Ukraine tìm cách "tùy cơ ứng biến" sau khi kho vũ khí Mỹ viện trợ cạn kiệt

() - Ukraine được cho đã đề xuất kế hoạch mới nhằm đối phó với việc dòng vũ khí viện trợ từ Mỹ ngày càng ít dần đi.
Ukraine tìm cách tùy cơ ứng biến sau khi kho vũ khí Mỹ viện trợ cạn kiệt - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Không còn nhiều hy vọng vào việc Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí, Ukraine dường như đang chuẩn bị thử một chiến lược mới: Đề nghị Washington cho phép các nước châu Âu sử dụng ngân sách quốc phòng của họ để mua vũ khí Mỹ, rồi chuyển giao cho chúng cho Kiev, Politico dẫn nguồn 6 nguồn thạo tin cho hay.

Sáng kiến này được thảo luận đúng vào thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ ra lệnh đình chỉ một số lô hàng viện trợ quân sự vốn đã được phân bổ cho Ukraine, bao gồm tên lửa đánh chặn Patriot và đạn pháo nổ mạnh.

Theo các nguồn tin, quyết định này khiến các quan chức cấp cao Ukraine “trở tay không kịp”. Trong khi đó, châu Âu đang cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và tìm kiếm các giải pháp linh hoạt hơn để hỗ trợ Kiev.

Theo kế hoạch, một số chính phủ châu Âu đang xem xét việc mua vũ khí do Mỹ sản xuất từ ngân sách quốc phòng của họ để chuyển giao cho Ukraine. Khoản chi tiêu này có thể được tính vào cam kết ngân sách quốc phòng trong NATO, nhưng hiện chưa có cam kết cụ thể nào.

Thương vụ này vẫn cần có sự chấp thuận từ chính phủ Mỹ, và các điều khoản đang được đàm phán, theo một nguồn tin am hiểu quá trình này.

Trong bối cảnh Mỹ không có dấu hiệu mở rộng hỗ trợ và Nga đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công mùa hè nhắm vào thành phố Sumy ở đông bắc Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky buộc phải thay đổi cách tiếp cận trong việc tìm kiếm nguồn cung vũ khí.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác", một quan chức Ukraine nói.

Một trở ngại tiềm tàng là các hạn chế mà Mỹ thường áp đặt đối với vũ khí của mình khi chuyển giao cho đồng minh. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, Anh từng bị trì hoãn việc gửi tên lửa Storm Shadow cho Ukraine vì có chứa linh kiện của Mỹ. Quan chức Ukraine cho biết một phần của đàm phán sẽ liên quan đến việc dỡ bỏ các rào cản này.

Vũ khí do Mỹ sản xuất thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện và giao hàng cho đồng minh. Tuy nhiên, đối với các hệ thống hiện đại như phòng không, sản phẩm của Mỹ vẫn có hiệu quả nhất định.

Năm 2022, Mỹ đã tài trợ cho Ukraine mua 18 hệ thống HIMARS, nhưng đến nay các vũ khí do Lockheed Martin sản xuất này vẫn chưa được bàn giao. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Trump có chấp thuận đề xuất mua hộ này hay không.

Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hà Lan tuần trước, Tổng thống Trump dường như tỏ ra cởi mở hơn với khả năng cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Kiev, sau cuộc gặp với ông Zelensky bên lề sự kiện.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ Roger Wicker cho hay, ông được biết ông Zelensky đã điều chỉnh đề nghị với Washington, từ viện trợ quân sự sang cho phép châu Âu dùng tiền để mua vũ khí Mỹ.

“Tôi nghe rằng Tổng thống Zelensky hiện không yêu cầu thêm tiền viện trợ từ Mỹ, mà là đề nghị cho phép sử dụng ngân sách châu Âu để mua súng đạn từ chúng ta”, ông nói.

Phía Ukraine chưa phản hồi về thông tin trên.

Sau cuộc gặp với ông Zelensky, ông Trump không loại trừ khả năng gửi thêm hệ thống Patriot.

“Tôi biết họ rất cần các loại tên lửa phòng không và chúng tôi sẽ xem xét khả năng cung cấp”, ông Trump nói.

Tuy nhiên, bất chấp bầu không khí tích cực giữa ông Trump và ông Zelensky, vẫn chưa có động thái rõ ràng nào trong việc cung cấp thêm vũ khí Mỹ cho Ukraine. Vấn đề trở nên cấp thiết hơn khi quyết định tạm dừng chuyển giao đạn dược của Lầu Năm Góc được công bố. Các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại kho vũ khí trong nước đã suy giảm quá mức và ra lệnh đình chỉ một phần.

Trong khi đó, nỗ lực thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine đang bế tắc tại Quốc hội. Gói hỗ trợ gần nhất được thông qua đã từ hơn một năm trước, với tổng giá trị 61 tỷ USD nhằm cung cấp vũ khí cho Ukraine và bù đắp cho kho dự trữ của Mỹ.

Theo một quan chức chính quyền, tính đến tuần này, viện trợ vẫn đang được chuyển cho Ukraine qua Ba Lan và dự kiến kéo dài thêm vài tháng nữa tùy quy mô gói hàng. Các gói này chủ yếu bao gồm đạn pháo, vũ khí bộ binh và tên lửa phòng không, nhưng quyết định đình chỉ đột ngột từ Lầu Năm Góc đã tạo ra sự bất định.

Chính quyền Trump hiện chưa đề xuất gói vũ khí nào mới, trong khi các lãnh đạo Cộng hòa tại Quốc hội đã phát tín hiệu cho thấy viện trợ Ukraine không còn là ưu tiên, dù vẫn có những tiếng nói lưỡng đảng kêu gọi Mỹ tăng cường hỗ trợ.

Trong khi Mỹ tạm ngưng viện trợ, các nước như Anh, Canada và nhiều quốc gia châu Âu đã tăng hỗ trợ Ukraine lên gần 23,5 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, và sẽ cung cấp thêm 40,6 tỷ USD viện trợ quân sự trong phần còn lại của năm, theo Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

Tuy nhiên, năng lực cung cấp vũ khí chiến lược, đặc biệt là phòng không, của châu Âu vẫn còn hạn chế, nhất là khi Nga đã bắn 477 UAV và 60 tên lửa vào lãnh thổ Ukraine chỉ riêng trong ngày cuối tuần vừa qua.

“Xét việc một số loại vũ khí mang tính sống còn đối với chúng tôi chỉ có thể được sản xuất ở Mỹ, chúng tôi và các đối tác châu Âu sẵn sàng mua lại những vũ khí đó”, một quan chức Ukraine khác khẳng định.