Vắng bóng hóa đơn 'VIP', 8 con số cho một lần đi bar

27/11/2024 06:00

Một số đơn vị kinh doanh bar, pub cho biết khách hàng có xu hướng chi tiêu dè dặt hơn. Trong khi đó, hidden bar trở thành lựa chọn được yêu thích với người trẻ.

Từ giữa năm 2023, kinh tế không còn vững, Ngô Nhật Kiều My (24 tuổi, sống tại TP.HCM) chỉ lui tới quán bar một lần trong tháng, thay vì 4 lần như trước. Theo cô, lời mời công việc ngày càng ít và vấn đề sức khỏe khiến cô giảm số lần đi bar.

Trước đây, diễn viên TVC tự do này thường chi 2-3 triệu đồng cho một lần thâu đêm tại quán rượu. Đỉnh điểm, vào đợt sinh nhật năm 2022, cô chi hết 12 triệu đồng để tổ chức tiệc với bạn bè.

Không riêng Kiều My, để tìm niềm vui trong bar/pub, một bộ phận người trẻ sẵn sàng chi từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mỗi đêm. Tuy nhiên, hóa đơn xấp xỉ 8 con số không còn nhiều ở hiện tại.

Theo chủ sở hữu một số cơ sở nightlife ở TP.HCM, trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, lượng khách chịu "xuống tiền" sụt giảm, dẫn đến doanh thu không còn cao như năm 2022 trở về trước.

quan bar anh 1

Khách hàng vui chơi tại một quán bar tầng thượng ở quận 1, TP.HCM hồi tháng 4/2023. Ảnh: Phương Lâm.

Trong khi đó, số liệu từ iPOS, đơn vị cung cấp giải pháp quản lý cho ngành F&B tại Việt Nam, cho thấy trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số lượng quán bar tại khu vực quận 1, TP.HCM giảm từ 18,94% xuống còn 10,46% so với cùng (tính trên tổng số lượng cửa hàng thuộc mô hình đồ uống), khu vực quận 10 ghi nhận mức tăng nhẹ từ 2,05% lên 2,41%.

Mức chi tiêu trung bình dao động từ 400.000-1.000.000 đồng/người cho mỗi cuộc vui ở bar, pub hoặc club. Giá cả đồ uống có thể tăng nhẹ, nhưng nhu cầu giải trí của khách hàng vẫn không thay đổi.

Vắng hóa đơn VIP

Trước đây, Lê Ngọc Quyên (28 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng thường xuyên có mặt tại các quán bar nổi tiếng ở quận 1. Nhân viên kinh doanh này còn lưu lại số điện thoại của nhân viên booking (đặt bàn) tại một số quán bar quen để tối ưu thời gian.

Tần suất tham gia những cuộc vui tại bar của Ngọc Quyên khoảng 2 lần/tháng. Bàn của cô gồm 6-7 người, gọi tháp bia, hoa quả, đồ ăn và rượu vào cuối buổi. Hóa đơn dao động 13-14 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, số tiền chi cho mỗi lần đi bar giảm đáng kể, chỉ còn 6-7 triệu đồng.

Tương tự, Mạnh Duy (27 tuổi, sống tại TP.HCM), kiểm toán viên, cho biết hóa đơn 8 con số chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt như sinh nhật, tiệc chia tay đồng nghiệp, tiệc độc thân. Những lần vui chơi khác, số tiền cao nhất chỉ khoảng một triệu đồng.

"Tôi không còn đi bar nhiều như trước, 1-2 tháng mới đi một lần. Đi cùng bạn bè, tôi chỉ gọi một ly cocktail, đôi khi thêm đồ ăn nhẹ. Nếu không cảm nhận được không khí sôi động, tôi thường dừng lại ở một ly cocktail", anh bày tỏ.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Võ Trần, quản lý một quán bar ở quận Gò Vấp (TP.HCM), cho biết từ đầu năm 2023, tình hình kinh doanh trở nên khó khăn do kinh tế suy thoái, cộng thêm quy định phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

"Trước đây, hóa đơn thấp nhất của quán tôi là 4-5 triệu đồng, giờ còn 2-3 triệu đồng. Vào cuối tuần, khoảng 5-6 bàn chi từ chục triệu đồng trở lên. Hiện nay, hóa đơn VIP (từ 10 triệu đồng) chỉ rơi vào dịp lễ lớn như Giáng sinh, Halloween hoặc Tết", anh nói.

Quản lý này cho biết thêm đối với khách hàng chịu chi "đậm", gọi đồ uống liên tục, quán sẽ tặng cuốc xe công nghệ đưa về tận nhà, đôi khi tặng thêm phiếu giảm giá cho lần vui chơi tiếp theo để tăng tỷ lệ quay lại.

