Xung đột Ấn Độ - Pakistan viết lại nguyên tắc không chiến

() - Cuộc xung đột chớp nhoáng giữa Ấn Độ và Pakistan vừa qua, đã viết lại nguyên tắc không chiến. Những kinh nghiệm nào từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã được sử dụng?
Xung đột Ấn Độ - Pakistan viết lại nguyên tắc không chiến - 1

Các máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Pakistan (trái) đọ sức với tiêm kích Ấn Độ (Ảnh minh họa: Samaa).

Bài học của Pakistan

Kinh nghiệm lịch sử và tác động của cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan vừa qua có thể sẽ mang tính thời đại.

Có nhiều lý do để khẳng định như vậy. Ví dụ, trường hợp tên lửa không đối không tầm xa bắn hạ máy bay chiến đấu, chỉ mới xuất hiện. Điều này chưa từng xảy ra trong Chiến tranh Iraq và dường như cũng chưa có trường hợp điển hình nào như vậy trong xung đột Nga - Ukraine.

Không quân Pakistan đã thực hiện tốt về mặt hệ thống hóa và hiệp đồng giữa các lực lượng, chủ yếu dựa vào vũ khí và khí tài nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù sử dụng nhiều loại vũ khí truyền thống, nhưng họ cũng sử dụng liên kết dữ liệu chung và tận dụng tốt các chiến thuật phối hợp.

Vào rạng sáng 7/5, khi máy bay chiến đấu Rafale của Ấn Độ cất cánh và chuẩn bị tấn công, Pakistan đã sử dụng radar của hệ thống phòng không HQ (Hồng Kỳ) để khóa mục tiêu rồi chuyển tọa độ cho máy bay chiến đấu J-10C, thông qua đường truyền dữ liệu.

Sau đó máy bay J-10C đã tấn công máy bay chiến đấu Rafale cách Đường kiểm soát (LOC) giữa Ấn Độ và Pakistan 100km. Vào thời điểm đó, máy bay J-10C nhiều khả năng đang ở chế độ im lặng vô tuyến và đột nhiên phóng tên lửa không đối không PL-15. Lúc này, máy bay chiến đấu của Ấn Độ không nhận thấy sự xuất hiện của tiêm kích đối phương và không ngờ tên lửa PL-15 lại xuất hiện từ "bên hông".

Quân đội Pakistan được cho đã sử dụng máy bay cảnh báo sớm KJ-3000 do Trung Quốc sản xuất, có thể điều khiển hơn 10 tên lửa. Dường như một chiếc J-10C khai hỏa vào thời điểm đó, và cũng rất có thể chiếc tiêm kích này đã im lặng để KJ-3000 dẫn đường cho tên lửa tấn công máy bay Rafale của đối phương.

Ngoài ra, chiến đấu cơ JF-17 III, sản phẩm hợp tác Trung Quốc - Pakistan trong biên chế không quân Pakistan cũng có thể đã hợp đồng tác chiến với máy bay J-10.

Ở dưới mặt đất, quân đội Pakistan còn bố trí các trận địa phòng không sử dụng hệ thống tên lửa phòng không HQ-16FE được sản xuất tại Trung Quốc, có tầm bắn lên tới 160km và phạm vi phát hiện của radar trinh sát nhìn vòng lên tới 250km.

Ngoài ra, quân đội Pakistan còn có tên lửa HQ-9, tầm bắn của mẫu HQ-9B được cho là lên tới 260km, nhưng một số nguồn tin lại cho rằng chỉ hơn 200km bởi không rõ Pakistan đang sử dụng phiên bản xuất khẩu nào.

Pakistan đã áp dụng chiến thuật phòng không của Trung Quốc, chiến thuật này được quân đội Trung Quốc đề xuất vào những năm 1990. Ví dụ, máy bay chiến đấu Rafale của Ấn Độ cất cánh từ sân bay Punjab, và có thể khi nó vừa cất cánh, đã bị radar trinh sát của hệ thống phòng không HQ khóa mục tiêu trước khi đạt đến độ cao chiến đấu.

Xung đột Ấn Độ - Pakistan viết lại nguyên tắc không chiến - 2

Máy bay tiêm kích Rafale của Không quân Ấn Độ (Ảnh: IAF).

Không quân Ấn Độ phối hợp chưa tốt

Khả năng chiến đấu có hệ thống của quân đội Ấn Độ chưa thật nhuần nhuyễn. Các loại vũ khí mà nước này sở hữu đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Israel, cũng như các sản phẩm nội địa và tự sửa đổi, nâng cấp, tạo nên một hệ thống khá phức tạp.

