Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khu vực Đông Nam Bộ

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều cơ hội cho các ngành công nghiệp hỗ trợ tại khu vực Đông Nam Bộ.

Tạ Trung Bách

Trường Đại học Thủ Dầu Một

Email: Bachtt@tdmu.edu.vn

Tóm tắt

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều cơ hội cho các ngành công nghiệp hỗ trợ tại khu vực Đông Nam Bộ. AI giúp tối ưu hóa sản xuất, giảm đến 30% chi phí hoạt động, nâng cao chất lượng và tăng năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đối mặt thách thức về chi phí đầu tư cao, thiếu nhân lực đáp ứng và khó khăn trong tích hợp công nghệ do hệ thống cũ kỹ. Hiểu rõ cơ hội và thách thức sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong khu vực lên kế hoạch ứng dụng AI nhằm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hỗ trợ, cơ hội, thách thức, Đông Nam Bộ

Summary

The development of artificial intelligence (AI) offers opportunities for supporting industries in the Southeast region. AI facilitates production optimization, reduces operational costs by up to 30%, improves product quality, and enhances competitiveness in the global supply chain. However, enterprises face significant challenges, including high investment costs, a shortage of skilled human resources and difficulties in integrating AI due to outdated systems. A comprehensive understanding of both opportunities and challenges will help local supporting industry enterprises effectively develop AI adoption strategies aimed at achieving sustainable development and meeting market demands.

Keywords: Artificial intelligence, supporting industries, opportunities, challenges, Southeast Viet Nam

TỔNG QUAN

Theo J. McCarthy và các cộng sự (2006), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là khoa học và kỹ thuật chế tạo máy móc thông minh, đặc biệt là các chương trình máy tính thông minh. AI không chỉ gói gọn trong khoa học máy tính mà còn là lĩnh vực liên ngành của triết học, tâm lý học, khoa học thần kinh, toán học, điều khiển học, khoa học máy tính, ngôn ngữ học và kinh tế (Hồ Đắc Lộc và Huỳnh Châu Duy, 2020). AI khác biệt so với lập trình logic truyền thống ở chỗ sử dụng các hệ thống học máy (Machine learning) để tái hiện trí thông minh của con người trong những nhiệm vụ mà con người thường vượt trội hơn máy tính. Cụ thể, AI cho phép máy tính sở hữu các khả năng tương tự con người như: tư duy và lập luận để xử lý vấn đề, giao tiếp thông qua việc hiểu ngôn ngữ và giọng nói, cũng như khả năng học hỏi và tự điều chỉnh để thích nghi với các tình huống mới.

AI có thể giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất, tài chính và y tế, giáo dục. Đồng thời, AI còn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế số và tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao. Theo dự báo từ công ty Kiểm toán PwC, AI dự kiến sẽ là yếu tố thay đổi lớn trong tương lai, với tiềm năng giá trị rất lớn. AI có thể đóng góp lên tới 15.700 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, vượt qua tổng sản lượng hiện tại của Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại. Trong đó, 6.600 tỷ USD dự kiến đến từ năng suất tăng lên và 9.100 tỷ USD từ tác động phía tiêu dùng.

Để kịp thời nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, AI nói riêng mang lại, ngày 26/1/2021, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực quan trọng của quốc gia; đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI mạnh, góp phần đẩy mạnh xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, kinh tế vùng Đông Nam Bộ cần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.

Trong chiến lược tăng trưởng của các quốc gia hay khu vực, phát triển công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng. Theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Sang và Huyền (2011) đã chỉ ra rằng thực tiễn ở một số nước trên thế giới đã chứng minh rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ đúng đắn là điều kiện tiên quyết quan trọng để đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp để tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực, đồng thời thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập định tính từ các nguồn đáng tin cậy như Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các công ty kiểm toán và phân tích dữ liệu. Thông tin cũng được thu thập qua nghiên cứu, tìm hiểu của tác giả và các tài liệu nghiên cứu liên quan đến ứng dụng AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Tác giả cũng thu thập dữ liệu thứ cấp tư báo cáo, thống kê của các tổ chức trong và ngoài nước về ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng AI và những đánh giá chủ quan của tác giả, để đưa ra các nội dung của bài viết.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG ỨNG DỤNG AI CHO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TẠI ĐÔNG NAM BỘ

Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhờ vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng hiện đại. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng năm 2024 đạt 3.565.940 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 187,38 triệu đồng/năm, đứng đầu các vùng kinh tế và cao hơn bình quân chung cả nước. Nơi đây tập trung nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện tử, ô tô và cơ khí. Các khu công nghiệp tại Đông Nam Bộ, ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh(*), không chỉ thu hút đầu tư trong nước mà còn là điểm đến của nhiều tập đoàn quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, khu vực này còn nổi bật với lực lượng lao động chất lượng cao và hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và năng động của nền kinh tế.