Mở một quán bar trên đường Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) từ năm 2022, Nguyễn Tuấn, chủ sở hữu, ghi nhận doanh thu giảm 20% trong 2 năm gần đây. Thời điểm mới mở, doanh thu khá tốt vì tâm lý khách muốn giải khuây sau đợt giãn cách dài, nhưng giai đoạn này kéo dài không lâu.

“Tháng 12 đến tháng 5 là 'thời điểm vàng' của quán bar, nhưng lượng khách không như kỳ vọng. Vào các ngày trong tuần, khách lấp bàn khoảng 60%, tỷ lệ này giảm nếu thời tiết xấu. Một số khách chuyển sang đồ uống không cồn. Nếu gọi đồ uống có cồn, mỗi bàn chỉ vài ly. Thói quen tự chạy xe thì uống ít, đi xe công nghệ thì uống nhiều cũng hình thành", anh thông tin.

quan bar anh 6

Một số thực khách chọn đến bar để tận hưởng bầu không khí sôi động, thoải mái trong khi dùng đồ uống không cồn. Ảnh: Phương Lâm.

Trong khi đó, Lê Ngọc Minh, người sáng lập một quán bar trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), phải nỗ lực tìm điểm mới cho mô hình kinh doanh, nhằm tăng sức cạnh tranh giữa mạng lưới quán bar dày đặc ở quận trung tâm, đồng thời kéo lượng khách mới.

"Tôi thường tổ chức các sự kiện như diện áo dài 20/10, lễ hội hóa trang, tặng son môi cho khách nữ, biểu diễn bartender để khách hứng thú. Gần đây nhất là những đêm hát bội, lần đầu các nghệ sĩ họa mặt và diễn trong bar. Ngoài tạo điểm nhấn riêng, mang lại giá trị cho quán, tôi muốn lan tỏa văn hóa Việt Nam, thu hút thêm khách nước ngoài", Ngọc Minh cho hay.

Bar núp hẻm, kín tiếng lên ngôi

Dựa vào “Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024” của iPOS, quy mô thị trường kinh doanh bar/pub tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có sự tăng trưởng nhẹ, nhưng không đồng đều giữa các khu vực và các mô hình kinh doanh. Đáng chú ý, mô hình hidden bar đang dẫn đầu xu hướng, ngày càng thu hút đông đảo khách hàng trẻ tuổi.

Được biết đến như những quán bar ẩn mình trong những không gian kín đáo, hidden bar mang đến cho khách hàng trải nghiệm giải trí mới lạ, độc đáo. Mô hình này thường nằm trong những con ngõ sâu, góc khuất, thậm chí không biển hiệu, chỉ đón số lượng khách giới hạn,... tạo nên không gian bí ẩn, riêng tư, khác hẳn với những quán bar ồn ào, sôi động.

quan bar anh 7

Những quán hidden bar mang phong cách yên tĩnh, không gian sáng tạo thu hút giới trẻ. Ảnh: Thế Bằng.

Ngoài ra, độ tuổi khách hàng của các quán bar/pub cũng có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, nhóm khách hàng chủ yếu của các quán bar/pub thường là những người đã có công việc và thu nhập ổn định, thuộc nhóm tuổi 24-30 tuổi.

Hiện tại, xu hướng đã có phần thay đổi, giới trẻ 18-25 tuổi đang trở thành nhóm khách hàng tiềm năng với khả năng chi tiêu cao hơn.

Tuy vậy, phần lớn khách hàng vẫn rơi vào độ tuổi 20-30 tuổi. Đây là nhóm người đã có thu nhập, ra trường được vài năm và vẫn chưa lập gia đình, có xu hướng chi tiêu cho sở thích cá nhân.

Theo đánh giá của đại diện iPOS, thị trường bar/pub ở Việt Nam đang trên đà phục hồi, gần như đã quay trở về thời kỳ trước đại dịch với sự xuất hiện của các mô hình mới mẻ và sáng tạo. Mặc dù vẫn còn một số thách thức, đặc biệt là liên quan đến quy định và tâm lý tiêu dùng, ngành bar/pub vẫn cho thấy tiềm năng phát triển lớn trong tương lai gần.

"Với sự thích nghi nhanh chóng của người tiêu dùng và sự phát triển của các dịch vụ gọi xe, chúng tôi tin tác động tiêu cực này dần được giảm thiểu và không còn ảnh hưởng quá nhiều tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp", vị này chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Bạn đang đọc bài viết "Vắng bóng hóa đơn 'VIP', 8 con số cho một lần đi bar" tại chuyên mục Ẩm thực. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.