
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: AFP).
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn phát sóng trên kênh TF1, ông Macron bảo vệ cách tiếp cận của chính quyền mình đối với cuộc xung đột Ukraine.
Ông nói rằng nước Pháp đã làm "mọi điều tối đa có thể" để hỗ trợ Kiev, trong bối cảnh quân đội Pháp vốn không được tổ chức cho một cuộc chiến trên bộ kéo dài và cường độ cao.
"Chúng tôi đã trao đi tất cả những gì mình có. Nhưng chúng tôi không thể cho đi những gì mình không có, và không thể tự làm suy yếu chính mình bằng cách tước bỏ những thứ cần thiết cho an ninh quốc gia", ông Macron nói.
Ông nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của Pháp, phối hợp cùng các quốc gia phương Tây khác, nhằm tránh một cuộc đối đầu trực diện với một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo cơ sở dữ liệu theo dõi viện trợ của Viện Kiel, Pháp đã cam kết hỗ trợ quân sự hơn 3,7 tỷ euro (tương đương 4,1 tỷ USD) cho Ukraine kể từ khi xung đột leo thang hồi tháng 2 năm 2022. Ông Macron cho biết chính phủ đang nỗ lực mở rộng quy mô ngành công nghiệp quốc phòng trong nước nhằm tiếp tục cung cấp vũ khí.
Những phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Pháp đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế. Thâm hụt ngân sách quốc gia năm ngoái đã lên tới 5,8%, một lần nữa vượt ngưỡng 3% theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu. Nợ công đã vượt 110% GDP, và dự báo tăng trưởng năm 2025 vào khoảng dưới 1%.
Ông Macron cũng tuyên bố Pháp không muốn châm ngòi cho "Thế chiến thứ III" từ cuộc chiến ở Ukraine.
"Chúng ta phải giúp Ukraine tự vệ, nhưng chúng ta không muốn châm ngòi cho Thế chiến thứ ba. Cuộc chiến này cần phải kết thúc, và Ukraine phải ở trong vị thế tốt nhất để bước vào đàm phán", ông nhấn mạnh.
Ông Macron gần đây ủng hộ khả năng triển khai binh sĩ Pháp tới Ukraine nếu hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình, cho rằng động thái này có thể giúp răn đe Nga.
Moscow nhiều lần cảnh báo sẽ không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện nào của NATO tại Ukraine, viện dẫn việc khối quân sự này mở rộng ở châu Âu là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến cuộc xung đột. Nga coi cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm giữa phương Tây và Moscow.
Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine - vốn bị Kiev hủy bỏ vào năm 2022 - dự kiến sẽ được nối lại trong tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine đề nghị Tổng thống Vladimir Putin đích thân tham dự và thúc giục các nước phương Tây áp đặt thêm trừng phạt nếu ông từ chối. Phía Nga hiện vẫn chưa xác nhận thành phần phái đoàn của mình.