
Ông Andrii Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine và là trưởng đoàn đàm phán Ukraine (Ảnh: Pravda).
"Tôi đã nói rằng chúng tôi muốn hòa bình, nhưng bước tiến đó không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi. Nếu mọi thứ phụ thuộc vào Ukraine, cuộc chiến này đã kết thúc từ lâu. Nhưng thực tế là Nga không thực sự muốn chấm dứt hành động của họ. Hơn 50 ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày, chúng tôi đã đồng ý. Tuy nhiên, phía Nga đề xuất một "lệnh ngừng bắn vào Ngày Chiến thắng" kéo dài 3 ngày", ông Andrii Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, nói trong cuộc phỏng vấn với báo Đức Die Zeit được công bố hôm 7/5.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tuyên bố Moscow sẽ ngừng bắn với Ukraine từ ngày 8/5 đến hết ngày 10/5, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Theo đó, Nga sẽ đình chỉ tất cả các hoạt động chiến đấu trong thời gian này. Moscow cũng mong muốn Ukraine tuân thủ lệnh ngừng bắn. Trong trường hợp Ukraine vi phạm, Nga sẽ đưa ra phản ứng tương xứng.
Trước đó, Moscow từ chối đề xuất ngừng bắn toàn diện 30 ngày của Kiev và Washington. Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, Mỹ mong muốn một lệnh ngừng bắn lâu dài và ngay lập tức.
"Chúng tôi sẵn sàng đàm phán. Nhưng chỉ sau khi ngừng bắn hoàn toàn. Đây là lập trường của Ukraine, Mỹ và các đối tác châu Âu của chúng tôi. Chúng tôi không đánh đổi độc lập của mình. Lằn ranh đỏ của chúng tôi là Hiến pháp, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc", ông Yermak cho biết.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận sự kiểm soát lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, chúng tôi là những người thực tế: chúng tôi hiểu rằng một số vấn đề sẽ phải được thảo luận tại bàn đàm phán. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều này, nếu Nga cũng tham gia bàn đàm phán", quan chức Ukraine nhấn mạnh.
Ông Yermak cho biết Ukraine đã chứng minh nước này là một đối tác có trách nhiệm và mang tính xây dựng. Đặc biệt, Ukraine đã ký một thỏa thuận lịch sử với Mỹ, mà ông Yermak mô tả là "nền tảng của an ninh tương lai thông qua nền kinh tế".
Sau những bất đồng căng thẳng, hôm 30/4, Mỹ và Ukraine thông báo ký kết thỏa thuận khoáng sản. Theo đó thỏa thuận cho phép thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine do Ukraine và Mỹ cùng quản lý "trên cơ sở 50/50" và "không bên nào nắm giữ quyền bỏ phiếu áp đảo".
Các quan chức Mỹ coi thỏa thuận này là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ lâu dài của Washington dành cho Ukraine. Theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, viện trợ quân sự trong tương lai từ Mỹ có thể được tính là đóng góp vào quỹ, nhưng viện trợ trước đó không được tính.
Thỏa thuận không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào cho Ukraine. Thay vào đó, thỏa thuận khẳng định "sự liên kết chiến lược dài hạn" giữa hai quốc gia và cam kết Mỹ "hỗ trợ cho an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập của Ukraine vào khuôn khổ kinh tế toàn cầu".
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ngày 7/5 tuyên bố ông "vẫn lạc quan" về khả năng chấm dứt xung đột Ukraine. Ông cho biết Washington đang chờ Kiev và Moscow đồng ý đàm phán trực tiếp với nhau.
"Tôi vẫn chưa bi quan về điều này, tôi không nói rằng Nga "không quan tâm". Điều tôi muốn nói là hiện tại Nga yêu cầu một số nhượng bộ nhất định để chấm dứt xung đột. Chúng tôi nghĩ rằng họ đang yêu cầu quá nhiều", ông Vance nói trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị An ninh Munich ở Washington vào ngày 7/5.
Ông Vance nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông có thể "rời đi" nếu những nỗ lực của Mỹ trong hòa đàm Nga - Ukraine thất bại.
"Bước đi mà chúng tôi muốn thực hiện ngay bây giờ là: chúng tôi muốn cả Nga và Ukraine thực sự đồng ý về một số nguyên tắc cơ bản để ngồi lại và đối thoại với nhau. Rõ ràng Mỹ rất vui khi tham gia vào các cuộc đối thoại này. Nhưng điều rất quan trọng là Nga và Ukraine phải bắt đầu đối thoại với nhau", Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.