấu bước leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa họ trong nhiều thập kỷ. Hàng triệu người ở hai bên biên giới đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Ấn Độ - Pakistan đều tuyên bố chiến thắng: Đôi bên toan tính gì tiếp theo? - 1

Khói bốc lên sau khi một quả đạn pháo rơi xuống quận Poonch ở vùng Jammu và Kashmir của Ấn Độ vào ngày 7/5 (Ảnh: AFP).

Mặc dù đã tuyên bố "đáp trả mạnh mẽ" các cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ của mình, Pakistan vẫn chưa hành động và cả hai bên dường như đều đã tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, tình trạng thù địch vẫn tiếp diễn.

Người dân hai nước đều vô cùng lo lắng sau khi New Delhi tiến hành các cuộc không kích có mục tiêu vào nước láng giềng vào rạng sáng 7/5, trong khi Islamabad tuyên bố đã bắn hạ các máy bay chiến đấu của đối thủ.

Vào ngày 8/5, Pakistan tuyên bố đã bắn hạ ít nhất 25 máy bay không người lái  (UAV), bao gồm cả loại mang vũ khí của Ấn Độ trên khắp đất nước, trong động thái mà Islamabad gọi là "hành động khiêu khích nghiêm trọng" mới từ New Delhi khiến 4 binh sĩ bị thương và 1 thường dân thiệt mạng.

Hiện vẫn chưa thể xác minh độc lập những tuyên bố này từ cả hai phía. Nhưng điều gây lo ngại là mỗi bước đối đầu bổ sung của một trong hai bên có thể nhanh chóng leo thang thành cuộc xung đột toàn diện.

Truyền thông Ấn Độ đã rất phấn khích sau các cuộc không kích vào hôm 7/5 của quân đội. "Những đòn công lý" là tiêu đề một bài xã luận trên một trong những báo tiếng Anh hàng đầu của Ấn Độ ca ngợi phản ứng "sắc bén" và "kiên quyết" của quân đội đối với vụ thảm sát 26 người ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

Tiêu đề trên báo Indian Express cũng vang vọng giai điệu tương tự: "Công lý đã được thực thi" được đăng trên trang nhất.

Ở Pakistan, phản ứng của người dân và cả Thủ tướng Shehbaz Sharif cũng  tương tự.

Thủ tướng Sharif đã thề sẽ "trả thù" cho cái chết của 31 người mà Pakistan cho biết đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Ấn Độ nhưng dường như vẫn tuyên bố chiến thắng vì đã bắn hạ máy bay đối phương.

"Chỉ mất vài giờ để đối thủ quỳ gối", ông Sharif nói trong bài phát biểu đêm khuya trước toàn dân.

Ấn Độ tuyên bố đã tấn công "cơ sở hạ tầng khủng bố" của 2 nhóm Hồi giáo - Lashkar-e-Tayyiba và Jaish-e-Mohammed - những nhóm bị cáo buộc đứng sau một số cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất vào Ấn Độ. New Delhi cũng cho biết các cuộc tập kích hôm 7/5 không nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự và không gây thương vong dân sự, có khả năng tạo cơ hội cho Ấn Độ và Pakistan tìm cách tránh một cuộc chiến tranh toàn diện.

Một địa điểm mà Ấn Độ tấn công nằm sâu trong tỉnh Punjab của Pakistan, đây là cuộc tấn công sâu nhất vào lãnh thổ nước láng giềng kể từ khi cả hai nước rơi vào cuộc chiến tranh lớn năm 1971.

Theo các quan chức Pakistan, cuộc tấn công này cũng nhắm vào nhiều địa điểm khác ở Punjab - trung tâm của quân đội hùng mạnh và là nơi đặt trụ sở của chính quyền Thủ tướng Sharif - và tấn công một nhà thờ Hồi giáo, khiến hàng triệu người dân ở quốc gia Hồi giáo này tức giận.

"Mọi con mắt đều đổ dồn về Pakistan"

Các nhà phân tích cho rằng, những gì xảy ra bây giờ chủ yếu phụ thuộc vào động thái tiếp theo của Islamabad.

"Mọi con mắt đều đổ dồn về Pakistan", nhà phân tích tại Washington (Mỹ) Michael Kugelman cho biết. "Nếu Pakistan quyết định giữ thể diện và tuyên bố chiến thắng - có lẽ bằng cách tuyên bố về các vụ bắn hạ máy bay phản lực của Ấn Độ (mà New Delhi chưa xác nhận) - thì có thể thấy một đường thoát hiểm".

Nhưng ông cảnh báo "mọi ván cược sẽ không còn nữa" nếu Pakistan quyết định tấn công trả đũa.

Hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng, cả hai nước láng giềng Nam Á có sở hữu vũ khí hạt nhân này không thể chịu đựng thêm một cuộc chiến nào nữa.

Ấn Độ - Pakistan đều tuyên bố chiến thắng: Đôi bên toan tính gì tiếp theo? - 2

Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ tham gia cuộc diễn tập phòng thủ dân sự toàn quốc tại Varanasi hôm 7/5 (Ảnh: Getty).

Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh giành Kashmir, một khu vực tranh chấp mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ và mỗi bên đều kiểm soát một phần. Và một cuộc xung đột khác ở đây nữa có thể gây ra hậu quả thảm khốc.