Đơn cử với riêng ngành ô tô, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng giá trị sản phẩm ô tô tăng lên rất nhanh từ 12% vào năm 2018 lên 25% vào năm 2024. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê, Bộ Tài chính), 3 quý đầu năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 9/2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ ước tính tăng 2,7% so với tháng 8/2024 và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong thời điểm này, Việt Nam sản xuất được 241.400 xe ô tô, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là nhu cầu cần thiết đối với các linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.

Tại tỉnh Bình Dương (cũ), đã có nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới trong số đó điển hình là nhà máy sản xuất túi khí ô tô, bố lốp với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, với diện tích 42 hecta của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc). Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã hình thành liên kết ngành và chuỗi giá trị như sản xuất sợi, dệt nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải để sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Sợi Thiên Nam, Kyung Bang, Polytex Far Eastern...; sản xuất linh kiện, phụ tùng xe đạp để lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp tại Công ty Asama, DDK, SR Suntour, Active... Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nguồn cung. Đây là vấn đề không chỉ đặt ra với các doanh nghiệp FDI mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay.

Do đó, việc ứng dụng AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại khu vực Đông Nam Bộ là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các công nghệ AI như học máy, phân tích dữ liệu và tự động hóa thông minh giúp doanh nghiệp dự đoán nhu cầu thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu lãng phí trong sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, ô tô và cơ khí. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng về công nghệ, và rủi ro liên quan bảo mật dữ liệu.

Cơ hội từ AI

AI giúp tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình sản xuất, từ lập kế hoạch đến vận hành. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ có thể sử dụng AI để dự báo bảo trì (Predictive maintenance) nhằm dự đoán các sự cố tiềm ẩn trước khi xảy ra, giảm thời gian ngừng hoạt động và tiết kiệm chi phí bảo trì; tăng năng suất và hiệu quả khi AI hỗ trợ tự động hóa các tác vụ phức tạp, như diễn giải mô hình thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính (CAD) để tự vận hành mà không cần lập trình chi tiết; kiểm soát chất lượng tự động bằng công nghệ thị giác máy (Machine vision) sử dụng camera độ phân giải cao và AI để phát hiện lỗi sản phẩm nhỏ nhất, đảm bảo chất lượng cao hơn so với kiểm tra thủ công.

AI còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đông Nam Bộ bằng cách tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, dự đoán giá nguyên vật liệu, và giảm lượng hàng tồn kho không cần thiết; hỗ trợ thiết kế sáng tạo (Generative design) để tạo ra sản phẩm tối ưu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước trong khu vực, và thậm chí tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành như ô tô và điện tử.

AI còn cho phép phân tích dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn nhu cầu khách hàng, từ đó tùy chỉnh sản phẩm trên cơ sở các dữ liệu từ khách hàng để thiết kế linh kiện phù hợp với nhu cầu của các công ty lớn như Panasonic hay Samsung, vốn có cơ sở tại Đông Nam Bộ; tiết kiệm chi phí thu thập và phân tích dữ liệu bằng các công cụ Chatbot và trợ lý ảo AI.

Bên cạnh đó là các cơ hội từ sự hỗ trợ từ các chính sách quốc gia và khu vực như Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với Đông Nam Bộ là khu vực trọng điểm triển khai các dự án AI như thành phố thông minh tại TP. Hồ Chí Minh; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ cung cấp hỗ trợ lên đến 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án Nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực AI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đổi mới; hay các chương trình đào tạo liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp công nghệ như FPT, Viettel để phát triển nguồn nhân lực AI phù hợp với nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ.

Một số thách thức

Tuy nhiên các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ phải đối mặt với các thách thức như hạn chế về tài chính khi việc triển khai AI trong hoạt động vận hành đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ (máy chủ, phần mềm, cảm biến IoT), đào tạo nhân lực, và tích hợp hệ thống. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thường thiếu nguồn vốn để chi trả cho những khoản đầu tư này. Theo báo cáo năm 2025 của McKinsey, chi phí triển khai AI có thể chiếm đến 10-20% ngân sách vận hành ban đầu của một doanh nghiệp sản xuất. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại vùng Đông Nam Bộ vốn thường tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn, không sẵn sàng chi tiêu số tiền lớn này do lợi ích của việc ứng dụng AI chỉ thấy rõ trong dài hạn.