Máy bay chiến đấu Rafale của Ấn Độ, sản phẩm số 1 của nền công nghiệp quốc phòng Pháp, đắt hơn cả chiến đấu cơ tàng hình F-35 và máy bay cảnh báo sớm Phil do Israel sản xuất.

Các máy bay chiến đấu khác của Ấn Độ bị bắn hạ vào ngày 7/5, theo tuyên bố của Pakistan bao gồm máy bay không người lái Heron của Israel, máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, Su-30MKI và MiG-29 của Nga.

Tuy nhiên, những vũ khí mà nước ngoài cung cấp cho Ấn Độ dường như đã không được cung cấp mã nguồn. Khi chiến đấu, các phương tiện này chỉ có thể hoạt động riêng rẽ với nhau, việc chia sẻ liên kết dữ liệu là một điều rất khó khăn, dẫn đến toàn bộ hệ thống chiến đấu phòng không của Ấn Độ giống như đám đông không có tiếng nói chung.

Kinh nghiệm nào từ xung đột Nga - Ukraine đã được sử dụng?

Có lẽ bài học quan trọng nhất đối với tất cả quân đội các nước hiện nay là mỗi cuộc xung đột đều đòi hỏi những thay đổi về chiến lược, chiến thuật và vũ khí so với cuộc xung đột đã từng xảy ra trước đó.

Cuộc giao tranh ở chiến trường Ukraine đã được lãnh đạo quân đội Ấn Độ và Pakistan theo dõi chặt chẽ. Nhiều kinh nghiệm từ đó đã được áp dụng trong cuộc đụng độ vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan.

Tất nhiên, lực lượng vũ trang Pakistan và Ấn Độ đã cố gắng liên tục cải tiến vũ khí của mình và theo kịp các xu hướng mới nhất, để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.

Ví dụ, quân đội Ấn Độ chắc chắn đã ghi nhận hiệu quả của việc quân đội Nga, sử dụng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao để tấn công các mục tiêu phía sau phòng tuyến của đối phương. Đúng vậy, Không quân Ấn Độ đã sử dụng cả vũ khí của Nga và phương Tây cho mục đích này trong Chiến dịch Sindoor.

Ấn Độ tấn công các mục tiêu ở Pakistan bằng tên lửa hành trình SCALP và bom lượn Hammer của Pháp, loại đã được quân đội Ukraine sử dụng chống lại Nga. Máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất, được sử dụng làm máy bay phóng vũ khí trên. Cùng lúc đó, tên lửa BrahMos của liên doanh Nga - Ấn cũng được sử dụng, phóng từ máy bay Su-30MKI.

Nhìn chung, các cuộc tấn công của Không quân Ấn Độ vào các mục tiêu trên bộ của Pakistan đều thành công. Nhưng máy bay chiến đấu Pakistan bay ở độ cao thấp để không bị radar Ấn Độ phát hiện, nên đã bắn hạ thành công máy bay Ấn Độ, vốn không có khả năng cơ động và tốc độ để chống lại đối phương, do mang theo tải trọng lớn. Hậu quả là Ấn Độ mất một số chiến đấu cơ.

Có lẽ kinh nghiệm của Không quân Pakistan trong cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đóng một vai trò nào đó trong hoạt động này. Ngoài ra, cả hai bên trong cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan đều bắt đầu sử dụng UAV tự sát nhiều hơn trước trong các hoạt động chiến đấu, mặc dù chúng không đóng vai trò giống như ở chiến trường Ukraine.

Quân đội Pakistan có lẽ đã nhận thấy rằng, các cơ sở năng lượng đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong các đòn tấn công bằng vũ khí tầm xa của Nga vào Ukraine. Đây có thể là lý do tại sao họ chọn nhắm vào lưới điện của Ấn Độ. Chỉ có điều là Pakistan không sử dụng tên lửa hoặc UAV tự sát tập kích mà là dùng tin tặc trong một cuộc tấn công mạng quy mô lớn.

Có nhiều yếu tố quan trọng có thể dự đoán được trong hướng phát triển tương lai của không chiến, bao gồm chiến đấu ngoài tầm nhìn, chiến đấu liên kết dữ liệu, chiến đấu trí tuệ nhân tạo, chiến đấu có hệ thống,... Trận không chiến Ấn Độ - Pakistan này đã phản ánh nhiều thay đổi mới. Chiến đấu ngoài tầm nhìn là một hình thức cơ bản.

Ngay cả những vũ khí tương đối truyền thống vẫn có thể đạt được kết quả bất ngờ, miễn là chiến thuật được sử dụng đúng cách. Một phương pháp tiếp cận có hệ thống tốt, sẽ giúp các đơn vị chiến đấu phát huy tối đa tính năng kỹ - chiến thuật của các vũ khí có trong tay, dù chúng có thể kém hiện đại hơn trang bị của đối phương.