Kể từ khi giành được độc lập cách đây gần 80 năm, Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng đối đầu và đã trải qua nhiều cuộc xung đột khác nhau. Cả hai cũng đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ bất ổn chính trị đến cuộc nổi loạn của phiến quân đáng báo động, thảm họa khí hậu và tình trạng hỗn loạn kinh tế.

Ấn Độ dường như đang ở vị thế mạnh hơn: quân đội của họ được coi là vượt trội trong bất kỳ cuộc xung đột thông thường nào chỉ dựa trên số lượng và họ tự hào có nền kinh tế lớn hơn Pakistan gấp 10 lần. Nhưng họ cũng sẽ tổn thất nặng nếu xung đột leo thang, theo chuyên gia Tanvi Madan, thành viên cấp cao của chương trình Chính sách đối ngoại tại Viện Brookings.

"Dựa trên những gì chúng ta đã thấy trong thời gian trước, cả hai dường như đều không muốn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn", chuyên gia Madan nói.

Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên thệ sẽ nỗ lực để nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế, nỗ lực để đăng cai Olympic Mùa hè 2036 và tìm cách vượt qua Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất của thế giới.

Chưa kể, Ấn Độ đã phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh trên nhiều mặt trận, đặc biệt là dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.

Giảm căng thẳng hay còn leo thang hơn nữa?

Ấn Độ đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố, phản ứng của họ đối với vụ thảm sát ngày 22/4 là "tập trung, có chừng mực, không leo thang ".

"Chúng tôi đang hành động tập trung, chừng mực và về bản chất không chủ đích leo thang. Không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị nhắm mục tiêu. Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể trong lựa chọn mục tiêu và phương pháp hành động", tuyên bố của New Delhi nhấn mạnh.

Các quan chức cấp cao ở New Delhi đã liên lạc với các đối tác chủ chốt ở Mỹ, Trung Đông và Nga, cùng những nước khác, "có lẽ là để thúc đẩy áp lực quốc tế buộc Pakistan tránh leo thang", Nisha Biswal, cố vấn cấp cao tại Asia Group cho biết.

Các nhà lãnh đạo Pakistan đã ca ngợi chiến thắng của lực lượng không quân nước này, nói rằng có 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ đã bị bắn hạ trong một trận chiến kéo dài một giờ.

Ấn Độ - Pakistan đều tuyên bố chiến thắng: Đôi bên toan tính gì tiếp theo? - 3

Hành khách chờ đợi tại Sân bay quốc tế Jinnah sau khi tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế bị hủy tại Karachi hôm 7/5 (Ảnh: AFP).

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã hầu như ít phản hồi trước những tuyên bố đó và không thừa nhận bất kỳ tổn thất máy bay nào. Pakistan vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh đã bắn hạ máy bay chiến đấu, nhưng một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, ít nhất một trong những máy bay chiến đấu mới nhất và tiên tiến nhất của Ấn Độ - một chiếc Rafale do Pháp sản xuất - đã bị bắn hạ.

Nếu thực sự có tổn thất cho Ấn Độ, Pakistan có thể tuyên bố chiến thắng "ngay cả khi hoàn cảnh còn mơ hồ... Điều này sẽ cho phép Pakistan tuyên bố rằng họ đã gây tổn hại cho các mục tiêu quân sự của Ấn Độ", Milan Vaishnav, một thành viên cấp cao và giám đốc Chương trình Nam Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh, vị Tướng quân đội quyền lực của Pakistan Asim Munir đã tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ hành động tấn công nào từ Ấn Độ. Ông được biết đến với lập trường cứng rắn, có tiếng là quyết đoán hơn người tiền nhiệm Qamar Javed Bajwa.

Trong khi đó, nhiều thành viên đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu của Thủ tướng Modi kêu gọi chính phủ "ra đòn quyết định vào Pakistan".

Chuyên gia Kugelman cho rằng, Mỹ - vốn đã can thiệp vào các cuộc khủng hoảng này trong lịch sử - có thể cố gắng xoa dịu căng thẳng, nhưng không rõ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng ở mức nào.

"Trung Quốc đã kêu gọi hạ nhiệt, nhưng mối quan hệ căng thẳng của họ với Ấn Độ khiến Bắc Kinh không thể là một bên trung gian khả thi. Các ứng cử viên trung gian hàng đầu là các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập, đặc biệt là Qatar, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất", ông cho biết, xét đến mối quan hệ chặt chẽ của họ với cả hai quốc gia.

Qatar đã nhanh chóng thúc giục biện pháp ngoại giao ngay những giờ đầu tiên sau các cuộc không kích hôm 7/5.

Trong khi hầu hết các nhà phân tích cho rằng có một lối thoát cho cả Ấn Độ và Pakistan, tất cả đều nhất trí rằng tình hình vẫn còn thay đổi và căng thẳng. "Cuộc khủng hoảng này vừa khó lường vừa nguy hiểm - một sự kết hợp gây bất ổn", chuyên gia Kugelman nói thêm.

Bạn đang đọc bài viết "Ấn Độ - Pakistan đều tuyên bố chiến thắng: Đôi bên toan tính gì tiếp theo?" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.