Ấn Độ phản bác Trung Quốc đổi tên lãnh thổ tranh chấp chủ quyền

() - Ấn Độ lên tiếng sau khi Trung Quốc đặt tên lại cho một số địa danh ở khu vực mà 2 bên tranh chấp chủ quyền trong nhiều năm qua.
Ấn Độ phản bác Trung Quốc đổi tên lãnh thổ tranh chấp chủ quyền - 1

Một chiếc xe tải chở khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) chạy dọc theo đường cao tốc Tezpur-Tawang ở khu vực Arunachal Pradesh (Ảnh: Reuters).

Ấn Độ ngày 14/5 tuyên bố bác bỏ động thái của Trung Quốc đổi tên một số địa danh tại bang Arunachal Pradesh, nơi 2 nước láng giềng châu Á có đường biên giới chung. New Delhi khẳng định vùng lãnh thổ trên dãy Himalaya này là một phần không thể tách rời của Ấn Độ.

Trung Quốc đã nhiều lần đổi tên các địa điểm tại Arunachal Pradesh trong quá khứ, và vấn đề này từ lâu đã trở thành một yếu tố gây căng thẳng trong quan hệ song phương, đặc biệt sau vụ đụng độ quân sự đẫm máu ở khu vực biên giới phía tây giữa hai nước vào năm 2020.

Tới tháng 10 năm ngoái, Bắc Kinh và New Delhi đã đạt được thỏa thuận rút quân sau 4 năm đối đầu quân sự ở Himalaya phía tây, dẫn đến việc các lực lượng hai bên rút khỏi một số điểm nóng.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Bắc Kinh đã "chuẩn hóa tên gọi một số địa điểm ở Arunachal Pradesh, điều hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc", nhắc lại lập trường quen thuộc của Bắc Kinh.

Trung Quốc tuyên bố Arunachal Pradesh, mà họ gọi là Zangnan, là một phần của Tây Tạng, điều mà New Delhi nhiều lần bác bỏ.

"Việc đặt tên một cách sáng tạo sẽ không thể thay đổi sự thật không thể chối cãi rằng Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal nhấn mạnh hôm 14/5.

Tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã thực hiện một động thái tương tự khi đổi tên khoảng 30 địa điểm tại Arunachal Pradesh, động thái mà Ấn Độ chỉ trích và tái khẳng định khu vực này là một "phần không thể tách rời" của lãnh thổ quốc gia.

Ấn Độ và Trung Quốc có đường biên giới dài 3.800 km vẫn chưa được phân định rõ ràng, và hai nước từng xảy ra một cuộc chiến tranh ngắn nhưng khốc liệt vào năm 1962. Các vụ đụng độ lẻ tẻ giữa binh sĩ hai bên vẫn thỉnh thoảng xảy ra, trong đó có vụ giao tranh năm 2020 khiến 24 binh sĩ từ 2 bên thiệt mạng.