Thách thức thứ hai mà doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ gặp phải đó là sự thiếu hụt nhân lực có kỹ năng lập trình và vận hành ứng dụng AI. Mặc dù khu vực Đông Nam Bộ có nhiều trường đại học như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhưng số lượng sinh viên được đào tạo bài bản về AI còn hạn chế, phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao có xu hướng lựa chọn làm việc tại các công ty công nghệ lớn thay vì các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Việc vận dụng AI đòi hỏi đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên sâu về dữ liệu lập trình và quản lý hệ thống này. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thường khó cạnh tranh với các tập đoàn lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực phù hợp.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Đông Nam Bộ vẫn sử dụng các hệ thống sản xuất cũ, thiếu dữ liệu số hóa hoặc không đồng bộ, gây khó khăn trong việc tích hợp AI. Trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực như cơ khí, nhựa, bao bì thường phụ thuộc vào quy trình thủ công hoặc bán tự động, dẫn đến việc triển khai AI chậm trễ. Việc thiếu dữ liệu chất lượng cao hoặc hệ thống Hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP- Enterprise Resource Planning) đồng bộ cũng làm giảm hiệu quả của các giải pháp AI. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp truyền thống và sự kháng cự với thay đổi từ nhân viên cũng là một rào cản lớn.

KẾT LUẬN

Việc ứng dụng AI mang lại cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ hội cải thiện hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các đối tác lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. AI hỗ trợ tối ưu hóa quy trình sản xuất thông qua bảo trì dự đoán, kiểm soát chất lượng bằng thị giác máy, và tự động hóa thông minh, giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất. Với vị trí chiến lược, hạ tầng công nghệ phát triển và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Đông Nam Bộ là môi trường lý tưởng để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tích hợp AI, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và nguồn nhân lực trẻ, giàu kỹ năng số cũng là động lực để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế số hóa.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đông Nam Bộ đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai AI. Chi phí đầu tư ban đầu cao là rào cản lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thiếu hụt nhân lực AI chất lượng cao, do cạnh tranh từ các tập đoàn công nghệ lớn, và khó khăn trong tích hợp AI vào các hệ thống sản xuất lỗi thời, thiếu dữ liệu số hóa, cũng làm chậm quá trình chuyển đổi số.

Để vượt qua những thách thức này, các doanh nghiệp cần lập kế hoạch dài hạn, đầu tư dần vào hạ tầng công nghệ, hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp AI và viện nghiên cứu, đồng thời nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên. Việc xây dựng niềm tin với các đối tác thông qua minh bạch trong ứng dụng AI cũng là yếu tố quan trọng. Nếu triển khai thành công, AI sẽ là “chìa khóa” giúp các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đông Nam Bộ tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí, và nâng cao giá trị gia tăng, góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế vùng trong tương lai.

(*) Nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15.

Tài liệu tham khảo:

1. Ankit Saraf và các đồng sự (2025), The new economics of enterprise technology in an AI world, McKinsey & Company, https://www.mckinsey.com/capabilities/mckinsey-digital/our-insights/the-new-economics-of-enterprise-technology-in-an-ai-world

2. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Hồ Đắc Lộc, & Huỳnh Châu Duy. (2020). Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Diễn đàn Khoa học và Công nghệ. https://vjst.vn/Images/Tapchi/2020/1A/27-1+2A- 2020.pdf

4. McCarthy, J., Minsky, M. L., Rochester, N., & Shannon, C. E. (2006). A proposal for the dartmouth summer research project on artificial intelligence, august 31, 1955. AI magazine, 27(4), 12-12.

5. Sang, L. X., & Huyền, N. T. T. (2011). Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ: Lý luận, thực tiễn và định hướng cho Việt Nam. Chính sách tài chính hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, 1-16.

6. Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 12/2011/QĐ-TTG ngày 24/02/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

7. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

8. Tổng cục Thống kê (2024). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024.

9. VAMA (2024). Báo cáo ngành ô tô Việt Nam 2023.

Ngày nhận bài: 20/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 23/7/2025; Ngày duyệt đăng: 24/7/2025